Vietnamdefence.com

 

Ba Lan đầu tư mạnh cho lá chắn tên lửa Mỹ

VietnamDefence - Chính phủ Ba Lan dự định chi 10-14,1 tỷ zloty (3,2-4,5 tỷ USD) cho việc phát triển thành phần hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai ở châu Âu, Cục phó Cục An ninh quốc gia Ba Lan BBN (Biuro Bezpieczeństwa Narodowego), Tướng Stanisław Koziej.

Theo Tướng Koziej, các đầu tư này là cách tốt nhất để bảo vệ trước sự hăm dọa tên lửa từ phía Nga.

Kinh phí tài trợ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ được lấy từ ngân sách quốc phòng Ba Lan năm 2013-2023. Theo dự báo hiện tại của chính phủ Ba Lan, trong thời kỳ này, mức tăng hàng năm của ngân sách quốc phòng Ba Lan sẽ là 0,9-1,6 tỷ zloty, tùy thuộc vào sự tăng trưởng GDP của nước này. Dự kiến, chi phí quân sự Ba Lan trong 10 năm tới sẽ tăng từ 32-45,5 tỷ zloty.

Theo ông Koziej, tên lửa là cách thức hăm dọa chính trị hữu hiệu nhất và Ba Lan đã chịu sự hăm dọa đó từ phía Nga, khi Moskva bắt đầu triển khai các hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander ở Kaliningrad để đáp lại việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu. Năm 2018, Mỹ dự định triển khai trên lãnh thổ Ba Lan các hệ thống tên lửa chống tên lửa SM-3.

Các thần phần của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu sẽ được triển khai trên lãnh thổ một số nước châu ÂU, trong đó có Ba Lan, Romania, Czech, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan và Tây Ban Nha. Về mặt chính thức, NATO nói rằng hệ thống này dùng để ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa có thể xảy ra từ phía Iran và CHDCND Triều Tiên. Cuối tháng 5/2012, các nước NATO đã thỏa thuận khởi động giai đoạn đầu hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu.

Nga thì cho rằng, sự hiện diện của tên lửa chống tên lửa của Mỹ ngay gần biên giới quốc gia Nga có thể phá vỡ cân bằng hạt nhân, vô hiệu hóa khả năng của bộ ba vũ khí hạt nhân Nga và đe dọa an ninh quốc gia của họ. Đáp lại việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, Nga đe dọa triển khai hệ thống tên lửa Iskander ở tỉnh Kaliningrad, có khả năng đột phá mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và tương lai nào.

Nguồn: Gazeta Wyborcza, Nga, 19.10.2012.

Print Print E-mail Print