Vietnamdefence.com

 

Barack Obama cảnh báo Trung Quốc: Mỹ sẽ không thể ngăn Israel tấn công Iran

VietnamDefence - Theo thông tin báo chí, TT Mỹ Barack Obama đã cảnh báo Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào rằng, ở giai đoạn nhất định, Mỹ sẽ không thể ngăn Israel tấn công phủ đầu vào các mục tiêu tên lửa và hạt nhân của Iran.

Tờ báo Ha'aretz (Israel) ngày 17.12.2009 cho hay, lời cảnh báo đó đã được TT Mỹ đưa ra 1 tháng trước trong chuyến thăm tới TQ. Obama kêu gọi TQ ủng hộ các biện pháp trừng phạt Iran nếu nước này vẫn phớt lờ sự quan ngại của phương Tây về chương trình hạt nhân của họ.

Tuy nhiên, chắc chắn Iran sẽ không chịu từ bỏ chính sách khoe khoang và thổi phùng khả năng quân sự của mình. Chính phủ Iran, các cơ cấu quân sự và tình báo vẫn bị trói buộc bởi những ảo tưởng là sẽ trụ vững sau một cuộc đối đầu quân sự.

Thực ra, Iran hoàn toàn không có khả năng bảo vệ không phận và các mục tiêu chiến lược của mình trước một cuộc tấn công của Israel, chứ chưa nói đến một hành động quân sự từ phía Mỹ.

Phòng không (PK) đã hoàn toàn lạc hậu và không thể chống trả một cuộc tấn công của Israel và Mỹ. Không quân các nước này có thể dễ dàng đột phá hệ thống PK của Iran. Nước này thiếu các hệ thống vũ khí hiện đại, không có khả năng phối hợp sử dụng các vũ khí đó và không có hệ thống chỉ huy tác chiến hiệu quả.

Trong báo cáo hồi tháng 5.2009 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (US Center for Strategic and International Studies - СSIS) có tên “Nghiên cứu khả năng một cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu hạt nhân của Iran” có đưa ra kết luận rằng, Iran không có cơ hội nào ngăn chặn cuộc tiến công và nếu “không có các hệ thống vũ khí
PK của Nga, Iran chỉ là con vịt ngồi” (Without Russian air defense systems, Iran is a sitting duck).

Hiện có những thông tin chưa được xác nhận nói rằng, trong cuộc tập trận 5 ngày tiến hành hồi tháng 11.2009, PK Iran đã bị thất bại hoàn toàn. Các nguồn tin ở Cận Đông cho hay, không quân và các đơn vị PK Iran tỏ ra không có khả năng bảo vệ không phận trước các máy bay tấn công của đối phương.

Hải quân Iran sẽ buộc phải hạn chế ở các hành động nhỏ chống hải quân các nước đồng minh ở vịnh Persique, còn lục quân Iran không có đường biên giới chung với Israel để tổ chức tấn công bằng các binh đoàn xe tăng chống bên xâm lược. Điều tất yếu xảy ra là bất kỳ mưu toan nào của Iran khai diễn xung đột với Mỹ và tấn công các căn cứ của các nước đồng minh ở Iraq, vùng Vịnh Persiqua, Pakistan hay Afghanistan, và thậm chí các mỏ dầu chiến lược ở Kuwait, Saudi Arabia và các nước khác ở vùng Vịnh Persique cũng sẽ kéo theo sự giáng trả quân sự lập tức và mạnh mẽ nhất từ phía phương Tây, điều sẽ mang lại những hậu quả thảm họa đối với Tehran.

Đúng là Iran đã có những thành tựu đáng kể trong phát triển tên lửa nhờ sự trợ giúp công nghệ của Bắc Triều Tiên, sự giúp đỡ bí mật của Pakistan, TQ và có thể từ các công ty vô lương phương Tây. Hiện nay, Iran có khả năng hạn chế trong tấn công bằng tên lửa vào Israel và các mục tiêu trên toàn bộ khu vực Cận Đông.

Ngày 16.12.2009, báo chí đưa tin Iran đã thử nghiệm tên lửa đường đạn cải tiến có khả năng tấn công các mục tiêu ở Israel và miền Nam châu Âu. Vụ thử tên lửa đường đạn tầm trung Sajjil-2 được xác định là thành công, đã khiến Tehran đưa ra những tuyên bố hiếu chiến là Iran có thể đối phó hiệu quả chống Mỹ và Israel.

Chuyên gia quốc phòng cao cấp của CSIS là James Lewis đã tuyên bố rằng, Iran có thể có đến 300 tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật Shahab, còn Sajjil-2 vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Vụ phóng ngày 16.12.2009 là vụ phóng thử thứ ba tên lửa có tầm gần 1900 km (1200 dặm) này.

Liên quan đến chương trình hạt nhân thì Iran có lẽ mới đây đã thử nghiệm “ngòi nổ hạt nhân” (nuclear trigger) trong điều kiện phòng thí nghiệm. Theo các thông tin chưa được xác nhận từ London, Iran hiện có uranium được làm giàu đủ để chế tạo 1 quả bom hạt nhân “thô”. Có khả năng trong 5 năm tới, Iran sẽ có vũ khí hạt nhân mặc dù Tehran không ngớt phủ nhận.

Ít có khả năng trong thời gian sắp tới Iran có thể phát triển hoặc mua được các máy bay hiện đại để mang vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công ở tầm xa cần thiết.

Như vậy, trong tương lai gần, mối đe dọa Iran sẽ xuất phát từ một số lượng nhỏ tên lửa mang đầu đạn thông thường (hoặc có thể là đầu đạn hóa học hay sinh học)  và hoàn toàn tõ là các đòn tấn công tên lửa vào Israel sẽ kéo theo đòn trả đũa hủy diệt đối với Iran. Có khả năng cao là cuộc tấn công của Israel vào Iran sẽ được yểm trợ bằng đòn tấn công ồ ạt bằng tên lửa hành trình phóng từ các tàu ngầm Mỹ ở biển Arập.

Tuy nhiên, việc hủy diệt dù là thành công các mục tiêu chiến lược của Iran cũng vẫn tạo ra mối nguy hiểm lớn đối với Washington. Vấn đề là ở chỗ, một phần đáng kể bom đạn mà Israel sử dụng đều mang dòng chữ “Made in USA”. Hoàn toàn tự nhiên là Iran sẽ hướng sự căm thù chính không phải về phía kẻ ném bom mà vào kẻ đã chế tạo những quả bom này, huấn luyện phi công, sản xuất máy bay và nói cho cùng là kẻ tài trợ và bảo vệ cho bên tấn công, tức là Israel.

Hoàn toàn tự nhiên là giới quân sự Iran tin chắc 100% rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel nhằm vào Iran đều hàm chứa sự hỗ trợ ngầm của Mỹ, nhất là trong việc cung cấp thông tin do thám vệ tinh và tổ chức hoạt động của các hệ thống tác chiến điện tử.

Đòn giáng trả của Iran đối với cuộc tấn công đó có thể là “mù quáng”, tức là nước này sẽ cố gắng tấn công tất cả các mục tiêu có thể với tới bằng tất cả các phương tiện sẵn có trong tay và không phân biệt các mục tiêu nào là của Israelс hay của phương Tây. Ngoài ra, Iran sẽ kích động các đòn tấn công nhằm vào phương Tây từ phía các lực lượng ủng hộ mình trên toàn thế giới, trong đó có Hezbollah và HAMAS.

  • Nguồn: Richard M Bennett, nhà phân tích tình báo // atimes.com; MP, 21.12.2009.

Print Print E-mail Print