Vietnamdefence.com

 

Ấn Độ đóng 6 tàu ngầm thế hệ mới Project-75I

VietnamDefence - Hội đồng mua sắm quốc phòng do Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ А.K. Antony đứng đầu đã phê chuẩn kế hoạch tiến hành chương trình đóng 6 tàu ngầm thông thường thế hệ mới cho Hải quân Ấn Độ trị giá 500 tỷ rupee (10,7 tỷ USD).

Theo tờ Times of India, 3 trong 6 tàu ngầm sẽ được đóng tại hãng đóng tàu quốc doanh Mazagon Dock ở Visahapatnam với sự trợ giúp của nhà thầu nước ngoài. Hai chiếc khác hoặc do hãng thắng thầu cung cấp hoặc do một hãng đóng tàu tư nhân đóng ở Ấn Độ.

Chi phí của chương trình được nêu ra ở trên là rất lớn và vượt quá chi phí mua 126 tiêm kích theo chương trình MMRCA.

Chương trình đóng tàu ngầm Project-75I này dự trù đóng các tàu ngầm thông thường thế hệ mới trang bị động cơ không cần không khí (AIP), nên cho phép nâng cao khả năng chiến đấu của chúng.

Các tàu ngầm mới có thể lặn trong thời gian lâu hơn, gần với khả năng của tàu ngầm nguyên tử. Người ta sẽ sử dụng các công nghệ tiên tiến khác như công nghệ tàng hình để đóng các tàu này. Các tàu ngầm sẽ được trang bị tên lửa có khả năng tấn công mặt đất.

Giám đốc liên doanh Nga-Ấn BrahMos Aerospace Ltd Sivatthanu Pillai tiết lộ với Trung tâm Phân tích mua bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga) rằng, Ấn Độ dự định trang bị cho tàu ngầm Project-75I tên lửa hành trình BrahMos, mỗi tàu 8 quả lắp trong các bệ phóng thẳng đứng.

Dự kiến việc lựa chọn nhà thầu nước ngoài cung cấp thiết kế tàu ngầm theo chương truinhf Project-75I sẽ mất nhiều thời gian. Ấn Độ đã gửi thư mời thầu tới các hãng Rosoboronoexport (Nga), DCNS (Pháp), Howaldtswerke Deutsche Werft AG (HDW, Đức) và Navantia (Tây Ban Nha). Sau khi đánh giá các bản chào thầu sơ bộ và lựa chọn đối tác vòng cuối, Ấn Độ sẽ tiến hành vòng đàm phán cuối cùng, sau đó sẽ ký hợp đồng chính thức.

Bộ Chỉ huy Hải quân Ấn Độ mong muốn bắt đầu thực hiện chương trình Project-75I càng sớm càng tốt do những vấn đề về khả năng sẵn sàng chiến đấu của hạm đội tàu ngầm. Số lượng tàu ngầm sẵn sàng chiến đấu có trong trang bị vào năm 2015 dự kiến sẽ giảm xuống còn 9 chiếc.

Tàu ngầm Ấn Độ phóng tên lửa (edgeofthewest.wordpress.com)

Theo thông tin không chính thức, hiện nay hơn 50% tàu ngầm điện-diesel của Hải quân Ấn Độ đã đạt 75% tuổi thọ sử dụng, một số tàu thì đã vượt quá thời hạn sử dụng tối đa.

Hiện trong biên chế Hải quân Ấn Độ có 4 tàu ngầm điện-diesel lớp Shishumar (Type-209/1500) của Đức, 10 tàu ngầm điện-diesel lớp Projekt 877EKM của Nga và tàu ngầm điện-diesel lạc hậu cuối cùng của lớp Foxtrot (sắp bị loại khỏi trang bị).

Hiện tại, trong khuôn khổ chương trình Project-75, hãng Mazagon Dock ở Mumbai đang đóng 6 tàu ngầm thông thường lớp Scorpene theo giấy phép của Pháp. Tháng 10.2005, Chính phủ Ấn Độ đã ký với các công ty Pháp và Ấn Độ các hợp đồng tổng trị giá 187,980 tỷ rupee (4 tỷ USD) đóng 6 tàu ngầm Scorpene.

Theo điều kiện hợp đồng, kể từ năm 2012, Hải quân Ấn Độ sẽ nhận được hằng năm 1 tàu ngầm Scorpene. Tuy vậy, hiện tại, chương trình đang bị chậm tiến độ gần 3 năm và chi phí đã vượt quá 200 tỷ rupee (4,3 tỷ USD).

Hải quân Ấn Độ muốn có sự tham gia rộng rãi của các hãng đóng tàu tư nhân trong nước vào Project-75I vì hãng đóng tàu quốc doanh Mazagon Dock đã bị quá tải đơn đặt hàng. Tuy nhiên, Hội đồng mua sắm quốc phòng đã ra quyết định khác với cớ hạ tầng, kinh nghiệm và công nghệ mà Mazagon Dock có được trong quá trình đóng tàu ngầm Scorpene phải được tận dụng tối đa.

Dự định tàu ngầm thế hệ mới đầu tiên sẽ được chuyển giao sau khi ký hợp đồng 6-7 năm chứ không phải 10 năm.

Hiện nay, Ấn Độ không có các tàu ngầm nguyên tử và tàu ngầm mang tên lửa đường đạn để hoàn thành việc xây dựng bộ ba vũ khí hạt nhân.

Để thực hiện chương trình này ở giai đoạn đầu, tháng 10.2010, Hải quân Ấn Độ sẽ nhận được tàu ngầm nguyên tử K-152 Nerpa lớp Akula-2 (Projekt 971) thuê của Nga trong 10 năm, và tàu ngầm nguyên tử do Ấn Độ tự chế tạo đầu tiên Arihant đang đóng tại Visakhapatnam vào năm 2012.

Hải quân Pakistan cũng đang thực hiện chương trình quy mô hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm. Tháng 9.2008, họ đã nhận vào trang bị tàu ngầm thông thường thứ ba lớp Agosta-90B có tên Hamza. Khác với 2 chiếc đầu, tàu này được trang bị động cơ không cần không khí MESMA.

Dự định, các động cơ này sẽ được trang bị cho 2 tàu ngầm điện-diesel đã chuyển giao trước đó khi sửa chữa.

Hải quân Pakistan cũng có kế hoạch mua 3 tàu ngầm thông thường Type-214 của Đức. Tuy nhiên, do khó khăn trong xin giấy phép xuất khẩu các tàu này, Pakistan đã bắt đầu đàm phán mua của Trung Quốc 3-4 tàu ngầm. Hiện chưa rõ chủng loại tàu ngầm và thời hạn chuyển giao các tàu này.

Trong trang bị của Hải quân Trung Quốc hiện có gần 62 tàu ngầm, trong đó 10 tàu được trang bị hệ thống động lực nguyên tử, bao gồm không dưới 3 tàu ngầm trang bị tên lửa đường đạn hạt nhân.

  • Nguồn: Armtrade, 13.7.2010.

Print Print E-mail Print