Vietnamdefence.com

 

Điệp viên thế kỷ XX: Nhật Bản không chi một xu cho gián điệp

VietnamDefence - Kẻ cắp gặp bà già.

Ngày 30 tháng 9 năm 1900, Phòng Động viên của Bộ Tổng tham mưu Nga đã gửi công văn mật cho tham mưu trưởng quân khu Vilensky báo tin:

“Một gói bưu kiện chứa nhiều tài liệu mật, được gói trong một mảnh vải thô, buộc chặt chẽ và đóng dấu xi đã được gửi đến một bộ tham mưu và tại Bộ Tổng tham mưu, các tài liệu đó đã được lấy ra khỏi gói bưu kiện mà dấu xi và dây buộc vẫn được giữ y nguyên. Thay vào các tài liệu đó, ở Bộ Tổng tham mưu người ta đã nhét các giấy tờ khác vào gói bưu kiện với dấu xi nguyên vẹn, sau đó bưu kiện đã được bảo vệ.

Khi thông báo tin này, Bộ Tổng tham mưu yêu cầu phải đặc biệt lưu ý đến việc đóng gói, gắn xi các bưu kiện có tài liệu mật sao cho các vết gắn xi nằm đúng trên đường khâu và nút buộc để người khác không thể mở các bưu kiện ấy mà không làm hỏng dấu xi”.

Tài liệu có một không hai này cho thấy: trong một thời gian dài trướcchiến tranh Nga-Nhật, trong Bộ Tổng tham mưu Nga đã có những “chuột chũi” ẩn náu và chúng đã trắng trợn moi ruột các bưu kiện chứa tài liệu mật mà “không làm suy xuyển dấu xi và mối buộc”. Chắc chắn là bọn chúng đã dùng dao cạo sắc cắt đường chỉ khâu, sau đó lấy tài liệu ra và thay vào đó là một mớ giấy lộn, xong đâu đó mảnh vải gói lại được khâu lại theo đúng đường chỉ cũ. Dấu xi vẫn nguyên vẹn...

Lúc đó đã nổ ra một vụ xì căng đan ầm ĩ đã nổ ra ở Nga mà “nhân vật chính” là đại uý Nikolai Ivanovich Ivcov. Tên này thường lấy trộm các chỉ thị và mệnh lệnh bí mật rồi bán cho trung tá gián điệp Nhật Bản Akashi. Cơ quan phản gián Nga đã phát giác ra Ivcov và tên này đã phải chịu hình phạt nghiêm khắc. Nhưng đáng tiếc là đã không bắt được ba tên phản bội khác. Bọn này đã gây ra những tổn thất lớn lao đối với lợi ích quốc gia của Nga ngay trước chiến tranh Nga-Nhật. Đó là các sĩ quan Aleksandr Fedorov, Vladimir Varsky và bá tước Igor Zelinsky.

Sau khi đã moi ruột không phải một bưu kiện như vậy, chúng mới nghĩ là phải bán cho ai đây? Phải tìm người mua ở đâu? Sau khi suy tính rất lâu, bộ ba này đã quyết định liên hệ với người Nhật. Nhờ một cơ hội ngẫu hợp, chúng đã gặp được ở Nhật Bản một đại diện cao cấp của nhóm đầu sỏ quân sự Nhật là nguyên soái Yamaguchi và ký một hợp đồng với ông ta. Theo hợp đồng thì mỗi tên phản bội có thể được trả “công” 50 triệu rúp. Thời bấy giờ, số tiền này quả một món tiền khổng lồ.

Nhưng Yamaguchi được sự chấp thuận của chính quyền Nhật đã không run tay ký hợp đồng này. Thứ nhất là vì tiền chỉ được trả nếu Nhật chiến thắng trong chiến tranh với Nga. Thứ hai là chỉ trả sau năm 1915.

Như ta đã biết, cuộc chiến tranh đã kết thúc với thất bại của Nga và nhiều người ở nước Nga đã tự hỏi: tại sao điều đó lại có thể xảy ra? Bọn Zelinsky, Fedorov và Varsky thì không tự hỏi như vậy. Chúng nóng lòng chờ đợi cái năm 1915. Cuối cùng thì thời hạn quy định trong hợp đồng đã đến, Zelinsky và Fedorov liền từ Nga lên đường sang Nhật thanh toán hợp đồng. Tại Nagasaki, chúng đã nhận được ba tấm séc trị giá 46 triệu Yên mỗi tờ. Bọn đánh quả này không phải là những kẻ ngu ngốc nên khi quay về Nga, chúng đã áp dụng những biện pháp đề phòng cần thiết. Khi phát hiện mình bị theo dõi, Varsky đã đưa tấn séc của mình cho Fedorov và chúng chia tay để mỗi tên đi một đường đến cảng. Nhưng do không thạo đường ở một thành phố xa lạ, không may Varsky đã bị lạc vào một ngõ tối. Lập tức vang lên hai tiếng súng và Varsky lăn ra chết. Tên này đã bị lục soát, nhưng người ta không tìm ra tấm séc.

Fedorov thì gặp may. Hắn đã đến được cảng an toàn và về được Nga. Sau đó trong vòng xoáy của cuộc nội chiến, hắn đã có mặt Odessa và chết ở đó vì bệnh sốt phát ban. Bản gốc của hợp đồng và hai tấm séc được một đàn bà họ hàng của hắn lưu giữ ở thành phố cảng này. Còn Zelinsky mang theo bản sao hợp đồng và tấm séc của mình (tấm séc thứ ba) đã khôn ngoan rời nước Nga đến Thuỵ Sĩ và mang tới các giấy tờ vào nhà băng ở đó. Người ta đã tiếp nhận những giấy tờ ấy, nhưng lại yêu cầu Zelensky xuất trình bản gốc. Thế là tên này chạy khắp thành phố Geneva yên tĩnh để tìm một luật sư có thể giúp hắn lấy được bản gốc ở Odessa có chữ ký của nguyên soái Yamaguchi.

Thế mà đã xảy ra điều không thể tưởng tượng nổi, bất kể sự hỗn loạn đang ngự trị khắp nước Nga, ý đồ của Zelinsky đã đạt được. Không chỉ bản gốc hợp đồng mà cả hai tấm séc kia đã được gửi từ Odessa sang cho hắn. Hắn vui sướng tột độ! Lập tức hắn đến ngân hàng Anh để nhận bạc triệu.

Nhưng tại đó, người ta khoát tay: “Chúng tôi không thể giúp gì được ông vì người Nhật từ chối trả tiền theo các tấm séc”. Zelensky phát đơn kiện. Trong quá trình điều tra của toà, cả sứ quán Nhật ở London lẫn nhà băng Nhật ở Tokyo đều không phủ nhận việc ký hợp đòng và trả séc, nhưng họ đã phủ nhận hiệu lực pháp lý của hợp đồng. Người Nhật đã lấy cớ rằng chữ ký của người đại diện cho phía họ không nằm ở phía dưới văn bản mà ở bên cạnh...

Cuối cùng toà đã bác đơn của một tên lừa đảo kiện một tên lừa đảo khác. Vậy là bá tước Zelinsky lâm vào cảnh trắng tay. Nhưng chuyện cũng không thể khác được - tội phản quốc nói cho cùng không bao giờ có thể “chuộc lại” được.

Print Print E-mail Print