VietnamDefence -
Ấn Độ và Mỹ đang chuẩn bị cho việc ký kết các hợp đồng quốc phòng trị giá gần 5 tỷ USD trong chuyến thăm của TT Mỹ Obama tới Delhi vào tháng 11.2010, tờ Sunday Guardian cho hay.
Một khi các hợp đồng được ký kết, Mỹ đẩy bật Nga khỏi vị trí nhà cung cấp vũ khí lớn nhất trên thị trường Ấn Độ.
Sunday Guardian dẫn nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, “việc đàm phán đang gần kết thúc” liên quan đến việc mua hệ thống tên lửa phòng không Patriot và máy bay tiếp dầu trên không của Boeing. Dự kiến, số lượng lựu pháo hạng nhẹ mua của Mỹ cũng sẽ tăng lên.
Dự định sẽ ký tất cả các hợp đồng dự kiến trực tiếp với chính phủ Mỹ theo cơ chế mua sắm quân sự trực tiếp (Foreign Military Sales, FMS), tức là cho phép mua sắm vũ khí trang bị của Mỹ mà không cần mở thầu.
“Đoàn Mỹ đã thăm Ấn Độ vào tuần cuối của tháng 5 để thuyết phục chúng tôi mua sắm vũ khí theo cơ chế FMS. Chúng tôi đang đàm phán mua các tên lửa đất-đối-không, máy bay tiếp dầu trên không và bổ sung những nét cuối cùng vào hợp đồng mua lựu pháo hạng nhẹ”, - nguồn tin tiết lộ.
Trị giá thương vụ mua các hệ thống Patriot với các radar hiện đại ước tính 2 tỷ USD. Thương vị mua sắm máy bay tiếp dầu trên không của Airbus đã được Ủy ban mua sắm quốc phòng của chính phủ Ấn Độ phê chuẩn song bị hủy bỏ vào tháng 1.2010 trị giá 1,5 tỷ USD. Giá trị hợp đồng mua lựu pháo của Mỹ ước tính 649 triệu USD, song có thể vượt quá 1 tỷ USD, theo nguồn tin.
“Cũng có thể trông đợi các đơn đặt hàng bổ sung, hiện đại hóa và cung cấp phụ tùng trị giá 1 tỷ USD nữa. Quyết định cuối cùng chưa được thông qua, song có thể có nội dung hiện đại hóa các trực thăng Apache và máy bay trinh sát”, - Sunday Guardian cho biết thêm.
|
Một tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ
|
Trong một động thái khác, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua chương trình đổi mới hạm đội tàu ngầm nước này. Họ sẽ chi gần 11 tỷ USD để đóng 6 tàu ngầm mới.
Theo tờ Times of India, số tiền này sẽ được chi cho việc đóng 4 tàu ngầm điện-diesel cùng với một đối tác nước ngoài tại các xưởng đóng tàu ở Mumbai và Visakhapatnam. Hai tàu ngầm nữa sẽ được đóng tại các xưởng đóng tàu tư nhân hoặc mua từ nước ngoài.
Sự già cỗi của các tàu ngầm hiện có buộc Ấn Độ phải tái trang bị hạm đội tàu ngầm. Đến năm 2015, một nửa hạm đội tàu ngầm hiện nay của Ấn Độ sẽ ngừng hoạt động.
Dự kiến, tham gia cuộc thầu đóng tàu ngầm cho Ấn Độ sẽ có các hãng Rosoboronoexport (Nga) và các hãng của Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
- Nguồn: top.rbc.ru, rian, MP, 11.7.10.