Vietnamdefence.com

 

Tên lửa công nghệ cao Trung Quốc đe dọa tàu sân bay Mỹ

VietnamDefence - Sự đối kháng chiến lược Mỹ-Trung đang diễn ra cả trên mặt trận công nghệ. Việc Bắc Kinh đưa vào trang bị các vũ khí mới có khả năng làm suy giảm thậm chí triệt tiêu sự thống trị của các tàu sân bay Mỹ. Sự thống trị này được thiết lập vào cuối Thế chiến II với tư cách một hệ thống vũ khí cho phép thực hiện sự kiểm soát toàn cầu.

Báo động ở Lầu Năm góc. Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đã chính thức nói đến mối đe dọa xuất phát từ Trung Quốc. Trong phát biểu tại Quốc hội Mỹ ngày 23.3.2010, ông bày tỏ sự lo ngại trước việc Trung Quốc đang phát triển và thử nghiệm một loại tên lửa đường đạn tầm trung tự dẫn mang đầu đạn thông thường chuyên dùng để đánh tàu sân bay Mỹ ASBM.

Tầm bắn 2.000 km. Ở đây dường như nói đến biến thể D của tên lửa đường đạn DF-21 (Dong Feng-21) có tầm bắn đến 2.000 km, đủ để kiểm soát hải vực Biển Đông, nơi về nguyên tắc có thể trở thành chiến trường giữa Washington và Bắc Kinh, nhất là trong trường hợp xảy ra xung đột xung quanh Đài Loan.

Hạm đội Mỹ tại phần châu Á của Thái Bình Dương. Các tàu sân bay Mỹ đến nay vẫn là lá chắn chiến lược quan trọng nhất chống lại sự đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Bắc và chống lại việc mở rộng vùng biển bị kiểm soát bởi Trung Quốc, quốc gia trong những năm gần đây đã chuyển hạm đội của mình từ hạm đội gần bờ sang hạm đội đại dương.

Các tàu chiến Trung Quốc ngày càng hay tiến gần đến bờ biển Nhật Bản và đến Ấn Độ Dương nhờ sử dụng các căn cứ do Myanmar cung cấp. Còn căn cứ tàu ngầm mới được xây dựng ở đảo Hải Nam mà các tàu do thám Mỹ đang theo dõi từ xa đã dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang trên biển của tất cả các nước Đông Nam Á.

Bắc Kinh toan tính về tàu sân bay. Trung Quốc dự định trong tương lai sở hữu các tàu sân bay và đã nhiều năm nghiên cứu tàu sân bay Varyag mua của Ukraine. Nhưng nhiều năm nữa, Bắc Kinh vẫn sẽ không có khả năng đối chọi với ưu thế trên biển của Mỹ.

Mỹ hiện có 11 tàu sân bay có tổng lượng giãn nước hơn 1 triệu tấn, 5 trong số đó có mặt ở Thái Bình Dương. Bởi vậy, việc chế tạo tên lửa đường đạn chống hạm mang đầu đạn thông thường có sức công phá mạnh thay vì đầu đạn hạt nhân sẽ phá vỡ cán cân lực lượng hiện có và trong tương lai sẽ làm giảm vai trò của các tàu sân bay.

Các công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Theo khẳng định của Andrea Tani, người đã viết một báo cáo về vấn đề này cho tạp chí mạng Analisi Difesa (Phân tích quốc phòng), thì người Trung Quốc đã lắp hệ thống lái tự động cho các tên lửa DF-21D, loại tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu đang chuyển động như tàu sân bay, việc phát hiện mục tiêu do các vệ tinh quan sát và các radar bờ biển với bán kính hoạt động rất xa đảm nhiệm.

Các radar này đã được trên khai ở vùng duyên hải Trung Quốc. “Hiện nay đã có 38 hệ thống, vào năm 2014 sẽ là 65, 11 trong số đó sẽ được sử dụng trên biển.

Ngày 5.3.10, người ta đã phóng từ sân bay vũ trụ Jiuquan 3 vệ tinh Yaogan IX có liên quan trực tiếp đến chương trình ASBM. Chúng là bản sao chính xác các vệ tinh White Cloud NOSS của Mỹ (mà cũng có thể chính là các vệ tinh này). Các vệ tinh được trang bị radar và các sensỏ hồng ngoại để phát hiện tàu chiến, cũng như các thiết bị điện tử để chặn thu và phân tích các tín hiệu thu được từ chúng để xác định chính xác hơn tọa độ của các con tàu”, Tani viết.

Các tên lửa siêu tốc. Tốc độ của tên lửa cao gấp 8 lần tốc độ âm thanh khiến cho các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của các tàu sân bay và các tàu hộ tống khó lòng đánh chặn chúng, còn nếu phóng nhiều tên lửa có thể làm cho hệ thống phòng vệ tê liệt. Một tàu sân bay bị 1-2 quả tên lửa đường đạn bắn trúng chưa chắc đã chìm, song có thể mất khả năng chiến đấu.

Sẽ là quá sớm để đánh giá các khả năng tác chiến thực tế của tên lửa ASBM, nhưng bản thân thông tin về việc phát triển chúng cũng khẳng định sự nghiêm túc của lời thách thức chiến lược của Bắc Kinh. Washington ngày càng khó khăn hơn trong việc duy trì ưu thế quân sự trên thế giới, đó là chưa nói đến nguy cơ các công nghệ này lọt vào tay các quốc gia khác có tên lửa đường đạn như Iran và Bắc Triều Tiên.

  • Nguồn: Missili hi-tech made in Cina minacciano le portaerei americane / Gianandrea Gaiani // Il Sole 24 Ore (Italia), 13.5.10

Print Print E-mail Print