Vietnamdefence.com

 

Công trình sư trưởng Aleksandr Davydenko: Việt Nam muốn mua tiêm kích thế hệ 5 PAK FA

VietnamDefence - Việt Nam muốn mua máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 của Nga; T-50 có thể được trang bị tên lửa hành trình chống hạm siêu âm tối tân BrahMos để trở thành "sát thủ đối với tàu sân bay" là những thông tin mới từ các chuyên gia.

Đáp ứng yêu cầu của các nhà báo so sánh máy bay tiêm kích PAK FA với F-22 Raptor của Mỹ, công trình sư trưởng PAK FA Aleksandr Davydenko tuyên bố: “Các chức năng chính cũng vẫn như thế, nhưng chúng tôi đã cố gắng làm cho chúng tốt hơn”. Davydenko cho biết, trong quá trình phát triển PAK FA, Viện Thiết kế Sukhoi đã mô hình hóa tình huống không chiến giữa Т-50 với F-22.

“Tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ có giá cả cạnh tranh. Còn liên quan đến tiêu chí chi phí/hiệu quả, máy bay của chúng tôi tốt hơn nhiều”, ông nói.

Các nhà phân tích cho hay, nhiều nước, trong đó có Libya và Việt Nam bày tỏ ý muốn mua sắm máy bay thế hệ 5 của Nga, tuy nhiên các rào cản lớn về tài chính, kỹ thuật và thậm chí chính trị sẽ vẫn tồn tại trước khi Nga triển khai sản xuất loạt các máy bay này.

Chuyến bay đầu tiên của PAK FA cho thấy, “Nga vẫn đứng vững ở vị trí thứ hai thế giới từ góc độ phát triển công nghệ quốc phòng”, một tổng quan mới đây của Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (TsAST, Nga) ấn hành tuần trước cho hay.

Máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 trong chuyến bay thử thứ ba ngày 13.2.2010
được sơn màu nguỵ trang của Không quân Nga (sukhoi.org)

“Năm 2015 được ấn định là thời hạn chót để cung cấp các máy bay tiêm kích cho Không quân [Nga]. Chúng tôi đang hiện thực hóa nhiệm vụ này”, Davydenko nói. Theo ông, mẫu chế thử đã bay là “máy bay thế hệ 5 100%”. Ông cho biết, các hệ thống đạo hàng, liên lạc, hệ thống thông tin thử nghiệm là loại hoàn toàn mới, nhưng việc thử nghiệm chúng ở chế độ khí động sẽ diễn ra muộn hơn. Hiện máy bay chưa sẵn sàng để lắp vũ khí, Davydenko nói.

Các vấn đề còn tồn tại

Các nhà phân tích cho rằng, các động cơ hiện có ở mẫu chế thử Т-50 chưa có tất cả những khả năng của động cơ thế hệ 5. Theo TsAST, “mặc dù các động cơ này bảo đảm đạt tổng lực đẩy cần thiết (đủ để kể cả đạt tốc độ hành trình siêu âm), nhưng chưa đáp ứng các yêu cầu của thế hệ 5 về tỷ suất trọng lượng/lực đẩy và tiêu chí tiết kiệm nhiên liệu”.

Giám đốc tập đoàn Sukhoi Mikhail Pogosyan cho biết, tập đoàn chế tạo động cơ thống nhất OAK (Nga) sẽ là hãng tích hợp giai đoạn 2 động cơ cho PAK FA kết hợp với công ty động cơ Salyut, chu trình chế tạo động cơ thế hệ 5 giai đoạn 2 là 10-12 năm và động cơ thế hệ 5 sẽ không xuất hiện trước năm 2015.

Ông Pogosyan cho biết, PAK FA không gặp khó khăn gì với việc bắt đầu thử nghiệm với động cơ giai đoạn 1. Máy bay đã cất cánh với động cơ hoàn toàn mới được thiết kế dành riêng cho máy bay này và đây là thiết kế hiện đại cho phép khai thác máy bay trong một thời gian dài, kể cả trong quân đội Nga.

TsAST cũng kết luận rằng, “nhiều nhà quan sát đánh giá một cách nghi ngại cơ hội của Nga chế tạo động cơ thế hệ 5 thực sự, có thể cạnh tranh với động cơ F119 của hãng Pratt&Whitney, Mỹ”. Những vấn đề cũng nảy sinh với việc phát triển radar mới và các thiết bị trên khoang khác, nhưng tiến bộ mới đây cho thấy, những rủi ro là vừa phải.

Davydenko nói rằng, Т-50 sẽ được sản xuất với mức chia sẻ đầu tư bằng nhau (50/50) tại liên doanh Nga-Ấn Độ và có thể được trang bị tên lửa hành trình siêu âm BrahMos.

PAK FA - sát thủ đối với tàu sân bay

Hãng liên doanh Nga-Ấn BrahMos Aerospace đang phát triển tên lửa hành trình siêu vượt âm BrahMos-II có tốc độ 5-7М. “Mục đích của chúng tôi là chế tạo loại tên lửa hành trình bay nhanh nhất thế giới”, Giám đốc điều hành liên doanh Sivathanu Pillai nói trong thời gian diễn ra triển lãm Defexpo 2010. Dự kiến BrahMos II sẽ được chế tạo dựa trên biến thể BrahMos trang bị cho máy bay đang được phát triển. Từ năm 2012, BrahMos sẽ được trang bị cho các máy bay tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ.

BrahMos-II sẽ được trang bị cho máy bay tiêm kích tàng hình Nga-Ấn thế hệ 5 và tạo ra một hệ thống máy bay-tên lửa chống hạm phi thường.

Các nhà phân tích nhận định rằng, máy bay tiêm kích tàng hình của Nga có thể dễ dàng chiếm lĩnh 1/3 thị phần một khi tiến hành sản xuất loạt lớn.

Trả lời câu hỏi về khả năng tham gia của Trung Quốc vào dự án PAK FA, Davydenko nói: “hiện không có hoạt động đàm phán nào với người Trung Quốc về máy bay tiêm kích này được tiến hành”.

 
 
 

  • Nguồn: in.reuters.com, combatfleetoftheworld.blogspot.com, MP - 18.2, 2.3.10, ITAR-TASS 2.3.10.

Print Print E-mail Print