VietnamDefence -
Nga đã quyết định triển khai chương trình phát triển máy bay ném bom chiến lược hạng nặng mới cho Không quân Nga với tên gọi ‘Hệ thống máy bay tương lai của không quân tầm xa’ - PAK DA, Phó Thủ tướng Nga Sergey Ivanov cho hay. Hiện có một số quan điểm và phương án khác nhau về diện mạo của PAK DA.
|
Thiết kế máy bay ném bom hạng nặng Т-4MS của Viện OKB Sukhoi, 1972 bị hủy bỏ do Liên Xô chọn thiết kế Tu-160 (alternathistory) |
Phát triển từ Tu 160
Các viện thiết kế máy bay OAO Tupolev, AKhK Sukhoi và RSK MiG đều có cái nhìn riêng. Công việc cụ thể đối với máy bay sẽ bắt đầu từ năm 2011, còn thời điểm nhận nó vào trang bị sẽ không sớm hơn đầu thập kỷ sau.
Chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy PAK DA sau chuyến bay đầu tiên của nó. Chế độ bảo mật hiện nay được tuân thủ chỉ kém thời Liên Xô chút ít. Máy bay tiêm kích thế hệ 5 T-50 là một bằng chứng cho điều đó. Nhưng dẫu sao thì ngay lúc này cũng có thể phỏng đoán đôi chút.
Phương án thì chẳng có nhiều lắm. Phương án đầu tiên và đơn giản nhất là chế tạo máy bay mới trên cơ sở Tu-160.
Hoàn toàn không nhất thiết là máy bay sẽ có bề ngoài quá giống Tu-160. Sự giống nhau có thể chỉ ở mặt công nghệ-thiết kế, có xét đến sự tiến bộ công nghệ. Máy bay sẽ có độ bộc lộ nhỏ hơn Tu-160, tiết kiệm hơn, có tầm bay xa hơn và vũ khí hiện đại hơn.
Ưu điểm của phương án này là sẵn có trang thiết bị sản xuất Tu-160 tại nhà máy ở Kazan và mạng lưới các xí nghiệp đối tác vẫn được duy trì.
Hơn nữa, quyết định nối lại sản xuất loạt động cơ cải tiến NK-32-1 của Tu-160 cũng đang được thực hiện.
Các động cơ mạnh mẽ này cũng có thể tiếp tục nâng cấp. Ngoài ra, còn có quyết định hiện chưa được thông qua về việc chế tạo động cơ mạnh hơn NK-65 cho máy bay vận tải quân sự cải tiến An-124М-150 Ruslan trên cơ sở động cơ phát khí NK-32-1 và cụm turbine quạt của động cơ NK-93.
Phương án này có thể có lợi nhất về mặt kinh tế. Bởi lẽ Tu-160 là một phương tiện mang tuyệt vời, sau 15 năm nữa cũng không lạc hậu.
|
|
|
Một thiết kế giả định của PAK DA |
|
Thiết kế kiểu cánh bay
Phương án thứ hai, ít có khả năng hơn là chế tạo máy bay ném bom tàng hình dưới âm có thiết kế “cánh bay”. Như vậy là lặp lại thiết kế của Tu-202 ở một trình độ mới hoặc là của В 2А tàng hình của Mỹ. Tuy vậy, người Mỹ nhanh chóng hiểu ra rằng, một máy bay có giá bằng cả nửa tàu sân bay nhưng mang ít hơn tên lửa hành trình và sử dụng chúng kém hơn so với В-52Н già nua. Tuy rằng, B-52H có độ bộc lộ rất lớn trên radar, nhưng nếu phóng tên lửa hành trình từ cự ly hàng ngàn kilômét thì điều đó hoàn toàn chẳng quan trọng gì.
Sự tiến bộ của Nga trong lĩnh vực radar đã nhanh chóng làm tan tành ảo tưởng về những chiếc máy bay Stealth ‘tàng hình’. Chúng bị nhìn thấy rõ trên màn hình radar ngoài đường chân trời sóng rộng hoặc radar sóng mét. Mà một khi bị phát hiện, thì các chú Stealth này với tính năng bay kém cỏi sẽ tiêu tùng.
Kiểu dáng liên kết
Một trong những phương án có khả năng nhất là chế tạo máy bay có cấu trúc hoàn toàn mới. Đó có thể là máy bay ném bom bán kính liên lục địa. Nó sẽ có kích thước nhỏ hơn TU-160 và nhẹ hơn 1,5-2 lần.
Nhờ sử dụng 4 động cơ mới, mạnh mẽ, nhưng tiết kiệm, máy bay sẽ có khả năng bay lâu ở tốc độ siêu âm. Về cấu trúc, nó có thể giống với một trong những thiết kế độc đáo trước đây và có kiểu dáng được gọi là liên kết, trong đó thân máy bay cũng tạo lực nâng lớn. Cánh sẽ có dạng hình học thay đổi (cụp-xòe) như ở Tu 160, nhưng với biên dạng thay đổi, tức là “cánh thích ứng”. Đó thực tế là lớp linh hoạt như ở tiêm kích thế hệ 5 Т-50.
Ác quỷ siêu vượt âm
Một ý tưởng thú vị là chế tạo máy bay ném bom siêu tốc siêu vượt âm có khả năng bay với tốc độ khoảng 4000-6000 km/h và nhanh hơn. Nhưng khó khăn dễ thấy khi thực hiện thiết kế này về mặt kỹ thuật kể cả đối với một quốc gia có khả năng chế tạo tên lửa hành trình siêu vượt âm và đầu đạn cơ động của tên lửa đường đạn như Nga cũng khiến cho xác suất chế tạo được một máy bay có tính đột phá như vậy là không cao. Nhưng giải pháp này cũng có những ưu thế hiển nhiên: tốc độ cao, độ cao bay lớn, khó bị bắn hạ, khả năng đến bất kỳ điểm nào trên trái đất trong một quãng thời gian tối thiểu.
Nhưng nó cũng có khá nhiều nhược điểm: giá thành cao, chi phí khai thác và bảo dưỡng đắt đỏ, yêu cầu cao đối với sân bay trú đóng. Điều đó làm giảm số lượng sân bay có thể phân bố các máy bay này ở giai đoạn trước chiến tranh và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sống còn của lực lượng máy bay ném bom chiến lược.
Cũng có những phương án hoàn toàn giả tưởng dạng như máy bay ném bom bán quỹ đạo đường không-vũ trụ, nhưng loại máy bay như thế nếu có thể chế tạo được chăng nữa cũng không thể sản xuất loạt. Hơn nữa, việc gì phải dùng một loại máy bay như thế chẳng hạn để chống một quốc gia nhỏ bé nhưng quật cường? Trong khi Không quân tầm xa là công cụ đa năng duy nhất trong bộ ba vũ khí hạt nhân của Nga, dùng được cả trong chiến tranh hạt nhân toàn cầu lẫn các chiến dịch cục bộ.
Dẫu sao, các máy bay ném bom hiện có vẫn còn có thể tận tụy phục vụ nước Nga một thời gian dài nữa vì thế Không quân và ngành công nghiệp Nga còn cả đống thời gian để thong thả mà chọn ra phương án tốt nhất cho máy bay PAK DA.
- Nguồn: Yaroslav Vyatkin, AN.-20(210), 27.5.2010.