Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Israel: Tên gián điệp "bạn bè"

VietnamDefence - Vào tháng 11 năm 1985, Jonathan Jay Pollard, một người Mỹ gốc Do Thái, nhân viên hợp đồng của cơ quan tình báo Hải quân Mỹ, đã bị bắt vì tội làm gián điệp. Điều đó diễn ra trong hoàn cảnh đầy kịch tính.

Jonathan Jay Pollard bị bắt vào tháng 11/1985, bị kết án chung thân ngày 4/3/1987, ngồi tù ở Mỹ đến khi được thả vào ngày 20/11/2015, nhưng vẫn bị giám sát
FBI có những ngờ vực đầu tiên về cuộc sống hai mặt của Pollard sau khi có dấu hiệu tài liệu mật ở Phòng Tình báo Hải quân bắt đầu bị mất. Cuộc kiểm tra được tiến hành đã cho phép xác định rằng, trong tất cả nhân viên của phòng này chỉ có Pollard yêu cầu các tài liệu hoàn toàn không liên quan đến phạm vi công việc của anh ta. Kết quả theo dõi Pollard cho thấy Pollard đã nhiều lần gặp các nhân viên sứ quán Israel.

Ban đầu, FBI chỉ gọi anh ta đến trao đổi. Với linh cảm chẳng lành rằng, câu chuyện về những đề tài vô bổ với các nhân viên FBI là sự khởi đầu của kết thúc đã buộc tên gián điệp mà sau này báo chí Mỹ gọi là gián điệp "bạn bè" này gọi khẩn cấp cho cô vợ Anne của mình.

Trong nhà họ còn giữ một chiếc va li chứa các tài liệu mật ăn cắp nên bằng mọi giá phải vứt bỏ ngay. Sau khi khuân chiếc va li chứa "đồ chết người" lên chiếc cửa sổ nhìn sang khu đất của láng giềng, Anne đã gọi cho người láng giềng và khẩn thiết nhờ anh ta cất hộ nó vào nơi chắc chắn. Cô ta không nói rõ mà chỉ khẳng định mạng sống của cô ta phụ thuộc vào điều đó và đổi lại, người láng giềng có thể đòi hỏi cô ta bất cứ cái gì. Không bị cám dỗ bởi những lời hứa mơ hồ của Anne, anh ta đã gọi điện thoại tới cơ quan của Jonathan. Tại đó, người ta chẳng suy nghĩ nhiều liền gọi đến FBI. Vòng tròn đã khép lại.

Đến cơ quan FBI lần thứ hai, nhưng đã không còn với tư cách nghi can nữa mà là bị bắt quả tang, Pollard thú nhận từ đầu năm 1984, anh ta đã nhận 2,5 ngàn đô la mỗi tháng từ cơ quan tình báo công nghệ LEKEM (Leshkat le Keshrei Madao) có vỏ bọc là văn phòng liên lạc của Vụ các vấn đề khoa học của Bộ Quốc phòng Israel để đánh cắp các tài liệu mật và mang đến nhà bí thư sứ quán Israel tại Mỹ. FBi đã thả Pollard trong một ngày đêm để anh ta dẫn đến các mối quan hệ Israel của mình. Nhưng sau khi được thả, Pollard hoảng sợ nên đã chọn biện pháp cực đoan để trốn tránh thanh gươm trừng phạt của công lý Mỹ.

Ngày 21 tháng 11 năm 1985, những khách bộ hành hiếm hoi ở phần Tây Bắc thủ đô Mỹ có thể quan sát một cảnh đúng như trong một phim hành động: tiếng rít của phanh xe, những đường cua gấp đột ngột và chạy xe vượt đèn đỏ - một chiếc Chevrolet lao nhanh sau một chiếc Ford. Hồi kết của cuộc đua xe này rất bất ngờ khi chiếc Ford chạy hết tốc lực lao như bay vào cổng sứ quán Israel. Chiếc Chevrolet buộc phải dừng lại trước cổng vì đằng sau nó là lãnh thổ nước ngoài. Tuy nhiên, cả chiếc Ford cũng không có quyền vào đó. Ngồi sau tay lái của nó là công dân Mỹ Jonathan Pollard, kẻ đang toan trốn vào sứ quán để tránh sự trừng phạt công bằng vì tội làm gián điệp.

Đòn đánh mà anh ta hứng chịu ở đó thật nặng nề. Pollard bị tống thẳng ra cửa và bị doạ giao nộp cho cảnh sát nếu anh ta còn dám đến "ngôi đền thánh thiện của tình hữu nghị Mỹ-Israel" với sự bịa đặt bẩn thỉu như thế. Jonathan đau buồn, ủ rũ vừa ra khỏi cổng sứ quán Israel thì còng tay đã bập vào cổ tay anh ta.

Khác với chồng mình, Anne Henderson Pollard đã êm ả thoát được khỏi lục địa Bắc Mỹ. Cả kẻ thủ hạ của Pollard cũng không chần chừ ở lại Washington lâu vì anh ta thích được thoả nguyện vi vu khắp thế giới hơn là phải ngồi thanh nhàn sau song sắt.

Trong quá trình điều tra, người ta biết được rằng, Pollard, vợ anh ta và thêm một nhân viên Hải quân Mỹ tạo thành một nhóm gián điệp nhỏ chuyên thu thập và chuyển cho Israel các tin tức tuyệt mật. Pollard đã đánh cắp tất cả những gì rơi vào tay như các mật mã của hạm đội Hải quân Mỹ đóng ở Địa Trung Hải, tin tức về các phương tiện tình báo vô tuyến điện tử của Mỹ, các dữ liệu về tần số mà các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ dùng để chuyển tin ở Cận Đông và các khu vực khác.

Nữ thần công lý Themis của Mỹ đã kết án Pollard tù chung thân. Điều làm chính quyền Mỹ căm tức nhất là việc một gián điệp của nước đồng minh thân thiết Israel lại xâm phạm đến bí mật thiêng liêng nhất của họ - các bí mật của tình báo vô tuyến điện tử. Đóng vai trò nhất định trong bản án nặng nề như thế đối với một gián điệp "bạn bè" là chiến dịch chống gián điệp được khéo léo khai diễn và nung nóng ở Mỹ trong thập niên 1980. Mà làm sao lại không trừng phạt một kẻ đã bán cái mà vì trách nhiệm công vụ anh ta phải bảo vệ?

Dĩ nhiên người Mỹ đã yêu cầu chính phủ Israel giải thích. Tháng 12 năm 1985, Israel chính thức xin lỗi Mỹ: "Hoạt động gián điệp ở Mỹ hoàn toàn trái ngược với chính sách của Israel. Hoạt động đó, nếu nó đã xảy ra, là sai lầm và chính phủ Israel xin lỗi về việc đó". Tiếp đó là lời hứa giải thể hoàn toàn và mãi mãi các đơn vị có dính líu đến hoạt động gián điệp nhằm vào nước Mỹ và thực hiện các bước để điều tương tự không bao giờ lặp lại. Và mặc dù chính phủ Israel cũng không hề tính đến chuyện thực hiện lời hứa của mình (trên thực tế chỉ có hộp thư của LEKEM bị thay đổi). Cuộc xung đột đã bị lãng quên.

Thế còn Jonathan Pollard thì sao? Sau khi các luật sư của anh ta không đạt được bản án nhẹ hơn cho anh ta thì người Do Thái trên khắp thế giới đã bắt đầu cuộc đấu tranh được điều phối nhịp nhàng nhằm đòi tổng thống Mỹ ân xá cho anh ta. Trong cuộc đấu tranh này, người Do Thái ở Anh tỏ ra kiên trì nhất. Ban đầu, Hội đồng cộng đồng Do Thái Anh đã gửi thỉnh cầu Tổng thống Bush ân xá cho Pollard. Thỉnh cầu này đã không được trả lời.

Tháng 11 năm 1993, đến lượt Bill Clinton, người thay thế Bush trên cương vị tổng thống Mỹ. Hội đồng cộng đồng Do Thái Anh đã yêu cầu Clinton tỏ lòng nhân đạo đối với tên gián điệp Israel bị đày đoạ trong ngục tù Mỹ với sức khoẻ suy sụp vì bị biệt giam kéo dài. Cộng đồng Do Thái Anh còn lôi kéo cả nghị viện châu Âu vào cuộc đấu tranh cho số phận hẩm hiu của gã gián điệp "bạn bè".

Tháng 9 năm 1993, Uỷ ban Đối ngoại và An ninh của nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết đòi chính quyền Mỹ thả Pollard vì lý do nhân đạo. Thủ tướng Israel cũng đề nghị Tổng thống Mỹ Clinton ân xá hoặc ít ra là giảm án cho Pollard. Tổng thống Mỹ bị lâm vào tình trạng khó xử. Một mặt, ông ta phải đối phó với một yêu cầu cá nhân của người đứng đầu chính chủ Israel và áp lực từ các nhóm Do Thái đầy thế lực. Mặt khác, ông ta không thể không tính đến ý kiến của các công tố viên và các cơ quan tình báo Mỹ vì họ cho rằng Pollard đã chuyển cho Israel lượng thông tin mật của Mỹ lớn nhất trong thế kỷ XX nên anh ta không đáng được hưởng bất cứ sự ân xá nào (theo điều kiện của bản án, Pollard chỉ có thể chính thức làm đơn xin ân xá vào năm 1995).

Cuối tháng 3 năm 1994, Clinton đã chính thức bác đơn xin ân xá của Pollard. "Sức nặng của tội lỗi mà Pollard gây ra,  - quyết định của Tổng thống Mỹ viết, - tổn hại mà các hành động của anh ta gây ra cho đất nước chúng ta và sự cần thiết phải cảnh báo cho mỗi người toan tính làm điều tương tự đòi hỏi phải tiếp tục đặt anh ta trong vòng giam giữ". Để giải thích quyết định của mình, Clinton còn bổ sung thêm rằng, ông "đã xem xét lập luận của Pollard khi anh ta khẳng định mình đáng được giảm án vì anh ta đã làm gián điệp cho một cường quốc thân hữu".

Tuy vậy, bất chấp quyết định của Tổng thống Mỹ, người Israel vẫn tiếp tục coi bản án quá nghiêm khắc đối với Pollard là bất công như trước và tận dụng mọi cơ hội để phần nào cứu vãn số phận của anh ta. Cơ hội tiếp theo đã xuất hiện vào tháng 4 năm 1994 khi Aldrich Ames, một quan chức CIA cao cấp và điệp viên KGB, bị phát giác.

Theo phía Israel, Aldrich Ames chính là người làm cho Pollard bị một án tù dài. Để lái sự nghi ngờ khỏi mình, Ames đã sử dụng những dữ liệu giả để đưa ra giả thiết theo đó thông tin do Pollard cung cấp cho Israel lập tức lọt vào tay KGB vì KGB cũng có một điệp viên trong ban lãnh đạo Israel. Nghe nói, Bộ Tư pháp Mỹ đã tin ngay vào giả thiết của Ames nên đã công lý Mỹ đã đưa ra bản án khắc nghiệt chưa từng đối với Pollard.

Print Print E-mail Print