Vietnamdefence.com

 

Tương lai nào cho xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc

VietnamDefence - Sự suy giảm hợp tác công nghiệp quốc phòng (CNQP) Nga-TQ bắt đầu năm 2004-2005 và tiếp diễn sang năm 2009. Cho đến 5-6 năm trước, TQ là khách hàng nhập khẩu lớn nhất của vũ khí Nga, chiếm khoảng 40% tổng lượng vũ khí Nga xuất khẩu trong giai đoạn 1992-2004. Trong một số năm, con số đó đạt đến 55-60%.

Song sau năm 2004, lượng vũ khí Nga bán sang TQ giảm mạnh. Tín hiệu đầu tiên là quyết định của Bắc Kinh không mua tiếp 95 bộ linh kiện máy bay tiêm kích 95 Su-27SK Flanker để lắp ráp theo giấy phép ở Thẩm Dương. TQ đã nhận được 105 bộ linh kiện trong các năm 1998-2004.

Mời bạn tìm ra 10 điểm khác biệt: J-11B của TQ (trái) và Su-27 của Nga (phải)


Nhưng nay sau khi khởi động sản xuất loạt J-11 (tên TQ đặt cho Su-27SK lắp theo giấy phép) và giải quyết được những vấn đề khó khăn về chất lượng, kế hoạch của TQ rõ ràng là giảm việc lắp ráp theo giấy phép để sản xuất biến thể sao chép tự chế tạo. Báo chí đã có tin nói rằng, động cơ và radar của biến thể mới J-11B là “do TQ tự thiết kế và sản xuất”.
Hy vọng của Nga rằng, TQ sẽ đặt hàng lô thứ hai máy bay tiêm kích Su-30MK2 dùng cho hải quân cũng tan vỡ. 24 chiếc máy bay đầu đã được chuyển giao năm 2004. Nga đã hy vọng hải quân TQ sắp tới sẽ đặt mua thêm các máy bay có khả năng tác chiến chống tàu mạnh này.

Nhưng nay thì điều đó khó có thể xảy ra. Hợp đồng cuối cùng được biết mua máy bay Nga của TQ là hợp đồng năm 2005 mua 34 máy bay vận tải quân sự Il-76MD Candid và 4 máy bay tiếp dầu Il-78MK Midas. Song chỉ sau 1 năm, hợp đồng bị bãi bỏ vì Nhà máy sản xuất máy bay Tashkent không có khả năng sản xuất máy bay để cung cấp. Họ đã hết nguồn linh kiện dự trữ từ thời Liên Xô, giá thành thì bị định giá thấp và bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của đồng đô la.

Điều đó có nghĩa là hợp đồng cuối cùng bán máy bay hoặc tàu chiến của Nga cho TQ đã được thực hiện xong từ năm 2003. Từ đó đến nay, đa số các hợp đồng mới hoặc chỉ là hiện đại hóa máy bay do Nga chế tạo hoặc mua vũ khí hàng không và động cơ máy bay mới, cũng như vũ khí hải quân và các hệ thống phòng không. Một ngoại lệ nổi lên là các trực thăng vận tải và đổ bộ Mi-17 Hip, cũng như các trực thăng chống ngầm hải quân Ka-28 Helix - TQ vẫn tiếp tục mua các trực thăng này. Nhưng tổng doanh thu từ các hợp đồng với TQ đã giảm mạnh.

Theo ông Sergey Chemezov, Tổng giám đốc hãng xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboroneksport, giá trị các đơn đặt hàng của TQ với công ty này chỉ là 200 triệu USD vào năm 2006. Các nhà xuất khẩu vũ khí khác của Nga - chủ yếu là Viện thiết kế Sukhoi vốn được quyền xuất khẩu linh kiện và phụ tùng trực tiếp mà không cần qua công ty trung gian - có thể đã ký được các hợp đồng trị giá 300 triệu USD với TQ, nâng tổng giá trị hợp đồng năm 2006 lên tới 500 triệu USD.

Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (CAST) của Nga ước tính lượng vũ khí bán cho TQ năm 2007 trong khoảng 700-800 triệu USD, hoặc 5,5-6% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Nga. Điều đó có nghĩa là với tư cách khách hàng nhập khẩu vũ khí Nga, TQ đã bị vượt qua bởi Ấn Độ (chiếm ít nhất 45% các hợp đồng năm 2007, và khoảng 30% năm 2008), Algeria (18 % năm 2007), Syria (9% năm 2007).

Điều gì đã xảy ra?

Có 3 nguyên nhân khiến hợp tác CNQP Nga-TQ suy giảm mạnh:

  1. CNQP TQ hiện đã có khả năng sản xuất các hệ thống vũ khí thế hệ 3 và 4 mà nước này phải nhập từ Nga trước đây;
  2. TQ mất vị trí là khách hàng nhập vũ khí Nga cực kỳ quan trọng sau khi Moskva ký các hợp đồng lớn với Algeria và Venezuela năm 2006, và TQ đẩy mạnh các chương trình mua sắm vũ khí chế tạo nội địa;
  3. Moskva cảnh giác trong việc cho phép TQ mua các vũ khí thế hệ 4+ và 4++ tiên tiến hơn của Nga.
  4. Một yếu tố quan trọng khác, tuy có tính cục bộ, là việc Nhà máy sản xuất máy bay Tashkent đã cạn kiệt lượng linh kiện dự trữ thời Liên Xô. Vì thế, hợp đồng năm 2004 cung cấp 38 máy bay Il-76 đã đổ vỡ.

Trong thập niên 1990, hợp tác CNQP Nga-TQ là cực kỳ cần thiết đối với cả hai bên. Sau khi châu Âu áp đặt cấm vận vũ khí đối với Bắc Kinh, Nga hầu như là quốc gia duy nhất sẵn lòng và có thể bán vũ khí và công nghệ hiện đại cho TQ. Chỉ có Israel cùng đưa tranh với Moskva để kiếm tiền từ TQ trong lĩnh vực này. Song Israel cũng bị trói tay do dự phụ thuộc cả về tài chính và quân sự đối với Mỹ.

Mỹ không muốn thấy Bắc Kinh được trang bị những vũ khí tối tân nhất. Israel đã phải hủy hợp đồng bán cho TQ radar Phalcon lắp trên máy bay sau khi Washington gây áp lực. Trước đó, Israel cũng buộc phải ngừng tham gia chương trình máy bay tiêm kích J-10 của TQ. Bởi vậy, chỉ có Nga có thể giúp TQ thực hiện bước nhảy vọt từ vũ khí thế hệ 2 đến thế hệ 3 và 4.

Trong khi đó, các nhà thiết kế và sản xuất vũ khí thông thường của Nga lại phụ thuộc tới 30-50% doanh thu vào các hợp đồng của TQ. Bắc Kinh đã trở thành khách hàng không thể thiếu của Nga về mặt này. Nếu không có các đơn đặt hàng của TQ, CNQP Nga sẽ không sống sót nổi qua thập kỷ 1990. Các hợp đồng của Ấn Độ, tuy rất quan trọng, sẽ là không đủ.

Nhưng vào giữa thập kỷ này, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Nga không còn là người chơi duy nhất trên thị trường công nghệ vũ khí của những năm 1980 ở TQ. Nay thì họ đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ phía CNQP TQ vốn đã thực hiện một cuộc chuyển đổi công nghệ tuyệt vời trong khoảng 15 năm. Các chuyên gia Nga được tận mắt quan sát các cơ sở chế tạo máy bay, động cơ và đóng tàu của TQ tất cả đều nhất trí rằng, chúng được xây dựng theo tiêu chuẩn thế giới. Tài nghệ và sự tinh thông chuyên môn của các nhà khoa học, các nhà thiết kế và kỹ sư TQ đều tiến bộ nhảy vọt. Và trên hết là ngay khi người TQ chạm tay vào các hệ thống vũ khí của Nga là họ lập tức cố gắng sao chép chúng.

Ngoài J-11B, họ đã cố gắng sao chép trái phép hệ thống TLPK S-300P (SA-10/SA-20), các hệ thống TLPK hải quân và động cơ máy bay. Hiện tại, họ chưa có nhiều cái để trưng bày kết quả những nỗ lực của họ. Song họ đã thành công trước đó trong việc sao chép và sau đó là cải tiến liên tục công nghệ Liên Xô thế hệ 2 (đặc biệt là máy bay tiêm kích MiG-21 Fishbed). Sớm hay muộn, họ cũng sẽ sao chép được những hệ thống vũ khí mới hơn.

Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu đã 5-6 năm nay vận động dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với TQ. Bắc Kinh vì thế hy vọng rằng, không lâu nữa họ sẽ tiếp cận được các công nghệ vũ khí mới nhất của châu Âu.

Vào năm 2005-2006, họ đã mua được nhiều loại vũ khí thế hệ 4 mà họ muốn, kể cả máy bay và các hệ thống vũ khí hải quân. Nay thì họ đòi hỏi công nghệ tiên tiến hơn từ các nhà cung cấp tương lai. Họ cũng nhất quyền đòi mua chỉ một số lượng nhỏ của từng hệ thống vũ khí và ưu tiên cho việc nhập khẩu bí quyết hơn là thành phẩm. Và khác với Ấn Độ, TQ không mấy hào hứng với chuyện hợp tác phát triển, sản xuất và tiếp thị các hệ thông vũ khí thế hệ mới.

Tình hình ở chính nước Nga cũng thay đổi đến khó nhận ra. Nước Nga đã trở nên mạnh hơn cả về chính trị và kinh tế. Nga đã trở thành một thế lực hùng mạnh trên sân khấu thế giới và có thêm những người bạn mới ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Điều đó dẫn đến sự đa dạng hóa đầy ấn tượng hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga mà trước đây chỉ bó hẹp chủ yếu ở TQ và Ấn Độ.

Năm 2003, Moskva đã ký các hợp đồng trị giá tới 2 tỷ USD với 3 nước Đông Nam Á là Malaysia, Việt Nam và Indonesia. Hai hợp đồng lớn đã được ký năm 2006 với Algeria và Venezuela, trị giá tới 11 tỷ USD. Có dấu hiệu Nga đã giành được những hợp đồng lớn với các nước Trung Đông vào năm 2006-2007.

Hiện tại danh sách các bạn hàng quốc phòng của Nga đã trở nên rất dài và TQ nay đang ở gần cuối danh sách này. Thực ra thì các hợp đồng ký được chồng chất quá nhiều đến nỗi các nhà cung cấp Nga có thể gặp khó khăn trong việc giao hàng.

Trong những năm 1990, trung bình mỗi năm các nhà cung cấp Nga có được các hợp đồng trị giá khoảng 7 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2007, con số này đã vọt lên tới 32 tỷ USD. Trong khi đó năng lực của CNQP Nga may lắm chỉ là ổn định và thực tế có thể suy giảm so với thập kỷ trước.

Kết quả là nhiều nhà thầu (trong đó có Irkut, Almaz-Antey và các nhà sản xuất trực thăng) đã hoàn toàn đủ tải theo hợp đồng cho đến tận năm 2012. Và đây chính là những công ty sản xuất ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh nhất của Nga trên thị trường vũ khí thế giới. Điều này tình cờ có thể là một trong những nguyên nhân cho sự tiến bộ chậm chạp trong các cuộc đàm phán xuất khẩu vũ khí với Libya và Saudi Arabia. Song có thể các hợp đồng của TQ không còn quá quan trọng đối với CNQP Nga nói chung, mặc dù việc thiếu các hợp đồng này đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với một số nhà cung cấp đơn lẻ.

Trong tình hình đó, các vị tướng Nga hoàn toàn đúng đắn khi phản đối việc chuyển giao những hệ thống vũ khí tiên tiến hươn và đặc biệt là công nghệ cho TQ. Sự mất cân đối về tiềm lực của hai nước đang ngày càng tăng và đây là một lý do xác đáng để giới tinh hoa quân sự và cộng đồng chuyên gia Nga lo lắng.

Trước đây, các hợp đồng của TQ là phương tiện để ngăn chặn đà suy thoái của CNQP Nga. Sự suy thoái đó là mối đe dọa nghiêm trọng hơn nhiều so với sức mạnh quân sự gia tăng của TQ. Nhưng hiện nay, các nhà thầu quốc phòng Nga làm ăn tốt hơn nhiều dù không có tiền của TQ. Kỷ nguyên của những hợp đồng lớn từ TQ dường như đã kết thúc với vũ khí Nga.

  • Nguồn: Tương lai nào cho xuất khẩu vũ khí của Nga sang TQ (Russian Exports to China: What the Future Holds) / Konstantin Makienko // MDB #4 (18), 2009 - Centre for Analysis of Strategies and Technologies (CAST), Russia, Moscow (mdb.cast.ru).

Print Print E-mail Print