Vietnamdefence.com

 

Su-30MKI tăng giá 2,5 lần

VietnamDefence - Đơn giá tiêm kích Su-30MKI Nga bán cho Ấn Độ đã tăng 2,5 lần trong vòng 3 năm, từ gần 40 triệu USD lên đến 102 triệu USD, kênh truyền hình Ấn Độ NewsX đưa tin.

Su-30MKI (acig.org)

Nếu như năm 2007, Ấn Độ mua 40 Su-30MKI với giá 1,5 tỷ USD thì giá của lô mới gồm 42 Su-30MKI có thể lên đến 4,29 tỷ USD.

Việc Ấn Độ muốn mua 42 Su-30MKI được biết từ đầu tháng 3.2010 và giá trị hợp đồng này lúc đó ước đoán là 3,5 tỷ USD.

Phó nguyên soái không quân Ấn Độ về hưu Kapil Kak cho rằng, giá mới của Su-30MKI là “rất, rất cao”, và với giá đó hoàn toàn có thể mua tiêm kích tiên tiến thế hệ 5 F-35 Lightning II của hãng Lockheed Martin, Mỹ.

Trước đây, Lockheed Martin đã tiến hành giới thiệu biến thể trên hạm của F-35 cho Hải quân Ấn Độ và dự định cho tiêm kích này tham gia cuộc thầu mua tiêm kích trên hạm của Ấn Độ. Không loại trừ Mỹ sẽ bán F-35 cho Không quân Ấn Độ (IAF).

Đơn giá F-35 sản xuất loạt được Lầu Năm góc ước tính là gần 150 triệu USD, nhưng đây là giá gần đúng và có thể giảm dần theo thời gian. Ví dụ, Israel định mua các máy bay này không đắt hơn 137 triệu USD/chiếc, còn Nhật Bản mua  không quá 110-120 triệu USD/chiếc.

Kênh truyền hình Ấn Độ Hindi News phát phóng sự của phóng viên Vishal Thaparm, trong đó cũng nói đến việc Nga tăng 2,5 lần giá Su-30MKI bán cho Ấn Độ. Đồng thời cho biết, hợp đồng hiện đại hóa 25 tiêm kích Mirage-2000 của Pháp cũng rất đắt đỏ (theo lời đại sứ Pháp tại Ấn Độ là 40 triệu USD/chiếc).

Diễn đàn mạng quân sự của Pakistan defence.pk lập tức được đà trêu chọc Ấn Độ và nói rằng, Pakistan sẽ mua hơn 300 tiêm kích JF-17 theo giá cố định, chứ không phải giá nhảy lên. Họ cho rằng, Nga áp dụng chiến thuật “dụ dỗ bằng giá thấp, sau đó tăng giá”, và dẫn bản trường ca hiện đại hóa tàu sân bay Đô đốc Gorshkov làm thí dụ.

Nga không tiết lộ chi tiết hợp đồng tương lai bán cho Ấn Độ 42 Su-30MKI. Không loại trừ, hợp đồng còn bao gồm cả vũ khí cho máy bay và các hợp đồng bổ sung khác, ví dụ radar của Pháp mà Ấn Độ định lắp cho các máy bay Su-30MKI hiện có; cũng như thiết bị bảo dưỡng mặt đất. Dẫu sao thì việc tăng giá máy bay cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch mua Su-30MKI của Ấn Độ.

Dự kiến, lô Su-30MKI mới IAF sẽ nhận được từ năm 2014-2018. Sau khi nhận được tất cả số Su-30MKI đặt mua, IAF sẽ có 272 chiếc loại này và Ấn Độ sẽ trở thành nước có số tiêm kích này nhiều nhất thế giới.
  

Su-30MKI của IAF (india-defense.com)

Trước đó The Deccan Chronicle đưa tin, Hội đồng mua sắm quốc phòng (DAC) Ấn Độ đã phê chuẩn kế hoạch mua thêm 42 Su-30MKI và 124 tăng chủ lực Arjun.

Chi phí mua 42 máy bay do công ty Hindustan Aeronautics sản xuất theo giấy phép là 200 tỷ rupee (4,29 tỷ USD). Chi phí mua 124 tăng Arjun không được triết lộ.

Đến nay, Ấn Độ đã đặt mua của Nga 230 Su-30MKI tổng trị giá 8,5 tỷ USD trong khuôn khổ 3 hợp đồng. Hợp đồng đầu tiên mua 50 chiếc ký năm 1998, sau đó Ấn Độ đặt mua thêm 40 chiếc, sau đó mua giấy phép sản xuất 140 chiếc Su-30MKI.

Hiện Ấn Độ có 103 Su-30MKI đủ điều kiện sử dụng, IAF dự định tăng số máy bay này lên đến 230 chiếc vào năm 2015.

Việc mua Su-30MKI nằm trong chương trình hiện đại hóa IAF trong 12 năm tới với chi phí trên 100 tỷ USD.

Su-30MKI là biến thể của Su-30МК, được phát triển riêng cho Ấn Độ. Máy bay có thể đạt tốc độ 2.200 km/h và bay liên tục ở cự ly 3.500 km. Su-30MKI được trang bị 1 pháo 30 mm và có 12 điểm treo bom và tên lửa.

Lục quân Ấn Độ công bố ý định mua 124 Arjun vào giữa tháng 5.2010. Sau khi hoàn tất hợp đồng này, số tăng Arjun của Lục quân Ấn độ sẽ tăng lên đến 248 chiếc.

Ấn Độ quyết định mua thêm Arjun sau khi kết thúc thử nghiệm so sánh giữa Т-90 của Nga và Arjun. Báo chí Ấn Độ nói rằng, Arjun đã tỏ ra vượt trội Т-90, song Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã không công báo báo cáo chính thức về các thử nghiệm so sánh này.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arakaparambil Kurian Antony tuyên bố, tên lửa đường đạn xuyên lục địa mới Agni-III có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nặng đến 1,5 tấn đã sẵn sàng đưa vào trang bị. Trước đó có tin Agni-III có thể được nhận vào trang bị trước cuối năm 2010.

  • Nguồn: Lenta, 3.3.2010, 11.8.2010, 17.8.2010; theasiandefence.blogspot.com; defence.pk. 

Print Print E-mail Print