Vietnamdefence.com

 

Điệp viên thế kỷ XX: “Cuộc cách mạng gián điệp”

VietnamDefence - Trước tiên, người Anh quan tâm đến hướng hoạt động nghiệp vụ đặc biệt của Sintsov: việc cung cấp vũ khí Nga cho các nước Cận Đông, việc tổ chức bán vũ khí đó và tất cả những chi tiết các vụ mua bán cấp nhà nước. Và tên gián điệp đã không phụ lòng họ.

Trích báo cáo nghiệp vụ: Ngày 6 tháng 2 năm 1996, Sở FSB thành phố St. Petersburg và tỉnh Leningrad đã bắt giữ đại tá hải quân dự bị, nhân viên quỹ sinh thái Belluna của Nauy là Aleksandr Nikitin. Hắn bị buộc tội chuyển cho một cường quốc nước ngoài các tin tức bí mật có tính chất quốc phòng dưới vỏ bọc hoạt động sinh thái. Việc này trước hết liên quan đến Hạm đội Biển Bắc của Hải quân Nga.

Khi lục soát văn phòng quỹ Belluna, các nhân viên phản gián đã thu được những tài liệu mà quỹ này thu thập, trong đó có báo cáo “Hạm đội Biển Bắc - nguy cơ tiềm tàng gây nhiễm xạ trong khu vực”.

Một cuộc điều tra được tiến hành.

Vadim Nikolayevich Sintsov đã bị các cơ quan phản gián bắt giữ ngày 15 tháng 1 năm 1994. Cho đến thời điểm đó, các nhân viên FSB đã thu thập được đủ tài liệu buộc tội làm gián điệp cho Anh đối với Giám đốc Liên hiệp cổ phần (AO) Máy móc và cơ cấu đặc biệt, mà trước đó không lâu từng là một chủ nhiệm tổng cục trong Bộ Công nghiệp quốc phòng Liên Xô. Khi bị bắt giữ, Sintsov đã không kháng cự vì hắn hiểu rõ là không thể đùa với Lubyanka được. Khi bị thẩm vấn, hắn thú nhận toàn bộ tội lỗi và thành khẩn khai báo.

Vào đầu tháng 1 năm 1993, hắn đã được cử đi công tác ở London, ở đó hắn đã làm quen với một quý ông tự giới thiệu là James Self. Ngài Self đã đề nghị “quan chức công nghiệp quốc phòng” này cung cấp đủ loại thông tin cho một quỹ nghiên cứu ma. Nhưng cuối cùng thì hắn cũng ngả bài.

Trước mặt Sintsov không phải ai khác mà chính là một nhân viên Cục tình báo Anh SIS. Không hiểu là cụ thể bằng cách nào mà các tài liệu tố cáo Sintsov có liên quan đến hoạt động phi pháp đã lọt vào tay cái cơ quan tình báo mà Self là đại diện. Nhân viên tình báo Anh kia đe doạ nếu không cộng tác thì toàn bộ những thông tin này sẽ được báo cho lãnh đạo của Sintsov biết. Kẻ không may chả còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận đề nghị của nhân viên tuyển người của tình báo Anh. Hắn chỉ tự an ủi mình là hắn sẽ được trả nhiều tiền cho hoạt động gián điệp.

Trước tiên, người Anh quan tâm đến hướng hoạt động nghiệp vụ đặc biệt của Sintsov: việc cung cấp vũ khí Nga cho các nước Cận Đông, việc tổ chức bán vũ khí đó và tất cả những chi tiết các vụ mua bán cấp nhà nước. Và tên gián điệp đã không phụ lòng họ.

Không lâu sau, Self bàn giao Sintsov cho một sĩ quan chỉ đạo khác là Goerge Horbin. “Quan chức công nghiệp quốc phòng” này phải về nước và SIS đã chuẩn bị một hệ thống liên lạc với hắn trên lãnh thổ Nga: họ quy định cho hắn các hộp thư mật, giao các chỉ thị đặc biệt...

Người Anh chuẩn bị cho Vadim Nikolayevich lên đường rất kỹ càng. Hắn đã nhận được với tư cách “món quà” một máy tính xách tay với các chương trình mã hoá báo cáo tin tức, các phim chụp đặc biệt và các đồ nghề khác. Việc liên lạc được quy ước tiến hành thông qua các nhân viên tình báo tại trung tâm tình báo trong sứ quán Anh ở Moskva.

Nhưng đến tháng 3 thì Sintsov đã bị tóm cổ. Ai đã tố giác tên gián điệp này thì hiện nay vẫn không rõ. Có thể hắn đã làm gì đó để gây ra nghi ngờ để người ta “bám” và “điều tra” ra. Mà cũng có thể đã có sự rò rỉ thông tin. Dù sao chăng nữa thì mười ngày sau khi bị bắt, công dân Liên bang Nga Vadim Nikolayevich Sintsov đã bị buộc tội theo điều 64, khoản a Bộ luật hình sư - tội phản bội tổ quốc.

Các nhân viên phản gián cho hay, hắn đã chuyển cho đối phương một số lượng tin tức nhiều đến mức chắc chắn đã gây tổn hại to lớn cho tiềm lực quốc phòng của nước Nga. Đồng thời,  “vụ Sintsov” cũng tạo ra cả sự lạc quan. Theo lời khai của hắn, tình báo Anh đánh giá rất cao các chuyên gia công nghiệp quốc phòng Nga và đánh giá họ có lẽ là giỏi nhất thế giới.

Lẽ ra thì toà án xử Sintsov phải diễn ra vào đầu năm 1995, nhưng.... Trong suốt một năm trời tìm hiểu hồ sơ hình sự trên những chiếc ghế cứng quèo của nhà tù Lefortovo. Rõ ràng hắn đã trao cho người Anh rất nhiều nếu không thì hồ sơ vụ án đã không dày đến mấy tập như vậy. Mặc dù ta không loại trừ đó là chỉ vì hắn thích đọc đi đọc lại những câu chuyện về những chiến công của hắn. Hiện tại, người ta chỉ biết một điều là trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, các cơ quan phản gián Nga đã ngăn chặn được hành động gián điệp của khoảng ba chục công dân Nga là điệp viên nước ngoài. Ngoài ra, còn có không dưới chục tên nữa đã chạy sang phương Tây...

Xu hướng “đi làm gián điệp” đang ngày càng gia tăng. Nó đạt đến đỉnh điểm vào năm 1991-1992 khi mà theo lời của Giám đốc Cục Tình báo Đối ngoại Nga SVR, thượng tướng Vyacheslav Trubnikov thì tình hình là rất khó khăn bởi vì những chứng cớ chủ yếu của CIA là nhằm bôi nhọ, bóp chết và huỷ diệt tình báo Xôviết, kể cả bằng cách mượn tay các nhà lập pháp Nga.

“Cuộc cách mạng gián điệp” ở nước Nga có một sự lý giải rất bình thường. Nếu như trước đây mỗi cái hắt hơi của một người dân Xôviết đều nằm dưới sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền, biên giới thì bị khoá chặt, mọi di chuyển của người nước ngoài ở trong nước đều bị kiểm soát đến cùng cực, còn việc có trong tay ngoại tệ có nghĩa là tự liệt mình vào phe kẻ thù, nhưng bây giờ mọi sự đã đổi khác đúng là ngược lại hoàn toàn. Sự nghèo đói của các quan chức và sĩ quan có quyền tiếp cận các bí mật nhà nước là bảo đảm tốt nhất cho thành công của các cơ quan tình báo nước ngoài mà họ thì như các chuyên gia khẳng định, đang hoạt động ở Nga một cách tự nhiên cứ như ở nhà.

Các cơ quan chống gián điệp của nước ngoài hiển nhiên cũng đã mệt mỏi với đội ngũ gián điệp đông đảo thường xuyên nên chỉ tiến hành điều tra theo dõi những điệp viên đặc biệt mà thôi. Thực ra cả số gián điệp được coi là quan trọng ấy cũng không phải ít gì. Những kẻ chủ động xin làm gián điệp dạng tầm thường như những binh lính đã từng phục vụ trong các đơn vị chiến lược thì có mà xếp được cả hàng dài. Các bạn hãy đi ngang sứ quán Mỹ và sẽ trông thấy điều đó chính bằng mắt mình...

Trích báo cáo nghiệp vụ: Vào tháng 3 năm 1994, do những hoạt động không phù hợp với nghề nghiệp ngoại giao, ngài John Scarlett, công dân Anh, tham tán về các vấn đề chính trị của sứ quán Anh tại Moskva, đã bị trục xuất khỏi lãnh thổ Liên bang Nga. Ngài Scarlett là trưởng trung tâm Cục Tình báo Anh SIS, nhưng xét từ khía cạnh nhân đạo, phía Nga đã cho ông ta ba tuần lễ để chuẩn bị. Việc trục xuất Scarlett là kết quả của một loạt biện pháp nghiệp vụ do Cục Hành động Phản gián (UKRO) của FSB tiến hành, mà một mắt xích của nó chính là việc bắt giữ điệp viên của SIS, quan chức công nghiệp quốc phòng Nga V. Sintsov. Đến lượt mình, Bộ Ngoại giao Anh yêu cầu trưởng trung tâm tình báo Nga rời khỏi lãnh thổ Anh.

Vào cuối tháng 4 năm 1996, các nhân viên UKRO của Cục An ninh Liên bang Nga FSB đã bắt giữ một công dân Nga là điệp viên của tình báo Anh trong khi hắn tiến hành liên lạc hộp thư mật. Tên tuổi hắn hiện vẫn được giữ kín, người ta chỉ biết kẻ bị bắt là viên chức thuộc một bộ của Nga.

Khi khám xét căn hộ của hắn, các nhân viên Cheka đã thu được những thiết bị gián điệp chuyên dụng. Dưới sức ép của các chứng cứ, kẻ bị bắt đã phải thú nhận hoàn toàn tội lỗi và khai ra tên tuổi các nhân viên tình báo Anh mà hắn đang liên lạc.

Ngày 6 tháng 4 năm 1996, Bộ Ngoại giao Anh đã gửi cho đại sứ Anh, Sir Andy Wood yêu cầu của Nga trục xuất một loạt nhân viên sứ quán Anh vì đã lợi dụng quyền miễn trừ ngoại giao để hoạt động gián điệp.

Print Print E-mail Print