|
Phi công thử nghiệm Dan Shapira bên chiếc MiG-21 cướp được của Iraq. Ảnh: iaf.org.il |
Trong suốt những năm Liên Xô tồn tại, vấn đề các phi công quân sự cướp máy bay chiến đấu trốn chạy luôn ám ảnh, buộc ban lãnh đạo và các cơ quan đặc vụ Liên Xô tìm mọi cách ngăn chặn, nhưng chúng vẫn xảy ra. Theo báo chí chính thức của Liên Xô, trong những năm sau chiến tranh, đã xảy ra 9 vụ cướp máy bay chiến đấu Liên Xô.
Cho đến khi Liên Xô sụp đổ, phi công quân đội các nước đồng minh hay bạn bè của Liên Xô cũng đã gây ra hàng chục vụ cướp máy bay chiến đấu Liên Xô có trong biên chế quân đội các nước này như Ba Lan, Cuba, CHDCND Triều Tiên và các nước Arab.
Vào năm 1949, trung úy không quân Ba Lan Arkadiusz Korobczynski đã lái máy bay cường kích Il-2М3 chạy sang đảo Gotland ở Thụy Điển. Ngày 5/3/21953, trung úy phi công Ba Lan Franciszek Jarecki đã cướp tiêm kích tối tân nhất hồi đó MiG-15 chạy sang Đan Mạch.
Ngày 20/3/1991, thiếu tá Cuba Orestes Lorenzo Pérez đã cướp chiếc MiG-23 trốn sang Mỹ. Sau đó, tên này đã thuê một chiếc máy bay Cessna-210 bay về Cuba đón vợ và hai con tại địa điểm định trước và đưa sang Mỹ.
Các vụ cướp máy bay chiến đấu Liên Xô chạy sang Israel do các phi công quân đội Arab có vị trí đặc biệt mà đứng đằng sau đạo diễn chắc chắn là tình báo Do Thái.
Liên Xô thực tế đã cung cấp không hoàn lại vũ khí trang bị của mình cho các nước Arab đang chiến đấu chống Israel. Chỉ riêng Syria đã nhận được từ Liên Xô lượng vũ khí trị giá 26 tỷ USD. Viện trợ của Liên Xô cho Syria cùng với nhiều loại vũ khí khác, còn gồm 1.200 máy bay quân sự và hơn 5.000 xe tăng. Hàng ngàn phi công và chuyên gia quân sự Arab thuộc các quân binh chủng đã theo học tại các trường và học viện quân sự Liên Xô.
Tình báo Israel đã tiến hành hàng loạt các điệp vụ cướp máy bay Liên Xô. Nhằm mục đích đó, họ đã tuyển các phi công Arab sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mạo hiểm này vì động cơ tư tưởng hay vật chất tiền bạc.
|
Các chuyên gia Israel đang xem xét chiếc Yak-11 của Ai Cập do Mahmud Abbas Hilmi cướp đưa đến sân bay Hatzor. |
Đến nay, đã có thông tin chính thức về các vụ cướp máy bay Liên Xô bỏ trốn thành công của các phi công Arab sau đây: |
Ngày
19/1/1964, phi công Ai Cập Mahmud Abbas Hilmi đã lái chiếc máy bay huấn
luyện Yak-11 chạy trốn khỏi căn cứ không quân el-Arish. Kẻ đào ngũ đã
hạ cánh chiếc Yak-11 tại căn cứ không quân Hatzor ở Israel
Năm 1965, một phi công Syria đã chạy trốn sang Israel trên chiếc tiêm kích MiG-17F.
Ngày 16/8/1966, phi công Iraq Munir Redfa đã lái chiếc MiG-21F-13 chạy từ Iraq sang Israel.
Trong
cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967, 3 máy bay MiG-21F-13 của Algeria và
không dưới 6 chiếc MiG-17F đã hạ cánh xuống sân bay El Arish trên bán
đảo Sinai. Các phi công Algeria vì không nhận được thông tin kịp thời đã
hạ cánh nhầm xuống căn cứ không quân El Arish của Ai Cập lúc đó đã bị
các đoàn xe tăng Israel chiếm giữ.
Năm 1968, 2 máy bay MiG-17 của Syria đã hạ cánh ở Israel.
Tháng 4/1989, một phi công Syria chạy trốn sang Isael trên chiếc MiG-23ML.
Tháng 10/1989, phi công Syria Abdel Bassem hạ cánh chiếc MiG-23ML ở Isael.
Nổi
tiếng nhất trong các điệp vụ cướp máy bay chiến đấu Liên Xô của tình
báo Israel là vụ cướp chiếc MiG-21F-13 do đại úy phi công Iraq Munir
Redfa thực hiện vào năm 1966.
|
Tuyển mộ Máy bay tiêm kích MiG-21 được đưa vào trang bị cho không quân các nước Arab vào năm 1961. Theo các hiệp định liên chính phủ, Liên Xô chịu trách nhiệm cung cấp máy bay, bảo dưỡng kỹ thuật và đào tạo phi công. Hồi đó, Liên Xô đã bắt đầu đào tạo phi công Arab tại các trường bay của mình.
Đối với Israel, đây là thông tin thật khó chịu khi kẻ thù nhận được các tiêm kích tối tân của Liên Xô mà hồi đó phương Tây không nắm được thông tin gì về chúng. Chiến tranh với người Arab đang đến rất gần và để giành chiến thắng, Israel cần biết những thông tin chi tiết về các tiêm kích mới của Liên Xô mà các phi công Israel đang chuẩn bị phải đọ sức.
Không quân Israel đã yêu cầu cơ quan tình báo Mossad bằng mọi cách lấy cho được những thông tin cực kỳ quan trọng này.
Giám đốc Mossad, Tướng Meir Amit (Slutsky) có giải pháp thật sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ này - ông xây dựng kế hoạch không chỉ để thu thập thông tin về các tính năng chiến-kỹ thuật của tiêm kích Liên Xô mới, mà còn lấy được nó nguyên vẹn, lành lặn để sau đó nghiên cứu nó cặn kẽ trong quá trình thử nghiệm.
Amit hồi đó còn là tân binh trong lĩnh vực tình báo. Trước đó, ông đã có một sự nghiệp lẫy lừng trong quân đội khi vào năm 34 tuổi trở thành tướng quân, Cục trưởng Cục Tác chiến vốn trọng yếu nhất của Bộ Tổng tham mưu quân đội Israel. Nhưng một chấn thương cực kỳ nghiêm trọng đã cản bước đường thăng tiến công danh của ông. Ông bị tai nạn khi thực hiện một cú nhảy dù huấn luyện. Sau 18 tháng nằm viện, Tướng Amit vẫn trở lại được đội ngũ, nhưng sự nghiệp quân ngũ nay đã đóng lại với ông. Ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Cục Tình báo quân sự và hai năm sau thì đứng đầu cơ quan tình báo đối ngoại Mossad.
Amit nói được đôi chút tiếng Nga vì cha mẹ ông là người Kharkov, còn anh họ ông Boris Slutsky là nhà thơ Liên Xô nổi tiếng.
Suy xét mọi cách có thể đánh cướp MiG-21, Tướng Amit đã đi đến kết luận là phương án tối ưu nhất sẽ là tuyển mộ một phi công Arab có khả năng cướp chiếc tiêm kích Liên Xô chạy sang Israel.
Nay thì nhiệm vụ chủ yếu là tìm ra ứng viên có thể thực hiện nhiệm vụ cực kỳ mạo hiểm và nguy hiểm đó. Trong các cơ sở dữ liệu của tình báo Israel có lưu giữ hồ sơ của hầu như tất cả các sĩ quan quân đội của các nước Arab, tình báo Israel liên tục phân tích các cuộc trao đổi của các phi công và các bộ phận mặt đất chặn thu được. Các dữ liệu này được phân tích cặn kỹ nhằm tìm ra kẻ cướp máy bay tiềm năng.
|
Meir Amit. Ảnh: Getty Images / Fotobank.ru |
Không lâu sau, các chuyên gia Mossad đi đến kết luận rằng, người họ cần phải thuộc về một trong các cộng đồng thiểu số tôn giáo hay sắc tộc bị phân biệt đối xử trong thế giới Hồi giáo Arab mà tốt nhất là một tín đồ Thiên Chúa giáo.
Người Thiên Chúa giáo ở thế giới Hồi giáo thuộc về đẳng cấp dhimmi – cách người Hồi giáo gọi khinh miệt những người ngoại đạo tồn tại trong xã hội Hồi giáo ở những nấc thang thấp nhất.
Phạm vi các ứng viên cho kế hoạch đánh cướp máy bay MiG-21 đã thu hẹp rất nhiều vì ở các nước Arab hầu như không có phi công theo đạo Thiên Chúa. Chỉ có trong Không quân Iraq là tìm được một người đáp ứng các tiêu chí của tình báo Israel. Đó là đại úy phi công Iraq theo đạo Thiên Chúa Munir Redfa, người được coi là một trong những phi công Iraq xuất sắc nhất. Anh ta đã học bay trong trường bay ở Liên Xô và nay là phó phi đội trưởng một phi đội MiG-21.
Tình báo Israel nhanh chóng nắm được rằng, đại úy Redfa khi ngồi cùng các thân nhân thường tỏ ra bất mãn với sự truy bức người Thiên Chúa giáo ở Iraq - anh ta hiểu rõ rằng, sự khủng bố của người Hồi giáo có thể sập xuống đầu anh ta và thân nhân bất kỳ lúc nào.
Tình báo tiến hành tuyển mộ đại úy Redfa trong một chuyến du lịch trên Địa Trung Hải khi anh ta đi nghỉ cùng gia đình. Redfa bất ngờ nhận lời nhanh chóng với đề nghị của tình báo Israel, nhưng đặt điều kiện anh ta phải được 1 triệu USD và cho tất cả các thành viên gia đình anh ta tị nạn ở Israel.
Để thuyết phục hoàn toàn Redfa tin vào các bảo đảm của Israel, tình báo Israel đã đề nghị anh ta bí mật bay sang Israel vài ngày.
Tại Israel, Redfa đã được Tư lệnh Không quân Israel, Tướng Mordechai Hod tiếp. Y đã cùng viên tướng Israel xây dựng và phân tích trên bản đồ đường bay chạy trốn sang Israel, theo đó Redfa sẽ phải bay qua Iraq và Jordanie một quãng đường gần 900 km.
Tin tưởng vào các bảo đảm của Israel, Redfa trở lại Iraq. Tình báo Israel đã tổ chức cho các thành viên gia đình tên phản bội bí mật rời khỏi Iraq qua Iran và London đến Israel.
Cướp MiG-21Ngày quyết định 16/8/1966 đã đến. Lúc 7 giờ 30 sáng, chiếc máy bay của Munir Redfa cất cánh lên không và bay về hướng đông. Nhưng chỉ sau vài phút bay, chiếc tiêm kích đột nhiên quay ngoắt sang hướng tây. Nó không còn đáp lại các mệnh lệnh của bộ phận chỉ huy bay và bay ở độ cao nhỏ theo đường bay đã thỏa thuận trước với Israel.
Tại căn cứ không quân Hatzerim, một biên đội tiêm kích Mirage do phó phi đội trưởng Phi đội 101 của Không quân Israel, Thiếu tá Ran Ronen chỉ huy đã ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất trong ba ngày đêm liền. Viên thiếu tá là một trong những phi công xuất sắc nhất của Không quân Israel. Mười tháng sau, trong cuộc chiến tranh sáu ngày, ông sẽ bắn hạ 7 chiếc MiG của đối phương trong các trận không chiến.
Nhiều giờ chờ đợi đã chấm dứt bởi mệnh lệnh xuất kích. Vừa lấy được độ cao, Thiếu tá Ronen đã nhận được từ chỉ huy bay mệnh lệnh: hướng 90 độ, chặn một máy bai địch đang bay từ hướng Jordanie và tiêu diệt nó.
Các máy bay của Ronen và phi công số 2 trong biên đội bay về hướng đã định. Ronen hạ lệnh cho số 2 đưa khẩu pháo 30 mm và các tên lửa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Bất ngờ, trong tổ hợp gắn trong mũ bay của Ronen vang lên giọng nói của một người mà phi công quân sự Israel nào cũng biết - đó là Tư lệnh Không quân, Tướng Mordechai Hod: “Ran nghe đây, vài phút nữa, cậu sẽ thấy một cái gì đó mà cậu không được phép bắn hạ. Hãy bay theo hướng 11 giờ. Buộc nó hạ cánh xuống căn cứ hông quân”.
|
Chiếc MiG-21 do Munir Redfa cướp bỏ trốn tại Viện bảo tàng Không quân Israel, năm 2006. Ảnh: Viện bảo tàng Không quân Israel |
Ran Ronen nhanh chóng nhìn thấy bóng của một chiếc máy bay đang bay ngược chiều. Đó là chiếc MiG-21 sơn phù hiệu Iraq. Đây là tình huống không dự liệu: có thể đây là một máy bay cảm tử có thể gây ra những bất ngờ chăng?
Ronen hạ lệnh cho số 2 bay bám sát đuôi chiếc máy bay lạ, chỉ cách mục tiêu 250 m, giữ chặt nó trong vòng ngắm để khi cần là bắn hạ tức thì.
Bản thân Ronen bay áp sát chiếc MiG-21 từ bên trên và tiếp cận nó ở khoảng cách 10 m. Ông nhìn thấy rõ viên phi công Iraq trong buồng lái. Anh ta chao cánh chào Ronen, còn Ronen dùng tay ra hiệu “Hãy bay theo tôi” và phi công chiếc MiG-21 lập tức thi hành lệnh này. Ronen dẫn chiếc MiG-21 theo sau, đồng thời sẵn sàng bắn hạ ngay chiếc máy bay lạ nếu nó định thoát khỏi hướng bay đã định.
Chiếc MiG-21 dưới sự áp giải của 2 tiêm kích Israel đã hạ cánh xuống sân bay Hatzor. Viên phi công chiếc MiG tay giơ cao tụt xuống đất trước những mũi súng. Đó là Munir Redfa.
Bay thử tìm yếu huyệt MiG-21
Nhiệm vụ bay thử chiếc MiG cướp được được giao cho phi công lão luyện nhất là phi công thử nghiệm của Không quân Israel, Đại tá Daniel Shapira. Ông đã bay thử hàng chục loại máy bay được trang bị cho Không quân Israel. Tướng Mordechai Hod khích lệ Shapira: “Cậu sẽ là phi công phương Tây đầu tiên bay MiG-21 đấy”.
Việc đầu tiên mà Shapira làm là thay thế tất cả các chữ viết trong buồng lái MiG-21 bằng chữ Do Thái. Chỉ vài ngày đêm sau khi cướp được chiếc MiG-21, ông đã lái máy bay cất cánh. Trong quá trình thử nghiệm, Shapira đã thực hiện 120 chuyến bay, trong đó có thực hành không chiến với các tiêm kích Israel.
Mục đích thử nghiệm là nhằm khám phác các điểm yếu của chiếc tiêm kích Liên Xô và xây dựng chiến thuật không chiến để khắc chế MiG.
Về MiG-21, Đại tá Dan Shapira đã nhận xét: “Đó là con ngựa thồ tin cậy, một thứ “Wolkwagen có cánh” mà như người ta nói là “cứ đổ xăng là bay”. Tuy nhiên, nó được làm thô thiển, tuổi thọ của nó trong các cuộc khổng chiến chỉ là hai ngày đêm. Và điều chủ yếu nhất là: MiG-21 có tầm bao quát bán cầu sau rất kém. Nếu bám đuôi MiG từ phía sau ở cự ly 150 m thì phi công MiG không thể nhìn thấy máy bay tấn công. Đây chính là vị trí tấn công thích hợp nhất bảo đảm tiêu diệt được MiG”.
Theo các khuyến nghị của Shapira, các phi công tiêm kích của các phi đội thường trực trong Không quân Israel bắt đầu tập luyện ráo riết. Kết quả đã đến nhanh chóng. Ngay ngày 7/4/1967, trong trận không chiến trên cao nguyên Golan, các tiêm kích Israel đã bắn hạ 6 chiếc MiG của Syria. Trong cuộc chiến tranh này, các phi công Israel đã bắn rơi 686 máy bay địch mà phần lớn trong số đó là máy bay MiG.
Phi công tiêm kích Israel, Đại tá Giora Epstein đã bắn hạ trong các trận không chiến 17 chiếc máy bay MiG và Sukhoi và được chính thức công nhận là phi công tiêm kích phản lực bắn rơi nhiều máy bay nhất phương Tây.
Ngày nay, chiếc MiG-21 mà Munir Redfa cướp đi đang nằm trong số hàng trăm máy bay trên sân đỗ của Viện bảo tàng Không quân Israel tại căn cứ không quân Hatzerim trên sa mạc Negev.