Vietnamdefence.com

 

Yêu cầu Google sửa sai bản đồ về biên giới Việt-Trung

VietnamDefence - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng yêu cầu Google chỉnh sửa những sai sót về đường biên giới đất liền Việt - Trung theo bản đồ chính thức hiện hành của VN.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga: "Việt Nam yêu cầu Google chỉnh sửa những sai sót này theo bản đồ chính thức hiện hành của Việt Nam"

Khẳng định bản đồ trực tuyến Google Maps "đã thể hiện sai lệch đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc", hôm nay (20/3), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: "Việt Nam yêu cầu Google chỉnh sửa những sai sót này theo bản đồ chính thức hiện hành của Việt Nam".

Theo người phát ngôn, với việc Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc ký Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên đất liền (ngày 18/11/2009), đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã được mô tả rõ ràng, chi tiết bằng tọa độ cụ thể trên bản đồ.

"Hai bên đang làm các thủ tục để phê chuẩn theo quy định pháp luật của mỗi nước để đưa các văn kiện này vào cuộc sống. Sau khi Hiệp ước biên giới trên đất liền được Việt Nam và Trung Quốc ký năm 1999 và các văn kiện liên quan có hiệu lực, các văn bản này sẽ chính thức được lưu chiểu ở Liên hợp quốc và được cung cấp cho các tổ chức, đơn vị phát hành, in ấn bản đồ trên thế giới", bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh.

 
 

Trên ứng dụng Google Maps, đường biên giới (màu đen, ảnh trên)
đoạn qua Lào Cai chia đôi thành phố này. Trong khi đó, so sánh hình thế các con sông
(màu xanh, ảnh trên) ở lớp bản đồ (map)
với ảnh vệ tinh (satellite) bên dưới thấy rõ sự sai lệch.

Truy cập ứng dụng Google Maps, phần lãnh thổ Việt Nam có diện tích ước tính hàng nghìn kilômét vuông đã bị vẽ nằm bên biên giới Trung Quốc. Sự sai lệch này dễ dàng phát hiện bằng mắt thường tại tuyến biên giới phía Bắc từ Điện Biên cho đến thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).

Đường biên giới Việt - Trung trên ứng dụng Google Maps cũng đẩy hàng loạt cửa khẩu của Việt Nam như Tân Thanh, Thanh Thủy... hàng kilômét sang bên kia biên giới.

Ngoài ra, ngay ở 2 lớp bản đồ và ảnh vệ tinh của Google Maps cũng không trùng khớp. Dễ nhận thấy nhất là hình thế các con sông qua địa phận Lào Cai và Móng Cái.

  • Nguồn: Hiền Anh // VietnamNet, 20.3.10.

Print Print E-mail Print