Vietnamdefence.com

 

Điệp viên thế kỷ XX: Đại tá tình báo kiêm doanh nhân triệu phú

VietnamDefence - Chuyện về siêu điệp viên đại tá tình báo Liên Xô Konon Molody - doanh nhân triệu phú Anh Gordon Lonsdale.

Lời tiên tri của bà thày tướng


Người con trai


Konon Trofimovich Molody (17.1.1922-9.9.1970), đại tá tình báo Liên Xô nổi tiếng ở phương Tây với cái tên  Gordon Arnold Lonsdale. Chỉ huy lưới tình báo Portlan (Portland Spy Ring)
Tiếng chuông cửa vang lên. Trước mặt tôi là một chàng trai khoẻ mạnh. Mặt cậu ta rất giống Molody thời còn trẻ, cao hơn một chút, vai rộng hơn và nặng cân hơn. Trong khi anh ta đọc bản thảo, tôi sẽ kể về tiểu sử anh ta. Trofim sinh ra ở Moskva ngày 19 tháng 4 năm 1958, 10 tháng sau cuộc gặp gỡ bí mật của cha mẹ cậu ta ở Karlovy Vary. Molody, người mà đối với tất cả những người khác là một doanh nhân thành đạt người Anh có tên là Gordon Lonsdale, năm nào cũng vậy cho đến trước khi bị bắt ở Luân Đôn, đều làm như đi nghỉ ở quần đảo Bahamas hoặc Canari nhưng trên thực tế ông có mặt ở Karlovy Vary, Zagreb, hoặc Budapest để nhanh chóng trao đổi tài liệu, gặp vợ tại một địa điểm an toàn trong ranh giới khối xã hội chủ nghĩa, kể cả ở Moskva.

Khi ông bị bại lộ, bị bắt vào năm 1961 và ngồi tù ở London thì Trofim mới được 3 tuổi. Còn khi ông mất không lâu sau khi được thả và được an táng tại nghĩa trang Donski, Trofim mới được 12 tuổi. Các bạn đồng nghiệp của người cha, có thể nói là không mấy quan tâm tới số phận cậu con trai của nhà tình báo bất hợp pháp Liên Xô đã quá cố. Họ quan tâm hơn tới những ghi chép, tài liệu và thư viện Anh đầy những sách cấm của ông. Bởi vậy, việc căn hộ trên phố Mosfilmovskaya của vợ chồng Molody vào năm 1975 đã bị trộm là một điều rất dễ hiểu. Ngoài một ít đồ cũ, một phần kho tư liệu của ông và sách nước ngoài đã biến mất... Còn Trofim lúc đó mới học hết lớp 10, sau đó vào học trường cao đẳng biên phòng Moskva mang tên Mossoviet và được điều tới biên giới Liên Xô-Nauy. Ban đầu, anh làm phó rồi làm trưởng đồn biên phòng trong 7 năm, quay về Moskva và được cử làm lớp phó một lớp học tại khoa tình báo quân sự ở trường cao đẳng KGB. Hai năm sau, vào năm 1989, anh ra quân vì trình trạng sức khoẻ với quân hàm thiếu tá.

... Trofim đọc xong tác phẩm ở dạng sơ thảo của tôi có tên “Số phận trong lòng bàn tay”.

- Thế nào? Cháu sẵn sàng nhận xét ngay bây giờ. Hầu như tất cả đều đúng sự thật, trừ một vài chi tiết nhỏ, đặc biệt là những chi tiết liên quan đến lai lịch giả mà theo đó bố cháu được cử đi đầu tiên là đến Mỹ để làm phó tổ trưởng điệp báo cho Rudonfer Aben, và sau dó là tổ trưởng hoạt động độc lập tại Anh. Còn chuyện đại loại như thời sinh viên bác hay theo tán tỉnh mấy con đàn bà tất nhiên là ông không kể cho cháu. Dĩ nhiên là cháu cũng không biết chuyện có một bà thày tướng đã tiên đoán số phận cho cha cháu. Đối với cháu, nó còn rất thú vị bởi vì chưa có quyển sách nào viết về điều này...

Cuộc gặp gỡ

Đúng, Konon đã kể cho tôi về điều này không lâu trước khi ông mất và đây cũng là lần đầu tiên lời kể của ông rất buồn bã, trong khi người bạn này của tôi vốn không thích phiền muộn, nhất là khi có mặt bạn bè.

... Lúc này trong phòng biên tập nhỏ của tờ báo Izvestya đang chiếu bộ phim chưa qua kiểm duyệt có tên “Mùa chết” giành cho một nhóm nhỏ phóng viên, bạn bè, người thân của Konon, kể cả đứa con trai nhỏ của ông. Ba người chúng tôi gồm Konon, phó tổng biên tập báo tin tức Grigori Maksimovich Osheverov và tôi. Ban đầu thì ngồi trong phòng làm việc của Grigori Maksimovich, còn sau đó - trong phòng làm việc của người bạn thân nhất của ông - giám đốc nhà hàng Baku trên phố Gorky khi đó còn chưa được khôi phục và cuối cùng là ở nhà Osheverov. “Tala, - từ nhà hàng ông ta gọi về nhà vào khoảng 3 giờ đêm, - em đừng có mắng mỏ anh. Bây giờ, anh sẽ đưa về nhà cho em gặp một người tuyệt vời mà trong mơ em cũng không thấy”.

Chúng tôi đã ngồi cho tới 6 giờ sáng.

- Konon, - Osheverov gọi hào hứng nói,- tôi cho Kolosov nghỉ 3 ngày, không phải đến toà soạn, còn anh thì sẽ kể cho tôi một số câu chuyện phi thường trong cuộc đời phi thường của anh. Anh cứ tạm kể 5 câu chuyện, được không?

- Nhất trí, - Molody cười duyên dáng. - Tôi chỉ sợ là anh không thành công với cuộc phỏng vấn này thôi.

- Tại sao?

- Với tôi không phải cái gì cũng dễ dàng. Kể cả bộ phim chủ yếu dựa trên hư cấu nghệ thuật thế mà cũng bị phanh lại...

- Phim ư? - cũng có thể. Nhưng phỏng vấn thì người ta không cản trở gì đâu. Nhân đây cũng nói cho anh biết là trong ngành của anh, tôi có rất nhiều bạn tốt.

Vậy mà người ta vẫn phanh lại. Mà là khá lâu.

Không, tôi đã giữ lại như một kỷ niệm về một người bạn bản morat của tuỳ bút này ở dạng mà nguyên bản như đã được gửi đi xét duyệt. Tôi nghĩ là chúng sẽ được xuất bản...

Chúng tôi từ nhà Osheverov trở về khi tàu điện ngầm đã bắt đầu chạy và những người dân Moskva đã bắt đầu đi làm. Phần dự báo thời tiết trong bản tin cuối ngày đã nói là có mưa nhưng bầu trời thì hoàn toàn trong vắt và rất nên thơ. “Anh có tin vào lời tiên đoán không?” - Tôi hỏi Konon. Ông cười: “Nếu là dự báo thời tiết thì không, nhưng nói chung thì có”. Và ngay lúc đó, với vẻ hài hước tôi kể cho ông nghe về một chuyện ở Aktyubinsk của tôi. Còn ông thì đột nhiên trở nên nghiêm túc: “Thế nào, tất cả có xảy ra như thế không?” - “Không hoàn toàn được như thế, nhưng dù sao thì...” “Tôi thì cũng đã tiếp xúc với một bà thày tướng ở London, -Konon thừa nhận. - Một câu chuyện hoá ra rất lý thú...”

Chúng tôi bì bạch đi đến tận toà nhà cao tầng là trụ sở khối SEV (Hội đồng tương trợ Kinh tế - ND). Chúng tôi kiếm được một chiếc ghế dài trong công viên và ngồi xuống...

Dưới đây, tôi sẽ kể lại từng lời câu chuyện của Konon như ông đã kể cho tôi nghe lúc đó và toàn bộ câu chuyện cuối cùng của chúng tôi.

Lời tiên đoán

Con tem tưởng nhớ Konon Trofimovich Molody in năm 1990
Anh biết đấy, giai đoạn thành công nhất và bi thảm nhất trong cuộc đời hai mặt của tôi đã diễn ra trên đất Anh. ở đó, tôi đã đạt được những thành công to lớn trong hoạt động tình báo bất hợp pháp và cũng ở đó sự thất bại đã chờ đón tôi trên cây cầu lịch sử Waterloo... Trong 12 năm, tôi đã là một doanh nhân rất thành đạt và một luật sư có tiếng. Ban đầu, tôi là giám đốc tiêu thụ mặt hàng “máy tự động bán” nhạc, sách vở, bút bi, rượu, nước, bánh xăng uých. Sau đó, là đồng sở hữu của một hãng như thế, rồi sau đó là hai và tiếp đó là chủ của một lúc 4 hãng bán các “máy tự động” đó. Tôi đã trở thành triệu phú, tôi có 8 ôtô vào loại xịn nhất, một biệt thự ở ngoại ô, một số phòng thuê dài hạn trong các khách sạn sang trọng ở thủ đô Anh và các tiện nghi khác của một doanh nhân giàu có. Nhưng trên thực tế, tôi chẳng có gì cả. Tôi bằng lòng với mức lương khiêm tốn của một đại tá tình báo Liên Xô. Tất cả mọi chi phí của tôi đều bị kiểm soát tài chính chặt chẽ. Không được chi thừa một xu, nhất là cho mục đích cá nhân, nhưng toàn bộ sinh hoạt phí của tổ điệp báo lại được tài trợ bằng lợi nhuận của tôi. Đúng là như thế. Người ta đã mời tôi dự các bữa tiệc, chiêu đãi kể cả của giới thượng lưu. Và trong một buổi chiêu đãi đó, khi tôi đang đứng giữa các doanh nhân thành đạt đã có một quý bà không còn trẻ những rất hấp dẫn mà người ta giới thiệu là bà thày tướng. Có thể là họ nói đùa cũng có thể là thật, có trời biết! Nói một cách ngắn gọn, dưới hình thức một chuyện đùa dễ thương, bà ta bắt đầu xem tay cho những quý ông đứng cạnh, cả bàn tay tôi cũng lọt vào mắt bà ta, mà tôi thì không tiện từ chối vì không muốn làm cho bạn bè nghi ngờ. Bà ta nhìn tôi khá nghiêm túc và nói: “Còng tay đang đợi ông, thưa ông. Mà chẳng lâu nữa đâu...”. Sau câu nói này, bà ta lại cười. Còn các bạn tôi thì vui vẻ phụ hoạ: “Đúng đấy. Có lẽ Gordon sẽ sập tiệm với những máy tự động chơi nhạc của mình...”. Khi đó các máy tự động chơi nhạc vẫn còn rất lạ lẫm. Còn sau đó, bà thày tướng lại một lần nữa đến gần tôi khi tôi đang đứng một mình trong góc phòng. “Lúc nãy, tôi không tiện nói trước mặt mọi người, - bà ta nói, - nhưng tôi rất không thích bàn tay của ông. Ông có nhiều bạn bè nhưng họ rất không đáng tin, nhất là ở cái đất nước nơi mà ông đã sinh ra và ông sẽ đến sau tất cả những phiền toái. Ông đừng có tin họ, nhất là các đồng nghiệp. Và ông hãy cố tránh các bác sĩ... Còn ở đây, tại Luân Đôn này, ông phải cực kỳ thận trọng, mặc dù con người ta không thể cãi được số mệnh”.

... Tôi tiến hành cuộc gặp cuối cùng của mình với hai điệp viên trên cây cầu Waterloo vào ban đêm. Đây là cuộc gặp khẩn cấp, bởi vì tôi đã cảm thấy đang có điều gì đó kỳ lạ đang diễn ra xung quanh, cảm giác tai hoạ đang đến gần cứ đeo đẳng lấy tôi. Mà các tình báo viên thì lại thường tin vào linh cảm. Các điệp viên này rất có giá trị nên tôi quyết định cảnh báo họ tạm thời ngừng liên lạc. Khi anh ta và cô ta xuất hiện, tôi bực tức la thầm. Anh ta mang theo một chiếc cặp chứa một số tài liệu mật. Mà theo quy ước thì phải đi hoàn toàn tay không khi đi liên lạc khẩn cấp. Nhưng đã muộn, chúng tôi bị các xe ôtô của phản gián Anh bật pha sáng rực vây kín từ hai phía. Một quan chức mặc đồ dân sự đến gần tôi. “Tôi đã tìm anh thật là lâu, con trai ạ”, - Ông ta nhẹ nhàng nói, tay đặt lên vai tôi. “Thế còng tay đâu?”- tôi bình tĩnh hỏi khi trong đầu thì nhớ lại câu nói của bà thày tướng dễ thương. Nhân viên phản giám kia hơi ngạc nhiên trước sự bình tĩnh của tôi: “Sẽ có còng. Nhưng anh có hiểu, anh bạn trẻ, là bây giờ tôi sẽ đưa anh đến Scotland Yard không?” Tôi thừa hiểu điều đó từ khi còn ở Moskva khi chúng tôi xem xét các phương án bại lộ của tôi. Nhưng tôi chỉ không hiểu một điều là tại sao họ lại kết án tôi 25 năm tù trong khi công tố viên chỉ đề nghị mức án 17 năm. Đúng là không thể đùa với công lý Anh quốc! Hơn nữa, đúng như bà thày tưóng đã tiên đoán, tôi ngồi tù “không lâu” - chỉ có ba năm. Và một lần nữa tôi lại nhớ đến bà khi tôi được trao đổi với tình báo viên Anh Greville Wynne...

- Thế còn lời cảnh báo thứ hai thì sao, liên quan đến các đồng nghiệp ấy... Có đúng thế không?

- Anh biết đấy, Lenka, đồng nghiệp không phải là bạn bè, họ là đồng nghiệp để mà người ta phải thận trọng. Chẳng hạn có một vài người nói rằng, tôi đã để mất hai điệp viên cực kỳ có giá trị vì sự cẩu thả và vi phạm các nguyên tắc hoạt động bí mật.
 
- Thế tựu chung thì tại sao anh bị lộ hả Konon?

- Đó là một câu chuyện buồn, mà đến nhớ lại tôi cũng không muốn. Nhưng tôi phải nói với anh thế này: tôi đã bị một trong các điệp viên của chúng ta chạy sang Mỹ phản bội... Sau đó, CIA cảnh báo cho các đồng nghiệp Anh của họ. Nhưng anh phải nhớ cho là chuyện này tôi chỉ nói cho anh để không làm ai phải đau đầu. Nhân đây cũng phải nói về bệnh đau đầu. Lúc nào, người ta cũng bảo tôi phải đi điều trị trong khi tôi hoàn toàn khoẻ mạnh. Mới đây, người ta đưa tôi đi khám sức khoẻ. Người ta chỉ định tôi phải tiêm một đợt. Người ta đã tiêm nát cả cái mông của tôi. Mà họ tiêm gì chứ, người ta khẳng định là tiêm thuốc trị co thắt mạch máu, còn đầu tôi thì đúng là bắt đầu đau liên tục...

- Nói chung, anh có hài lòng với số phận hay không?

- Bạn thân mến của tôi! Tôi đã không chơi đỏ đen vì tương lai cộng sản xán lạn mà vì chính bản thân tôi, công việc đối với tôi là thứ ma tuý mà thiếu nó tôi cảm thấy sự tồn tại hiện nay của mình thật vô nghĩa và nhạt nhẽo. Vả lại, anh cũng không nên chăm chú như thế làm gì. Do đó, các tình báo viên ít khi được chết một cách tự nhiên bởi vì tình báo viên tin cậy nhất đối với cấp trên là tình báo viên đã chết. Thôi bây giờ, ta tạm biệt và anh đừng quên báo cho tôi khi nào nhận được giấy phép xuất bản mấy ký sự của chúng ta nhé.

Tối muộn, một người bạn chung của chúng tôi - người bạn học cùng đại học Viktor Pyatnenkov, đã gọi điện cho tôi: “Konon đã mất ngày hôm nay rồi” - “Sao cơ?!” - “Anh ấy đi dạo trong rừng với vợ, cúi xuống, rồi hoặc là vì đột quỵ, hoặc là bị nhồ máu, bên cạnh thì không có bác sĩ...”

Trofim chăm chú nghe tôi kể. “Phải nói là rất thú vị, - anh ta nói một cách đăm chiêu.- Như thế là đã có biết bao nhiêu đính chính cho câu chuyện của Ben (đó là bí danh của người cha) mà tôi lấy được từ kho tư liệu của ông. Điều đầu tiên và chủ yếu là ở chỗ nó liên quan tới sự bại lộ của cha cháu. Người ta viết về điều đó mỗi người một phách. Sự thực là thế này. Vào năm 1961, có một nhân viên tình báo Ba Lan hoạt động ở Mỹ. Trong số các mối quan hệ điệp báo mà hắn tố giác cho tình báo Mỹ có sĩ quan Anh Harry Houghton làm việc tại phòng an ninh sứ quán Anh ở Varsava. Sau khi kết thúc chuyến công tác nước ngoài, Houghton đã về công tác tại một đơn vị hải quân ở Porland. Anh ta đã thu hút sự chú ý của các điệp viên của cha tôi là Morris và Leontina Cohen (Họ chính là vợ chồng Peter và Helen Kroger) và đã được tuyển bởi nhân tình của Houghton là Elizabeth Gee. Cô này cũng là người làm tại căn cứ quân sự hải quân và có quyền tiếp cận những tài liệu tuyệt mật về việc lắp đặt và khai thác các động cơ hạt nhân trên các tàu ngầm. Ben đã làm việc với Houghton và người đàn bà đồng loã của anh ta dưới vỏ bọc một người Mỹ và đã trả cho họ không ít tiền để đổi lấy những thông tin quý giá. Các tình báo viên Mỹ đã cung cấp thông tin định hướng về Houghton cho người Anh: Anh ta bị truy tìm và theo dõi. Chính bởi vậy mà phản gián Anh đã lần ra cha tôi và các liên lạc viên của ông. Nhân đây cũng phải nói là khi Harry Houghton và Elizabeth bị bắt cả hai đều đồng thanh khẳng định là họ là việc cho “người Mỹ” và họ thấy điều này chẳng phải là tội lớn...

Xin nói một vài điều về Morris và Leontina Cohen. Morris đã chiến đấu trong lữ doàn quốc tế mang tên Lincoln chống lại phe Franco ở Tây Ban Nha trong những năm 1937-1938. Đã lọt vào tầm mắt của tình báo quân sự Liên Xô và được tuyển vào năm 1938 vì động cơ tư tưởng. Anh làm quen với người vợ tương lai Leontina Tereza Petka - bố mẹ cô là người lưu vong đến từ Ba Lan - tại một cuộc mít tinh chống phát xít ở New York. Đầu năm 1941, họ cưới nhau. Morris đã nói với Leotina rằng anh là một điệp viên Liên Xô và cô đã đồng ý giúp anh trong công việc nguy hiểm này. Trong thời gian chiến tranh, Morris được gọi nhập ngũ và tham gia vào các trận đánh chống Đức quốc xã ở châu Âu. Cuối năm 1945, anh được giải ngũ, trở về Mỹ và tiếp tục cộng tác với tình báo Xôviết. Vào năm 1949, Moskva đã quyết định để vợ chồng Cohen liên lạc với tình báo viên bất hợp pháp Rudolf Abel... Tuy nhiên, sau một thời gian, do có nguy cơ bị bại lộ, họ đã được bí mật đưa về Liên Xô. Điều đó xảy ra năm 1950, và 4 năm sau, họ được cử sang Anh làm điệp viên-liên lạc viên và trợ thủ của Ben. Họ đến với cha tôi bằng hộ chiếu mang tên một đôi vợ chồng người New Zealand Peter và Helen Kroger. Với sự giúp đỡ của cha tôi, họ đã mua một căn nhà nhỏ cách căn cứ không quân Norhalt ở ngoại ô London 2 km và xây dựng một phòng điện đài để liên lạc với Moskva. Từ năm 1955 đến 1960, tổ tình báo bất hợp pháp dưới sự chỉ huy của bố tôi đã hoạt động tích cực, thu được ở Anh và chuyển về Trung ương một số lượng lớn tài liệu mật quan trọng, trong đó có các tài liệu về các động cơ hạt nhân và vũ khí tên lửa, được đánh giá rất cao. Đó là lời đáp đích đáng cho câu hỏi các tình báo viên bất hợp pháp làm gì ngoài việc sống bất hợp pháp ở nước ngoài. Ngoài nhiều triệu đô la mà Lonsdale - Ben kiếm được bằng kinh doanh công khai và chuyển về Trung ương, cha tôi đã chuyển những tài liệu tối mật về các loại vũ khí mới mà bằng ngoại tệ chuyển đổi tự do cũng khó lòng định giá được.

....Đầu tháng 1 năm 1961, cha tôi và các điệp viên Harry Houghton và Elizabeth Gee đã bị bắt lúc đang trao đổi tài liệu trên cầu Waterloo. Cũng trong ngày đó, cả vợ chồng Cohen cũng đã bị phản gian Anh bắt. Tại phiên toà diễn ra ngày 13 tháng 3 năm 1960 tại toà thượng thẩm Old Bailey (Tức Toà án Hình sự Trung ương (Central Criminal Court) của Anh ở trên phố Old Bailey, London - ND) và được thế giới biết đến với tên gọi “vụ án Portland”, cha tôi đã nhận hết tội về mình khi khẳng định vợ chồng Cohen không biết gì về hoạt động tình báo của ông. Tuy nhiên, toà án dựa trên những tài liệu của Mỹ về “hoạt động gián điệp” của cả hai tình báo viên đó và kết án Peter Kroger 25 năm tù, Helen Kroger - 20 năm tù. Cha tôi, như các bạn đã biết, đã được trao đổi với tình báo viên Anh Greville Wynne vào năm 1964, còn liên quan đến vợ chồng Cohen hay Kroger thì họ cũng được trao dổi với nhân viên tình báo Anh Gerald Brook bị bắt ở Liên Xô. Điều đó xảy ra vào tháng 8 năm 1969. Gia đình tôi vẫn giữ quan hệ tốt với họ tận cho đến khi họ qua đời. Harry Houghton và Elizabeth Gee bị kết án mỗi người 15 năm tù. Theo tôi được biết thì các phương án trao đổi họ đã không được đề xuất....

Cái chết bí ẩn

Konon Trofimovich Molody, một những siêu điệp viên thời chiến tranh lạnh
Còn một chi tiết thú vị nữa trong tiểu sử cha tôi. Khi ông còn ngồi tù, nhà xuất bản nổi tiếng của Anh Nevill Spearman Limited đã đề nghị “gián điệp Xôviết” này viết hồi ký trong khi ông đang có một “kỳ nghỉ để sáng tác dài”. Cha tôi trả lời là ông có thể viết hồi ký nhưng chỉ khi nào đã trở về tổ quốc. Khi điều này xảy ra vào ba năm sau, nhà xuất bản đã nhắc lại đề nghị của mình. Vấn đề hồi ký, như tôi được biết, được giải quyết ở tận cấp Bộ Chính trị. Và cha tôi đã nhận được sự chấp thuận với điều kiện toàn bộ nhuận bút sẽ được chi cho nhu cầu của tình báo Xôviết.

Và thế là cuốn sách “Hai mươi năm trong cơ quan tình báo Xôviết. Hồi ký của Gordon Lonsdale” đã ra đời sau khi đã bị các đồng chí của chúng ta ở khắp các nước kiểm duyệt, soi xét... Và mới đây, một phóng viên BBC, người đã làm một bộ phim về cha tôi, đã đến thăm nhà tôi. Khi thấy căn hộ khiêm tốn của tôi, ông ta ngạc nhiên thốt lên: “Chả lẽ, cha anh không để lại cho anh cái gì sao? Ông ấy được nhận hơn 120 ngàn đô la tiền viết hồi ký cơ mà”. Thời đó, đấy là số tiền rất lớn. “Không, sao lại không chứ, - tôi trả lời. - Cha tôi dể lại cho tôi một chiếc xe Volga cũ, còn số tiền nhuận bút thì ông hiến tặng cho các trường thiếu nhi”. Người phóng viên ngạc nhiên nhìn tôi và thốt ra một câu thán phục: “Tôi thật kính phục những người Nga này!” Cha tôi đã thực sự không nhận một xu. Toàn bộ số tiền đã được gửi vào những tài khoản nào đó mà tôi không biết, mặc dù nó có thể giúp mua được căn hộ tử tế cho gia đình tôi.

Nhân đây, tôi cũng xin nói về căn hộ. Khi cha tôi trở về Moskva, người ta cũng có tạo điều kiện nâng cao điều kiện sống cho chúng tôi. Vào năm 1964 - họ cấp cho một căn hộ ba buồng ở số 3 phố Frunzenskaya. Một thời gian sau, mẹ tôi cho sửa nhà và thuê công nhân bên ngoài. Và bỗng anh đội trưởng công nhân đến nói với mẹ tôi: “Thưa bà, chúng tôi vừa tìm thấy một gờ tường và một bức tường, trong đó có đầy những dây dợ cứ như một trạm điện thoại ấy”. Mẹ tôi tức tốc điện cho cha tôi - lúc đó ông đã bắt đầu làm, như người ta vẫn nói, tại Trung ương tình báo đối ngoại, - và rất hoảng sợ báo cho ông biết về những gì vừa tìm thấy khi sửa nhà. Bố tôi về, nhìn những thứ vừa tìm thấy, chậc lưỡi và gọi cho “các đồng chí có thảm quyền”. Cả một đội quân kéo đến, họ cũng xem xét và cũng tặc lưỡi. Sau đó, người cầm đầu nói: “Xin lỗi đồng chí Konon Trofimovich! Chúng tôi quên bẵng mất là căn hộ này một thời từng là một “tổ tu hú” và được giành cho người khác”. Sau dó họ tháo gỡ tất cả và rút đi. Còn cha tôi, theo tôi nhớ, đã nói: “Không, các ông - đồng chí này không tin tôi, họ không tin tôi...”.

Và cuối cùng là về cái chết của cha tôi. Người bạn của gia đình chúng tôi Viktor Pyatnenkov đã nêu địa điểm xảy ra thảm kịch hoàn toàn không đúng. Diều đó đã xảy ra không phải trong cánh rừng ngoại ô Moskva, mà là ở Medyn cách Moskva 200 km. Cha và mẹ tôi đi đến đó cùng các bạn mình là phi công thử nghiệm Viktor Romanenko và vợ ông ấy là Mila để đi hái nấm. Buổi tối, họ ngồi quanh đống lửa bông đùa. Bỗng cha tôi thấy khó ở, rồi nôn oẹ và bất tỉnh. Chú Volodya (ở đây là cách gọi thân thương của Victor Romanenko) đã đưa được cha tôi tới một bệnh viện nông thôn. Tại đó, bác sĩ trực đã xác nhận cha tôi bị đột quỵ và bị liệt nửa người bên phải. Ngày 9 tháng 10 năm 1970, cha tôi qua đời mà ông hề tỉnh lại. Điều đáng lưu ý là ngày 13 tháng 10, gần như tất cả các báo chí nước ngoài đều đưa tin về cái chết của tình báo viên bất hợp pháp Xôviết lỗi lạc, còn với báo chí trong nước ta thì mãi đến ngày 16 tháng 10 mới có cáo phó đăng trên tờ “Sao Đỏ”. Chắc là họ đã thoả thuận trước...”

Đúng là một cái chết đáng sợ...

Chúng tôi đã quyết định thử viết một cuốn sách trung thực về người cha, người bạn ấy. May là Trofim còn giữ được kho tư liệu lưu trữ của Konon, còn tôi vẫn giữ được đến nay những tư liệu chưa xuất bản nào đó. Và cả hai chúng tôi đều có những hồi niệm.

Print Print E-mail Print