Vietnamdefence.com

 

H-6K mang tên lửa hành trình chiến lược - kỷ nguyên mới của không quân Trung Quốc

VietnamDefence - Trung Quốc (TQ) đã chính thức xác nhận việc đưa vào trang bị loại máy bay ném bom mới nhất của họ là H-6K ngay trong dịp kỷ niệm 60 năm quốc khánh TQ. Nhưng những thông tin đầu tiên về máy bay này (kể cả hình ảnh) đã có trên các nguồn công khai và các website TQ từ cuối năm 2006, đầu năm 2007. Thông tin về máy bay ném bom này vẫn còn rất ít. Phần lớn nó bị lấn át bởi các loại máy bay khác được ca ngợi nhiều hơn của TQ, trong đó có J-10, J-11 và FC-1.

Sự phớt lờ này hoàn toàn không hợp lý. Đối với không quân chiến lược TQ, H-6K là có tính đột phá hơn nhiều so với J-10, J-11 hay Su-27 đối với không quân chiến thuật. Đây thực tế là máy bay ném bom chiến lược thực sự đầu tiên của TQ với tính năng cho phép máy bay hoàn toàn thích hợp cho chiến tranh hiện đại.

H-6K mang tên lửa hành trình chiến lược CJ-10A

Máy bay có tầm bay xa hơn, động cơ mới, khung máy bay mới và thiết bị điện tử hàng không cải tiến. Đây cũng là máy bay đầu tiên của TQ được trang bị tên lửa hành trình tầm xa tương đối tiên tiến có thể phóng từ ngoài tầm hỏa lực phòng không đối phương.

Máy bay ném bom này dường như đã được TQ đặt biệt danh là Thần chiến tranh - cái tên này được ghi bên cạnh một trong những tấm ảnh đầu tiên chụp H-6K trên các website TQ.

H-6K được phát triển từ H-6, biến thể do TQ sản xuất của máy bay Tu-16 Badger của Nga. TQ đã có một số cải tiến đối với mẫu máy bay cũ trong thập niên 1970-đầu thập niên 1990, trong đó có thiết bị dẫn đường, ngắm bắn và các hệ thống thông tin liên lạc tốt hơn. Họ đã chế tạo biến thể hải quân H-6D mang tên lửa chống hạm. TQ cũng có những nỗ lực nhằm trang bị động cơ mới cho máy bay (dự án H-6I), nhưng đã không thành công.

Trong thập niên 1990, H-6 vẫn là mẫu máy có khả năng hoạt động khá tốt khi dùng làm máy bay mang tên lửa chống hạm. Tuy nhiên, lực lượng máy bay ném bom mặt đất của TQ rõ ràng đang trong khủng hoảng. Vũ khí duy nhất của lực lượng này chỉ là bom rơi tự do và cơ hội để các máy bay ném bom này đột phá qua được hệ thống phòng không đối phương là cực nhỏ.

Tất cả các biến thể H-6 đều có tầm không đủ xa, điều đặc biệt lo ngại khi mà tầm hoạt động của máy bay tiêm kích hiện đại ngày càng tăng và việc tiếp dầu trên không được ứng dụng rộng rãi.

Một số phân tích của TQ trong thập niên 1990 lập luận rằng, không nên duy trì đội máy bay H-6 sau khi xuất hiện máy bay tiêm kích Su-30 có khả năng tiếp dầu trên không.
 
Biến thể H-6H xuất hiện vào cuối thập niên 1990 là nỗ lực đầu tiên của TQ để giải quyết vấn đề đó. H-6H chỉ mang 2 tên lửa hành trình KD-63 chế tạo dựa trên tên lửa chống hạm C-601, được cải tiến để tấn công mục tiêu mặt đất. Tên lửa này đã lỗi thời và chỉ có tầm 200 km, nên phi công có ít cơ hội thực hiện nhiệm vụ của mình khi phải đối phó với các hệ thống phòng không hiện đại.

Tầm bay của máy bay ném bom vẫn là một vấn đề. Tất cả những yếu tố đó đòi hỏi phải có sự nâng cấp triệt để H-6. Dự án H-6K bắt đầu năm 2000 và chuyến bay thử đầu tiên được tiến hành tháng 1.2007.

Khác biệt chính của H-6K, do Công ty chế tạo máy bay Tây An sản xuất, so với các biến thể trước đó là được trang bị các động cơ turbine quạt D-30KP-2 của Nga. Chúng thay thế cho động cơ turbine phản lực WP-8, vốn là bản sao chép của động cơ cũ AM-3M của Liên Xô, loại động cơ nguyên bản của Tu-16.

Các động cơ mới do hãng NPO Saturn chế tạo, có công suất mạnh hơn và hiệu quả hơn về nhiên liệu. TQ trước đây đã mua các động cơ này cho lực lượng máy bay Il-76 của họ. Tháng 3.2009, xuất hiện tuyên bố nói rằng, TQ đã ký hợp đồng mua 55 động cơ D-30KP-2, kèm theo một phương án mua bổ sung 33 động cơ nữa. Lý do chính thức là mua các động cơ này “cho các máy bay [Il-76] hiện có của TQ”.

Song không quân TQ chỉ có 14 máy bay vận tải Il-76  và 5 máy bay báo động sớm KJ-2000 (biến thể cải tiến của A-50I, còn A50-I là biến thể cải tiến của máy bay báo động sớm Il-76). Kế hoạch mua thêm 38 máy bay vận tải Il-76 và máy bay tiếp dầu trên không Il-78 theo hợp đồng năm 2006 đã đổ vỡ vì Nga không có khả năng cung cấp. Rõ ràng là TQ không ký hợp đồng lớn như vậy mua động cơ D-30KP-2 vì họ nghĩ rằng, phần lớn các máy bay Il-76 hiện có bất ngờ gặp vấn đề về động cơ. Các động cơ này rõ ràng được chủ định mua cho các máy bay H-6K.

Để dùng được động cơ mới, cửa hút động cơ của H-6K có đường kính lớn hơn nhiều và có hình dáng rất khác với các biến thể đầu của H-6 hay Tu-16. Đây là đặc điểm khác biệt rõ nhất ở hình dáng bên ngoài của H-6K. Mục đích chính để thay thế động cơ là tăng tầm cho máy bay ném bom. Báo chí TQ nói rằng, H-6K có tầm chiến đấu 3000-3500 km, tuy nhiên điều này đến nay chưa được xác nhận chính thức.

TQ đang cố gắng chấm dứt sự phụ thuộc vào động cơ máy bay của Nga. Với mục đích đó, họ đang phát triển động cơ turbine quạt WS-18, bản sao chép trái phép của D-30KP-2, mà TQ dự định lắp cho các máy bay vận tải hạng nặng tương lai của họ. WS-18 bắt đầu được thử nghiệm năm 2007 tại một cơ sở của Tập đoàn Chengfa (Nhà máy 420 trước đây ở Thành Đô).

Hiện chưa rõ động cơ này đã sẵn sàng cho sản xuất loạt hay chưa. Các chương trình chế tạo động cơ máy bay của TQ vốn có tiếng là hay trễ tiến độ và thường mất quá nhiều thời gian để đạt được thông số kỹ thuật đặt ra.

Phần mũi H-6K được sửa đổi hoàn toàn. Biến thể mới không có cabin cho hoa tiêu và các ô kính đi cùng. Do đó, mũi máy bay trở nên ngắn hơn, tỷ lệ thay đổi đáng kể so với tất cả các biến thể trước đó của họ H-6. Thay vào chỗ cabin của hoa tiêu, H-6K có vòm che một radar “kiểu mới” tính năng cao (đến nay vẫn không có thêm thông tin chi tiết). Vì thế máy bay không có vòm che ở bụng máy bay, bên dưới cabin hoa tiêu vốn thấy rất rõ ở H-6H và các biến thể hải quân của H-6. Một số bức ảnh cho thấy buồng lái máy bay mới có thiết kế bọc kính mới đã được đăng tải trên các website TQ. Hiện chưa có thông tin về thiết bị điện tử hay tác chiến điện tử của H-6K.

H-6K có 6 mấu treo ở cánh để lắp tên lửa hành trình CJ-10A, biến thể phóng từ máy bay của CJ-10, có tầm 2000 km (có nguồn nói 2200 km). Một số thông tin nói rằng, máy bay có thể mang quả tên lửa thứ bảy lắp trên mấu treo ở giữa máy bay.

H-6K dường như không có khoang bom - không gian này được dùng để chưa dầu bổ sung và trang thiết bị điện tử. Một số chuyên gia cho rằng, trong tương lai H-6K sẽ được trang bị tên lửa chống hạm hạng nặng YJ-62 tầm bắn trên 300 km được thiết kế dựa trên CJ-10. Điều này tạo ra triển vọng chế tạo biến thể hải quân của H-6K với thiết bị điện tử hàng không đặc biệt.

H-6K mang tên lửa hành trình chiến lược CJ-10A

Họ tên lửa YJ-62/CJ-10 được cải tiến từ tên lửa hành trình mặt đất Honhniao (Chim đỏ) của TQ. Thiết kế của nó dường như sử dụng một số chi tiết của tên lửa hành trình Kh-55 (AS-15) của Liên Xô. TQ dã mua được một số Kh-55 từ Ukraine năm 1999-2001. Cũng có thể, Ukraine đã có vai trò nào đó trong dự án CJ-10, ở những lĩnh vực như sản xuất động cơ và các hệ thống dẫn đường.

Ngoài ra, sau cuộc tấn công thất bại bằng tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ nhằm vào các mục tiêu của Taliban ở Afghanistan năm 1999, TQ đã mua lại được một số tên lửa Tomahawk không nổ rơi xuống Pakistan và Afghanistan.
Thông tin lấy được từ các tên lửa Tomahawk này được sử dụng trong dự án CJ-10/YJ-62. Các thông tin gần đây cho rằng, hiện tại các tên lửa này không được trang bị đầu đạn hạt nhân, thay vào đó, chúng được sử dụng cho các đòn tấn công phẫu thuật.

Dự kiến khi được trang bị các tên lửa mới, H-6K có thể tấn công các mục tiêu mặt đất ở cự ly ít nhất 5000km. Điều đó khiến H-6K trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Và khi được lắp tên lửa YJ-62, máy bay còn có thể đe dọa hải quân Mỹ và đồng minh trong khu vực - một khi H-6K được sản xuất với số lượng đủ lớn.

Được trang bị tên lửa hành trình chính xác cao, H-6K có thể trở thành phương tiện hiệu quả để tiến hành cuộc tiến công phủ đầu chống lực lượng răn đe hạt nhân nhỏ và sơ hở của Ấn Độ. Mối đe dọa này có thể sẽ buộc Ấn Độ lao vào chương trình tốn kém nâng cấp hạ tầng hạt nhân và phòng không của mình.

TQ đang sửa đổi học thuyết hạt nhân của họ và sản xuất biến thể mới mang đầu đạn hạt nhân của tên lửa CJ-10A. Không quân chiến lược TQ có thể trở thành bộ phận cấu thành bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược có độ linh hoạt cao và mạnh mẽ.

Nhìn chung, TQ đang có khuynh hướng tin rằng, máy bay ném bom mới H-6K của họ có tính năng gần như máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 Backfire của Nga. H-6K đang trở thành xương sống của lực lượng máy bay ném bom TQ và sẽ có vai trò trong một thời gian dài không xác định cho đến khi ngành hàng không vũ trụ TQ có thể đưa ra cho quân đội TQ một máy bay tầm xa hoàn toàn mới do TQ tự thiết kế.

  • Nguồn: Strategic Cruise Missile Carrier H-6K - A New Era for Chinese Air Force / Vasiliy Kashin // MDB #4 (18), 2009 - Centre for Analysis of Strategies and Technologies (CAST), Russia, Moscow (mdb.cast.ru).

Print Print E-mail Print