Vietnamdefence.com

 

Indonesia bắt đầu nghi ngại chương trình tiêm kích KFX/Boramae

VietnamDefence - Tờ The Jakarta Post đưa tin Hàn Quốc và Indonesia đang chuẩn bị ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển tiêm kích thế hệ 4.5 theo chương trình KFX (Boramae) vào cuối năm 2010.

Thỏa thuận ghi nhớ giữa hai nước đã được ký vào tháng 3.2009. Tổng trị giá chương trình ước tính 8 tỷ USD, thời gian thực hiện là 8 năm. Tổng số máy bay được chế tạo có thể là hơn 200 chiếc, đóng góp tài chính của Indonesia ước tính 2 tỷ USD. Dự kiến, 5 mẫu chế thử đầu tiên của máy bay sẽ hoàn thành trước năm 2020.

Chương trình KFX được khởi động vào năm 2001, chi phí dự trù cho phát triển và sản xuất 120 tiêm kích cho Không quân Hàn Quốc là 13 tỷ USD. Nhưng Hàn Quốc nhanh chóng hiểu rằng, họ không thể đơn độc thực hiện dự án tham vọng này. Theo tính toán của họ, hãng thầu chính - tập đoàn chế tạo máy bay quốc gia Hàn Quốc KAI chỉ có 63% các công nghệ cần thiết.

KAI có kinh nghiệm khiêm tốn trong việc phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu với dự án máy bay huấn luyện KT-1 Wong Bee, sản xuất theo giấy phép tiêm kích F-16K, hợp tác với Mỹ phát triển máy bay huấn luyện siêu âm T-50 và chế tạo linh kiện, phụ tùng cho tiêm kích F-15К (phần trước thân máy bay và cánh). 

Hàn Quốc đang xuất khẩu máy bay huấn luyện КТ-1 sang Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ, và đến nay chưa bán được chiếc Т-50 nào, mặc dù máy bay này đã nằm trong danh sách dự thầu ở UAE, Israel, Hy Lạp, Singapore và Mỹ.

KFX sẽ sử dụng các cụm, bộ phận nhập khẩu, nhất là thiết bị avionics, động cơ, yếu tố có thể gây ra những khó khăn chính trị đối với nước Indonesia Hồi giáo. Máy bay sẽ được phát triển dựa trên máy bay huấn luyện Т-50. Không loại trừ, máy bay sẽ được trang bị radar mạng pha chủ động của Israel - radar này có thể tiến hành sản xuất ở Hàn Quốc. Có rủi ro trội chi giống như ở chương trình tiêm kích thế hệ 5 F-35 của Mỹ hay Eurofighter của châu Âu.

Ngoài ra, tồn tại câu hỏi là Indonesia sẽ thu được những lợi ích gì, cụ thể về mặt tạo ra những việc làm mới. Được biết chương trình Eurofighter đã cho phép tạo ra ở châu Âu 30.000 chỗ làm mới. Khi đặt hàng khoảng 50 tiêm kích KFX, Jakarta chỉ có thể tiếp cận các công nghệ tiên tiến, nhưng sự tham gia của Indonesia vào sản xuất loạt là hầu như không thể.

Tạp chí Aviation Week cho rằng, chương trình KFX chỉ có thể không lỗ một khi sản xuất không dưới 200-250 chiếc, và khi đó đơn giá máy bay có thể là 41 triệu USD, yếu tố sẽ mở ra triển vọng xuất khẩu cho máy bay này.

Tất cả các chuyên gia đều nghi ngại khả năng tiêm kích Hàn Quốc-Indonesia có thể đưa ra những công nghệ tốt tân như F-35 và tiêm kích Nga-Ấn Độ PAK FA, và do đó KFX không thể trở thành phương án tốt nhất để tác chiến chống các tiêm kích công nghệ cao hơn của đối phương.

Trong bối cảnh các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Nga-Ấn Độ đều xúc tiến phát triển tiêm kích thế hệ 5, chính phủ Hàn Quốc đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn là chế tạo tiêm kích của riêng mình hay mua các máy bay chiến đấu hiện đại được chào bán trên thị trường.

Một độc giả có lẽ là người Hàn Quốc khi bình luận bài báo này đã lên tiếng bảo vệ chương trình KFX và đính chính rằng, tiêm kích 2 động cơ KFX không phải được phát triển dựa trên máy bay huấn luyện siêu âm Т-50.

Máy bay tiêm kích này sẽ được trang bị radar mạng pha chủ động của Hàn Quốc hiện đang được phát triển, hệ thống điều khiển điện từ xa kỹ thuật số và thiết bị avionics do Hàn Quốc phát triển (sẽ sẵn sàng vào năm 2012), các công nghệ tàng hình cũng hoàn toàn là của Hàn Quốc. Bộ phận duy nhất của máy bay được nhập khẩu sẽ là động cơ.

  • Nguồn: The Jakarta Post, 12.7.10; MP, 13.7.10; sinodefenceforum.com. 

Print Print E-mail Print