Đỉnh cao cảnh giác và thiện nghệ
Một giờ trước khi các nhân viên cơ yếu còn ngái ngủ ở sứ quán Nhật giải mã bức điện mật mã từ Tokyo mà Mỹ đã chặn thu được, còn máy bay Nhật thì đang gầm rú cất cánh từ các tàu sân bay để tấn công quân Mỹ, Cramer đang hộc tốc lao trên các đường phố vắng lặng của Washington vừa ghì chặt vào người chiếc cặp với những thông tin tối quan trọng về ý đồ của Nhật, những thông tin có thể ảnh hưởng lớn lao đến toàn bộ tiến trình chiến tranh thế giới thứ II.
Trong lúc đó, các đồng bào của ông ta vẫn ngon giấc điệp và không hề nghĩ gì đến chiến tranh vì họ những mong nó sẽ bỏ qua họ. Các cơ quan mã thám Mỹ vào ngày quốc nhục đó đã đạt đến đỉnh cao cảnh giác và thiện nghệ mà không một cơ quan tình báo nào khác của Mỹ sánh được.
Nhưng tại sao lúc đó người ta không ngăn chặn được nỗi ô nhục Trân Châu Cảng, nơi mà do bị tấn công bất ngờ, họ tổn thất đến 30 nhân mạng lính và sĩ quan trong một phút? Vấn đề là ở chỗ, mặc dù qua nhiều bức điện mã chặn thu và giải mã, họ thấy phía Nhật có sự quan tâm đối với sự di chuyển của các chiến hạm Mỹ ở khu vực Trân Châu Cảng, tất cả các bức điện đó đã được nghiên cứu và đánh giá bởi những người có thẩm quyền giống như với một số lượng lớn các bức điện khác của Nhật về di chuyển của tàu Mỹ ở tất cả các cảng và qua kênh Panama. Ngoài ra, người Nhật cũng chưa bao giờ gửi một bức điện nào có ý nói là “chúng tôi sắp tấn công Trân Châu Cảng”.
Vậy các sự kiện đã tiến triển ra sao sau khi bức điện về việc trao công hàm ngoại giao Nhật xuất hiện trên bàn của Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Marshall?
Gần 11 giờ 30, Marshall đến trụ sở Bộ Chiến tranh. Trên bàn của ông đã có một tập điện Magic. Bức điện trên cùng là công hàm ngoại giao của Nhật, bên dưới nó là bức điện về thời gian trao công hàm này. Marshall bắt đầu xem kỹ nội dung công hàm, đọc đi đọc lại vài phần của nó. Khi đọc đến bức điện Magic cuối, ông đã sửng sốt chả khác gì Cramer. Marshall lập tức lượng định được ý nghĩa của nó và soạn ngay điện cảnh báo gửi cho bộ chỉ huy quân Mỹ trong khu vực: “Hôm nay, vào lúc 1 giờ chiều theo giờ chuẩn địa phương, người Nhật sẽ trao cho chúng ta một cái gì đó giống như tối hậu thư. Họ cũng đã nhận lệnh huỷ lập tức tất cả các máy mã. Chúng ta còn chưa biết chính xác cái gì đang chờ đợi chúng ta trong thời gian sắp tới, nhưng chúng ta cần phải ở trạng thái sẵn sàng”. Vào lúc đó, cách quần đảo Hawaii 600 kilômet về phía Bắc, thê đội máy bay Nhật đầu tiên đang gầm rú cất cánh từ các tàu sân bay.
Trên bàn Marshall có một chiếc máy điện thoại, song ông rất không tin tưởng điện thoại mà thích dùng cách mã các bức điện viết tuy chậm nhưng tin cậy hơn. Người ta mất 3 phút để mã, 8 phút để phát điện đi và 20 phút sau điện của Marshall đến được tay những người nhận. Thê đội máy bay Nhật đầu tiên lúc đó đã chỉ còn cách mục tiêu 60 kilômet.
Các thư ký toà đại sứ Nhật ở Washington bước vào làm việc lúc gần 10 giờ sáng và đã bắt đầu giải trước tiên các điện mã dài vì theo kinh nghiệm của họ, chúng là những bức điện quan trọng nhất. Chỉ đến 11 giờ 30, nhân viên cơ yếu Nhật mới kinh hoàng phát hiện ra lệnh trao bức công hàm còn chưa giải mã xong vào lúc 1 giờ chiều. Để giải mã hết bức công hàm và đánh máy lại nghiêm chỉnh bằng máy chữ phải mất 1 giờ rưỡi nữa. Cho đến lúc đó, sức mạnh không quân Nhật đã kịp biến Trân Châu Cảng thành địa ngục đối với lính Mỹ. Hy vọng của giới quân sự Nhật rút ngắn tối đa thời gian cảnh báo đối với phía Mỹ về sự khởi đầu chiến sự đúng là đã thành hiện thực trong khói lửa của cuộc tấn công. Sau này, cuộc tấn công bất ngờ không tuyên chiến của Nhật vào Mỹ đã là một trong các mục chính buộc tội các tội phạm chiến tranh Nhật.
Nguyên nhân gây ra sự tàn phá Trân Châu Cảng có nhiều, vào những thời gian khác nhau đã có 8 uỷ ban chính thức tiến hành điều tra các nguyên nhân này, trong đó có cả một uỷ ban của quốc hội Mỹ, “các công trình” của uỷ ban này là 45 tập báo cáo. Đánh giá của họ về điều đã xảy ra không hoàn toàn khách quan vì trong số các nguyên nhân thất bại, họ không nêu rõ ra chiến lược của giới quân sự trước khi Mỹ tham gia chiến tranh thế giới thứ II là cố hướng cuộc xâm lược của Nhật vào Liên Xô. Nhưng chưa bao giờ có ai có mảy may ý định đổ lỗi về điều đã xảy ra cho Cục Mã thám Lục quân hay OP-20-G. Uỷ ban quốc hội Mỹ nghiên cứu các bối cảnh cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng đã phán quyết công bằng rằng, các cơ quan này “xứng đáng sự khen ngợi nhiệt liệt nhất” và tỏ lời cảm ơn cnhân viên của các cơ quan đó.
Australia có thể ngủ yên
Không lâu sau cuộc tấn công của Nhật vào Mỹ, các kế hoạch chiến tranh của Nhật đã hoàn thành về cơ bản. Nhật không định xâm lăng nước Mỹ mà chỉ muốn càng nhanh càng tốt tạo ra một vành đai công trình phòng ngự kiên cố xung quanh các lãnh thổ chiếm được. Tuy nhiên, bộ chỉ huy cao cấp Nhật do loá mắt với những thắng lợi giành được và khao khát những thắng lợi mới đã quyết định tiếp tục tấn công. Tổn thất ước tính sơ bộ là 1/4 binh lính và kỹ thuật chiến đấu của Hải quân Nhật là quá nhỏ và không đáng kể. Lực lượng còn lại quá đủ cho cuộc tấn công mới. Ngoài ra, các chiến lược gia quân sự Nhật khẳng định các lãnh thổ chiếm được sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu chu vi phòng thủ tăng lên.
Bởi vậy, Nhật đã bắt tay vào thực hiện hai kế hoạch đầy tham vọng. Một kế hoạch trù định tấn công bằng lính đổ bộ ở hướng Nam nhằm uy hiếp Australia. Kế hoạch thứ hai nhằm vào Midway, hòn đảo san hô tý hon ở giữa Thái Bình Dương, đứng giữa đường đến quần đảo Hawaii như một lính gác. Kế hoạch này gồm hai phần. Phần thứ nhất bao gồm việc đánh chiếm hòn đảo có ý nghĩa chiến lược này. Mục đích của phần thứ hai, quan trọng hơn, là lừa vào bẫy và tiêu diệt lực lượng Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ còn lại sau thất bại mà nay dĩ nhiên sẽ cố để bảo vệ đảo san hô Midway.
Nhưng Đơn vị tình báo kỹ thuật của Mỹ bố trí trong tầng hầm dài, hẹp của toà nhà hành chính tại khu căn cứ hải quân Trân Châu Cảng đã đóng vai trò định mệnh đối với Nhật. Đơn vị này phục vụ cho Hạm đội Thái Bình Dương. Trước khi chiến tranh bắt đầu, Đơn vị tình báo kỹ thuật gồm 30 sĩ quan và binh sĩ. Họ có nhiệm vụ giải phá hệ mã hải quân Nhật, gọi tắt là JaW-25A. Cái tên này do OP-20-G đặt. JaW-25A là mật mã không dùng bảng chữ cái, có dùng mã lặp. Hệ mã phổ dụng và được sử dụng tích cực nhất này khi đó của Hải quân Nhật được cả OP-20-G và nhóm mã thám Anh ở Singapore đồng thời nghiên cứu giải phá.
Trong khi đó, người Nhật tuy không hề biết gì về hoạt động mã thám ráo riết này nhưng đã bắt đầu mơ hồ lo lắng về việc mã JaW-25A được sử dụng trong một thời gian quá dài. Nhật dự định đưa phiên bản mới của nó là JaW-25B vào sử dụng ngày 1 tháng 4 năm 1942. Nhưng do khó đưa các quyển mã đến các tàu đang di chuyển nên họ đã phải đình hoãn việc thay mã cho đến ngày 1 tháng 5.
Chính nhờ sự trì hoãn này mà đến trước ngày 17 tháng 4, trong số điện mã liên lạc của Nhật mà Mỹ chặn thu được chỉ còn có vài phần là vẫn chưa đọc được. Những phần lớn ở bản rõ đã giúp Mỹ hiểu được thực chất các kế hoạch tấn công của Nhật về hướng Australia. Các đối sách do Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Nimitz đưa ra đã đập tan các kế hoạch này. Nhưng việc Nhật bị chặn bước về hướng Nam không hề làm thay đổi ý đồ của họ giành thắng lợi trong cuộc chiến với Mỹ.
Ngày 1 tháng 5 đã bắt đầu mà việc thay đổi mã Jaw-25A vẫn chưa xảy ra. Cũng vì những nguyên nhân như trước nên người Nhật lại phải hoãn việc thay thế thêm một tháng, cho đến ngày 1 tháng 6. Rõ ràng là người Nhật nghĩ mật mã của họ không bị giải phá nên không nhất thiết thay thế. Nếu việc thay thế xảy ra vào ngày 1 tháng 5 đúng như dự định thì nó có thể đã làm cho các chuyên gia mật mã Mỹ không thể đọc được điện mã của Nhật ít ra là trong vài tuần, một quãng thời gian có ý nghĩa quyết định.
Chiến thắng thuộc về các nhà mã thám
Ngày 20 tháng 5 năm 1942, Tổng Tư lệnh Hạm đội thống nhất, Đô đốc Yamamoto đã soạn và gửi cho các cấp dưới mệnh lệnh tác chiến có nói rõ chi tiết các thủ đoạn chiến thuật cần sử dụng để tấn công đảo Midway. Mệnh lệnh này đã bị các trạm nghe lén của Mỹ chặn thu được. Độ dài bức điện mã cho thấy tầm quan trọng của nó. Trong hơn một tuần, các chuyên gia mã thám Mỹ đánh vật với phần thứ mười của bức điện mà không tài nào đọc được. Chính phần này chứa thông tin quan trọng nhất - ngày tháng, thời gian bắt đầu và địa điểm tiến hành các chiến dịch quân sự. Các chuyên gia mã thám Mỹ chỉ có thể phỏng đoán về những vấn đề đó dựa trên những số liệu gián tiếp.
Do thông tin nhận được chỉ có tính giả thuyết nên giới lãnh đạo quân sự cao cấp Mỹ ngày càng thêm lo lắng. Cả tiến trình sắp tới của chiến dịch quân sự trên Thái Bình Dương cũng như bản thân sự tồn tại của hạm đội Mỹ đều phụ thuộc vào độ chính xác khi giải mã bức điện của Yamamoto. Bởi vậy, công tác kiểm tra những phỏng đoán liên quan đến phần quan trọng nhất của mệnh lệnh của Yamamoto đã được giao cho các cơ quan tình báo khác của Hải quân Mỹ, còn Đơn vị tình báo kỹ thuật tập trung chính vào việc giải mã 9/10 văn bản mã còn lại của mệnh lệnh này.
Đại uý Joseph Rochefort, Chỉ huy Đơn vị tình báo kỹ thuật, đã quyết định dùng một thủ đoạn tinh quái để buộc người Nhật phải khẳng định hoặc bác bỏ các phỏng đoán của các chuyên gia mã thám Mỹ. Rochefort đã soạn một báo cáo thông báo cho đồn binh Midway rằng, máy lọc nước ngọt từ nước biển đã bị hỏng. Báo cáo này đã được gửi đi bằng bản rõ. Hai ngày sau, trong vô số các bức điện của Nhật chặn thu được có một bức điện trong đó có nói AF đang thiếu nước ngọt. Như vậy, người Mỹ đã khám phá ra được từ lóng mà người Nhật dùng để chỉ đảo san hô Midway. Thông tin mà người Mỹ có trong tay về cuộc tấn công dự định của Nhật vào Midway đã được xác nhận. Chỉ còn phải tìm hiểu khi nào việc đó diễn ra.
Ngày 27 tháng 5 năm 1942, bộ tham mưu của Tổng Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Nimitz đã phỏng đoán chiến dịch của Nhật sẽ mở màn ngày 3 tháng 6. Lập luận bảo vệ ngày dự đoán này rất thuyết phục, nhưng không được các chuyên gia mã thám xác nhận. Thế là lại có thắng lợi tiếp theo của Đơn vị tình báo kỹ thuật khi họ giải phá được mật mã dùng để bảo mật ngày tháng và thời gian trong mệnh lệnh của Yamamoto. Nimitz đã phỏng đoán đúng. Việc Nhật thay đổi mật mã vào tháng 6 năm 1942 đã không ảnh hưởng đến tiến trình các sự kiện ở đảo Midway bởi lẽ tất cả các kế hoạch đã được soạn thảo xong, chiến dịch quân sự của Nhật đã bắt đầu bị phá vỡ. Sau này, trong hồi ký của mình, Nimitz đã viết: “Midway chủ yếu là thắng lợi của tình báo vô tuyến điện tử. Trong khi lăm le tấn công bất ngờ, chính người Nhật đã ăn đòn bất ngờ”. Marshall nói cụ thể hơn: “Nhờ hoạt động mã thám, chúng ta đã có thể tập trung binh lực hạn chế của mình để đối phó với cuộc tấn công của Hải quân Nhật vào Midway, nếu không thì chúng ta có thể còn ở xa địa điểm cần thiết nhiều ngàn kilômet”.
(Tiếp theo)