Vietnamdefence.com

 

Năm 2018, Ấn Độ sẽ có tiêm kích thế hệ 5

VietnamDefence - Năm 2018, Ấn Độ sẽ nhận vào trang bị máy bay tiêm kích thế hệ 5 do Ấn Độ hợp tác với Nga chế tạo. Điều này có thể làm phức tạp quan hệ với Trung Quốc và Pakistan.

Tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 của Nga

New Dehli đang lo ngại theo dõi Trung Quốc đạt những tiến bộ lớn trong các nỗ lực quốc phòng và trong bối cảnh đó các tướng lĩnh Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết phải có tiềm năng chiến đấu lớn, cụ thể là không quân hùng mạnh.

Việc chế tạo tiêm kích thế hệ 5 là một bộ phận của chiến lược này. "Các máy bay thế hệ 5 sẽ có các công nghệ bảo đảm cho ưu thế của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh trên không trong tương lai. Trung Quốc đang nhanh chóng hiện đại hoá không quân của họ. Không quân Ấn Độ đặt mục tiêu thường xuyên mở rộng tiềm lực chiến đấu của mình", Tư lệnh Không quân Ấn Độ (IAF) PV Naik tuyên bố.

Ấn Độ dự định tăng số lượng căn cứ không quân bố trí ở biên giới với Trung Quốc và Pakistan lên đến trên 50. Bất kỳ hành động nào của Ấn Độ nhằm mua vũ khí mới đều tạo ra phản ứng tương tự từ phía Pakistan và làm phức tạp hệ thống an ninh khu vực mỏng manh.

Tiêm kích thế hệ 5 FGFA là đối thủ cạnh tranh với F-22 Raptor của Mỹ và có độ bộc lộ radar nhỏ, khả năng cất cánh từ đường băng ngắn, bay lâu hơn các loại tiêm kích hiện nay, các quan chức IAF cho biết.

Hiện nay, IAF có hơn 800 máy bay chiến đấu, nhưng số lượng này là không đáng kể so với 2000 tiêm kích của Trung Quốc. Tại Ấn Độ, việc mua sắm vũ khí diễn ra chậm chạp do nạn quan liêu và tham nhũng.

Ấn Độ dự định mua không dưới 200 tiêm kích thế hệ 5 với đơn giá 100 triệu USD/chiếc. Trong 5 năm tới, Ấn Độ có ý định chi hơn 50 tỷ USD để mua vũ khí hiện đại, chủ yếu để thay thế các vũ khí trang bị lạc hậu do Liên Xô sản xuất.

Chính phủ Nga và Ấn Độ đã ký hợp đồng cùng phát triển các tiêm kích tiên tiến mặc dù 2 công ty sẽ chế tạo chúng còn chưa được xây dựng. Nhưng các quan chức cho biết, đó chỉ còn là vấn đề thủ tục và sẽ được hoàn tất trong năm nay. Việc sản xuất tiêm kích sẽ được sản xuất theo nguyên tắc ngang bằng nhau tại xí nghiệp liên doanh do Nga và hãng quốc doanh Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ thành lập. HAL sẽ sản xuất máy tính trên khoang, các màn hình và các hệ thống đạo hàng khác.

Trước đó, Nga và Ấn Độ đã thống nhất về dự án chế tạo tiêm kích thế hệ 5. Các chuyên gia Nga, Ấn sẽ cùng phát triển các biến thể 1 và 2 chỗ ngồi của máy bay. Chuyến bay đầu tiên của máy bay chiến đấu này có thể diễn ra vào năm 2015-2016.

Theo chủ tịch tập đoàn HAL Ashok Nayak, hai bên đã thoả thuận phân công công việc. Tài liệu kỹ thuật trình bày các yêu cầu của phía Ấn Độ đối với biển thế 1 chỗ ngồi đã được chuyển cho Nga. Cả 2 biến thể sẽ được sản xuất cho IAF, song ở giai đoạn đầu chỉ tập trung cho biến thể 1 chỗ ngồi. Chi phí dự án sẽ được chia đều cho Nga và Ấn Độ. Chuyến bay đầu tiên được ấn định vào năm 2016-2018.

Các văn bản thành lập xí nghiệp liên doanh cũng đã được thống nhất, đại diện cho phía Nga tại dự án là Tập đoàn OAK và Rosoboronoexport, phía Ấn Độ là HAL. Giai đoạn đầu, dự kiến hai bên đầu tư 300 triệu USD. "Đây sẽ là sản phẩm phát triển chung, sẽ có các chuyên bay thử nghiệm chung", - ông Nayak cho biết.

Tiêm kích thế hệ 5 Т-50 của hãng Sukhoi bay lần đầu ngày 29.1.2010. Máy bay dự kiến được nhận vào trang bị của Không quân Nga từ năm 2015.
Ngoài Ấn Độ, một trong số các đối tác nước ngoài có thể tham gia dự án là công ty Embraer của Brazil.

Ấn Độ cũng đang tiến hành cuộc thầu mua 126 tiêm kích đa năng trị giá 11 tỷ USD, một trong những chương trình mua sắm vũ khí lớn nhất thế giới.

  • Nguồn: kommersant.ru, 11.3.2010; economictimes.indiatimes.com; MP, 25.04.10. 

Print Print E-mail Print