Vietnamdefence.com

 

Tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc là máy bay "Photoshop"?

VietnamDefence - Ngày 27.12.2010, chuyên gia hàng đầu về tiêm kích của tạp chí hàng không Mỹ Aviation Bill Sweetman đã bình luận về những hình ảnh của một loại tiêm kích mới nào đó xuất hiện trên các diễn đàn mạng quân sự Trung Quốc.

Nhà phân tích này phỏng đoán đây có thể là máy bay… “Photoshop”, nhưng cũng có thể là bức ảnh chụp máy bay thật.

Có những dấu hiệu cho thấy các bức ảnh J-XX (J-20) có thể là thật. Có thể chính Bắc Kinh đã cố tình rò rỉ thông tin.

Liên quan đến bản thân các bức ảnh thì có cảm tưởng là phần mũi của máy bay giống với F-22 của Mỹ, còn phần đuôi giống Т-50 PAK FA của Nga, loại máy bay xuất hiện mới hơn 1 năm trước. Nếu như đây là ảnh thật thì có thể nói Trung Quốc đã có bước đại nhảy vọt trong phát triển máy bay, trong khi trước đó họ chỉ hài lòng với việc làm nhái các thiết kế của Nga và Israel.

Nhưng có lẽ cũng không nên gõ trống khua chiêng báo động làm gì. Nếu như máy bay này là quả thực là thật thì Trung Quốc sẽ cần cả chục năm hoặc hơn để hoàn tất chế tạo máy bay thế hệ mới. Cần lưu ý là F-22 của Mỹ thực hiện chuyến bay đầu năm 1990, đã cần tới 15 năm để đạt được tình trạng sẵn sàng hoạt động sơ bộ. Cũng đã có những người hoảng loạn như thế sau khi trông thấy Т-50 của Nga. Họ cũng la hoảng là sự thống trị trên không của Mỹ dài nửa thế kỷ đã đến hồi kết, kể cả là máy bay Nga chẳngt hẳn là máy bay tàng hình và có triển vọng sản xuất loạt tù mù.

Bill Sweetman viết rằng, xét theo bức ảnh, máy bay tiêm kích Trung Quốc rất dài, phải hơn 70 ft, và có thể có một số lý do để làm thế.

Ta có thể thấy rõ có cánh ngang phía trước. Cánh đứng đuôi kiểu quay toàn phần. Có thể, tiêm kích này có cánh với mép cánh trước và sau thay đổi như đã xuất hiện trên mạng internet Trung Quốc.

Loại cánh như thế đã xuất hiện lần đầu tiên trên dự án máy bay thử nghiệm JAST của công ty McDonnell Douglas vào đầu thập niên 1990.

Nhà phân tích Rob Hewson của tạp chí Jane's đã viết rằng, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc loại động cơ phản lực lưỡng mạch có tăng lực tối tân nhất hiện này 117S có lực đẩy 32.000 bảng. Hai động cơ như vậy có thể lắp cho máy bay có trọng lượng cất cánh 80.000 bảng.

Cần lưu ý là tử huyệt của công nghiệp hàng không Trung Quốc vẫn là vấn đề chế tạo động cơ máy bay chiến đấu mà đến nay Trung Quốc vẫn nhập nhiều từ nước ngoài. Hiện họ chưa có động cơ nội địa để lắp cho mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5.

Trung Quốc cũng ráo riết tìm cách khắc phục sự tụt hậu về chế tạo động cơ máy bay. Vượt qua những khó khăn to lớn, công ty Shenyan Engine Group đã bắt đầu sản xuất loạt động cơ WS-10A lực đẩy 12-13 tấn. Đồng thời, hãng Chengdu Engine Group đang phát triển động cơ WS-15 lực đẩy hơn 15 tấn.

Cuối năm 2009, có tin Trung Quốc đang tiến hành chương trình phát triển động cơ lực đẩy 18 tấn, có thể sánh với động cơ F135 Pratt & Whitney của máy bay F-35. Tháng 8,2009, Jane's dẫn các nguồn tin Ukraine đưa tin, hãng Motor Sichс dự định hợp tác với Trung Quốc tiến hành chương trình chế tạo động cơ lực đẩy 15 tấn.

Có lẽ J-XX của Trung Quốc sẽ có tốc độ hành trình siêu âm và khả năng cơ động kém hơn F-22, nhưng có thể có các khoang vũ khí bên trong và các thùng dầu dung tích lớn hơn.

Xuất hiện câu hỏi: Trung Quốc cần một máy bay tiêm kích tàng hình tầm bay nhỏ hơn làm gì? Trái lại, cái Trung Quốc cần chính là loại máy bay chiến đấu có tầm bay lớn để tấn công các mục tiêu ở xa đại lục. Như vậy, máy bay mà chúng ta trông thấy là máy bay ném bom hơn là máy bay tiêm kích.

Trước đó, website club.mil.news.sina.com.cn cho hay, tại sân bay Nhà máy 132 công ty chế tạo máy bay Thành Đô CAC (Chengdu Aerospace Corporation) đã bắt đầu chạy lăn thử tiêm kích thế hệ mới của Trung Quốc.

Dường như máy bay đã tiến hành mấy lần chạy thử trên đường băng. Thông tin này chưa được khẳng định hay bác bỏ, song thực tế là Trung Quốc đang ráo riết tiến hành dự án tiêm kích thế hệ 5. Loại máy bay này được cac cơ quan tình báo phương Tây đặt những cái tên khác nhau như J-14, J-20 và J-XX.

Theo một vài nguồn tin, chương trình chế tạo tiêm kích thế hệ mới của Trung Quốc về tầm quan trọng và chi phí gần như tương đương với cả chương trình vũ trụ của Trung Quốc.

  • Nguồn: club.mil.news.sina.com.cn, wired.com/dangerroom, aviationweek.com, MP, 26, 27.12.10.

Print Print E-mail Print