Vietnamdefence.com

 

Tình báo Mỹ: Địch thủ Trung Quốc của F-22 Raptor xuất hiện vào năm 2018

VietnamDefence - Trung Quốc có thể chế tạo tiêm kích thế hệ 5 để đối phó với F-22 trong vòng 8 năm nữa, Wayne Ulman người phụ trách Trung Quốc của Trung tâm Tình báo hàng không-vũ trụ quốc gia Mỹ nói trong buổi điều trần trước Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung.

Một hình ảnh giả định tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc

Trung Quốc đang phát triển một loại máy bay chiến đấu có thể cạnh tranh với tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor của hãng Lockheed Martin (Mỹ), hãng Reuters dẫn tuyên bố của quan chứ phụ trách Trung Quốc của Trung tâm Tình báo hàng không-vũ trụ quốc gia (National Air and Space Intelligence Center) Wayne Ulman trong buổi điều trần ngày 20.5.2010 về chủ đề “Khả năng đang lên của Hàng không vũ trụ quân sự và hàng không thương mại Trung Quốc (China’s Emergent Military Aerospace and Commercial Aviation Capabilities) trước Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (U.S.-China Economic and Security Review Commission (USCC), nhóm công tác của Quốc hội Mỹ phụ trách nghiên cứu quan hệ kinh tế Mỹ-Trung ở góc độ hậu quả đối với an ninh quốc gia Mỹ.

“Chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ đưa tiêm kích thế hệ 5 vào trang bị ngay vào khoảng năm 2018”, ông Wayne Ulman nói và nhấn mạnh, tốc độ phát triển của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vượt quá sự trông đợi của nhiều chuyên gia.

Việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng sức mạnh quân sự khiến Lầu Năm góc lo ngại. Thế hệ máy bay tiêm kích thứ 5 có những khả năng tiên tiến, trong đó có hình dáng khí động tiên tiến, các công nghệ vật liệu cấu trúc và hệ thống động cơ tối tân dùng để giảm thiểu độ bộc lộ của máy bay trên màn hình radar đối phương.

Ông Ulman cho biết quân đội Trung Quốc đang xem xét khả năng sử dụng vũ lực chống Đài Loan. Trong kế hoạch thu hồi Đài Loan, quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị đối phó với “sự can thiệp của Mỹ để ủng hộ Đài Loan có thể xảy ra”. Chiến lược của quân đội Trung Quốc là làm suy yếu không lực Mỹ bằng cách tấn công các căn cứ không quân, các cụm tàu sân bay tiến công và các cơ sở bảo đảm một khi Mỹ nhảy vào can thiệp. Không quân Trung Quốc sẽ cùng với lực lượng tên lửa hành trình và đường đạn thông thường tấn công “hạ tầng căn cứ” của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Ông Ulman cũng nói Trung Quốc là một mục tiêu “rắn” đối với việc thu thập tình báo nên Mỹ biết rất ít về tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc, nhưng khoảng 500 tiêm kích thế hệ 4 có thể được xem như “cân bằng kỹ thuật” với các máy bay Mỹ cùng thế hệ. Ulman phỏng đoán tính năng của tiêm kích tương lai của Trung Quốc “có lẽ sẽ gần với trình độ F-22”.
 
Đầu tháng 7.2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố là theo dự báo của Lầu Năm góc, Trung Quốc sẽ không có tiêm kích thế hệ 5 ít ra đến năm 2020. Phải đến năm 2025, Trung Quốc sẽ chỉ có thể đưa vào trang bị “vài chiếc” máy bay loại này.

Ngày 16.7.2009, Gates khi phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế ở Chicago đã kêu gọi Quốc hội Mỹ hạn chế sản xuất loạt F-22 ở con số 187 chiếc để tiết kiệm ngân sách cho thập kỷ sau.

Ông Gates cũng đã nêu lập luận này để bảo vệ tại Quốc hội Mỹ quyết định ngừng cấp kinh phí cho chương trình mua sắm F-22 để tiết kiệm nhiều tỷ USD cho Lầu Năm góc.
 
"Chẳng lẽ đó lại là mối đe dọa khủng khiếp khi mà đến năm 2020, Mỹ sẽ chỉ cố số lượng máy bay tiêm kích tàng hình tiên tiến gấp 20 lần Trung Quốc?", - ông Gates nói.

Đầu tháng 4.2010, cựu Bộ trưởng Không quân Mỹ Michael Wynne đã khuyến nghị Quốc hội Mỹ nối lại sản xuất F-22 và mua thêm 75 chiếc. Theo ông, việc mua sắm các máy bay mới sẽ giúp khắc phục sự thiếu hụt máy bay tiêm kích của Không quân Mỹ do chương trình phát triển F-35 Lightning II bị chậm tiến độ và do loại bỏ các máy bay thế hệ trước đã hết hạn sử dụng. Tiền để mua F-22 ông Wynne để nghị lấy từ quỹ dự phòng để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 6.

Ngày 8.5.2010, Gates nói rằng, ông không thấy vấn đề gì lớn khi thiếu hụt tạm thời khoảng 100 tiêm kích mới cho một số phi đoàn trên tàu sân bay của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ khi mà quân đội Mỹ có tổng cộng 3.200 máy bay chiến đấu chiến thuật các loại.

Ông Gates khẳng định ưu thế “đơn phương” của Mỹ về máy bay tiêm kích, tàu chiến và các loại vũ khí đắt tiền là “thừa” trong điều kiện khó khăn kinh tế hiện tại mà Mỹ đang trải qua.

Hiện chưa rõ tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc có tên gọi ra sao. Các cơ quan tình báo phương Tây gán cho nó ký hiệu J-X hoặc J-XX. Tham gia chế tạo máy bay này là các công ty chế tạo máy bay Thành Đô và Thẩm Dương và họ dự tính hoàn tất công tác phát triển trước năm 2017-2019. Tính năng kỹ thuật của máy bay này hiện chưa rõ.

Thư ký báo chí Lầu Năm góc Geoff Morrell từ chối bình luận phát biểu của cơ quan tình báo cho rằng, từ tháng 7.2009, Trung Quốc đã đạt tiến bộ đáng kể trong phát triển tiêm kích thế hệ mới. Chuyên gia về quân đội Trung Quốc của Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế (International Assessment and Strategy Center) Richard Fisher nói rằng, quyết định của ông Gates ngừng sản xuất loạt F-22 “tiềm ẩn là rất sai lầm”. “Chúng ta cần nhiều hơn F-22 nếu như chúng ta muốn bảo vệ thích đáng các lợi ích của chúng ta” ông nói tại buổi điều trần ngày 20.5.2010. 

  • Nguồn: Reuters, lenta, 21.5.10.

Print Print E-mail Print