Vietnamdefence.com

 

Myanmar chi cho quốc phòng 2 tỷ USD

VietnamDefence - Myanmar có thể trở thành một trong những thị trường vũ khí triển vọng ở Đông Nam Á.

 MiG-29 Fulcrum- loại tiêm kích hiện đại nhất của Không quân Myanmar(gerencia.over-blog.com)

Mới đây, quốc hội được bầu của Myanmar đã họp phiên đấu tiên ngày 31.1.2011, nhưng ngân sách đã được thông qua ngày 271, từ trước khi quốc hội bắt đầu làm việc.

Gần ¼ ngân sách nhà nước mới của Myanmar sẽ được chi cho quốc phòng. Theo đó, Myanmar sẽ chi cho quốc phòng 1,8 ngàn tỷ kyat (2 tỷ USD) hay 23,6% trong tổng ngân sách nhà nước 7,6 ngàn tỷ. Trong khi đó, ngành y tế sẽ chỉ nhận được 99,5 tỷ kyat (110 triệu USD) hay 1,3% ngân sách nhà nước.

Thông tin về ngân sách quốc phòng của Myanmar trong thời gian dài được giữ kín. Theo số liệu của Jane’s, năm 2009, tổng chi cho quốc phòng của nước này lên tới 1,5 tỷ USD, tức 3,6% GDP.

Myanmar do quân đội lãnh đạo trong một thời gian dài. Tháng 11.2010, nước này đã tiến hành cuộc bầu cử quốc hội và quốc hội này đã bầu ra tổng thống đầu tiên ngày 4.2.2011 là cựu thủ tướng, viên tướng về hưu Thein Sein, chủ tịch đảng Liên minh đoàn kết và phát triển.

Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga) cho rằng, ngân sách quốc phòng tăng mạnh và tiến trình dân chủ hóa các cơ quan quyền lực Myanmar khiến nước này trở thành một thị trường vũ khí triển vọng ở Đông Nam Á.

Không quân Myanmar hiện đang mua sắm song song 20 tiêm kích Nga MiG-29 (gần 570 triệu USD) và 50-60 máy bay huấn luyện-chiến đấu К-8 Karakorum của Trung Quốc (gần 700 triệu USD). Đây là 2 chương trình có giá trị lớn nhất đến thời điểm hiện nay và đều được ký vào cuối năm 2009.

Theo thông tin hiện có, Myanmar đang có 1 hợp đồng trực thăng lớn với Nga.

Chính phủ và Bộ Quốc phòng Myanmar đang có nhu cầu hiện đại hóa triệt để hải, lục, không quân để bảo đảm khả năng quốc phòng.

Do đó, trong tương lai, Myanmar có thể được xem là một khách hàng lớn mua các loại vũ khí khác nhau vì quân đội nước này hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài trong việc cung cấp vũ khí trang bị.

Hiện tại, Trung Quốc và Nga đang chiếm vị thế chủ đạo trên thị trường vũ khí Myanmar. Ở hàng thứ hai các nhà cung cấp vũ khí lớn cho Myanmar có Ukraine, Ấn Độ, CHDCND Triều Tiên và Serbia. Thuộc nhóm nhà cung cấp thứ ba là Hàn Quốc, Pakistan, Ba Lan và Singapore.

Từ năm 1991, EU đã áp đặt cấm vận vũ khí, đạn dược và đào tạo, huấn luyện binh sĩ Myanmar. Năm 1993, đến lượt Mỹ cấm vận vũ khí đối với nước này. Tháng 6.2010, quốc hội Mỹ lại gia hạn lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Myanmar.

Sau khi tiến hành tổng tuyển cử nghị viện và bầu tổng thống mới của Myanmar, các nước phương Tây hoàn toàn có thể sẽ xem xét lại quyết định cấm vận vũ khí.

Từ năm 1988, quân số quân đội Myanmar đã tăng 2 lần và hiện tại có 406.000 quân.

  • Nguồn: Armstrade, 5.3.2011.

Print Print E-mail Print