Vietnamdefence.com

 

Đài Loan nhận máy bay chống ngầm P-3C Orion vào năm 2011

VietnamDefence - Dự kiến, hải quân Đài Loan sẽ nhận vào trang bị những máy bay đầu tiên trong số 12 máy bay tuần biển P-3C Orion vào năm 2011, hãng AFP dẫn tờ báo Đài Loan China Times đưa tin.

Trước đó có tin, máy bay P-3C cải tiến đầu tiên sẽ được giao cho hải quân Đài Loan vào năm 2012.

Các máy bay Р-3С cải tiến sẽ thay thế các máy bay chống ngầm cổ lỗ sĩ S-2T Tracker của Northrop Grumman, mua năm 1978, hiện có trong trang bị. Hiện Đài Loan có 27 chiếc S-2T, nhưng chỉ một nửa số đó có thể bay.

Tháng 9.2007, Cơ quan Hợp tác quốc phòng và an ninh DSCA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo Quốc hội Mỹ về kế hoạch bán cho Đài Loan 12 máy bay tuần biển dư thừa P-3C Orion sau khi sửa chữa và hiện đại hóa, cung cấp phụ tùng lấy từ 3 máy bay dư thừa không còn khả năng bay TP-3A, cũng như các trang thiết bị khác trong khuôn khổ chương trình “Bán hàng quân sự cho nước ngoài”.

Hợp đồng mua 12 máy bay chống ngầm P-3C ký tháng 12.2007, song sau đó xuất hiện bất đồng về chuyển giao công nghệ. Hợp đồng cuối cùng đạt được vào tháng 2.2008. Tổng trị giá hợp đồng ước 1,96 tỷ USD.

Tháng 3.2009, công ty Lockheed Martin công bố đã ký được hợp đồng trị giá 665,64 triệu USD để hiện đại hóa 12 máy bay dành cho hải quân Đài Loan.

Nội dung hiện  đại hóa bao gồm: lắp đặt thiết bị avionics mới, các hệ thống chiến đấu, cũng như thay thế các chi tiết kết cấu của thân máy bay, cho phép kéo dài thời gian sử dụng máy bay lên 15.000 giờ bay.

Ngày 23.12.2010, Bộ chỉ huy các hệ thống không quân của Hải quân Mỹ đã ký với công ty Pacific Propeller International trong khuôn khổ chương trình “Bán hàng quân sự cho nước ngoài” một hợp đồng trị giá 10 triệu USD để phục hồi 56 bộ cánh quạt HS54H60-77 dành cho 12 máy bay P-3C dành cho Đài Loan. Công việc này sẽ hoàn thành vào tháng 8.2014.

P-3C được chế tạo vào đầu thập niên 1960, có khả năng bay với tốc độ đến 750 km/h và bay xa đến 9.000 km. Máy bay có 10 điểm treo ngoài và 1 khoang vũ khí bên trong để lắp tên lửa không điều khiển và tên lửa không-đối-diện, bom không điều khiển, thủy lôi và ngư lôi.

Đài Loan cần có các máy bay tuần biển để làm nhiệm vụ tuần tra biển và trinh sát, chỉ huy và điều khiển, tác chiến chống tàu ngầm và tàu nổi. Bộ chỉ huy quân đội Đài Loan giải thích họ muốn nâng cao khả năng trinh sát đường không và chống ngầm là do mối đe dọa từ phía Trung Quốc.

Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, trong trang bị của hải quân Trung Quốc có gần 60 tàu ngầm động lực thông thường và hạt nhân. Để đối phó với chúng, Đài Loan chỉ có 2 tàu ngầm diesel-điện lớp Hải Long mua của Hà Lan năm 1987-1988 và 2 tàu ngầm huấn luyện của Mỹ lớp Guppy II chế tạo năm 1944-1950.

Ngoài Đài Loan, một số nước Đông và Đông Nam Á khác (Nhật Bản, Việt Nam) có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh, cũng bày tỏ lo ngại trước sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc. Mới đây, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố ý định hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên vào năm 2014 để nâng cao sức mạnh chiến đấu của hải quân nước này. Tàu sân bay cũ của Liên Xô là Varyag mua từ Ukraine có thể được đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc vào năm 2012.

  • Nguồn: Armstrade,  Lenta, 27.12.2010.

Print Print E-mail Print