Vietnamdefence.com

 

Đô đốc Robert Willard báo động về tên lửa đường đạn 'sát thủ tàu sân bay' của Trung Quốc

VietnamDefence - Cuối tuần qua, Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, đã tiết lộ một thông tin đáng báo động, nhưng ít được chú ý: Trung Quốc “đang phát triển và thử nghiệm tên lửa đường đạn thông thường chống hạm dựa trên tên lửa đường đạn tầm trung DF-21/CSS-5 được thiết kế để chuyên chống tàu sân bay”.

Hình ảnh lấy từ trang web của tờ Đông Phương nhật báo, Thượng Hải, Trung Quốc

Các bằng chứng cho thấy, Trung Quốc đã phát triển tên lửa đường đạn chống hạm (ASBM) từ thập kỷ 1990, song đây là lần đầu tiên có sự xác nhận chính thức là ASBM này đã đến giai đoạn thử nghiệm thực tế.

Nếu được triển khai thành công, ASBM của Trung Quốc sẽ là hệ thống vũ khí cơ động triển khai trên mặt đất đầu tiên có khả năng tấn công các cụm tàu sân bay tiến công di động từ tầm xa.

ASBM cùng các hệ thống vũ khí “phi đối xứng” khác như tên lửa đường đạn và tên lửa hành trình, tàu ngầm, ngư lôi và thủy lôi - có thể là mối đe dọa tiềm tàng đối với các hoạt động của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và cả ở vịnh Persique.

Tiết lộ của ông Willard có vẻ hơi bất ngờ vì việc Trung Quốc quan tâm phát triển ASBM và các hệ thống liên quan đã được nêu trong các báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tâm Do thám đường không-vũ trụ (National Air and Space Intelligence Center), Cục Tình báo Hải quân Mỹ (Office of Naval Intelligence - ONI) và Cục Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (Congressional Research Service).

Các quan chức cao cấp như Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dennis Blair và Cục trưởng Cục Tác chiến Hải quân Mỹ Đô đốc Gary Roughead đều đã chỉ ra mối đe dọa đang gia tăng này.

Tháng 11. 2009, quan chức tình báo cao cấp về Trung Quốc của ONI Scott Bray đã nói rằng, việc phát triển ASBM của Trung Quốc “đã tiến triển với nhịp độ vượt bậc”. Trong chỉ hơn 1 thập kỷ, “Trung Quốc đã đưa chương trình ASBM từ giai đoạn khái niệm đến gần với khả năng tác chiến.… Trung Quốc đã triển khai các bộ phận của một mạng lưới [radar ngoài đường chân trời] và đang tìm cách mở rộng chân trời, tính kịp thời và độ chính xác của nó”.

Truyền thông Trung Quốc cũng tuyên truyền rầm rộ về ASBM. Tháng 11.2009, kênh CCTC7 (kênh truyền hình quân sự chính thức) của Trung Quốc đã phát một chương trình dài về ASBM.

Bắc Kinh đã phát triển khả năng ASBM ít nhất là từ cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1995-1996. Cuộc đối đầu này đã khiến lãnh đạo Trung Quốc tìm cách không bao giờ để các cụm tàu sân bay tiến công của Mỹ can thiệp vào vấn đề chủ quyền của họ. Quân đội Trung Quốc với mục đích răn đe để Mỹ không can thiệp vào vấn đề Đài Loan và các vùng biển khác mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền có lẽ đã chủ động tung ra những thông tin về chương trình ASBM.

Các tàu Mỹ cũng không muốn trở thành cái bia cố định cho ASBM DF-21D của Trung Quốc. Các văn kiện quân sự Mỹ như February 2010 Joint Operating Environment và Quadrennial Defense Review (QDR) đã ghi nhận rõ thách thức đang tăng lên về khả năng của Trung Quốc “ngăn chặn [Mỹ] tiếp cận” và QDR đã yêu cầu quân đội Mỹ đưa ra những sáng kiến để đối phó.

Ngân sách quốc phòng Mỹ dự kiến chi tiền cho việc đóng tàu ngầm với tốc độ 2 chiếc/năm và đầu tư phát triển 1 loại tàu ngầm mang tên lửa đường đạn mới. Giới chức Hải quân Mỹ cũng sôi nổi bàn thảo về các biện pháp hiệu quả để đối phó với ASBM của Trung Quốc.

Mỹ rõ ràng đang thực hiện những bước đi nhằm ngăn chặn loại vũ khí này làm thay đổi luật chơi ở Tây Thái Bình Dương, song các nỗ lực liên tục sẽ rất cần với lực lượng hải quân Mỹ nhằm duy trì vai trò bảo vệ lợi ích toàn cầu.

  • Nguồn: Trung Quốc thử nghiệm tên lửa đường đạn ‘sát thủ tàu sân bay’ / Andrew Erickson // Dangerroom, 29.3.2010. (TS Andrew Erickson là giáo sư Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc (China Maritime Studies Institut) thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ (U.S. Naval War College)).

Print Print E-mail Print