Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc bị nghi ngờ cung cấp cho Iran công nghệ vũ khí hạt nhân và tên lửa

VietnamDefence - Các sự kiện gần đây ở Iran xác nhận những ngờ vực cho rằng, Trung Quốc đang cung cấp cho Tehran tất cả những công nghệ quốc phòng và hệ thống vũ khí then chốt, kể cả các những công nghệ và hệ thống mà chuyển giao chúng là vi phạm trắng trợn đường lối đối ngoại mà chính Trung Quốc tuyên bố nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tàu chiến Iran phóng thử tên lửa chống hạm

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã bộc lộ ra khi chính quyền Obama cố gắng thuyết phục Bắc Kinh tham gia cùng các thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an LHQ, các quốc gia EU và đa số các nước không liên kết, trong đó có Brazil thông qua các biện pháp trừng phạt mới cứng rắn nhằm trừng phạt Iran vì chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

Ngay từ thời điểm Liên Xô sụp đổ năm 1991, chính phủ Mỹ đã cực kỳ lo ngại việc các công nghệ quốc phòng mới đổ vào Iran và việc Nga, Ukraine và các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây giúp đỡ Iran về mặt kiến thức trong lĩnh vực này.

Cụ thể đó là việc cung cấp các tên lửa chống hạm tối tân nhất, các công nghệ hạt nhân và các bản vẽ tên lửa đường đạn. Vấn đề này đến nay vẫn nằm trong số những vấn đề bức thiết nhất đối với chính phủ Mỹ.

Một trong những sự kiện gần đây nhất trong lĩnh vực này là việc chuyển giao được trông đợi cho Iran các tên lửa phòng không tối tân S-300 của hãng Almaz-Antei (Nga) theo hợp đồng ký ban đầu vào năm 2005 giữa Tehran và hãng xuất khẩu vũ khí Rosoboronoexport của Nga.

Mỹ, Israel và các nước khác đã lên tiếng phản đối Nga chuyển giao tên lửa S-300 với lý do các tên lửa này sẽ cải thiện đáng kể mạng lưới tên lửa đất đối không của Iran và giảm thiểu cơ hội một cuộc tiến công đường không thành công nhằm vào các máy móc hạt nhân của Iran - nếu như ủng hộ ý kiến cho rằng, vào lúc nào đó, việc làm này là cần thiết.

Iran hầu như không có nỗ lực nào để che giấu cái mà các nhà phân tích gọi là "con đường sắt bí mật" hiện đại:  các nhà khoa học Nga và Ukraine thường xuyên ghé đến nhà nước Hồi giáo về danh nghĩa là "các khách du lịch" hoặc đại biểu dự các hội nghị khoa học về những chủ đề vô hại.

Trên thực tế, các nhà khoa học này đang hỗ trợ cho nhiều chương trình phát triển vũ khí của Iran.

Trong một báo cáo của CIA trình Quốc hội Mỹ được công bố năm 2009 có nói rằng, sự giúp đỡ của các hãng Trung Quốc và Nga "đã giúp Iran có được khả năng tự lực sản xuất tên lửa đường đạn"

Sự giúp đỡ của Nga này đã mang lại những kết quả nhất định, cho phép Iran sản xuất máy bay tiêm-cường kích Shafaq mà về thiết kế là bắt nguồn từ các máy bay được phát triển từ nhiều năm trước tại Viện thiết kế Mikoyan và các trung tâm nghiên cứu kỹ thuật hàng không khác của Liên Xô trước đây.

Nhưng dẫu sao thì đóng góp lâu dài đáng kể nhất của Moskva là hút sự chú ý của các nước phương Tây vốn đã quen tập trung vào các vấn đề Nga và Ukraine giúp đỡ Iran về mặt con người, công nghệ, vũ khí và các giải pháp kỹ thuật.

Trong khi đó, sự lạc hướng chú ý của thế giới đó đã cho phép Trung Quốc thầm lặng cung cấp cho Iran một số lượng vũ khí lớn hơn nhiều và các cơ sở sản xuất để chế tạo chúng.

Trong tuần vừa rồi, Hải quân Iran đã tuyên bố phóng thử 2 mẫu cơ sở của loại tên lửa chống hạm tầm gần Nasr-1 và Nasr-2 (2 mẫu có thiết kế khac nhau, sử dụng các hệ dẫn khác nhau), và các tên lửa tầm xa Nour.
Theo kênh truyền hình IRIB của Iran và hãng tin nhà nước Borna, các tên lửa Nasr-1, Nasr-2 không đơn thuần là có trong trang bị của quân đội Iran; mà tổ chức công nghiệp hàng không-vũ trụ Iran là Aerospace Industries Organization đã có một dây chuyền sản xuất với số lượng lớn các vũ khí này.

Tên lửa Nour có tầm trên 60 dặm cũng đang được sản xuất ở Iran và theo các nhà phân tích thì biến thể mới của nó có tầm bắn gấp 3 hiện nay đang được phát triển.

Theo các chuyên gia về tên lửa hàn không, cả 2 loại vũ khí đều đã được phát triển và sản xuất ở Trung Quốc và đang có trong trang bị của quân đội Trung Quốc.
 
Nour đang được sản xuất ở Trung Quốc với tên gọi tên lửa hành trình chống hạm C-802, còn Nasr được tập đoàn hàng không Hundu của Trung Quốc phát triển dành riêng cho Iran vào đầu thập kỷ này. Người ta đổi tên một chút, bổ sung vài thay đổi vào thiết kế và có được 2 thiết kế cạnh tranh nhau là C-704 của hãng CASIC (China Aerospace Science and Industry Corp) và TL-2 do tập đoàn Hundu sản xuất.

Sự hợp tác với Iran trong lĩnh vực công nghệ công nghiệp quốc phòng đã bắt đầu gần như ngay từ những ngày đầu của cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Các chuyên gia vũ khí của Trung Quốc là những bậc thầy giỏi nhất trong lĩnh vực sao chép công nghệ và trong nhiều thập kỷ họ đã sao chép không ít các hệ thống vũ khí do các công trình sự Nga thiết kế.

Các kỹ sư Trung Quốc đã sử dụng kinh nghiệm này để hướng dẫn ngành công nghiệp Iran sản xuất các phụ tùng cho các hệ thống vũ khí Mỹ còn lại từ thời quốc vương Iran, khi mà Tehran không còn khả năng mua phụ tùng của Mỹ. Điều đó đã xảy ra do lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Iran vốn có hiệu lực đến nay.

Kết quả là hiện nay Iran có thể tự lực sản xuất máy bay, tên lửa, các hệ thống điện tử quân sự và các hệ thống vũ khí khác.

Theo các quan chức Không quân Iran, cũng trong tuần lễ sẽ phóng các tên lửa, Iran sẽ thành lập phi đội đầu tiên trang bị các máy bay tiêm kích Saeqeh do Iran sản xuất.

Đây là kiểu cải tiến của máy bay tiêm kích đã cũ F-5 của Northrop mà lần đầu tiên được đưa vào trang bị là hồi chiến tranh ở Việt Nam. Máy bay này có vài điểm khác biệt nhỏ, trong đó có cánh đuôi đứng. Đây là một loại vũ khí truyền thống nữa trong số các loại vũ khí mà Iran đã sản xuất được nhờ sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Các chương trình hợp tác Iran-Trung Quốc bằng hiệu ứng tích luỹ cuối cùng có thể dẫn tới việc phá vỡ sự cân bằng an ninh trong khu vực. Về ý nghĩa này, tầm quan trọng của chúng vượt quá tầm quan trọng của thương vụ bán S-300 của Nga.

Tuy vậy, tại thời điểm này, đáng lo hơn nhiều trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ quân sự là việc bán bất hợp pháp vào năm 2009 cho Iran 108 bộ biến năng áp lực. Các chuyên gia công nghệ hạt nhân khẳng định, các sản phẩm này có tên gọi là các máy đo màng điện dung được mua với số lượng lớn như thế hoàn toàn chỉ để dùng giám sát hoạt động của các máy ly tâm khí mà Iran đang dùng để thu nhận uranium làm giàu thích hợp để sản xuất vũ khí.

Về lý thuyết, các sensor áp lực này bị cấm bán cho Iran, nhưng trong báo cáo nghiên cứu chi tiết của phân xã Associated Press ở Đài Bắc đã cho thấy rằng, bằng cách sử dụng giấy tờ kỹ thuật ghi lùi ngày, các chứng chỉ ghi sai người sử dụng cuối cùng, các đại lý Trung Quốc đã lập được một dây chuyền tiếp sức tinh vi che giấu điểm đến thật sự của các thiết bị này.

Người ta thông báo cho các nhà sản xuất các thiết bị này ở Thuỵ Sĩ rằng, các sensor do đại lý thương mại của họ ở Đài Loan đặt hàng để dỡ hàng ở Thượng Hải.

Các hồ sơ kỹ thuật kèm giấy phép xuất khẩu bị sửa đổi nên điểm đến của chúng trở thành Tehran, nơi một công ty Iran nhận được chúng.

Theo hãng tin AP, giao dịch về sensor áp lực ban đầu được tiến hành công khai. Qua hồ sơ thì thấy rằng, ngày 24.1.2009, công ty Roc-Master Manufacture & Supply Company đã đặt hàng các thiết bị để dỡ hàng đưa tới cơ sở của họ ở Thượng Hải. Đơn đặt hàng trị giá 112303,72 USD đã được ký thông qua hãng Heli-Ocean Technology Co. Ltd., đại lý thương mại tại Đài Loan của công ty sản xuất Thuỵ Sĩ Inficon Holding AG.
 
Các tài liệu còn cho thấy, ngày 6.2, Heli-Ocean đã nhận được khoản tiền thanh toán ban đầu từ Roc-Master và đã đặt hàng mua các sensor của công ty Inficon.

Sau đó, tình hình đã thay đổi. Roc-Master đưa ra đơn đặt hàng được xem xét lại cũng ghi lùi là ngày 24.1, đồng thời yêu cầu công ty Heli-Ocean gửi các sensor không phải đến Thượng Hải mà đến sân bay Tehran. Người nhận hàng trở thành công ty Iran Moshever Sanat Moaser vốn tự giới thiệu trên website của mình là nhà cung cấp các hợp kim chuyên dụng và các linh kiện máy móc công nghiệp.

David Albright từ Viện Institute for Science and International Security ở Washington, tác giả của cuốn sách "Peddling Peril: How the Secret Nuclear Trade Arms America's Enemies" sắp được xuất bản ngày một ngày hai, đã lưu ý rằng, chính Trung Quốc đã ranh ma cứu thoát các chương trình hạt nhân của Tehran bằng cách tạo kênh cung cấp khi mà mọi nỗ lực khác để mua các chi tiết cần thiết đều vô hiệu.
"Chính phủ [Iran] đã tìm kiếm sự giúp đỡ ở khắp nơi - Nga, châu Âu, Mỹ, nhưng cộng đồng quốc tế cản trở các nước này", - ông Albright nói.

Theo thông tin của các cơ quan tình báo châu ÂU, cho đến nay, đã ngăn chặn được 9 trong 10 âm mưu mua sắm các sensor này.
Ngoại trưởng Trung Quốc đã nói là không biết về việc mua bán này và toàn bộ việc xuất khẩu phi pháp các vật dụng liên quan đến các công nghệ hạt nhân là bị cấm.

Tuy vậy, các nhà quan sát hiều rõ các thủ đoạn buôn bán giữa hai nước nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh không thể cương quyết từ chối Iran cái mà họ muốn có dù là bằng cách thức hợp pháp hay không.

Bị đói năng lượng kinh niên, Trung Quốc mua đến 15% dầu mỏ và khí đốt của Iran và sự phụ thuộc này với thời gian sẽ chỉ có gia tăng, giống như nhu cầu của Iran cần có công nghệ quân sự ngày càng tiên tiến.

  • Nguồn: Iran's link to China includes nukes, missiles / Reuben F. Johnson // The Washington Times, 17.3.10.

Print Print E-mail Print