Vietnamdefence.com

 

Thông tin thêm về việc chuyển giao hệ thống tên lửa bờ biển K-300P Bastion-P cho Việt Nam

VietnamDefence - Nga vẫn chưa chuyển giao các hệ thống tên lửa bờ biển K-300P Bastion-P cho Việt Nam, một nguồn tin chính thức Nga tiết lộ với TsAMTO.

Ông này cho hay, việc chuyển giao nhất định sẽ được thực hiện. Việc thực hiện hợp đồng cung cấp cho Việt Nam 2 hệ thống tên lửa bờ biển đang được tiếp tục.

 

Trước đó, theo các nguồn tin không chính thức, hãng NPO Mashinostroenie đã chuyển giao cho quân đội Việt Nam K-300P Bastion-P, một trong những hệ thống tên lửa bờ biển hiện đại nhất thế gới hiện nay.

Việt Nam là khách hàng đầu tiên mua Bastion sau khi ký hợp đồng mua 2 hệ thống vào năm 2006.
 
Nhà sản xuất Nga và quân đội Việt Nam chưa chính thức xác nhận việc chuyển giao, nhưng trên các blog Đông Nam Á đã đăng tải các bức ảnh chụp hệ thống này được vận chuyển bằng tàu biển.

Trong chuyến thăm NPO Mashinostroenie vào tháng 10.2009, TT Nga Medvedev cho biết, hãng này đã ký các hợp đồng cung cấp một số hệ thống Bastion, song không nêu rõ khách hàng.

Bastion-P K-300 là một trong những hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Hệ thống này được trang bị tên lửa chống hạm siêu âm chuẩn hóa K-310 Yakhont, có tầm bắn đến 300 km và dùng để tiêu diệt tàu nổi các kiểu loại trong đội hình các binh đoàn tàu đổ bộ, đoàn tàu vận tải, các cụm tàu chiến và cụm tàu sân bay, cũng như các tàu đơn lẻ và các mục tiêu mặt đất có tương phản radar trong điều kiện có sự đối kháng mạnh bằng hỏa lực và vô tuyến điện tử.

Hệ thống Bastion có khả năng bảo vệ chống các chiến dịch đổ bộ của đối phương cho một khu vực bờ biển dài hơn 600 km.

Biên chế tiêu chuẩn của Bastion gồm:
- 4 bệ phóng tự hành K-340P (mỗi xe bệ phóng mang 2 tên lửa Yakhont (có nguồn tin nói là 3 tên lửa) để trong contenơ phóng);
- 1 hoặc 2 xe điều khiển chiến đấu K380R
- các xe bảo đảm trực chiến; và
- 4  xe tiếp đạn K342R
- Các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật gồm hệ thống các phương tiện bảo dưỡng kỹ thuật và huấn luyện.

Số lượng bệ phóng, xe tiếp đạn và xe điều khiển có thể thay đổi tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Các trang thiết bị cung cấp bổ sung theo đơn đặt hàng đặc biệt bao gồm: 1 radar ngoài đường chân trời tự hành dùng để phát hiện mục tiêu bay/mục tiêu mặt nước và chỉ thị mục tiêu Monolit-B hoặc hệ thống chỉ thị mục tiêu lắp trên trực thăng. Ở phương án dùng trực thăng, hệ thống có thể được trang bị hệ thống radar trinh sát trên trực thăng 1К130Е với radar xung-Doppler dải sóng dm I-801 Oko.

NPO Mashinostroenie là đơn vị phát triển tên lửa và thiết kế phần mềm cho hệ thống, cũng như giữ vai trò nhà tích hợp tất cả các hệ thống. Tên lửa Yakhont được sản xuất tại PO Strela ở Orenburg, còn hãng Tekhnosouyzprojekt chịu trách nhiệm thiết kế và sản xuất khung gầm tự hành cho bệ phóng và xe tiếp đạn.

Contenơ phóng chứa tên lửa có chiều dài 8,9 m, đường kính 0,71 m, tổng trọng lượng phóng 3.900 kg.

Hệ thống động cơ của tên lửa gồm một động cơ hành trình phản lực-không khí dòng thẳng siêu âm và 1 động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn.

Tổng chiều dài tên lửa, phần đầu tên lửa và khối điều khiển là gần 8,6 m, đường kính 0,67 m. Cánh nâng và các cánh lái kiểu gập, cho phép để tên lửa trong contenơ phóng.

Tên lửa có trọng lượng phóng 3.000 kg. Công tác kiểm tra định kỳ có thể thực hiện mà không cần đưa tên lửa khỏi contenơ.

Sau khi tên lửa rời contenơ phóng, các cánh nâng và cánh lái bung ra. Khi thực hiện các các thao tác cơ động ban đầu, chụp mũi tên lửa bị vứt bỏ để mở bộ hút khí bố trí ở mũi tên lửa.

Ở giai đoạn này, việc khởi-tăng tốc và ổn định tên lửa do động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn đảm nhiệm.

Sau khi tên lửa đạt tốc độ cần thiết, tầng khởi tốc bị cắt bỏ, động cơ hành trình phản lực-không khí dòng thẳng nhiên liệu lỏng được dùng dầu T-6 khởi động.

Ở dạng bay tự do, tên lửa có chiều dài gần 8,1 m, sải cánh 1,25 m. Trọng lượng phần chiến đấu của tên lửa là 200 kg.

Tên lửa có thể bay ở 2 chế độ: độ cao nhỏ với tầm bắn hiệu quả 120 km hoặc kết hợp với tầm bắn đến 300 km.

Ở chế độ bay kết hợp, tên lửa bay hành trình ở độ cao đến 14.000 m và 10-15 m ở giai đoạn bay cuối.

Ở chế độ bay ở độ cao nhỏ, tên lửa bay hoàn toàn ở độ cao đến 15 m.

Tốc độ tối đa của tên lửa ở độ cao lớn là 750 m/s. Khi độ cao giảm xuống, tốc độ bay giảm xuống đến 680 m/s.

Tên lửa được trang bị hệ dẫn kết hợp (quán tính ở giai đoạn bay hành trình và radar chủ động ở giai đoạn bay cuốt).

Ở giai đoạn tấn công mục tiêu, radar đơn xung chủ động/thụ động của đầu tự dẫn ở chế độ chủ động có thể bắt mục tiêu ở cự ly tối thiểu 50 km. Góc sục sạo của đầu tìm là ±45 độ.

Xe bệ phóng K-340P sử dụng khung gầm 4 trục MZKT-7930 Astrolog, có thể chạy với tốc độ 80 km/h và có dự trữ hành trình đến 1000 km. Xe được trang bị 2 cơ cấu nâng-hạ tên lửa TPS. Tổng trọng lượng xe bệ phóng với 2 contenơ chứa tên lửa, nhiên liệu và kíp xe 3 người là 41 tấn. Trưởng xe, xạ thủ và lái xe ngồi trong buồng lái có trang bị điều hòa nhiệt độ. Để chuẩn bị phóng tên lửa, các cơ cấu TPS được chuyển sang tư thế thẳng đứng. Nhịp phóng giữa các lần phóng tên lửa chống hạm là 2,5 s.

Xe tiếp đạn K342R sử dụng cùng loại khung gầm như xe bệ phóng, kíp xe 2 người và 2 contenơ chứa tên lửa. Xe này được trang bị 1 cần cầu nâng 5,9 tấn dùng để bốc dỡ tên lửa và nạp đạn cho bệ phóng.

Xe điều khiển chiến đấu K380R lắp trên khung gầm 3 trục KaMAZ-43101 hoặc MZKT-65273. Toàn bộ thiết bị được lắp trong contenơ ISO-1C. Xe có tổng trọng lượng với nhiên liệu và kíp xe 4 người là đến 25 tấn, thời gian triển khai 3-4 phút.

Đại đội Bastion được chỉ huy, điều khiển từ sở chỉ huy chính đặt tại Bộ Tư lệnh Hải quân. Sở chỉ huy gồm có 2 vị trí công tác tự động hóa được kết nối bằng cáp với đài liên lạc vô tuyến điện có thể bố trí cách xa đến 5 km.

Đài liên lạc vô tuyến điện cho phép trao đổi thông tin với 1 hoặc nhiều hơn xe điều khiển chiến đấu triển khai ở cự ly đến 350 km, các xe này trực tiếp điều khiển 4 xe bệ phóng.

Các xe bệ phóng có thể triển khai cách nhau 15 km và cách xe điều khiển 25 km.

Theo NPO Mashinostroenie, các bệ phóng riêng biệt có thể độc lập thực hiện nhiệm vụ ở cự ly đến 40 km khi nhận được thông tin từ Bộ Tư lệnh Hải quân thông qua đài vô tuyến điện sóng cực ngắn dải dm hoặc các hệ thống liên lạc vệ tinh.

Thời gian kể từ khi nhận lệnh trên đường hành quân cho đến khi triển khai tại các trận địa chiến đấu là không quá 5 phút, sau đó đại đội tên lửa bờ biển Bastion sẵn sàng cho việc phóng 8 tên lửa chống hạm Yakhont.

Trận địa có thể bố trí cách đường bờ biển đến 200 km.

Sau khi triển khai, đại đội Bastion có thể duy trì ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ 3-5 ngày đêm tùy theo dự trữ nhiên liệu.

  • Nguồn: Amstrade, 30.6, 2.7.2010.

Print Print E-mail Print