VietnamDefence -
KGB không bao giờ che giấu mối quan tâm tha thiết đối với các mật mã của các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài với các cơ quan an ninh quốc gia của các đồng minh trong khối Hiệp ước Varsava vì KGB có căn cứ để trông cậy vào sự giúp đỡ của họ.
Các nhân viên KGB có quan hệ gắn bó nhất với các đồng nghiệp Bulgaria và thập niên 1960 là thời kỳ hợp tác Liên Xô-Bulgaria hiệu quả nhất.
Nước đầu tiên trong danh sách các nước có sứ quán đã bị “ăn cướp mật mã” ở Sofia là Italia. Tại đây, tình báo Liên Xô đã chủ định chụp trộm các quyển mã Colabria và Sardinia mà phòng thông tin NATO sử dụng.
Để có được các mật mã này, trước tiên phải nghiên cứu lịch làm việc của tất cả các nhân viên sứ quán Italia về ban đêm. Trong cả tháng trời, mọi hành động của các nhân viên viên trực và bảo vệ đã được ghi lại chi tiết. Khi nào thì họ tuần tra quanh khu nhà sứ quán ban đêm? Họ có mở cửa các phòng làm việc của nhân viên sứ quán khi đi tuần không? Thời gian giữa các lần đi tuần là bao nhiêu? Ngoài ra cần phải biết, các quyển mã được cất giữ trong những chiếc két nào, nghiên cứu cửa các phòng làm việc và hành lang phải đi qua để đến được chỗ các két chứa mật mã. Đồng thời, người ta đã chuẩn bị một nhóm chuyên gia KGB thiện nghệ với đủ các dụng cụ kỹ thuật và hoá học để tháo gỡ các quyển mã mà không làm hỏng chúng, chụp lại và phục hồi hình dáng ban đầu. Và cuối cùng, phải làm sao để vào đêm dự định đột nhập toà nhà sứ quán Italia thì sẽ không có ai có thể cản trở các nhân viên KGB.
Mọi điều kiện đã có. Ai đó trong số nhân viên ngoại giao Italia được mời đến nhà chơi, dự tiệc, gặp một cô nàng dễ chịu. Người thì được mời tham gia một chuyến đi thú vị sang Liên Xô. Chiến dịch đã diễn ra thành công. Các quyển mã lấy khỏi két được chuyển đi để “xử lý” tiếp. Hệ thống bảo vệ các quyển mã không quá phức tạp. Các quyển mã được đóng bằng các khuyên tròn bằng đồng. Phải tháo chúng, sau đó đóng lại bằng những cái giống như thế.
Các nhân viên của nhóm đột nhập đã ở lại trong toà nhà để chờ người ta mang trở lại các tài liệu đã lấy đi. Nhân lúc chả có việc gì để làm, họ liền ngó vào căn phòng bên cạnh giành cho điện báo viên. Đây là một nhân viên quèn, chỉ cao hơn nhân viên bảo vệ một chút. Hành vi của điện báo viên này không hề gây nghi ngờ gì nên chưa bị theo dõi bí mật lần nào trong hai năm ở Sofia. Phòng làm việc của anh ta sơ sài và khiêm tốn, trừ một chi tiết - đó là dưới sàn nhà dưới gầm giường có một cửa nắp nhỏ. Một anh chàng hiếu động trong nhóm đột nhập đã nghịch ngợm mở nó ra. Thật là một thành công hiếm có! Từ trong cửa nắp hiện ra một quyển mã dày cộp, trên bìa có ghi “Sophicio”. Bất chấp quy định khắt khe phải tiêu huỷ ngay những trang đã dùng của quyển mã, thì chúng vẫn được giữ lại từ đầu đến cuối. Chụp lại quyển mã là chuyện quá dễ.
Sau này, nhờ đọc được điện tín mật mã liên lạc của sứ quán Italia, KGB mới biết rằng, trong sứ quán ngoài các nhân viên chính thức của bộ máy tuỳ viên quân sự còn có một tổ tình báo bất hợp pháp của cơ quan tình báo quân đội Italia SIFAR (Servizio di Informazioni delle Forze Armate). “Điện báo viên” nhỏ nhoi kia chính là tổ trưởng tổ tình báo này, còn một nhân viên khác của tổ này là người gác cổng sứ quán.
Nhân đây, cũng cần nói về Sophicio. Đó là điệp viên quý giá của SIFAR. Hắn giá trị đến mức khi hắn ghé đến sứ quán Italia ở Sofia thì Trung ương tình báo Italia ở Roma cấm “điện báo viên” thông báo việc đó cho tuỳ viên quân sự. Người ta đã thu được các thông tin giúp xác định Sophicio sau khi giải mã được bức điện về chuyến đi của gã đến một nước phương Tây, nơi gã đã đăng ký một phòng khách sạn qua điện báo quốc tế. Sau khi biết được ngày xuất cảnh và tên gọi của khách sạn, người ta đã tìm ra đơn đặt phòng qua điện báo của Sophicio và xác định được nhân thân của gã.
Sau sứ quán Italia đến lượt sứ quán Pháp. Lựa chọn này không phải ngẫu nhiên. Trong thập niên 1960, việc tìm kiếm đồng minh trong chiến tranh lạnh vốn luôn tiềm ẩn nguy cơ biến thành chiến tranh thế giới bất kỳ lúc nào có ý nghĩa hàng đầu đối với Liên Xô. Bởi vậy, quyết định rút khỏi NATO của chính phủ Pháp là rất đáng mừng. Dĩ nhiên là không phải không có những ngờ vực. Có giả thiết cho rằng, đây chỉ là một quỷ kế. Muốn biết được sự thật thì ít ra là phải đọc được điện tín mật mã liên lạc của cơ quan tình báo chính trị đối ngoại Pháp SDECE. Moskva đã giao nhiệm vụ lấy các mật mã của Pháp cho tất cả các trung tâm và tổ tình báo KGB ở nước ngoài. Lãnh đạo KGB yêu cầu chú ý theo dõi sát tình hình tại các cơ quan đại diện ngoại giao Pháp và lập tức báo cáo khi cơ hội xuất hiện. Chỉ thị này cũng đã được gửi tới trung tâm KGB ở Bulgaria.
Không lâu sau, người ta phát hiện ra trong sứ quán Pháp xuất hiện cơ hội có một không hai. Người phụ trách an ninh sứ quán thì đi đâu đó trong nước Bulgaria. Các thuộc cấp của ông ta chịu trách nhiệm duy trì việc chấp hành quy định cất giữ các quyển mã cũng tạm thời đi vắng: một thì đi nghỉ phép, người kia thì nằm bẹp do cơn đau ruột thừa dữ dội. Các nhân viên KGB có hai đêm để tiền hành xâm nhập toà nhà sứ quán Pháp. Người ta phải lập tức tiến hành công việc.
Trưởng đại diện KGB ở Bulgaria vắng mặt vào thời gian này. Vị phó của ông tính hay do dự đã từ chối duyệt một bức điện thông báo cơ hội lấy mật mã Pháp mới xuất hiện. Thế là các thuộc cấp của ông ta đành buộc phải áp dụng một thủ đoạn cấm kỵ. Trong cơ quan đại diện của KGB có một máy điện thoại cao tần chỉ được dùng trong trường hợp bất đắc dĩ vì đường dây này đi qua và bị nghe trộm ở Rumani. Họ đã nói chuyện được với một quan chức KGB cao cấp. Họ hỏi ông ta: “Có cần thực hiện yêu cầu có số như thế này được gửi đến ngày này không?” Vị quan chức KGB ở Moskva yêu cầu gọi lại sau nửa tiếng và trong cuộc gọi sau đó đã trả lời rằng mối quan tâm đối với các mật mã Pháp đã lên đỉnh điểm và Trung ương tình báo sẵn sàng hỗ trợ ngay lập tức. Một nhân viên trung tâm KGB ở Sofia đóng vai một nhà địa chất đáp lại rằng, “Các cuộc khảo sát (địa chất) sẽ được tiến hành vào ngày mai và ngày kia, cần có trang bị kỹ thuật đặc biệt và các nhà địa chất thích hợp. Hôm sau, các nhà “địa chất”, tức là các chuyên gia nhóm đột nhập, đã từ Moskva đến Sofia.
Trưởng trung tâm tình báo SDECE ở Bulgaria lúc đó là một quý ông mà KGB đã biết. Trước đây, ông ta đã từng làm việc một số năm ở Moskva với tư cách phụ tá tuỳ viên quân sự Pháp. KGB phỏng đoán ở Bulgaria, ông ta giữ luôn hai trọng trách là trưởng trung tâm tình báo SDECE và trưởng đại diện của Phòng Nhì Pháp làm nhiệm vụ gián điệp công nghiệp và kinh tế. Ông ta có hai phòng làm việc trong sứ quán. Nhóm đột nhập đến từ Moskva nhằm vào chính phòng làm việc mà họ nghĩ có cất giữ các mật mã của SDECE. Tính toán đó quá đúng vì các quyển mã của cả SDECE lẫn Phòng Nhì đều được cất trong cùng một két sắt.
Tất nhiên là các quyển mã của SDECE được bảo vệ kỹ càng hơn các quyển mã của Phòng Nhì. Chúng được đóng bằng những chiếc kẹp đặc biệt, còn bề mặt các quyển mã được phủ một lớp quang dầu đặc biệt. Nếu mở các kẹp thì nhất định sẽ làm hỏng lớp quang dầu. Nếu các chủ nhân chỉ nhìn thấy dù chút suy xuyển nhỏ nhất các quyển mà thì họ sẽ lập tức thay đổi các quyển mã này. Các chuyên gia đến từ Moskva làm việc rất lâu để xoá mọi dấu vết bóc mở các quyển mã. Cuối cùng, họ đã làm cho bề ngoài của quyển mã đã mở và quyển còn chưa mở không khác gì nhau. Họ đã xử lý và mở tất cả các quyển mã trừ quyển đầu tiên mà người Pháp đã tự mở để sử dụng.
Trong chuyến thăm sứ quán Pháp, họ còn sao chụp toàn bộ những các tài liệu cất trong két của SDECE, trong số đó có cả bản hướng dẫn sử dụng máy mã. Theo hướng dẫn này, quyển mã đã dùng hết phải được gửi về Paris để giám định hoá học. Quyển mã đầu tiên đã do chính chủ nhân của nó mở nên sẽ chẳng có gì đáng lo về việc nó bị kiểm tra ở Paris. Nhưng rõ ràng là sau đó người Pháp sẽ mở quyển mã thứ hai và sử dụng cho đến hết. Như vậy thì cũng phải 40-45 ngày sau người Pháp mới phát hiện ra có sự can thiệp của bên ngoài vào các bí mật điện tín mật mã liên lạc của họ.
Mọi chuyện đã diễn ra đúng như vậy. Khoảng hai tháng sau, Paris đã gửi đến một bức điện mật mã cho tuỳ viên quân sự Pháp ở Sofia với nội dung như sau: “Yêu cầu báo cáo ngay xem các mật mã của Phòng Nhì có được cất giữ riêng hay không?” “Tất nhiên, - tiếp đó là câu trả lời, chúng được cất giữ riêng đúng theo quy định”. Sau đó, từ thủ đô Pháp, người ta gửi đến chỉ thị ngừng sử dụng các mật mã của SDECE, còn tất cả các quyển mã hiện có phải gửi bằng bưu điện ngoại giao về Paris để giám định. Nhưng trong cả tháng trời, người ta đã vẫn sử dụng các quyển mã của Phòng Nhì Quân đội Pháp mà các nhân viên KGB đã chụp lại được cùng các mật mã của SDECE trong liên lạc cơ yếu của sứ quán Pháp ở Sofia.