Vietnamdefence.com

 

Đối phó với Mỹ và kiểm soát Biển Đông: Trung Quốc triển khai tên lửa đường đạn chống tàu sân bay DF-21D ở Quảng Đông

VietnamDefence - Từ căn cứ Thiều Quan, Quảng Đông, các tên lửa DF-21D có khả năng tiêu diệt đa số các mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam và Philippines, cũng như kiểm soát 70% hải phận Biển Đông.

Tên lửa đường đạn tầm trung DF-21C (armscontrolwonk.com)

Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ tên lửa đường đạn chống hạm (ASBM) DF-21D tại tỉnh Quảng Đông ở đông nam Trung Quốc, Viện Project 2049 tại Washington chuyên nghiên cứu chính sách quốc gia tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết.

Căn cứ này sẽ thuộc quyền quản lý của Lực lượng pháo binh 2 (Lực lượng tên lửa chiến lược) của quân đội Trung Quốc.

Viện Project 2049 đưa ra phỏng đoán này dựa trên thông tin của hãng Tân Hoa xã ngày 28.7.2010 nói rằng, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành thị sát một căn cứ quân sự mới tại khu vực thành phố Thiều Quan (Shaoquan).

Thông tin chính xác có được cho biết, đơn vị mới 96166 đóng tại căn cứ mới này sẽ được trang bị các tên lửa đường đạn tầm trung DF-21C và có thể cả các ASBM DF-21D,  Mark Stokes và Tiffany Ma viết trong báo cáo mới “Các cơ sở của lữ đoàn tên lửa đường đạn chống hạm của Lực lượng pháo binh 2 đang được xây dựng ở Quảng Đông?” (Second Artillery Anti-Ship Ballistic Missile Brigade Facilities Under Construction in Guangdong?” đăng trên website của Viện Project 2049.

DF-21C được đưa vào trang bị năm 2005 và được thiết kế để tấn công các mục tiêu mặt đất. Mặc dù các ASBM DF-21D đã gần đến giai đoạn sản xuất lọt nhỏ ban đầu, dự kiến là vào năm 2011 hoặc không lâu sau đó, chưa chắc tên lửa này được đưa vào trang bị chính thức nếu mẫu chế thử chưa được thử nghiệm trong một thời gian dài.

Mặc dù tỉnh Quảng Đông hiện đã có một căn cứ tên lửa đường đạn tầm ngắn (đơn vị 96169) của Lực lượng pháo binh 2 ở Mai Châu (Meizhou), căn cứ mới có thể “có những khả năng đặc biệt trong việc làm phức tạp thêm tính toán chiến lược ở châu Á và đặc biệt tại Biển Đông”

ASBM được các nhà quan sát đặt cho biệt danh “sát thủ tàu sân bay” là một phần trong chiến lược chống tiếp cận quy mô lớn hơn được thiết kế để ngăn chặn Hải quân Mỹ tới hỗ trợ Đài Loan một khi xảy ra chiến tranh. Nay thì dường như Trung Quốc cũng đang sử dụng chiến lược này để ngăn chặn hải quân Mỹ và các nước khu vực hoạt động tại Biển Đông.

Hiện người ta biết rất ít về tên lửa mới DF-21D với tầm bắn dự đoán là 1.700 km. Tên lửa này dùng để tiêu diệt tàu nổi của đối phương không được trang bị các vũ khí phòng không. DF-21D có khả năng tiêu diệt đa số các mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam và Philippines. Khi triển khai tên lửa mới tại căn cứ ở Thiều Quan, Trung Quốc có thể kiểm soát 70% hải phận Biển Đông.

Mặc dù các cụm tàu sân bay Mỹ có khả năng phòng không khá mạnh, trong đó có các tên lửa Standard SM-3, các ASBM là một mối đe dọa hoàn toàn mới, ông Stokes nói. Hiện chưa có nước nào phát triển được một hệ thống ASBM tin cậy và vì thế một số nhà phân tích có sự lưỡng lự để loại trừ khả năng Trung Quốc đã phát triển khả năng định vị và tiêu diệt mục tiêu động bằng tên lửa hành trình.

Tuy nhiên, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Robert Willard đã nói với các thành viên Hạ viện và Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ vào tháng 3.2010 rằng, Trung Quốc đã tiến gần đến giai đoạn thử nghiệm một loại ASBM.

Mới đây, Trung Quốc đã tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ và báo chí do nhà nước kiểm soát đang lớn tiếng nói toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc.

“Tôi cảm tưởng rằng họ đang thi hành chính sách khẳng định quyền sở hữu của họ ở Biển Đông”, một cựu sĩ quan tình báo Mỹ nay ở Singapore nói. “Họ không định xa rời chính sách đó. Họ có sự kiên nhẫn cho đến khi chiếm hữu nó”.

Việc triển khai ASBM ở gần Biển Đông bổ sung thêm chiều kích mới cho vấn đề mà các cường quốc khu vực và Mỹ đang phải đối mặt khi mà Trung Quốc bắt đầu thực hiện các yêu sách trên biển của họ.
Tên lửa đường đạn tầm trung DF-21D với tầm bắn 1.700 km có thể tấn công phần lớn các mục tiêu mặt đất ở Việt Nam, cũng như miền bắc Philippines, kể cả vịnh Subic với đôi chút khó khăn.

ASBM DF-21D tầm bắn 1.500-2.000 km sẽ có thể bao trùm quần đảo Trường Sa cách đó 1.800 km. Tầm khống chế của tên lửa này sẽ là khoảng 70% Biển Đông nếu tầm bắn tối đa 2.000 km của nó được khẳng định.

Ngoài ra, các tên lửa DF-21C và DF-21D sẽ dễ dàng tấn công các mục tiêu mặt đất trên đảo Đài Loan và các mục tiêu trên biển xa hơn đảo này. Bờ đông của đảo Đài Loan chỉ cách căn cứ tên lửa mới khoảng 800 km. Trung Quốc hiện đá có 1.300 tên lửa đường đạn tầm ngắn DF-11/15 nhằm vào Đài Loan và một số lượng chưa rõ tên lửa hành trình.

Trong duyệt binh kỷ niệm 60 năm quốc khánh Trung Quốc ở Bắc Kinh vào tháng 10.2009, quân đội Trung Quốc đã trình diễn nhiều hệ thống tên lửa cơ động, trong đó có các tên lửa đường đạn tầm ngắn DF-11A và DF-15B, tên lửa tầm trung DF-21C và tên lửa đường đạn xuyên lục địa DF-31A, cũng như tên lửa hành trình tấn công mặt đất DH-10.

DF-31A là tên lửa đường đạn xuyên lục địa cơ động đầu tiên của Trung Quốc có khả năng bắn tới Washington. Trước đó, Trung Quốc dựa vào các tên lửa đường đạn xuyên lục địa lạc hậu bố trí trong giêngs phóng DF-5 làm phương tiện phản kích hạt nhân chống Mỹ.

Là các hệ thống tên lửa cơ động, chúng sẽ khó bị định vị và tiêu diệt trong cuộc chiến tranh với Mỹ. Thêm phần khó khăn cho Mỹ là khu vực Thiều Quan gần với các dự án đường hầm xuyên dãy núi Nanling chia cắt các tỉnh Quảng Đông và Hồ Nam.

“Một đơn vị công binh của Lực lượng pháo binh 2 được biết phụ trách làm đường hầm trong cái gọi là “Dự án Trường Thành” đã sớm có mặt ở Thiều Quan từ năm 2008”, báo cáo của Viện Project 2049 viết.

  • Nguồn: Defense News, 5.8.10.

Print Print E-mail Print