Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc bắt đầu sản xuất và trang bị tiêm kích J-11 cho hải quân?

VietnamDefence - Đầu tháng 5.10, các website quân sự của Trung Quốc đã đăng các bức ảnh của tiêm kích 1 và 2 chỗ ngồi J-11 tại khuôn viên của tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương. Có thể Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất loạt các máy bay này cho hải quân của họ.

Các bức ảnh vệ tinh cho thấy tiêm kích J-11 đã được đưa vào trang bị của hải quân trung Quốc. Đây là loại máy bay sao chép trái phép tiêm kích Su-27 của Nga. Việc này đã làm rạn nứt quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung.

Năm 1995, Trung Quốc đã chi 2,5 tỷ USD mua giấy phép chế tạo 200 tiêm kích Su-27, theo đó Nga đảm nhiệm cung cấp thiết bị điện tử và động cơ, Trung Quốc chế tạo các bộ phận khác theo tài liệu kỹ thuật của Nga. Nhưng sau khi cung cấp 95 bộ linh kiện, Nga đã hủy bỏ hợp đồng. Nga khẳng định Trung Quốc đang sử dụng kiến thức và công nghệ để sản xuất biến thể Su-27 của mình là J-11. Nga tuyên bố rằng, trò sao chép Su-27 sẽ không cho phép Trung Quốc chế tạo tiêm kích ở trình độ như máy bay nguyên bản. Có lẽ, người Trung Quốc đã không tán thành đánh giá đó nên tiếp tục phát triển J-11 và khẳng định J-11 sử dụng các công nghệ hoàn toàn của Trung Quốc.

Trên ảnh, các máy bay tiêm kích được sơn màu xanh sáng đặc trưng cho máy bay Su-30МКК2 do Nga chuyển giao năm 2004 với số lượng 24 chiếc để trang bị cho 1 trung đoàn không quân hải quân.

J-11 bị phát hiện tại Thẩm Dương

Các máy bay 1 chỗ ngồi có ký hiệu J-11BH (biến thể sao chép Su-27SK). Trung Quốc bắt đầu sản xuất loạt theo giấy phép Su-27SK sau năm 1998.

Biến thể 2 chỗ ngồi trên ảnh có các cánh đứng đuôi cao hơn. Trong hải quân Trung Quốc, máy bay này có ký hiệu J-11BSH.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chế tạo trái phép các biến thể cải tiến của Su-27SK khiến Nga ngày càng lo ngại. Tuy vậy, các chuyên gia Nga tỏ ra nghi ngờ khả năng của Trung Quốc sao chép Su-27SK và chuyển sang phát triển các biến thể cải tiến như tiêm kích trên tàu sân bay.

Khung thân của J-11B nhẹ hơn máy bay nguyên bản Su-27SK nhờ sử dụng nhiều vật liệu composite. Máy bay được trang bị radar và tên lửa không-đối-không dùng đầu tự dẫn radar của Trung Quốc. Một số nguồn tin cho biết, sắp tới J-11B sẽ được trang bị radar mới với anten mạng pha, radar này có lẽ cũng sẽ được sử dụng trên biến thể mới J-10B.

Một số bức ảnh gần đây cho thấy, có lẽ J-11B được lắp các động cơ turbine quạt mạnh WS-10A Taihang, mà việc thiết kế và sản xuất nó từng là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc từ đầu những năm 1990.

Chưa rõ các máy bay J-11 mới sẽ bổ sung hay thay thế các máy bay tiến công J-8B/D hiện có (số lượng có khoảng 2 trung đoàn) của hải quân Trung Quốc. Với việc đưa vào trang bị J-11BH, hạm đội Trung Quốc sẽ có phương tiện chiến đấu mới có tiềm năng đa năng lớn hơn nhiều J-8.

J-11 của không quân hải quân Trung Quốc có lẽ sẽ có khả năng tác chiến chống hạm mạnh và bổ sung cho 5 trung đoàn cường kích JH-7. Việc sử dụng rộng rãi J-11BH với tư cách tiêm kích hải quân triển khai trên bờ sẽ tạo ra nhiều hơn cơ hội chế tạo biến thể trên tàu sân bay của J-11B, loại máy bay có thể ứng dụng các công nghệ của tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga.

Sự xuất hiện của biến thể J-11 dành cho hải quân sẽ nâng cao hơn nữa tiềm lực chiến đấu của hải quân Trung Quốc. Lực lượng này mới đây đã tiến hành cuộc tập trận phức tạp chưa từng có gần bờ biển Nhật bản. Tháng 4.2010, gần 10 tàu chiến và tàu ngầm của các hạm đội Đông Hải và Bắc Hải đã tập trận có sự tham gia của các máy bay tiêm kích và máy bay chỉ huy/báo động sớm. Trong thời gian tập trận, đã xảy ra sự cố 1 trực thăng trên hạm Ка-32 của Trung Quốc đã bay tiếp cận cách 1 tàu khu trục Nhật chỉ 90 m.

Tiêm kích J-11B có thể trở thành các đối thủ khó xơi hơn nhiều đối với các máy bay đánh chặn F-15 và F-2 của Nhật bản so với các máy bay trước đó của Trung Quốc. 

Động cơ WS-10B1 (cnair.top81.cn)

Theo các chuyên gia, J-11 được trang bị thiết bị điện tử cải tiến, khung thân có những thay đổi. Trung Quốc có thể sản xuất đa số các bộ phận cho J-11, nhưng vẫn phụ thuộc vào Nga về bộ phận chủ yếu là động cơ. Tuy nhiên, người Trung Quốc cho rằng,  trong 5-10 năm tới, họ sẽ không phải nhập động cơ phản lực cho máy bay quân sự của Nga nữa.

Hiện nay, Trung Quốc đang nhập 2 loại động cơ là AL-31 (giá 3,5 triệu USD/động cơ) cho Su-27/30, J-11 và J-10; và RD-93 (biến thể của động cơ MiG-29; giá 2,5 triệu USD/động cơ) cho máy bay JF-17 do Trung Quốc hợp tác với Pakistan chế tạo.

Trong khi đó, các kỹ sư Trung Quốc cũng đã làm chủ được đa số các công nghệ cần để sản xuất động cơ turbine phản lực lưỡng mạch có buồng tăng lực AL-31F. Động cơ Trung Quốc làm nhái có ký hiệu WS-10A, họ cũng chế tạo bản sao chép của động cơ RD-93 với ký hiệu WS-13.

Động cơ WS-13 (cimg2.163.com)

Từ lâu, Trung Quốc đã sao chép công nghệ nước ngoài và không phải lúc nào cũng thành công. Song trong 10 năm gần đây, nước này đã đầu tư nhiều cho việc xây dựng tiềm lực sản xuất động cơ phản lực.

Trung Quốc đang vấp phải nhiều vấn đề tồn tại trong các động cơ của Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc có nhiều lợi thế. Trước hết, họ biết các sai sót của các kỹ sư Nga và cố gắng tránh. Thứ hai, Trung Quốc có khả năng tiếp cận rộng hơn với các công nghệ phương Tây, kể cả ở dạng bất hợp pháp. Cuối cùng, khác với Liên Xô trước đây, Trung Quốc phát triển khả năng sản xuất động cơ của mình trong điều kiện kinh tế thị trường. Cơ chế thị trường có hiệu quả hơn nhiều cơ chế hành chính-chỉ huy đè nặng lên sự phát triển của Liên Xô trong hơn 70 năm.

Hải quân Trung Quốc hiện đã có 1 trung đoàn Su-30 (24 chiếc) nên họ dễ dàng hơn trong việc chế tạo các loại sao chép. Có lẽ các máy bay J-11 mới sẽ bổ sung cho Su-30 làm nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ hải quân.

Các máy bay tiêm kích J-10 cũng bị phát hiện trong màu sơn đặc trưng cho máy bay hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc đã chế tạo biến thể tiêm kích hải quân 2 động cơ của MiG-21 có ký hiệu J-8, cũng như loại máy bay ném bom H-1 sao chép Tu-16 của Liên Xô.

Tiêm kích J-11 có thể được trang bị các tên lửa chống hạm và dần dần có thể thay thế các máy bay tiến công J-8.

J-8 là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc trong việc chế tạo máy bay tự thiết kế. Tiêm kích bom này thực hiện chuyến bay đầu vào năm 1969, song mãi đến năm 1980 mới được nhận vào trang bị. Trung Quốc nhanh chóng hiểu ra rằng, đây là loại máy bay không thành công nên chỉ chế tạo chưa đến 400 chiếc.

J-8 có thể mang gần 3 tấn bom và có khả năng cơ động kém. Sau đó, Trung Quốc quyết định sử dụng các máy bay này làm nhiệm vụ trinh sát và tác chiến điện tử.

Năm 2001, 1 chiếc J-8 đã va chạm trên không với máy bay do thám ЕР-3 của Mỹ và nổ tung. Chiếc ЕР-3 đã phải hạ cánh bắt buộc xuống đảo Hải Nam, gây ra căng thẳng ngoại giao trong nhiều tháng với Mỹ.

Về thực chất, phát triển J-11 là sự tiếp tục các nỗ lực chế tạo J-8, nhưng sử dụng các công nghệ hiện đại, ngoài ra Trung Quốc cũng đã có 30 năm kinh nghiệm chế tạo máy bay chiến đấu.

Sự xem thường của Nga về các nỗ lực của Trung Quốc là không có căn cứ vì người Trung Quốc đã có kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực này. Tiêm kích J-11 rõ ràng là máy bay chiến đấu tốt nhất mà họ chế tạo được. Với sự phát triển tiềm lực chế tạo động cơ phản lực, Trung Quốc đã gia nhập các quốc gia hàng đầu có khả năng sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại.

Các loại động cơ phản lực do Trung Quốc phát triển (i3.6.cn)

  • Nguồn:  MP, 12.5, 17.05.10; strategypage.com; janes.com.

Print Print E-mail Print