Vietnamdefence.com

 

Kịch bản khẩn cấp: Thủy quân lục chiến Mỹ chiếm giữ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên

VietnamDefence - Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương, Trung tướng Keith Stalder: Nhiệm vụ của lính thủy đánh bộ Mỹ tại Okinawa là loại trừ mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên trong tình huống khẩn cấp. Đây có thể là con bài để Mỹ buộc Nhật Bản cho phép duy trì các căn cứ quân sự Mỹ tại nước này.

Trung tướng Keith J. Stalder,
Thuỷ quân lục chiến Mỹ (USMC) (wikipedia)

Trung tướng Keith Stalder, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương, đã tiến hành cuộc họp kín với một nhóm quan chức quân sự Nhật Bản. Ông tuyên bố rằng, nhiệm vụ quan trọng của binh lính thuộc quyền ông tại hòn đảo Okinawa của Nhật Bản là chiếm giữ và lấy đi vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên trong trường hợp xảy ra các tình huống khẩn cấp ở Bắc Triều Tiên.

Các chuyên gia Nga cho rằng, một chiến dịch như vậy sẽ có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Kịch bản đó cũng khó làm cho Trung Quốc hài lòng.

Cuộc họp, mà tờ báo Nhật Manichi đưa tin hôm thứ ba, 30.3.2010, đã diễn ra ngày 17.2.2010 tại đại sứ quán Mỹ ở Tokyo.

“Mục tiêu của Thủy quân lục chiến (Mỹ) tại Okinawa là Bắc Triều Tiên, Tướng Keith Stalder tuyên bố tại cuộc họp. - Sự sụp đổ của chế độ Kim Chính Nhật hiện có khả năng xảy ra hơn là xung đột quân sự giữa Bắc và Nam Triều Tiên. Nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi trong trường hợp này sẽ là nhanh chóng loại bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên”, hãng tin ITAR-TASS (Nga) trích dẫn tờ Mainichi.

Tháng 6.2008, trong quá trình vòng đàm phán 6 bên hiện đã bị tạm ngừng về việc thủ tiêu tiềm lực hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã thông báo họ đang có 38,5 kg plutonium cấp độ vũ khí. Theo tính toán của các chuyên gia, từ số nguyên liệu này có thể sản xuất 6-8 thiết bị nổ hạt nhân.

Theo thông tin báo chí, trong cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn quy mô lớn diễn ra trong tháng 3.2010, đã thao dượt cả nội dung cơ động các đơn vị đặc biệt Mỹ có nhiệm vụ truy lùng, chiếm giữa và lấy đi vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Bình luận phát biểu của Tướng Stalder, báo chí Hàn Quốc nhận xét rằng, Washington đã lần đầu tiên nêu rõ các mục đích của sự hiện diện quân sự của họ tại Okinawa. Cho đến nay, Mỹ vẫn khẳng định rằng, lính thủy đánh bộ Mỹ đóng tại hòn đảo miền nam Nhật Bản là để bảo vệ nước này chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ Bắc Triều Tiên, từ sự tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cũng như để khắc phục hậu quả các thảm họa thiên tai khi cần thiết.

Tuyên bố của viên tướng Mỹ được đưa ra đáp lại ý kiến của một thành viên đoàn Nhật Bản dự cuộc họp cho rằng, không có các lý do để duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Okinawa xét từ giác độ an ninh. Hiện nay, tại đây, Mỹ triển khai khoảng 12400 lính thủy đánh bộ Mỹ, chiếm gần 40% số quân Mỹ đóng tại đất nước mặt trời mọc.

Trao đổi với báo Độc lập (Nga), ông Viktor Pavlyatenko thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói rằng, tại Okinawa, Mỹ hiện có một điểm triển khai tuyến trước gần biên giới với các kẻ thù tiềm tàng.

Thời kỳ sau chiến tranh, Trung Quốc và Liên Xô đã được coi là mối đe dọa thực tế. Cùng với thời gian, các nhiệm vụ của quân Mỹ ở Okinawa cũng thay đổi. Mặc dù, lực lượng này vẫn sẵn sàng sử dụng điểm triển khai tuyến trước trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp ở Trung Quốc hoặc Nga, nhiệm vụ chủ yếu nhất của lực lượng Mỹ ở đó là cảnh báo và loại trừ nhanh chóng mối đe dọa trên bán đảo Triều Tiên, ông Pavlyatenko nêu ý kiến. Mà mối đe dọa chủ yếu ở đó là tiềm lực hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Đồng thời, ông Viktor Pavlyatenko cũng nhấn mạnh rằng, tuyên bố khá thẳng thắn của tướng Stalder được đưa ra trong lúc diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa Washington và Tokyo về vấn đề triển khai các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản.

Đảng Xã hội dân chủ nằm trong liên minh cầm quyền ở Nhật cương quyết yêu cầu Mỹ triệt thoái các căn cứ quân sự Mỹ khỏi lãnh thổ Nhật. Bởi vậy, tuyên bố của viên tướng Mỹ có thể là để gây áp lực đối với công luận Nhật Bản mà theo kết quả thăm dò nhìn chung là không phản đối việc kéo dài liên minh chính trị-quân sự với Mỹ như một thiết chế bảo đảm an ninh cho Nhật Bản.

Nhưng liệu Mỹ có đủ sức để chiếm giữ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên không? Các chuyên gia đưa ra câu trả lời khẳng định cho câu hỏi này. Người Mỹ hoàn toàn có đủ sức để làm việc đó. Tại Sasebo có các cụm tàu sân bay, gần đó là Guam, Hạm đội 7 của Mỹ (khu vực trách nhiệm của hạm đội này là phần tây Thái Bình Dương và phần đông Ấn Độ Dương) hoạt động theo các kế hoạch tác chiến phối hợp với Hạm đội 3 của Mỹ vốn chịu trách nhiệm về phần đông Thái Bình Dương.

Đáp lại câu hỏi liệu người Mỹ có thể biết người Bắc Triều Tiên cất giữ vật liệu hạt nhân ở đâu không, ông Viktor Pavlyatenko nhắc lại câu nói được cho là của Đặng Tiểu Bình: “Có thể tìm thấy con mèo đen trong căn phòng tối. Quan trọng nhất là nó phải có ở đó”. “38,5 kg (plutonium) người Mỹ có thể không tìm thấy lập tức. Nhưng phải nhớ là họ từng tìm kiếm vũ khí hủy diệt lớn ở Iraq kiên trì như thế nào”, - ông Pavlyatenko lưu ý.

Các chuyên gia đồng thời cũng cảnh báo rằng, việc Mỹ chiếm giữ vật liệu hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể đánh dấu việc mở đầu các hoạt động quân sự quy mô lớn ở bán đảo Triều Tiên và một cuộc chiến tranh mà Hàn Quốc có thể bị lôi cuốn vào. Những sự kiện đó cũng có thể khiến Trung Quốc bất bình. Trung Quốc không cần có một cuộc chiến ở ngay sát nách vì ngoài những hậu quả khác, nó còn có thể gây ra dòng người chạy nạn sang Trung Quốc.

  • Nguồn: Thủy quân lục chiến sẵn sàng được tung đến CHDCND Triều Tiên / Andrei Terekhov / NG, 2.4.2010.

Print Print E-mail Print