Vietnamdefence.com

 

Tình báo Nga mất thêm điệp viên cao cấp ở Estonia

VietnamDefence - Sau vụ siêu điệp viên Hermann Simm bị bắt năm 2008, Nga lại vừa mất thêm một điệp viên cao cấp khác nằm ngay trong đầu não phản gián Estonia.

Chèn chú thích ảnh vào đây

Bắt giữ bất ngờ

Ở Estonia vừa nổ ra vụ scandal gián điệp ầm ĩ mới. Giống như trong phim trinh thám, quan chức an ninh cao cấp của Cảnh sát An ninh Estonia (Kaitsepolitseiamet, viết tắt là KaPo, cơ quan phản gián Estonia) Aleksei Dressen và vợ Viktoria Dressen đã bị các nhân viên KaPo bắt giữ ngay tại sảnh đi sân bay Tallin (Ülemiste) sáng ngày 22.2.2012 vì bị nghi làm gián điệp cho Nga. Lúc bắt giữ Dressen, vợ anh ta đã lên máy bay chuẩn bị bay đi Moskva. Khi lục soát, phản gián KaPo thu được một đĩa USB ghi thông tin mật ở người Viktoria Dressen.

Tổng giám đốc KaPo Raivo Aeg cho biết, vụ bắt giữ là kết quả của quá trình theo dõi lâu dài, nhưng không nói rõ chi tiết để tránh cho đối phương biết được phản gián Estonia đã vào cuộc từ lúc nào. KaPo tiến hành bắt giữ ngay tại sân bay để khẳng định ý đồ của cặp vợ chồng rời Estonia cùng thông tin mật.

Ông Aeg cho biết, Dressen đã hợp tác với tình báo Nga trong nhiều năm và tiết lộ “hoạt động của Dressen do cục phản gián của FSB chỉ đạo, anh ta nhận được các chỉ thị từ đó”. Vợ của Dressen là nhà đầu tư có kinh doanh với thị trường Nga, bị chồng sử dụng làm giao thông viên tình báo, nhưng cô ta biết mình làm gì. Ông Aeg khẳng định KaPo đã tự phát hiện ra sự phản bội của Dressen mặc dù cũng thừa nhận đã huy động vào công việc này các đối tác từ các nước khác.

Ngày 23.2, tòa án quận Harju đã phát lệnh bắt Aleksei Dressen, vấn đề bắt vợ Dressen không được đặt ra và cô ta sẽ được thả vào ngày 25.2. Nếu bị tòa án Estonia phán quyết phạm tội phản quốc, vợ chồng Dressen có nguy cơ bị kết án tù 6-20 năm hoặc chung thân.
 
Chuyên gia hàng đầu của phản gián Estonia Aleksei Dressen
bị nghi đã làm việc nhiều năm cho FSB.

Aleksei Dressen sinh năm 1968, công tác trong ngành công an Liên Xô cho đến khi Estonia tuyên bố độc lập vào năm 1991. Từ năm 1993, anh ta làm việc cho cơ quan phản gián KaPo, gần như ngay từ khi nó được thành lập và trong những năm qua đã giữ một trong các vị trí lãnh đạo chủ chốt của KaPo.

Từ năm 2007, anh ta phụ trách chủ yếu các vấn đề an ninh nội địa và theo dõi các tổ chức cực đoan. Mấy năm trước, phản gián Estonia nghi ngờ Dressen hoạt động gián điệp và bắt đầu điều tra.

Theo báo chí, vị trí của Dressen tương đương với cấp đại tá hay tướng (Cơ quan an ninh quốc gia Estonia không có hệ thống quân hàm sĩ quan thông thường).

Theo chân đàn anh Hermann Simm

Sự kiện cũng có thể ầm ĩ như vụ bắt giữ cựu quan chức quốc phòng cao cấp Estonia Hermann Simm vào tháng 9.2008 vì nghi ngờ làm gián điệp cho Nga. Cùng bị bắt với Simm là người vợ với nghi ngờ đồng lõa phản quốc, cô ta làm luật gia tại cục cảnh sát.

Simm có quyền tiếp cận các bí mật quốc gia cấp cao nhất. Ông ta là trưởng phòng phân tích của Ban chính sách quốc phòng, Bộ Quốc phòng Estonia, trưởng phòng bảo vệ bí mật quốc gia của Bộ Quốc phòng và cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Estonia. Theo thông tin điều tra, ông Simm, người đứng đầu phòng an ninh Bộ Quốc phòng Estonia năm 2000-2006 đã thu thập tin tức mật từ năm 1995 cho đến năm 2008 để chuyển cho SVR.

Vụ gián điệp này đã làm rung chuyển Estonia và là một trong những vụ gián điệp gây tổn hại lớn nhất trong lịch sử NATO. Tuy nhiên, ngày 25.2.2009, Tòa án quận Harju chỉ kết án Simm 12,5 năm tù, chứ không phải ở mức án cao nhất, vì tội làm gián điệp cho Nga. Có điều lạ là khi Simm bị bắt, Nga bác bỏ tin nói Simm làm việc cho tình báo Nga, còn trên báo chí lại xuất hiện tin Simm có những liên hệ với tình báo Đức. Bản thân Simm trên băng video thẩm vấn được đăng tải trên mạng có thừa nhận hợp tác với nước ngoài, nhưng lại không biết… đã giúp ai cụ thể. “Có lẽ là SVR (Cục Tình báo đối ngoại Nga) mặc dù tôi chẳng có một tờ giấy nói về điều đó”, Simm nói.

Vai trò và mức độ tiếp cận bí mật của Aleksei Dressen chưa được tiết lộ, nhưng công tố viên trưởng nhà nước Estonia Norman Aas cho biết: có cơ sở để nghi ngờ Dressen đã thu thập thông tin mật liên quan đến chức trách của anh ta. Còn ông Raivo Aeg thì tiết lộ, khi làm ở các cương vị cao trong KaPo, Aleksei Dressen đã cung cấp cho nước ngoài những tin tức mà anh ta có qua công việc.

Theo bên công tố, Dressen làm gián điệp vì động cơ vật chất giống như Herman Simm. Ông Aeg khẳng định, có bằng chứng Dressen đã được trả tiền. Song chưa rõ, Dressen đã nhận được bao nhiêu tiền. Thực tế gia đình Dressen sống rất khiêm tốn, chỉ có một căn hộ, không hề có đồ dùng xa xỉ. Báo chí Estonia đã đăng tải hình ảnh ngôi nhà nơi vợ chồng Dressen sống, đó chỉ là tòa nhà chung cư nhiều tầng bình thường.

Theo báo chí phương Tây, sau khi Simm bị bắt, NATO xuất hiện nghi ngờ là có không ít quan chức các bộ quốc phòng các nước Baltic có thể làm việc cho Nga. “Chúng tôi buộc phải thừa nhận rằng, bộ máy tình báo Nga còn có mấy Simm nữa ở các nước Baltic”, tờ Spiegel dẫn lời một quan chức NATO.

Phản gián Estonia cũng nghi ngờ Dressen đã hợp tác tích cực với Hermann Simm. Được biết, do chức trách Dressen và Simm từng gặp gỡ, tiếp xúc với nhau. Từ năm 1999, Dressen và Simm đã được bổ nhiệm làm thành viên ủy ban xuất/nhập hàng hóa chiến lược và kiểm soát quá cảnh được thành lập theo sáng kiến của chính phủ Estonia.

Điều dễ nhận thấy là cả Dressen và Simm thời Liên Xô đều từng phục vụ tận tâm trong ngành cảnh sát. Người ta nói rằng, hồi đó Simm đã bắt đầu hợp tác với KGB, còn về Dressen thì không có những thông tin như thế.

Phản ứng gay gắt
Cuộc chiến giữa những người anh em cũ vẫn tiếp diễn

Chính quyền Estonia có thái độ rất gay gắt với Nga liên quan đến vụ Dressen. Bộ trưởng Nội vụ Estonia Ken-Marti Vaher cho rằng, đây là ví dụ mới về hoạt động lật đổ của Nga mà ngay cả các cường quốc thế giới cũng không tránh được.

Ông Vaher nói: “Sau khi Estonia gia nhập EU và NATO, sự quan tâm đối với Estonia của các cơ quan tình báo thù địch chỉ có tăng. Đó là một sự thực đã tìm thấy sự khẳng định 4 năm trước với trường hợp Hermann Simm và hôm nay đã tìm thấy sự khẳng định mới dưới dạng nghi ngờ một nhân viên Cảnh sát an ninh phạm tội phản quốc”.

Bộ Ngoại giao Nga thì có nguyên tắc không chính thức bình luận các sự cố như vậy. Còn Ở FSB có thái độ hoài nghi đối với các cáo buộc của Estonia.

Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ xã hội FSB Nikolai Zakharov khẳng định, “Việc đó không thuộc thẩm quyền của chúng tôi: các vấn đề như vậy do SVR (Cục Tình báo đối ngoại Nga) phụ trách”.

Các chuyên gia khác thì cho rằng, Aleksei Dressen có thể hoàn toàn chẳng có liên quan gì với Nga. Cựu chỉ huy tình báo đối ngoại KGB Liên Xô Leonid Shebarshin nói: “Chuyện bại lộ của các điệp viên ở nước ngoài là chuyện khá bình thường. Đây dễ có thể là vụ khiêu khích. Chuyện đó rất êm tai với người Estonia vì họ đã cho thấy một đại cường như Nga cũng quan tâm đến họ.

Có thể vụ bắt giữ Dressen và vợ là một phần của cuộc đấu tranh ngầm giữa các cơ quan tình báo, một chiến dịch phòng ngừa chống tình báo Nga. Dẫu sao, cuộc chiến vẫn tiếp diễn giữa những người anh em cũ.
  • Nguồn: SP, 23.2.12; Kommersant, N.33 (4818), 24.2.12; AP, DW, Globalpost.com, 22.12.12; RIA Novosti, 22, 23.2.12; Kavkaz Center, 22, 24.2; Dni, RAPSI, 24.2.12.

Print Print E-mail Print