Các loại mật mã Orange, Red và Purple
Đến năm 1938, các bức điện ngoại giao mật nhất của Nhật được mã bằng hệ mã mà các chuyên gia mã thám Mỹ gọi là mã “màu vàng da cam” (Orange) - trong các tài liệu chính thức, các kế hoạch quân sự và trong thư tín trao đổi riêng của các sĩ quan cao cấp, nước Nhật được gọi như vậy. Khi xuất hiện các hệ mã hoàn thiện hơn dùng để bảo mật các điện tín quan trọng nhất của Bộ Ngoại giao Nhật, chúng được đặt quy ước theo màu đậm hơn: ban đầu là “màu đỏ” (Red), sau đó là “màu huyết dụ” (Purple).
Những thành công đối với mã Red và các hệ mã kém vững chắc hơn đã cho phép người Mỹ nghiên cứu những tập hợp từ hay dùng nhất và phong cách viết thư tín liên lạc ngoại giao của Nhật. Họ đã có thể phỏng đoán những từ nào sẽ được sử dụng để soạn các bức điện. Những câu mở đầu và kết thúc của các bức điện như “Rất vinh hạnh được thông báo với quý ngài” hay “Phúc đáp bức điện của Ngài” là những chỗ dựa chính.
Các bài báo cung cấp thêm thông tin về nội dung có thể của các bức điện mã chặn thu được của Nhật.
Bộ Ngoại giao Nhật thường gửi cùng một điện văn bằng điện báo đến mấy sứ quán của mình mà không phải sứ quán nào trong số này cũng có máy mã Purple. Nhân viên cơ yếu Nhật do sơ suất có thể gửi bức điện được mã trên máy Purple đến sứ quán còn chưa được trang bị máy mã này. Dĩ nhiên là sứ quán đó sẽ yêu cầu gửi lại bức điện mã đó. Khi sực nhớ ra, nhân viên cơ yếu liền tìm cách sửa lỗi lầm. Anh ta lại gửi bức điện đó được mã bằng hệ mã kiểu cũ có trong tay sứ quán này vốn đã bị Mỹ giải phá. Sự hiện diện đồng thời của cả bản rõ và bản mã giúp người Mỹ dễ dàng hơn nhiều trong việc giải phá mã Purple.
Bởi thế mà đến tháng 8 năm 1940, các chuyên gia Cục Mã thám Lục quân Mỹ đã tái thiết kế được một máy mã Purple và chế tạo một số máy khác. Máy đầu tiên họ để lại dùng, máy thứ hai gửi cho các đồng nghiệp bên Hải quân, máy thứ ba gửi cho người Anh, còn máy thứ tư để dự phòng. Một tình huống oái oăm đã nảy sinh : người Mỹ đọc được các bức điện quan trọng nhất của Nhật nhanh và dễ hơn nhiều so với các bức điện kém bí mật hơn của Nhật. Họ cũng học được rất nhanh cách giải phá các hệ mã hai bậc, trong đó máy mã Purple đóng vai trò như phương tiện mã lặp các bức điện đã mã sơ bộ.
Say sưa với thắng lợi
Các chỉ huy các cơ quan tình báo Lục quân và Hải quân Mỹ đã có một thoả thuận đặc biệt quy định những người được nhận tin Magic. 10 người được liệt kê trong danh sách này là bộ phận tinh hoa của bộ máy nhà nước Mỹ thời đó: tổng thống, ngoại trưởng, bộ trưởng chiến tranh, tham mưu trưởng Lục quân, tham mưu trưởng Hải quân, các cục trưởng kế hoạch tác chiến của các bộ tham mưu Lục quân và Hải quân. Trên thực tế, còn có nhiều người nữa được biết nội dung các bức điện giải mã của Nhật như các cục trưởng thông tin liên lạc của các bộ tham mưu Lục quân và Hải quân nắm giữ các cơ quan mã thám quân sự thuộc quyền, bản thân các chuyên gia mã thám và phiên dịch viên của các cơ quan này, cũng như những người ngoài không nằm trong danh sách người nhận và không tham gia vào việc thu nhận thông tin. Giao thông viên chuyên đưa các bức điện giải mã đến cho các quan chức cao cấp tất nhiên là không thể lúc nào cũng đứng sau lưng họ khi họ đọc bản rõ của các bức điện mã. Cặp đựng các bức điện Magic nói chung đều được để lại một đêm tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Hậu quả của việc không chấp hành đầy đủ yêu cầu an toàn đã nhanh chóng xuất hiện.
Ban đầu, Bộ Ngoại giao Mỹ đã mất một bản ghi nhớ có thông tin thu được từ Magic. Sau đó, trong sọt rác của viên sĩ quan tuỳ tùng của tổng thống Mỹ đột nhiên tìm thấy một bản ghi nhớ Magic khác. Tại Boston, các nhân viên FBI đã bắt giữ một người định bán thông tin mã thám có liên quan đến Magic.
Một chuyện không thể sửa chữa suýt nữa đã xảy ra vào mùa xuân năm 1941. Hiroshi Oshima, đại sứ Nhật ở Đức, ngày 3 tháng 5 đã gửi về Tokyo một bức điện thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đang có khoá mã của hệ mã Nhật. Các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã giải mã các bức điện gửi từ Tokyo cho đại sứ Nomura ở Washington liên quan đến các báo cáo mà đại sứ Oshima từ Berlin gửi về Tokyo. Thông tin này Oshima nhận được từ Bộ Ngoại giao Đức, sau khi nó được tham tán sứ quán Đức ở Washington gửi về qua điện báo.
Trả lời yêu cầu sau đó của Tokyo, Nomura đã nói: bất chấp “các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt nhất được tất cả những người nắm giữ các mật mã, áp dụng Mỹ đã giải phá được một vài loại mã của chúng ta, mặc dù chưa biết đích xác cụ thể là những loại nào”. Việc thay đổi mật mã xem chừng không tránh khỏi.
Tuy vậy, tính sĩ diện đã không cho phép người Nhật thừa nhận sự yếu kém của các loại mã vững chắc nhất của họ. Họ không tin những đồn đại về việc Mỹ đã giải phá được chúng. Họ đã không thay thế các hệ mã. Và nếu như các sự kiện này không dạy cho người Nhật mấy thì người Mỹ, sau khi suýt mất một nguồn tin quý giá nhất, liền áp dụng ngay các biện pháp hiệu quả nhằm giảm phạm vi đối tượng được biết nội dung điện mã của Nhật và kiểm soát việc lưu hành chúng trong giới quan chức cao cấp nhất của bộ máy nhà nước Mỹ.
Nhưng điều khiến các chuyên gia mã thám quân đội Mỹ đau đầu không chỉ có thái độ cẩu thả của giới lãnh đạo Mỹ đối với việc bảo mật nguồn tin quý giá này. Họ buộc phải theo dõi sát để báo cáo kịp thời nội dung bức điện mã nào đó cho người quan tâm. Các nhà lãnh đạo các cơ quan mã thám luôn lo sợ nảy sinh tình huống như tham mưu trưởng Lục quân muốn thảo luận tin tức thu được từ nguồn Magic với tham mưu trưởng Hải quân khi mà ông này vẫn chưa nhận được chúng.
Lau bụi cho các máy mã không phải là việc của các võ sĩ đạo Nhật Bản
Trong khi Bộ Ngoại giao Nhật phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa gắt gao nhất và các chuyên gia mã thám Mỹ bị vắt kiệt sức bởi công việc nhức đầu nhức óc để giải phá hệ mã Purple thì tại sứ quán Nhật tại Mỹ lại xảy ra một tình huống tức cười: một công dân Mỹ đang tửng từng tưng dùng giẻ lau bụi trên những chiếc bàn đặt các cỗ máy tinh vi vốn là đối tượng của cuộc chiến thầm lặng này. Cuối thập niên 1930, trong một hành động gây tổn hại đến an ninh của chính mình, sứ quán Nhật ở Washington đã thuê một người da đen luống tuổi tên là Robert vào làm việc. Trong phạm vi chức trách của người này có việc lau bụi ở các bàn và máy móc liên lạc tuyệt mật trong phòng cơ yếu. Các nhân viên cơ yếu, ở mức độ nào đó, cũng nhớ đến các quy tắc an ninh nên không cho phép người quét dọn ở một mình trong phòng. Nhưng người Nhật rõ ràng đã không suy nghĩ nghiêm túc về khả năng Robert là gián điệp. Còn người Mỹ thì lại không tính đến chuyện cài cắm điệp viên vào sứ quán Nhật. Bởi lẽ, phát giác ra một gián điệp ở đó cũng có nghĩa là phía Nhật tất yếu sẽ thay đổi mật mã, tuy rằng chúng dù có khó nhưng vẫn bị giải phá.
Tuy vậy, sẽ là không đúng nếu cho rằng, Mỹ hoàn toàn bỏ qua khả năng mã thám ứng dụng vì lo ngại nó sẽ xoá sạch những thành công trong việc đọc điện mã nước ngoài có được nhờ các nghiên cứu lý thuyết. Ví dụ, ở Lisbon, người ta đã lấy được ở chỗ vị tuỳ viên Nhật bản sao các bức điện được mã bằng loại mã sơ đẳng. Các bản sao này được lấy từ sọt rác. Sau điệp vụ ở Lisbon, cường độ liên lạc vô tuyến có sử dụng mật mã này không giảm nên người Mỹ nghĩ rằng, Nhật vẫn chưa bị phát hiện các tài liệu này bị mất.
Đến mùa thu năm 1941, nhu cầu đối với các bức điện Magic còn bức xúc hơn nữa ở cấp lãnh đạo cao cấp nước Mỹ. Chúng đã biến thành một yếu tố quan trọng sống còn để hoạch định chính sách quốc gia. Các quan chức cao cấp đã thảo luận các bức điện này tại các cuộc họp và căn cứ vào chúng để đưa ra các quyết định, biện pháp. Chẳng hạn, quyết định thành lập bộ chỉ huy quân Mỹ tại Viễn Đông đã ra đời trực tiếp do ảnh hưởng của các bức điện giải mã vào đầu năm 1941, trong đó nước Đức hối thúc Nhật Bản tấn công các thuộc địa của Anh ở châu á với hy vọng bằng cách đó để lôi kéo Mỹ tham chiến.
Chiến tranh mở màn vào lúc 1 giờ trưa
Lập tức sau nửa đêm ngày 7 tháng 12 năm 1941, cái tai linh mẫn của một đài vô tuyến điện hải quân Mỹ trên đảo Bainbridge, cách không xa thành phố Seattle ở Mỹ đã bắt được các tín hiệu trên làn sóng. Bức điện này được phát theo kênh liên lạc ngoại giao từ Tokyo đến Washington. Bức điện được phát trong vòng 9 phút và được gửi cho sứ quán Nhật.
Tại đài vô tuyến điện, điện văn bức điện chặn thu được in ra băng đục lỗ, rồi người ta quay số trạm điện báo đánh chữ-điện báo ở Washington và khi kênh liên lạc đã thông, người ta cho băng đục lỗ được chuẩn bị sẵn vào máy đọc cơ khí để chạy qua máy đọc với tốc độ 60 từ/phút. Sau đó, bức điện này xuất hiện ở máy đánh chữ trong phòng số 1649 của toà nhà Bộ Hải quân Mỹ.
Máy đánh chữ đặt trên bàn sĩ quan trực của Ban OP-20-G, thiếu uý Francis Brotherhood. Máy này in lại và nhân bản điện văn của các bức điện đến. Qua các dấu hiệu đặc biệt trên bức điện mã chặn thu (các dấu hiệu này được đánh để lưu ý các nhân viên cơ yếu Nhật), sĩ quan trực ban lập tức xác định được điện này được mã bằng hệ mã bí mật nhất và vững chắc nhất - mã Purple.
Một năm rưỡi trước các sự kiện được mô tả, Cục Mã thám Lục quân Mỹ đã hoàn tất tốt đẹp việc giải phá mã Purple và chế tạo mấy máy mã Purple. Một trong các máy đó đặt tại phòng số 1649 của toà nhà Bộ Hải quân Mỹ. Sĩ quan trực ban mang bức điện Nhật chặn thu được tới chính phòng đó.
Brotherhood đặt máy theo khoá mã Nhật dùng để mã hoá các bức điện mà Mỹ đã giải phá được, và gửi lên làn sóng vào cái ngày định mệnh 7 tháng 12 đó rồi gõ phím đánh máy điện văn bức điện mật mã chặn thu được trên đảo Banebridge. Các xung điện chạy trong các dây dẫn để làm ngược lại quy trình giải mã phức tạp. Không lâu sau, trước mặt sĩ quan trực ban đã có bản rõ của bức điện mã bằng tiếng Nhật. Tại bộ phận dịch thuật của Ban “G”, quy ước gọi là OP-20-GZ, vào lúc muộn như thế thì chẳng còn ma nào nữa. Bởi vậy, sau khi đóng dấu thượng khẩn lên bức điện, Brotherhood đích thân giao nó cho đại diện của Cục Mã thám Lục quân vì các phiên dịch viên của cơ quan này trực suốt ngày đêm. Lúc đó là đúng 5 giờ sáng giờ Washington.
Tại Cục Mã thám Lục quân, người ta đã dịch từ tiếng Nhật bức điện có nội dung như sau: “Đại sứ phải trao câu trả lời của chúng ta cho chính phủ Mỹ (cho ngoại trưởng nếu có thể) vào lúc 01giờ 00 ngày 7 tháng 12 theo múi giờ của chúng ta”. “Câu trả lời” được nhắc đến trong bức điện này được người Nhật gửi từ Tokyo đến Washington trong vòng 18 giờ rưỡi trước và Brotherhood vừa mới giải mã nó trên máy Purple. “Câu trả lời” bằng tiếng Anh và có câu cuối như sau: “Chính phủ Nhật lấy làm tiếc thông báo cho chính phủ Mỹ là do lập trường của chính phủ Mỹ, chính phủ Nhật không thể không cho rằng, không hề có bất kỳ cơ hội nào đạt được thoả thuận bằng tiếp tục đàm phán”.
Vào lúc 7 giờ 30, chuyên gia tiếng Nhật, thiếu tá Elwin Cramer, người đứng đầu OP-20GZ và chuyên gửi các bức điện giải mã cho những người nhận ở Mỹ, xuất hiện ở nơi làm việc. Khi thấy đã có được cái quan trọng nhất là đoạn kết của công hàm ngoại giao Nhật dài lê thê và sau khi biên tập lại lời văn công hàm, ông hạ lệnh in thêm 14 bản nữa, giữ lại 2 bản trong đó vào hồ sơ lưu, số còn lại gửi đi.
Lúc 9 giờ 30 sáng, Cramer mang phần cuối của bức công hàm Nhật đến Nhà Trắng gặp Đô đốc Harold R. Stark, Tổng tư lệnh Hải quân và Bộ trưởng Hải quân Frank Knox. Knox phải tham gia một cuộc họp ấn định vào lúc 10 giờ 00 buổi sáng chủ nhật này tại toà nhà Bộ Ngoại giao Mỹ với ngoại trưởng Cordell Hull (1871-1955) và Bộ trưởng Chiến tranh Henry Lewis Stimson (1867-1950). Họ phải thảo luận về tính nguy kịch của cuộc đàm phán Mỹ-Nhật mà theo bức công hàm vừa nhận được, họ biết là đã đi vào ngõ cụt. Nhưng cả Stark và Knox, lẫn Hull và Stimson vẫn chưa biết lúc nào người Nhật tuyên bố chính thức việc này.
Biết được thời điểm phía Nhật định tuyên bố chấm dứt đàm phán là cực kỳ quan trọng: ngày 3 tháng 11, Cục Mã thám Lục quân đã giải mã bức điện do Tokyo gửi đi ra lệnh cho các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự quán Nhật ở Washington, Hongkong, Honolulu, London, Manila và Singapore bắt đầu tiêu huỷ mật mã. Nếu chấm dứt đàm phán trong điều kiện bình thường thì không nhất thiết phải tiêu huỷ các quyển mã. Các nhà ngoại giao có thể lên đường về nước và mang mật mã của mình cùng các tư trang khác. Đồng thời, quan hệ lãnh sự thường không bị cắt đứt, các tổng lãnh sự vẫn ở tại chỗ của mình cùng với đồ đạc và mật mã. Một khi có lệnh cho các sứ quán và lãnh sự quán tiêu huỷ mật mã thì việc từ chối đàm phán tiếp chỉ có thể có một ý nghĩa - đó là chiến tranh sắp xảy ra đến nơi.
Nhân đây cũng phải nói rằng, lệnh tiêu huỷ mã sau khi Trân Châu Cảng bị tấn công đã được người Nhật thực hiện thuận lợi ở khắp nơi, ngoại trừ lãnh sự quán ở Honolulu. Tại đó, các cảnh sát bảo vệ lãnh sự quán Nhật đã phát hiện thấy khói toả ra từ các cánh cửa và ngửi thấy mùi giấy cháy. Do sợ xảy ra hoả hoạn, họ đã xông vào toà nhà lãnh sự quán và bắt gặp một nhân viên lãnh sự quán đang tiêu huỷ tài liệu trong buồng tắm. Cảnh sát Mỹ đã tịch thu một xấp điện và năm bao tải tài liệu đã xé vụn. Cùng ngày, các chiến lợi phẩm này đã chuyển đến địa chỉ cần thiết.
Cramer trở lại vị trí làm việc của mình vào lúc 10 giờ 20. Trong khi ông đi vắng, người ta đã có được bản dịch một bức điện ngắn về thời gian trao công hàm - đó là vào lúc 1 giờ chiều ngày chủ nhật. Mười phút sau, Cramer lại lên đường.
(Tiếp theo)