Vietnamdefence.com

 
Tags: ám sát , Iran ,

Thêm một nhà khoa học hạt nhân Iran vong mạng

VietnamDefence - Giáo sư Đại học tổng hợp Tehran Mostafa Ahmadi Roshan đã thiệt mạng trong một vụ khủng bố ở thủ đô Tehran hôm 11.1.2012.

Ông Roshan, 32 tuổi, giữ vị trí cao tại một nhà máy làm giàu uranium. Đây không phải là cuộc tấn công chết người đầu tiên nhằm vào các nhà khoa học hạt nhân ở Iran.

Hai người lạ mặt đi xe máy đã ném vào xe một thiết bị nổ.  Theo các nguồn tin khác, một kẻ đi xe máy đã gắn một quả mìn nam châm vào cửa xe ô tô của Roshan đang đậu trước tòa nhà trường Đại học bách khoa Tehran, làm thiệt mạng nhà khoa học và làm 2 người khác bị thương. Lái xe của ông Roshan bị thương và chết tại bệnh viện sau đó vài giờ.

Ông Roshan đang tham gia dự án làm giàu uranium tại một nhà máy ở tỉnh Isfahan. Có thể vụ giết người này có liên quan đến chính hoạt động chuyên môn của nạn nhân. “Kỹ sư Ahmadi Roshan nhận bằng đại học chuyên ngành hóa học 9 năm trước, là phó giám đốc thương mại tại một xí nghiệp ở Natanz”, hãng tin Mehr của Iran cho hay.

Chính quyền Iran đã cáo buộc Israel đứng sau tội ác này. Phó đô trưởng thủ đô Tehran, ông Safar Ali Baratlu nói: “Israel chịu trách nhiệm về vụ khủng bố này, quả mìn nam châm này cũng giống những quả  đã dùng trước đó để ám sát các nhà khoa học Iran”.

Ngày 14.1, Bộ Ngoại giao Iran đã ra tuyên bố nêu rõ Iran có các tài liệu khẳng định CIA dính líu đến vụ giết hại ông Roshan.

“Chúng tôi đăng có các tài liệu đáng tin cậy, chứng tỏ một cách thuyết phục rằng, hành động khủng bố này đã được lên kế hoạch và thực hiện với sự tham gia trực tiếp của các điệp viên CIA”, phía Iran nêu rõ trong tuyên bố đã được trao cho đại sứ Thụy Sĩ ở Tehran, cơ quan đại diện quyền lợi của Mỹ ở Iran và được truyền hình Iran đưa.

Nhà Trắng bác bỏ sự dính líu tới vụ ám sát nhà khoa học Iran.

Đây không phải là vụ giết hại đầu tiên đối với các nhà khoa học Iran tham gia chương trình hạt nhân trong những năm gần đây. Tháng 1.2010, nạn nhân của một vụ khủng bố tương tự là nhà vật lý hạt nhân Iran Masoud Ali Mohammadi, 50 tuổi, thiệt mạng khi quả mìn điều khiển từ xa gắn trên một chiếc xe máy đỗ trước nhà ông phát nổ. Một năm trước, Iran thông báo phát giác một lưới gián điệp dính líu đến việc tổ chức ám sát ông Mohammadi và bắt giữ gần 10 người có liên quan đến tình báo Israel.

Một người tên là Majid Jamali Fashi mà tình báo Iran cho là đã được đào tạo ở Israel đã bị kết án tử hình vì vụ giết người này.

Tháng 11.2010, tại Tehran đã xảy ra 2 vụ ám sát các nhà khoa học có liên quan trực tiếp đến chương trình hạt nhân Iran, giết chết giáo sư Majid Shahriari và làm bị thương chuyên gia vật lý laser Fereydoun Abbasi Davani, người sau này đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran. Chính quyền Iran đổ tội cho các điệp viên của tình báo Israel và Mỹ đã thực hiện các vụ khủng bố này.

Chính hai nước này phản đối mạnh mẽ nhất mọi hoạt động của Iran trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân. Cả Nhà Trắng lẫn các ứng viên tổng thống Mỹ đều có lập trường hiếu chiến đối với Tehran. Hầu như tất cả các thành viên đảng Cộng hòa tham gia tranh luận đều kêu gọi ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran, thậm chí một số người còn đề nghị săn đuổi và thủ tiêu các nhà vật lý hạt nhân trên toàn thế giới, kể cả các nhà khoa học Nga có liên quan đến chương trình hạt nhân Iran.

Phe Cộng hòa thường đòi tăng cường các cơ quan tình báo Mỹ và mở rộng phạm vi hoạt động của chúng, kể cả các chiến dịch trên toàn thế giới. Họ cho rằng, các nhà khoa học nhiều nước đang đe dọa an ninh của Mỹ khi nghiên cứu chế tạo ra các mẫu vũ khí tối tân.

Chỉ trong 10 năm gần đây, khoảng 40 nhà khoa học đầu ngành của Nga đã bị chết một cách lạ thường.

Điều thú vị là vụ ám sát ông Roshan diễn ra ngay sau khi Iran thông báo bắt đầu làm giàu uranium mức 20% tại cơ sở hạt nhân Fordow, gần thành phố Qom.

Theo các chuyên gia Nga, Iran nay sẽ chỉ cần một năm để chuyển sang làm giàu uranium ở mức 90%, đủ để chế tạo bom hạt nhân. “Iran không cần quá một năm để sản xuất thiết bị nổ hạt nhân, còn sau đó là đầu đạn hạt nhân, dĩ nhiên là nếu Tehran đưa quyết định chính trị đó, nghiên cứu viên trưởng Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, Thiếu tướng về hưu Vladimir Dvorkin nói.

Thượng tướng Viktor Esin, cựu Tham mưu trưởng Bộ đội Tên lửa chiến lược RVSN của Nga cũng đưa ra thời hạn tương tự. Ông nói: “Làm giàu uranium đến mức 20% chưa phải là bước đi cho phép chế tạo thiết bị nổ hạt nhân, chứ chưa nói đến đầu đạn hạt nhân. Nhưng sau khi làm giàu được đến mức 20%, đoạn đường tiếp theo lên mức làm giàu 90% có thể vượt qua khá nhanh, trong khoảng một năm”.

Một trang tin chuyên về an ninh, quân sự và tình báo của Israel khẳng định Iran chuẩn bị tiến hành thử nghiệm dưới đất 1 thiết bị hạt nhân có đương lượng nổ 1 kT vào năm 2012.
  • Nguồn: VZ, 11.1.12; Dni, 10, 11.1.12; AN, 14.1.12.

Print Print E-mail Print