Vietnamdefence.com

 

Kế hoạch chế tạo máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới của Mỹ

VietnamDefence - Bộ Quốc phòng Mỹ đang coi không quân ném bom chiến lược là thành phần linh hoạt nhất của “bộ ba lực lượng hạt nhân chiến lược” nhờ khả năng sử dụng nhiều loại vũ khí nguyên tử và thông thường.

Trong các cuộc xung đột vũ trang gần đây các loại máy bay ném bom như B-52H, B-1B và B-2A được đánh giá tương đối cao về mặt hiệu quả chiến đấu.

Đồng thời, Không quân Mỹ cũng đang tích cực tiến hành nghiên cứu tổng thể nhằm chế tạo máy bay tấn công chiến lược thế hệ mới cho giai đoạn từ năm 2025-2030, cụ thể là đã có những dự án đầy tham vọng về tổ hợp không quân vũ trụ Falcon, thiết bị bay có người lái và không người lái của lực lượng không quân vũ trụ, cũng như các dự án về máy bay ném bom chiến lược có tốc độ bay siêu âm tối đa 2,5M đối với loại máy bay có cánh lượn được làm từ hợp kim nhôm và 4M đối với loại máy bay có cánh lượn làm từ kết cấu titan không được làm lạnh (M là tốc độ âm thanh trong không khí = 340 m/s).

Khi tính tới khả năng rủi ro về mặt công nghệ cao và giá trị đáng kể của các dự án đưa ra, Bộ Chỉ huy Không quân Mỹ đã quyết định tiến hành nghiên cứu dự án chế tạo máy bay ném bom loại có cự ly bay từ 2.800-3.700 km với tải trọng khi chiến đấu 5-15 tấn. Dự tính, loại máy bay này có thể được đưa vào trang bị trước năm 2015. Nó có khả năng thay thế các loại máy bay đang hoạt động như B-1B và B-52H. Các máy bay này hy vọng sẽ giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu ở cấp độ cao hơn.

Tham gia nghiên cứu chế tạo có các hãng hàng không hàng đầu của Mỹ. Các hãng này đã trình lên Bộ Chỉ huy Không quân Mỹ hơn 45 dự án.

Hãng Boeing đưa ra kế hoạch hiện đại hoá máy bay ném bom chiến lược B-1B (thay thế bằng loại máy bay B-1R - Regional). Theo kế hoạch, Boeing sẽ thay thế những động cơ dành cho máy bay dân sự bằng những động cơ có tính kinh tế và hiệu quả cao cũng như mở rộng danh mục các loại vũ khí trang bị trên khoang máy bay.
Một dự án khác của Boeing là chế tạo máy bay chiến đấu BWB “Arsenal Sit” dựa trên mô hình máy bay chiến đấu có tải trọng hữu ích được phân đều ra cả sải cánh máy bay. Trang bị vũ khí còn có hàng chục quả tên lửa được phóng ra từ các bệ phóng quay.

Ngoài ra, còn một dự án khác là nghiên cứu loại máy bay ném bom trên cơ sở máy bay không người lái được đưa vào thử nghiệm chiến đấu X-45. Dự tính loại máy bay X-45D này sẽ có những tính năng kỹ chiến thuật cao và cự ly bay hơn 5.000km với tải trọng chiến đấu xấp xỉ 5 tấn.

 

X-45C

Hãng Northrop Grumman cũng đang nghiên cứu khả năng thực hiện một vài dự án về máy bay tấn công, bao gồm cả các thiết bị bay không người lái.

Hiện Mỹ đang tính tới khả năng chế tạo máy bay ném bom FB-23RTA (Rapid Theater Attack) dựa trên mẫu máy bay ném bom chiến thuật YF-23A “Black Widow-2". Vẫn giữ hình dạng chung, nhưng máy bay này khác ở chỗ có thân dài, tiết diện rộng với khoang lái 2 chỗ ngồi và khoang vũ khí ở bên trong.

Mỹ cũng đang nghiên cứu khả năng chế tạo máy bay chiến đấu không người lái X-47. Máy bay này có cự ly bay tới 11.000km với tải trọng chiến đấu.

 

X-47A

Trong số các dự án có triển vọng của hãng Lockheed Martin có dự án chế tạo máy bay đa năng cất/hạ cánh đường băng ngắn. Phụ thuộc vào mục đích sử dụng, loại máy bay này có thể được trang bị các mô-đun có chức năng hoạt động khác nhau và các thiết bị phù hợp trên khoang máy bay. Hơn nữa, nó có thể được thiết kế lại thành loại máy bay ném bom, máy bay đa năng, máy bay tấn công, máy bay vận tải quân sự và máy bay tiếp dầu. Dự tính máy bay ném bom này có các thông số giống với máy bay vận tải quân sự C-130, có khả năng mang được 40 quả bom điều khiển loại GBU cỡ 2.000 phun-tơ (1 phun-tơ = 409,5gam: đơn vị đo của Anh), hơn 5 quả bom điều khiển GBU-37 cỡ 5.000 phun-tơ và khoảng 2 quả bom có tính năng đặc biệt GBU-43 cỡ 20.000 phun-tơ. Chiều dài đường băng với tải trọng cất cánh tối đa của máy bay là từ 300-600m.

Đồng thời, Mỹ cũng đang nghiên cứu để chế tạo máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới dựa trên cơ sở loại máy bay tiêm kích chiến thuật F/A-22A Raptor. Dự kiến, loại máy bay này sẽ do Lockheed Martin chế tạo với sự phối hợp với Cục Dự án Quốc phòng tiên tiến DARPA (Defense Advanced Research Project Agency), NASA và các cơ sở nghiên cứu của Không quân Mỹ.

  • Nguồn: Theo tạp chí Bình luận Quân sự Thế giới

Print Print E-mail Print