Búng vào mũi con ngựa cái, nó sẽ vẫy đuôi.
K. Prutkov. “Những trước tác”
Tên gọi của cơ quan mới được chọn một cách cố ý để người ta không phán đoán ra vai trò và vị trí thật sự của nó trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia Mỹ. Bản thân sắc lệnh dài 7 trang này, kể từ thời điểm ký, cũng là một trong những văn kiện bí mật nhất của Mỹ.
Mãi đến năm 1957, lần đầu tiên, người ta mới đưa một đoạn mô tả NSA rất ngắn gọn và mơ hồ vào danh bạ “Các cơ quan chính phủ Mỹ”. Đoạn mô tả chung chung này gồm ba câu.
Hai câu đầu thông báo việc thành lập NSA và quy chế của nó: “Cục An ninh Quốc gia được thành lập theo sắc lệnh của tổng thống vào năm 1952. Cơ quan này nằm trong biên chế của Bộ Quốc phòng và hoạt động của nó do Bộ Quốc phòng chỉ đạo và kiểm soát”.
Câu thứ ba là khuôn mẫu của kiểu nói mà có thể nói là không nói gì: “Cục An ninh Quốc gia tiến hành ở cấp cao nhất các chức năng kỹ thuật chuyên biệt và điều phối liên quan đến an ninh quốc gia”.
Nhưng dù sao thì cách mô tả NSA ở dạng được chấp nhận vào năm 1957 là đúng, mặc dù cực kỳ thiếu. Ví dụ, các chức năng “kỹ thuật” của NSA là chặn thu luồng điện tín và tiến hành mã thám các điện mã chặn thu được của tất cả các nước, bất kể là bạn bè hay thù địch với Mỹ.
Các chức năng “điều phối” bao gồm chủ yếu là bảo đảm an ninh thông tin liên lạc, tức là tổ chức, kiểm soát và hợp nhất nỗ lực của tất cả các đơn vị thuộc ngành cơ yếu Mỹ nhằm đạt hiệu quả tối đa trong việc sử dụng các hệ mã dùng trong tất cả các quân chủng của quân đội và cơ quan nhà nước Mỹ cần đến thông tin liên lạc mật.
Các quý ông đọc lén cái gì?
Một câu hỏi tất yếu nảy sinh: Điều gì đã xảy ra ở Mỹ trước khi con quái vật tình báo vô tuyến điện tử khổng lồ có tên NSA ra đời? Không phải là ít nếu tính đến việc Hải quân Mỹ bắt đầu quan tâm đến tình báo vô tuyến điện tử từ năm 1899, tức là từ thời điểm trang bị máy phát vô tuyến điện cho chiến hạm đầu tiên của họ. Thực ra, trước khi Mỹ tham gia chiến tranh thế giới thứ I, mối quan tâm này vẫn chỉ dừng ở mức độ nghiệp dư.
NSA xuất thân từ một số cơ quan tình báo Mỹ mà cho đến đầu thập niên 1950 vẫn tiến hành các hoạt động tình báo vô tuyến điện tử. Dĩ nhiên, lịch sử ra đời của NSA rắc rối và đầy rẫy những tên gọi các cơ quan và tổ chức đã từ lâu không còn tồn tại. Bởi vậy, người ta có ý định đặt tên ngắn gọn để không phải trình bày dài dòng những tình tiết không cần thiết.
Trong thập niên 1920, công tác mã thám trong quân đội Mỹ được tập trung tại cái gọi là “Phòng đen” do Herbert Osborne Yardley tổ chức năm 1917. “Phòng đen” hoạt động bí mật chủ yếu ở New York, được Bộ Chiến tranh và Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp kinh phí
Để có hình dung tương đối về quy mô hoạt động của “Phòng đen” chỉ cần dẫn ra đây một ví dụ. Trong thời gian tồn tại của “Phòng đen” từ năm 1917-1929, nó đã giải mã hơn 10.000 bức điện mật mã từ luồng điện tín của Argentina, Brazil, Vatican, Đức, Trung Quốc, Costa Rica, Cuba, Liberia, Mehico, Nicaragua, Panama, Peru, Salvador và Liên Xô. Những thành tựu thật ấn tượng!
Thành công lớn nhất của “Phòng đen” là giải phá được các mật mã ngoại giao của Nhật. Năm 1921, trong quá trình đàm phán tại hội nghị Washington về giải trừ quân bị. Hoa Kỳ đã cố làm cho Nhật về chấp thuận tỷ lệ tương quan trọng tải cho hạm đội Mỹ và Nhật là 10:6. Trong khi đó, người Nhật đến hội nghị này với ý đồ công khai là giành tỷ lệ tương quan 10:7. Trong các cuộc đàm phán ngoại giao, cũng như mọi cuộc mặc cả, ưu thế chủ yếu là phải biết đối tác có thể sẵn sàng chấp nhận những nhượng bộ nào. Việc “Phòng đen” giải mã điện tín liên lạc của các nhà ngoại giao Nhật ở Washington với Tokyo đã cung cấp cho chính phủ Mỹ tin rằng, nếu phía Mỹ gây áp lực thì Nhật Bản sẵn sàng chấp nhận tương quan như họ mong muốn. Mỹ đã nhanh chóng tạo áp lực cần thiết mà không ngại làm hỏng hội nghị.
Năm 1929, Bộ Ngoại giao Mỹ do Stimson lãnh đạo. Khi một bức điện do “Phòng đen” giải mã xuất hiện trên bàn ông ta, Stimson đã có một câu nói lịch sử: “Các quý ông không có đọc lén thư tín của nhau” - và hạ lệnh “ngừng cấp ôxy” cho tình báo vô tuyến điện tử, tức là không chi thêm tiền cho hoạt động của “Phòng đen”.
Stimson sau này đã cố biện minh cho quyết định hấp tấp của mình là do không khí yêu hoà bình đang ngự trị trong cộng đồng quốc tế khi đó. Sau một cuộc chiến đẫm máu dài bốn năm, tất cả đều mong muốn hoà bình. Chẳng có kẻ thù nào mà chỉ có một bên là quý ông Mỹ Stimson, còn bên kia là các quý ông của những nước khác được cử đến Mỹ với tư cách các đại sứ hay đại diện toàn quyền. Câu nói của Stimson đã trở thành lời có cánh, mặc dù đôi khi các chuyên gia mã thám đã quên mất ý nghĩa thực sự của nó - đó là các quý ông sẽ là bất nhã khi đọc thư tín của các quý ông khác, chứ không phải thư tín của người khác nói chung.
Sau khi về nghỉ, Yardley mải mê, đắm chìm vào văn chương và đã viết hai cuốn tiểu thuyết phiêu lưu - “Mặt trời đỏ của Nhật Bản” và “Nữ bá tước tóc vàng”. Hãng phim Metro Goldwin Meyer cho rằng, các nhân vật của các tiểu thuyết của Yardley - nữ bá tước-gián điệp tóc sáng xinh đẹp và một nam nhân vật không chỉ là một mỹ nam tử mà còn là một chuyên gia mã thám tài năng - rất thích hợp để dựng một bộ phim ly kỳ. Đối với tác giả kịch bản, khó khăn là ở chỗ nhân vật chính buộc phải thể hiện năng khiếu xuất chúng trong một công việc buồn tẻ là giải mã. Hãng Metro Goldwin Meyer đã giải quyết êm đẹp tình thế khó khăn này bằng cách sửa đổi cốt truyện “Nữ bá tước tóc vàng” và nhà khoa học bàn giấy bướng bỉnh, vào thời điểm chiến tranh khó khăn đối với đất nước, đã lên đường chiến đấu ở bên kia đại dương. Bộ phim có tên là Rendezvous. Tờ báo Mỹ New York Times đã mô tả bộ phim này như một “vở kịch thông tục sống động và cuốn hút”.
Tiền nhuận bút mà Yardley nhận được từ việc cốt truyện sách của ông được sử dụng cho phim không tiêu xài được lâu. Năm 1938, Tưởng Giới Thạch đã thuê cựu chuyên gia mã thám đã nhẵn túi này. Tại Trung Quốc, Yardley làm việc giải mã các bức điện mã của quân đội Nhật đang chiếm đóng nước này.
Năm 1940, Yardley từ Trung Quốc sang Canada và lập ra một văn phòng mã thám tư nhân. Ông đã bị trục xuất khỏi đây do áp lực của Stimson, mặc dù người Canda rất miễn cưỡng chia tay ông. Cho đến khi qua đời vào năm 1958, Yardley đã làm nhân viên tại Cơ quan thực phẩm Mỹ. Một năm trước khi chết, Yardley đã xuất bản cuốn sách “Dạy chơi bài poker”.
Suối nhỏ biến thành sông lớnSau khi “Phòng đen” chấm dứt tồn tại, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định củng cố và tăng cường hoạt động tình báo vô tuyến điện tử của mình. Nhằm mục đích đó, vào năm 1930, quân đội Mỹ đã thành lập Cục Mã thám Lục quân của riêng mình, trong biên chế của nó, ngoài người đứng đầu còn có ba chuyên gia mã thám và hai thư ký.
Do căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Nhật, người ta đòi hỏi Cục Mã thám Lục quân thu thập từ các kênh thông tin liên lạc của Nhật ngày càng nhiều loại tin tình báo mà để bảo đảm an toàn và tiện trích dẫn, nguồn tin này đã được cục trưởng tình báo Hải quân Mỹ đặt mật danh là Magic ngay từ đầu thập kỷ.
Cần phải nói là người Nhật không hề coi nhẹ mật mã. Năm 1934, Hải quân Nhật đã mua một loạt máy mã thương mại của Đức. Cũng trong năm đó, họ bắt đầu sử dụng chúng cả ở Bộ Ngoại giao Nhật. Tại đây, dựa trên máy mã này, người ta đã xây dựng hệ mã bí mật nhất của Nhật. Ngoài hệ mã này, đất nước mặt trời mọc còn có nhiều hệ mã khác. Bộ Chiến tranh, Bộ Hải quân và Bộ Ngoại giao Nhật đã sử dụng mã lặp để liên lạc. Đồng thời, mỗi bộ lại có một bộ các mật mã của mình. Ví dụ, riêng Bộ Ngoại giao Nhật cũng có tới bốn hệ mã được sử dụng tuỳ thuộc độ mật của tin tức cần truyền đi. Ngoài các mã này, họ còn sử dụng các hệ mã bổ trợ nữa.
Dòng suối nhỏ Magic khởi nguồn vào đầu thập niên 1930, sau năm 1940 đã trở thành dòng sông lớn mà từ đó giới quân sự Mỹ khai thác được các tin tức quan trọng về các kế hoạch quân sự và chính trị của Nhật Bản. Công lao trong việc này không chỉ thuộc về người Nhật vì họ đã trang bị rộng rãi cho các nhà ngoại giao của mình các loại mã không tin cậy, mà còn thuộc về cả thiếu tướng Mỹ Joseph Morborne, người được bổ nhiệm làm tư lệnh binh chủng thông tin liên lạc của Bộ Quốc phòng Mỹ vào tháng 10 năm 1937.
Morborne từ lâu đã quan tâm đến mã thám. Năm 1914, khi còn là một trung uý nhất trẻ, ông đã giải phá được mật mã quân sự của Anh và viết cuốn sách dày 19 trang mô tả kỹ thuật giải mã mà ông đã áp dụng. Đó là ấn phẩm đầu tiên về mã thám mà chính phủ Mỹ cho phép xuất bản.
Trở thành tư lệnh thông tin liên lạc, Morborne lập tức hạ lệnh tăng cường công tác mã thám. Ông đã cải tổ Cục Mã thám Lục quân thành một cơ quan độc lập trực tiếp trực thuộc ông, mở rộng phạm vi hoạt động của nó, tăng ngân sách và biên chế, thành lập các chi nhánh, trở thành người khởi xướng các khoá học mã thám hàm thụ, hiện đại hoá và tăng cường các phương tiện chặn thu.
Morborne về hưu tháng 9 năm 1941. Đến lúc đó, Cục Mã thám Lục quân đã trở thành một tổ chức hiệu quả và hùng mạnh với gần 200 sĩ quan, binh sĩ và nhân viên dân sự ở Washington và 150 người hoạt động tại các trạm chặn thu. Cơ quan này có trường riêng để dạy mật mã học cho các sĩ quan và nhân viên dự bị. Trong biên chế của cơ quan này còn có đại đội tình báo vô tuyến điện tử phụ trách bảo dưỡng các trạm chặn thu và bốn phân đội ở thủ đô là hành chính, mã thám, mật mã và nguỵ trang tin tức (stenography) (Stenography là tập hợp các phương pháp che giấu tin tức, ví dụ như sử dụng mực mật - ND).
Bí mật của căn phòng số 1649
Ngay từ thập niên 1920, tại căn phòng số 1649 của toà nhà Bộ Hải quân Mỹ ở Washington, các chuyên gia mã thám đã tiến hành giải phá các loại mật mã ngoại giao và hải quân sơ đẳng của Nhật. Trong số nhân viên cơ quan mã thám của Hải quân Mỹ có tên gọi OP-20-G lúc đó đã có 50 sĩ quan biết tiếng Nhật sau các khoá học tiếng ba năm. Bởi vậy, yêu cầu tăng cường hoạt động chống Nhật không hề làm họ ngạc nhiên.
Trong cơ cấu chính thức của Hải quân Mỹ, OP-20-G có nghĩa là Ban G thuộc Phòng 20 của Bộ Tham mưu Hải quân Mỹ. Phòng 20 làm nhiệm vụ tổ chức thông tin liên lạc hải quân, còn Ban G của nó được gọi là ban “bảo đảm an ninh thông tin liên lạc”. Cái tên đó che đậy định hướng mã thám trong hoạt động của Ban G.
Nhiệm vụ hàng đầu của OP-20-G cũng như của Cục Mã thám Lục quân là tiếp cận điện mã của nước ngoài. Tại Mỹ vào thời bình thì làm việc đó không phải là dễ.
Năm 1912, nhiều nước, kể cả Mỹ, đã ký cái gọi là “Định ước về liên lạc vô tuyến điện”. Theo đó, “không một ai làm việc tại trạm truyền tin hoặc người nào biết công việc của trạm được tiết lộ nội dung các bức điện được gửi qua trạm này cho bất kỳ ai, trừ người được nhận tin đó hoặc người nhân viên của trạm đóng vai trò mắt xích trung chuyển trên đường tới người nhận hoặc toà án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong lịch sử tình báo vô tuyến điện tử Mỹ, giữa hai cuộc chiến tranh thế giới đã xảy ra một trường hợp các chuyên gia mã thám quân đội được phép chặn thu chính thức theo quyết định của “cơ quan thẩm quyền nhà nước” là quốc hội Mỹ. Năm 1924, phái bộ thương mại Liên Xô mở văn phòng ở New York. Phái bộ này hoạt động vào thời kỳ giữa Mỹ và Liên Xô chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, bởi vậy trên thực tế, nó đồng thời đóng vai trò thương vụ và sứ quán. Tại quốc hội Mỹ, người ta cho rằng, công ty cổ phần Xô-Mỹ Amtorg còn làm nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của tình báo Liên Xô ở Mỹ. Điện tín liên lạc của Amtorg với Moskva tất nhiên là được mã hoá và hệ mã được sử dụng đã bảo vệ tin cậy các nội dung trao đổi này. Cuối thập niên 1920, Mỹ quyết định phải bằng tình báo vô tuyến điện tử để lấy cho được bằng chứng văn bản cho những nghi ngờ của quốc hội. Năm 1930, Fisch, chủ tịch uỷ ban điều tra hoạt động cộng sản ở Mỹ thuộc quốc hội Mỹ, với cớ muốn có thông tin đầy đủ hơn về hoạt động này, đã lấy từ kho lưu trữ gần ba ngàn bức điện mã của Amtorg. Các chuyên gia mã thám Hải quân Mỹ đã nhận được các bức điện này và họ đã báo cáo rằng, mật mã mà Amtorg sử dụng quá khó nên họ không đủ kiến thức để giải phá. Lúc đó, Fisch liền chuyển các điện mã tới Bộ Chiến tranh. Hai năm sau, trong phiên họp quốc hội, ông ta than phiền: “Không một chuyên gia nào có thể trong vòng 6-12 tháng đọc được một trong các bức điện mã này dù họ đã cam đoan với tôi là sẽ phá giải được mật mã này”.
Ngoài “Định ước về liên lạc vô tuyến điện”, từ năm 1934, có hiệu lực ở Mỹ còn có một chương trong luật về các phương tiện liên lạc liên bang. Nó cấm nghe lén các cuộc gọi điện thoại và chặn thu điện tín liên lạc giữa các quốc gia và các cơ quan đại diện ngoại giao của họ ở Mỹ. Tướng Craig, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ năm 1937-1939, đã yêu cầu các thuộc cấp của ông chấp hành nghiêm chỉnh luật này, điều đó đã gây trở ngại lớn cho việc tổ chức chặn thu các bức điện ngoại giao của Nhật gửi đến Mỹ hay từ Mỹ gửi đi. Nhưng do nhu cầu bức xúc bảo đảm an ninh quốc gia trước nguy cơ ngày càng gia tăng từ phía Nhật, thái độ của Mỹ đối với vấn đề này đã thay đổi. Thêm vào đó, vào năm 1939, George Catlett Marshall (1880-1959) đã thay thế Craig. Ông ta cho rằng, luật liên bang về các phương tiện liên lạc chỉ là một chuyện rầy rà pháp lý. Kết quả là các cơ quan mã thám Mỹ bắt đầu đẩy nhanh chương trình tổ chức chặn thu điện tín ngoại giao nước ngoài.
Công tác bảo mật nghiêm ngặt khi tiến hành chương trình này đã giúp các cơ quan mã thám Mỹ khỏi bị lộ. Mục tiêu chặn thu chính là liên lạc vô tuyến điện bởi vì các công ty điện báo Mỹ vốn nắm rất vững các hạn chế luật pháp nên thường từ chối cung cấp các bức điện báo cho các chuyên gia mã thám Mỹ. Do đó, đại đa số các bức điện chặn thu được là các bức điện vô tuyến. Số điện còn lại là các bức điện báo và bản sao của chúng do một vài công ty đồng ý cộng tác gửi đến. Tuy vậy, bất chấp những khó khăn, cơ quan chặn thu Mỹ đã hoạt động rất hiệu quả và chỉ “để lọt” một số tương đối ít điện tín. Ví dụ, trong số hơn 200 bức điện vô tuyến của Nhật gửi từ Washington về Tokyo và từ Tokyo đến Washington trong thời gian đàm phán Mỹ-Nhật năm 1941, họ chỉ không chặn thu được bốn bức điện. Dòng sông điện mã đã nhanh chóng tràn ngập OP-20-G và Cục Mã thám Lục quân: số chuyên gia mã thám ít ỏi đã không thể ứng phó nổi với lượng tin tức chặn thu lớn đến thế. Có hai cách để khắc phục những khó khăn phát sinh.
Cách thứ nhất - giảm bớt việc làm trùng lặp. Ban đầu, hai cơ quan mã thám cùng làm việc đọc tất cả các bức điện mã ngoại giao của Nhật. Nhưng khoảng một năm trước khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng, người ta đã quyết định các chuyên gia mã thám hải quân sẽ đọc các bức điện gửi từ Tokyo đến Washington vào những ngày lẻ, còn điện gửi vào những ngày chẵn sẽ do các chuyên gia mã thám lục quân đọc. Mỗi cơ quan vẫn nhận được từ các trạm chặn thu của mình tất cả các bức điện mã, sau đó thì phân loại chúng và giữ lại cho mình phần được quy định.
Cách thứ hai - tập trung nỗ lực trên những hướng quan trọng nhất. Nhưng làm thế nào để xác định được những điện mã nào là quan trọng nhất một khi chưa đọc được chúng? Rất đơn giản. Tất cả các bức điện không được phép mã bằng một hệ mã vì một số lớn các bức điện sẽ có thể giúp các chuyên gia mã thám đối phương nhanh chóng giải phá được hệ mã đó. Bởi vậy, đa số các nước (không loại trừ cả Nhật Bản), đều đồng thời sử dụng nhiều hệ mã. Những hệ mã vững chắc nhất trong số đó được dùng để mã những tin tức quan trọng nhất. Các chuyên gia mã thám Mỹ đã chia tất cả các hệ mã Nhật ra làm bốn loại tương ứng với độ khó giải phá. Các bức điện mã được đọc tuỳ theo thuộc tính tương ứng với bốn loại mật mã này.
(Tiếp theo)