Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc sao chép máy bay MiG của Nga

VietnamDefence - Không quân Trung Quốc (TQ) đã thử nghiệm thành công máy bay trên hạm mới nhất J-10. Như vậy, TQ đã lần đầu tiên xác nhận không chỉ tính hiện thực của việc xây dựng hạm đội tàu sân bay của họ mà cả khả năng độc lập sản xuất máy bay tiêm kích trên hạm. Sự kiện này có thể coi là sự thách thức trực tiếp với Nga và Mỹ.

Máy bay đã cất và hạ cánh lên boong tàu sân bay Thi Lang, tên vị đô đốc TQ đã đánh chiếm Đài Loan năm 1861. Trước đây, Thi Lang là tàu tuần dương chở máy bay Varyag của Liên Xô được Ucraina bán cho Bắc Kinh vào cuối thập niên 1990. Varyag đỗ ở bến cảng Đại Liên từ năm 2002.

Trong suốt thời gian này, TQ ráo riết sửa chữa và hiện đại hóa tàu này. Bắc Kinh không giấu giếm ý đồ sử dụng tàu sân bay của của Liên Xô làm phương tiện kiểm nghiệm các công nghệ đóng tàu sân bay của TQ. Khó khăn duy nhất để thực hiện các kế hoạch này là việc không có máy bay có khả năng hạ cánh lên tàu sân bay, cũng như kinh nghiệm đào tạo phi công tàu sân bay.

Hãy tìm ra 10 khác biệt: J-11B của TQ (trái) và Su-27 của Nga (phải)

Trong suốt thời gian đó, TQ đã cố gắng thu thập các công nghệ cần thiết từ Nga. Năm 2003, TQ đã ký hợp đồng sản xuất theo giấy phép Su-27SK tại TQ. Nhưng cuối cùng, TQ chỉ mua một nửa trong số 200 bộ linh kiện đã đặt mua với cớ Su-27 có khả năng chiến đấu thấp. Và họ tập trung vào dự án J-11B của mình. Ngoài ra, tất cả đều biết rằng, J-11B sao chép ở mức độ lớn các máy bay Su-27/30 của Nga.

Đồng thời, TQ với sự hỗ trợ của Nga đã chế tạo được 2 loại máy bay cạnh tranh với MiG-29 là J-10 và FC-1. Thế là xong việc. TQ đã nhận được các công nghệ đã đưa trình độ công nghệ của họ tiến bộ 20-25 năm về phía trước.

Mặc dầu vậy, Cơ quan Liên bang về Hợp tác KTQS (FSVTS) của Nga vẫn đồng ý việc tiếp tục cung cấp cho Bắc Kinh các công nghệ then chốt. Họ đã cho phép cung cấp và tái xuất sang các nước thứ ba các động cơ máy bay tối tân RD-93 của Nga (được trang bị cho các máy bay MiG).

- Tháng 1.2009, Nga ký tiếp với TQ hợp đồng cung cấp 122 động cơ AL-31FN để lắp cho các máy bay tiêm kích J-10, - Phó TGDD hãng FGUP Rosoboronoeksport Aleksandr Mikheyev cho biết. - Ngoài ra, Nga đang đàm phán với công ty AVIC (TQ) để ký hợp đồng mới cung cấp 100 động cơ RD-93 lắp cho các máy bay tiêm kích FC-1 (đối thủ trực tiếp của MiG-29. - Izvestia) của TQ.

TQ cũng có trong tay radar hàng không tối tân nhất Zhemchug của Nga do Liên hiệp Fazotron phát triển. Radar này là biến thể của radar hàng không Zhuk vừa mới được đề xuất lắp cho máy bay tiêm kích tối tân MiG-35 của Nga. Ucraina cũng góp phần khá lớn vào việc xây dựng hải quân TQ. Họ đã bán cho Bắc Kinh không chỉ tàu Varyag đóng dở với giá 20 triệu USD và cung cấp bộ tài liệu kỹ thuật đi kèm mà còn cung cấp cho TQ 1 trong các mẫu thử nghiệm máy bay trên hạm Su-33.

- Hiện nay, TQ dự định làm việc với chúng tôi không phải ở hướng mua sản phẩm cuối cùng của công nghiệp quốc phòng mà mua các công nghệ cao vẫn còn nhiều ở Nga, - PGĐ thứ nhất FSVTS Aleksandr Fomin thừa nhận. Ông cũng nhận xét rằng, TQ hiện chủ yếu dựa vào việc tiến hành các công tác nghiên cứu mà họ quan tâm.

- Điều đó dĩ nhiên là có lợi cho chúng tôi, nhưng chúng tôi muốn không phải là những mẩu nhỏ đơn lẻ mà là một công việc nào đó có kế hoạch, - Vyacheslav Dzirkaln, đồng nghiệp của Fomin ủng hộ ý kiến của ông này. - Nếu nói về các công việc thiết kế-thử nghiệm thì đó không được là các công việc lẻ tẻ, bộ phận, mà là các dự án tổng thể.

Nhưng vấn đề là các hãng chế tạo máy bay TQ tiến hành hợp tác với Nga theo lịch trình của riêng họ và đến nay họ đã giải quyết thành công các nhiệm vụ của mình chức không phải các nhiệm vụ của Nga.

- Vấn đề sao chép vũ khí trang bị của Nga vẫn là bức thiết đối với chúng tôi, - Dzirkaln thừa nhận. - Năm ngoái, hai bên đã ký thỏa thuận bảo vệ tác quyền và tôi hy vọng nó sẽ giúp chúng tôi giải quyết các vấn đề tranh cãi liên quan đến việc sao chép trái phép vũ khí của chúng tôi.

Những hy vọng đó dường như không có cơ sở. Tờ Izvestia ngày 17.11.2009 đã viết rằng, TQ đang đề xuất bán giấy phép sản xuất máy bay tiêm kích FC-1 cho Pakistan. Bắc Kinh có kế hoạch trong thời gian tới sản xuất không dưới 2.000 máy bay tiêm kích tối tân cho không quân TQ và xuất khẩu.

Họ đã xác định được các khách hàng: Bangladesh, Li-băng, Iran, Malaysia, Maroc, Nigeria, Sri-Lanka và Algeria - những khách hàng truyền thống mua máy bay Nga. Thậm chí, TQ sẵn sàng cung cấp dịch vụ bảo dưỡng các máy bay Su-30MKM của Malaysia.

Trong năm 2009, theo lời GĐ FSVTS Mikhail Dmitriev, Nga đã xuất khẩu 7,5 tỷ USD, chiếm một phần đáng kể trong số đó là máy bay chiến đấu. Nếu như TQ tiếp tục tiến nhanh như thế thì điều đó có thể trở thành một trong thành công cuối cùng của Nga trên thị trường vũ khí.

  • Nguồn: Izvestia, MP - 28.12.09.

Print Print E-mail Print