VietnamDefence -
Báo chí Nga, Mỹ và phương Tây rối rít bình luận: Mỹ gỡ bỏ trừng phạt đối với 4 tổ chức của Nga, "bật đèn xanh" cho Nga bán S-300 cho Iran để đổi lấy cái gật đầu của Nga cho nghị quyết mới trừng phạt Iran của LHQ. Đây chẳng qua là một ví dụ nữa để thấy vì lợi ích của mình, các nước lớn sẵn sàng mặc cả trên lưng, bán đứng lợi ích của các nước nhỏ. Một câu nói dân dã ở VN: "Đừng có tin bố con thằng nào!".
|
S-300 (kapyar.ru) |
Bản dự thảo mới nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ đề xuất cấm vận Iran không đưa ra các trừng phạt riêng đối với công ty Rosoboronoexport, Viện Thiết kế chế tạo thiết bị Tula (KBP), Đại học Hàng không Moskva (MAI) và Đại học tổng hợp công nghệ hóa học Nga mang tên Mendeleev. Tờ Kommersant (Nga) cho rằng, điều đó có nghĩa Mỹ không còn phản đối bán S-300 cho Iran.
Rosoboronexport bị trừng phạt từ năm 2008 do bán vũ khí cho Iran, còn 3 cơ sở kia bị trừng phạt từ năm 1999. Đầu năm nay, Mỹ đã gỡ bỏ trừng phạt đối với 2 cơ sở khác của Nga là Glavkosmos và Đại học tổng hợp Baltic bị trừng phạt năm 1998 vì giúp đỡ các chương trình tên lửa và vũ khí của Iran.
Tờ Vedomosti (Nga) dẫn nguồn tờ The New York Times đăng dự thảo văn kiện của LHQ thì cho rằng, các biện pháp trừng phạt đối với Iran được áp dụng mà dự thảo nêu ra là do chương trình hạt nhân của nước này và đụng chạm đến tất cả các công ty liên quan, đồng thời cũng cấm xuất khẩu sang Iran xe thiết giáp hạng nặng và nhẹ, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu và trực thăng, tàu chiến, tên lửa và tất cả các hệ thống tên lửa có đầu đạn và bán kính chiến đấu vượt quá 25 km, chỉ có tên lửa phòng không là ngoại lệ. Các quan chức Mỹ, Nga cho rằng, dự thảo không cấm Nga hoàn tất hợp đồng bán S-300 cho Iran.
Mỹ giải thích việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt các công ty Nga mà thực chất là gỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran được thực hiện chỉ 3 ngày sau khi Mỹ và Nga đồng ý gói các biện pháp trừng phạt chống Iran là do Nga thay đổi lập trường đối với Iran. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt các công ty Nga “đáp ứng các lợi ích đối ngoại và an ninh quốc gia Mỹ”.
Tờ Kommersant thì cho rằng, việc gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu S-300 là thỏa thuận của Mỹ với Nga để đổi lại Nga ủng hộ nghị quyết mới của LHQ.
Nga và Iran ký hợp đồng cung cấp 5 hệ thống S-300PMU1 trị giá gần 1 tỷ USD vào năm 2007. Trong thời gian dài, hai bên chối bay chối biến sự tồn tại hợp đồng này, song tháng 12.2008, Iran chính thức tuyên bố đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc với Nga về việc cung cấp S-300.
Sau đó, dưới áp lực của Mỹ và Israel, thương vụ này bị đóng băng mặc dù hợp đồng đã có hiệu lực sau khi Iran đã thanh toán tiền đặt cọc và bắt đầu trả các khoản thanh toán đều đặn. Sự chậm trễ của Nga làm Iran tức giận và mới đây họ tuyên bố sẽ tự phát triển một hệ thống tương tự S-300. Một quan chức công nghiệp quốc phòng Nga thậm chí còn tiết lộ các hệ thống S-300 sẵn sàng chuyển sang Iran đã được quân đội Nga mua lại năm 2009.
Giữa tháng 2.2010, Phó Giám đốc thứ nhất Cơ quan Liên bang về Hợp tác KTQS (FSVTS) của Nga Aleksandr Fomin nói rằng, việc cung cấp S-300 cho Iran bị chậm trễ do các lý do kỹ thuật mà một trong số đó là hoạt động trục trặc của cá hệ thống vô tuyến điện dự định gửi cùng các hệ thống tên lửa phòng không.
Năm 2006, Nga đã bán cho Iran các hệ thống tên lửa phòng không Tor-M1 trị giá 700 triệu USD.
Mặt khác, nhiều quan chức Mỹ cũng trông đợi Nga trong bối cảnh những tiến bộ trong quan hệ song phương với Mỹ gần đây sẽ không chuyển giao S-300 cho Iran. Những người chỉ trích thì coi những nhượng bộ của Mỹ vừa qua là quá sớm và không chắc chắn do không có sự cam kết chắc chắn của Nga không chuyển giao S-300 cho Iran. Họ cũng đánh giá phía Nga đã lợi dụng sự sốt sắng với nghị quyết trừng phạt Iran của Mỹ để thu lợi ích tối đa cho mình.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nga đã né tránh trả lời câu hỏi liệu nghị quyết của LHQ có cản trở việc thực hiện hợp đồng cung cấp S-300 hay không. Một số chuyên gia Nga khác thì nhận định các lệnh trừng phạt mới chống Iran không cản trở Nga chuyển giao S-300 cho nước này, song dẫu sao việc chuyển giao cũng khó lòng diễn ra.
Ông Konstantin Makienko, chuyên gia của Trung tâm Phân tích Сhiến lược và Công nghệ (Nga) nhấn mạnh, từ góc độ pháp lý, Nga vẫn có quyền cung cấp S-300 cho Iran. Nhưng về mặt chính trị, việc chuyển giao này là không thể - một khi Moskva đã từ chối chuyển giao S-300 trong năm 2009 khi chưa có lệnh trừng phạt mới thì không chắc họ dám làm điều đó sau khi thông qua nghị quyết trừng phạt mới.
-
Nguồn: NYT, 21.5.10; lenta 24.5.10; Vedomosti, 24.5.10, 92 (2610); Kommersant, №90/P (4390), 24.5.10