Vietnamdefence.com

 

Sukhoi chuyển giao 8 Su-30MKV cho Việt Nam, bán 30 SuperJet cho Indonesia và bảo dưỡng hậu mãi trực tiếp Su-30MKM tại Malaysia

VietnamDefence - Nga sẽ chuyển giao cho Việt Nam 8 tiêm kích đa năng Su-30MKV trong năm 2010, một số nguồn tin trong Công ty Sukhoi khẳng định.

Công ty Sukhoi cũng dự định trong triển lãm hàng không Farnborough sẽ ký hợp đồng “cứng” cung cấp 30 máy bay chở khách tối tân SuperJet cho một khách hàng ở Đông Nam Á, Bloomberg dẫn lời đại diện phân hãng “Máy bay dân sự Sukhoi” (GSS) Olga Kayukova cho hay. Đây sẽ là thương vụ xuất khẩu thành công lớn nhất của máy bay mới này.

“Đây sẽ là hợp đồng xuất khẩu lớn nhất (của GSS) các máy bay mà đơn giá ghi trong catalogue là 31,7 triệu USD”.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ AST Konstantin Makienko thì trị giá thương vụ này sẽ là khoảng 1 tỷ USD, khách hàng ước đoán là Việt Nam, Indonesia hoặc Malaysia. Hợp đồng này sẽ “tăng cường đáng kể vị thế của Công ty Sukhoi trên thị trường máy bay thương mại vốn có sự cạnh tranh rất mạnh”.
 
Thông tin cập nhật của hãng RIA Novosti cho hay, ngày 19.7.2010, GSS đã ký với hãng hàng không Kartika Airlines (Indonesia) hợp đồng bán 30 Superjet-100 trị giá 951 triệu USD. Các máy bay sẽ được chuyển giao từ năm 2012-2015.

Superjet-100 là họ máy bay chở khách hạng trung do hãng Sukhoi hợp tác với các tập đoàn chế tạo máy bay của Mỹ và châu Âu như Boeing, Snecma, Thales, Messier Dowty, Liebherr Aerospace và Honeywell phát triển.

 
 
SuperJet 100
Bên cạnh đó, Giám đốc marketing của Công ty Sukhoi V. Chishchevoi tiết lộ với tạp chí Kanwa rằng, Công ty Sukhoi về cơ bản đã hoàn tất đàm phán với Không quân Malaysia về bảo dưỡng hậu mãi cho máy bay Su-30MKM không qua trung gian. Theo Kanwa, Sukhoi sẽ không thể cung cấp dịch vụ này sớm hơn tháng 2. 2010.

Cho đến nay, mọi dịch vụ hậu mãi và cung cấp phụ tùng cho các tiêm kích Su-30MKM/MKI và các tiêm kích Su sản xuất loạt khác đều được thực hiện qua Công ty Rosoboronoexport. Không quân Malaysia trước đây đã tỏ ra không hài lòng với mô hình cung cấp dịch vụ như vậy vì sự có mặt của phía trung gian tạo ra vấn đề về hiệu quả.

Theo ông V. Chishchevoi, nếu “thí nghiệm Malaysia” thành công, Sukhoi cũng dự định mở rộng áp dụng cách tiếp cận này cho các máy bay Su-30MKI của Ấn Độ nhằm nâng cao hiệu quả. Ông hy vọng việc cung cấp dịch vụ trực tiếp như vậy sẽ làm tăng doanh số bán máy bay tiêm kích Su trong khu vực.

Việc cải tiến công tác bảo dưỡng hậu mãi có ảnh hưởng nhất định đến Trung Quốc, quốc gia đứng thứ hai về số lượng tiêm kích Su-27. Trung Quốc hiện chưa có bình luận chính thức nào về việc họ thỏa mãn với bảo dưỡng hậu mãi hay không.

Tuy nhiên, báo chí đã đưa tin về những vụ tai nạn của Su-27SK, điều này cho thấy Trung Quốc không hoàn toàn hài lòng với chất lượng dịch vụ bảo dưỡng hậu mãi được cung cấp qua người trung gian. Đó cũng là lý do khiến Trung Quốc luôn phải cần đến sự trợ giúp của Ukraine và Belarus để bảo dưỡng Su-27 của họ.

Công ty Sukhoi đã mở văn phòng đại diện tại Bắc Kinh và nếu như “thí nghiệm Malaysia” được áp dụng cả cho Trung Quốc thì chất lượng dịch vụ bảo dưỡng Su-27 của Trung Quốc sẽ được cải thiện.

Các nguồn tin trong Công ty Sukhoi cũng cho hay, nhiều nước, trong đó có một số nước Arab cũng tỏ ra quan tâm đến máy bay tiêm kích thế hệ 4++ Su-35. 

Theo Kanwa, một số nước Arab quan tâm đến Su-35 , trong đó có Libya và Algeria, đã có tiếp xúc với phía Nga.
Việc Không quân Nga mua 48 chiếc Su-35 sẽ khiến nhiều nước hơn quan tâm đến máy bay này. Một nguồn tin trong Công ty Sukhoi cho biết, Trung Quốc không quan tâm đến Su-35.

  • Nguồn: P2, 15.7.2010; RIAN 19.7.2010.

Print Print E-mail Print