Vietnamdefence.com

 

Không quân Mỹ trù hoạch chế tạo máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới

VietnamDefence - Loại máy bay sẽ thay thế các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ sẽ linh hoạt hơn trong sử dụng chiến đấu và dựa trên các hệ thống chỉ huy và dẫn đường lấy mạng làm trung tâm nhiều hơn so với В-2, В-52 và В-1, Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ (USAF), Trung tướng Philip Breedlove cho biết ngày 24.6.10.

Trong 10 năm nay, Mỹ đã thảo luận về diện mạo của thế hệ máy bay ném bom mới, từ việc hiện đại hóa В-2 cho đến chế tạo một họ máy bay có khả năng không kích, trinh sát và tác chiến điện tử.

Hiện tại, USAF đã đi đến kết luận là cần phải chế tạo một họ máy bay tấn công tầm xa dựa trên sự yểm trợ từ phía các tiêm kích tàng hình F-22 và F-35.

Máy bay tấn công tầm xa cũng phải được trang bị các tên lửa mang đầu đạn thông thường giống như các máy bay ném bom chiến lược В-1В Lancer và В-52H Stratofortress vốn đã được sử dụng ở Iraq và Afghanistan.

“Máy bay này không dùng để tiêu diệt một mục tiêu trong một chuyến bay ”, tướng Philip Breedlove nói.

Thời chiến tranh lạnh, khi mà vấn đề tiền nong đặt ra ít gay gắt hơn thì ý đồ là làm sao cho máy bay ném bom  chiến lược phải xâm nhập được không phận đối phương, có khả năng tự vệ trước hệ thống phòng không, tiến hành trinh sát, tiêu diệt mục tiêu và bay ra cự ly an toàn. “Các máy bay này thường là lớn về kích thước và đắt tiền”, tướng Breedlove nói.

Máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới sẽ không có giá 1,2 tỷ USD như B-2 Spirrit trên ảnh

Đơn giá của В-2 vào năm 1998 là 1,2 tỷ USD. Hiện tại thì việc chi cả tỷ USD để chế tạo một máy bay là không thể. Theo viên tướng này, cần phải chế tạo các máy bay nhỏ, qua đó mà hạ giá thành xuống, nhưng giá thành máy bay phụ thuộc vào kích thước vũ khí mà nó có thể mang. Chỉ có В-2 có thể mang loại bom lớn nhất hiện nay là Massive Ordnance Penetrator dài 21 ft và nặng 30.000 bảng. Trong khoang bom của В-2 chứa được 2 quả bom này.

Tướng Breedlove nói rằng, ông hy vọng trong 15 năm tới sẽ chế tạo được các loại bom xuyên cỡ nhỏ hơn để có thể chuyên chở được bằng các máy bay nhỏ, chứ không chỉ bằng các máy bay ném bom 4 động cơ hiện có.

Một hình ảnh giả định máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới của Mỹ (popsci.com)

Viên tướng cũng đưa ra ý kiến riêng là máy bay ném bom chiến lược mới với nhiệm vụ tấn công hạt nhân sẽ phải là máy bay có người lái, bởi vì một phương tiện bay được trang bị vũ khí hạt nhân thì phải có người điều khiển trên khoang.

Khó khăn chính trong việc chế tạo máy bay không người lái là việc chế tạo hệ thống liên lạc vệ tinh tin cậy, có độ bền vững tuyệt đối trong chiến đấu.

10 năm trước, trong Sách trắng Quốc phòng của Mỹ có nói rằng, máy bay ném bom  phải được chế tạo vào khoảng năm 2024. Bộ Chỉ huy USAF cho rằng, họ cần một loại máy bay ném bom chiến lược siêu âm, bay đến mục tiêu ở độ cao giáp với vũ trụ, nhưng ý tưởng này đã bị loại bỏ và họ đã quyết định chế tạo một họ máy bay tấn công tầm xa vào năm 2018. Thời gian eo hẹp như vậy đòi hỏi phải sử dụng các công nghệ hiện có.

Năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã bác bỏ kế hoạch chế tạo máy bay ném bom mới, tuy nhiên nguời ta đang ngày càng lo lắng về khả năng của Mỹ tiêu diệt các mục tiêu kiên cố, khó tấn công được bảo vệ bằng hệ thống phòng không mạnh. Điều đó đã khiến người ta tái thảo luận vấn đề chế tạo họ máy bay tấn công tầm xa và chi tiền cho khoản mục này trong dự thảo ngân sách quốc phòng tài khóa 2011.

  • Nguồn: airforcetimes.com, MP, 11.7.10.

Print Print E-mail Print