VietnamDefence -
Cuộc diễu binh kỷ niệm 60 năm quốc khánh Trung Quốc diễn ra ngày 1.10.2009 được báo chí Trung Quốc tán dương về mặt trình diễn ‘khả năng tiến công chính xác’ của quân đội Trung Quốc.
Theo Yu Jixun, phó tư lệnh Lực lượng Pháo binh 2 (lực lượng tên lửa chiến lược) của quân đội Trung Quốc (TQ), các tên lửa thông thường của họ “có thể thực hiện các đòn tiến công chính xác trong mọi thời tiết và về mọi hướng” (Tân Hoa xã, 1.10.2009).
Quả thực, màn trình diễn các tên lửa đường đạn và hành trình mới do TQ chế tạo cho thấy bước tiến dài của công nghiệp quốc phòng (CNQP) TQ về mặt công nghệ và phát triển tên lửa, song quan trọng hơn là sự xuất hiện của một lực lượng tên lửa hành trình và đường đạn hùng mạnh do TQ chế tạo nhấn mạnh một yếu tố mới của bức tranh chiến lược đang thay đổi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (China Military Online, 2.10.2009).
Liên Xô đã dùng kho tên lửa đường đạn chiến trường đồ sộ của mình để đe dọa toàn bộ TQ trong suốt chiến tranh lạnh, còn các lực lượng tên lửa và máy bay ném bom chiến lược thì hướng vào các mục tiêu ở Mỹ và các nơi khác. Sau hơn 2 thập kỷ, vai trò đã bị đảo ngược và ban lãnh đạo ở Moskva hiểu rõ tính dễ tổn thương ngày càng tăng của mình trước kho tên lửa đường đạn chiến trường và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân đông đảo của TQ đang được đưa vào trang bị (RIA Novosti, 17.10. 2007).
Khi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) Mỹ-Xô bắt đầu có hiệu lực tháng 12.1987, TQ chứng kiến việc mối đe dọa chủ yếu đối với các thành phố cùng lực lượng hạt nhân và thông thường của họ biến mất.
Đồng thời, TQ đang hiện đại hóa các lực lượng tên lửa đường đạn chiến trường của họ bằng việc đưa vào sử dụng tên lửa đường đạn tầm trung (IRBM) nhiên liệu rắn cơ động DF-21 (CSS-5) tầm bắn 2.150 km, trong khi bán công nghệ và tên lửa đường đạn ra nước ngoài.
Saudi Arabia đã nhận được các IRBM CSS-2 và Iran được cho là đã nhận được công nghệ sản xuất tên lửa đường đạn tầm ngắn (SRBM) DF-15 (CSS-6) và DF-11 (CSS-7). TQ đã nâng cấp để DF-21 có tầm bắn tới 2,500 km và đã phát triển các hệ thống mới có thể đặt những vùng rộng lớn của Nga dưới sự uy hiếp hạt nhân từ các bệ phóng cơ động bố trí sâu trong nội địa TQ.
|
|
Tên lửa đường đạn tầm trung DF-21B |
|
Các hệ thống vũ khí chiến lược mới của quân đội TQ có tầm bắn và độ chính xác để tấn công chính xác các mục tiêu kiên cố như các sân bay, các trung tâm chỉ huy và kiểm soát ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các IRBM DF-21 và DF-15D đã nâng cao được độ chính xác trong những năm gần đây, và đang là vũ khí chi viện của Lực lượng pháo binh 2 cho lực lượng cơ giới nặng của quân đội TQ. Các đầu đạn tương tự như các đầu đạn xuyên dẫn bằng radar khẩu độ tổng hợp sử dụng trên IRBM Pershing II của Mỹ đã sử dụng thông tin dẫn đường cập nhật từ hệ thống vệ tinh Beidou (Bắc Đẩu) của TQ (International Assessment and Strategy Center, 24.7.2007).
Sự xuất hiện của một loại IRBM chính xác và các tên lửa hành trình của TQ có thể là một yếu tố khiến Tổng thống Nga Vladimir Putins đưa ra đe dọa rút Nga khỏi Hiệp ước INF vào tháng 10.2007 (RIA Novosti, 25.10.2007).
|
|
|
|
Tên lửa đường đạn tầm ngắn DF-15B
|
|
Tên lửa hành trình chống hạm tầm xa C602 và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM) CJ-10 là 2 hệ thống vũ khí có thể gây ra các mộng đối với các nhà hoạch định phòng không của Nga [1]. C602 và đặc biệt là CJ-10 có thể dễ lẫn với GLCM BGM-109G Gryphon của Mỹ đã bị thủ tiêu theo Hiệp ước INF năm 1987.
Công nghệ để TQ phát triển các tên lửa này thành GLCM được hỗ trợ lớn thông qua việc chuyển giao bất hợp pháp 6 tên lửa hành trình phóng từ trên không do Nga thiết kế Kh-55 (AS-15 Kent) từ Ukraine vào năm 2000 (International Assessment and Strategy Center, June 22, 2006). Các nhà thiết kế tên lửa TQ cũng đã nhận được một tên lửa mà trên cơ sở đó Liên Xô đã phát triển loại GLCM SSC-X-4 Slingshot KV-500 có tầm 3.000 km và cũng đã bị phá hủy cùng các xe bệ phóng theo Hiệp ước INF Treaty (Missilethreat.com).
|
Tên lửa đường đạn tầm ngắn DF-11A
|
Tên lửa hành trình phóng từ mặt đất CJ-10
Hệ thống tên lửa hành trình tầm xa phóng từ mặt đất CJ-10 (Chang Jian [Trường Kiếm]-10, DF-10) được cho là đã được Lực lượng pháo binh 2 bắt đầu thử nghiệm năm 2004 và có 50-250 tên lửa đã được triển khai cùng 20-30 xe bệ phóng cho đến tháng 9.2009 [2].
Báo chí TQ ban đầu tiết lộ sự tồn tại của các tên lửa này vào dịp diễu binh kỷ niệm 60 năm quốc khánh TQ. CJ-10 được nhận ra bởi 3 contenơ phóng dài, có chu vi hình vuông, lắp trên đuôi xe bệ phóng WS 2400 8 x 8 của TQ, và tên lửa nghe nói có tầm trên 1.500 km và đến 2.000 km.
|
|
Tên lửa hành trình phóng từ mặt đất CJ-10 (DF-10)
|
|
DF-10 là biến thể triển khai trên mặt đất của Kh-55/AS-15 Kent, và ít nhất có 6 tên lửa này đã được chuyển giao từ 2000 (International Assessment and Strategy Center, 10.2.2009). Một bài báo của TQ về CJ-10 bình luận về việc các nhà phân tích quân sự phương Tây so sánh giữa CJ-10 và BGM-109G Gryphon của Mỹ đã bị phá hủy, và loại tương tự của Liên Xô là SSC-X-4 Slingshot có tầm 3.000 km vốn được phát triển từ Kh-55 [3].
Bài báo này cũng thảo luận các ý kiến bình luận của các nhà quan sát phương Tây về việc chuyển giao bất hợp pháp Kh-55 và không bác bỏ việc chuyển giao này hay ý kiến cho rằng, CJ-10 được phát triển dựa trên Kh-55.
Tên lửa sử dụng cả hệ dẫn vệ tinh GLONASS và GPS để dẫn và có 4 loại đầu đạn - biến thể hạng nặng có trọng lượng 500 kg, và 3 biến thể nặng 350 kg kiểu đầu đạn nổ phá, đầu đạn chùm và đầu đạn xuyên [4].
CJ-10, cùng với việc đưa tên lửa hành trình chống hạm tầm xa C-602 IRBM dẫn bằng vệ tinh DF-15D vào sử dụng, có thể là những nguyên nhân bổ sung khiến Nga muốn hủy bỏ Hiệp ước INF.
Phản ứng của Nga
Các chương trình IRBM và tên lửa hành trình của TQ đã thu hút sự chú ý của Moskva, song các lực lượng của Nga chỉ có khả năng hạn chế trong đối phó và phản kích với một cuộc tấn công bằng tên lửa đường đạn chiến thuật hoặc tên lửa hành trình, mà không sử dụng các lực lượng máy bay ném bom chiến lược hoặc tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) của họ.
Việc thiếu một hệ thống vũ khí tiến công tầm trung mạnh mẽ chống lại TQ và các nước khác - tuy điều này sẽ khó được người khác nhìn nhận – là một nguyên nhân có thể nữa đằng sau những đe dọa của Nga rút khỏi Hiệp ước INF năm 1987 (RIA Novosti, 14.11.2007). Công nghệ thì đã sẵn có. Hệ thống SRBM cơ động Iskander-M có tầm bắn 400 km và dễ dàng cải tiến để mang đầu đạn hạt nhân đi xa hơn 500 km với độ chính xác cao một khi Nga rút khỏi INF [5].
Nếu Nga bị đặt dưới mối đe dọa của một cuộc tiến công bằng GLCM hay IRBM của TQ thì việc săn tìm từ trên không các tên lửa này trước khi các tên lửa này phóng đi là là hầu như không thể. Các máy bay Su-34 và Tu-22M3 có thể được sử dụng để săn tìm các xe bệ phóng và xe tiếp đạn sau khi phóng, song sẽ vô hiệu quả nếu kể đến kinh nghiệm trước đây của phương Tây trong việc săn lùng các mục tiêu dễ lẩn trốn từ trên không.
Quân đội Nga không có các phương tiện tương tự như các phương tiện do thám ISR mà liên quân sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh Persique năm 1991, vậy mà “cuộc đại săn lùng tên lửa Scud” vẫn chỉ có kết quả chiến thuật rất nhỏ so với nỗ lực bỏ ra và thực chất nó được tiến hành trong môi trường sa mạc [6].
Trong hơn 3.000 phi vụ tiến hành trên bầu trời Kosovo trong 77 ngày của chiến dịch Sức mạnh đồng minh (Operation Allied Force) chống Nam Tư, các máy bay NATO đã chỉ tiêu diệt được 26 xe tăng trong số 440 chiếc trong một khu vực địa lý rất nhỏ.
Các lực lượng mặt đất của Serbia, chủ yếu gồm các đơn vị có quân số cỡ đại đội 80-150 người, với khoảng 6 xe thiết giáp, hoạt động độc lập hoặc bán độc lập với nhau rất khó xác định vị trí do quy mô và sự cơ động của các đơn vị này. Hoạt động trong khu vực có cây cối và di chuyển không theo một hướng cố định, chúng không cho phép tạo ra một bức tranh tình báo rõ nét (Aviation Week&Space Technology, 3.5.1999). Các phân đội DF-21 và GLCM của TQ thậm chí còn có thể nhỏ hơn.
Lực lượng phòng thủ tên lửa đường đạn và hành trình của Nga chủ yếu dựa vào các loại tên lửa phòng không S-300 hiện có và hệ thống S-400 mới đưa vào sử dụng, tất cả các loại này đều có khả năng phòng thủ tên lửa đường đạn [7]. S-300 PMU-1 và PMU-2 có thể đánh chặn các loại SRBM DF-11 và DF-15, còn S-300VM và S-400 Triumf có thể đánh chặn cuộc tiến công bằng nhiều IRBM kiểu DF-21.
Việc liệu các hệ thống này hiện đã triển khai đủ hay sẵn sàng để mua sắm, cùng với các radar của chúng để bảo vệ không phận và không gian của Nga trước lực lượng tên lửa đường đạn chiến trường và hành trình đông đảo của TQ hiện nay hay không vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Nga coi mối đe dọa của các tên lửa đường đạn và hành trình của TQ là nghiêm trọng khi triển khai các hệ thống S-400 và radar dọc theo biên giới phía Đông về hình thức là để bảo vệ Nga trước các tên lửa thất thường của Bắc Triều Tiên (RIA Novosti, 26.8.2009). Điều thú vị là chưa có tên lửa Bắc Triều Tiên nào được ghi nhận là tình cờ rơi xuống lãnh thổ Nga.
Các tên lửa của Bắc Triều Tiên thường được phóng về phía Đông về phía biển Hoàng Hải, ngược hướng với nước Nga và TQ. Việc triển khai S-400 lại trùng hợp một cách ngoạn mục với cuộc diễu binh ngày 1.10.2009 của TQ.
Eo biển Đài Loan - Các hệ thống tên lửa rocket mới thế chỗ cho các tên lửa đường đạn?
Một bản đánh giá của chính phủ Mỹ năm 2008 cho biết TQ triển khai đối diện với Đài Loan tổng cộng 970-1.070 SRBM DF-11 tầm bắn 300 km, DF-15 tầm bắn 600 km và 200 GLCM (Annual Report to Congress: Military Power of the People's Republic of China 2008).
Số lượng bệ phóng đối diện Đài Loan là khoảng 210-250, trong đó mỗi xe bệ phóng DF-15 có khả năng phóng 3 tên lửa và mỗi xe bệ phóng DF-11 có thể phóng 5 tên lửa trước khi phải bảo dưỡng kỹ thuật. Mỗi xe bệ phóng DF-15 được triển khai ở đó cần có 1 xe nạp đạn, mỗi xe bệ phóng DF-11 cần 2 xe nạp đạn, mỗi xe nạp đạn được giả định chở 2 tên lửa. Cộng với 1 hoặc 2 xe chỉ huy và liên lạc hoặc, có nghĩa là có nhiều xe cỡ lớn di chuyển trên đường và điều đó sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý.
Quân đội TQ hiện nay có thể bắt đầu loại bỏ các biến thể đầu của tên lửa DF-11 và DF-15 bởi vì những tiến triển mới về các hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) tự hành của TQ đã tạo ra các hệ thống mới có khả năng sống còn cao hơn, dễ triển khai và có khả năng áp đảo các hệ thống phòng không nằm trong tầm bắn của chúng.
Hệ thống MLRS tự hành bánh lốp WS-2 sử dụng bệ phóng 6 nòng lắp trên xe tải 6 x 6 đơn giản. Rocket có đầu đạn 200 kg, tốc độ tối đa 5,6M và tầm bắn tối đa 200 km, trong khi biến thể mới WS-2D được cho là có tầm tối đa 380 km [8]. WS-3, biến thể dẫn bằng GPS của WS-2, có cùng các tính năng, kể cả trọng lượng đầu đạn, và có sai số vòng tròn xác suất 20 m nên có thể vô hiệu hoá các hệ thống phòng thủ của Đài Loan dễ dàng và với chi phí rẻ hơn so với các hệ thống tên lửa đường đạn DF-11 và DF-15.
Số lượng tên lửa và xe bệ phóng được nêu trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trình Quốc hội Mỹ được nhiều nhà quan sát coi là chính xác và không còn nghi ngờ gì nữa, đa số SRBM của TQ đang được triển khai đối diện Đài Loan, song vẫn còn các tên lửa khác.
Đó là một số bệ phóng và tên lửa dùng để bắn thử trong khuôn khổ chương trình kiểm nghiệm độ tin cậy và thử các đầu đạn mới. Điều quan trọng hơn là có ít nhất 12 xe bệ phóng DF-15D và các xe bảo đảm đi cùng được triển khai ở Tân Cương trong biên chế lực lượng cơ giới nặng mới của quân đội TQ [9].
Một số xe bệ phóng DF-15 được triển khai ở Leiping cho lực lượng hạng nặng của TQ ở Thẩm Dương và dùng để đối phó với Bắc Triều Tiên. Một vấn đề thiết yếu đối với hệ thống phòng thủ tương lai của Mỹ là làm thế nào để đối phó với các đầu đạn chính xác hơn của TQ.
Tương lai
Các lực lượng tên lửa đường đạn và hành trình của TQ đã mạnh hơn về khả năng trong thập kỷ qua và đang bắt đầu tạo ra mối đe dọa thông thường lớn đối với các nước ở Đông Nam Á, Nam và Tây Á, cũng như phần lãnh thổ của Nga ở châu Âu.
Với việc dự kiến triển khai các hệ thống MLRS dẫn đường bằng vệ tinh đối diện với Đài Loan, các tên lửa DF-11 và DF-15 sẽ không còn cần thiết nữa và có thể được triển khai đối diện Ấn Độ và biển Đông. Các tên lửa DF-15 có thể được cải tiến để mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường dẫn đường chính xác.
Hệ thống radar ngoài đường chân trời (OTHR) đang được xây dựng trên đảo Hải Nam khi được triển khai đầy đủ sẽ cung cấp cho quân đội TQ thông tin báo động sớm về các tên lửa đường đạn và hành trình, máy bay đang bay đến và sẽ định vị chính xác các cụm tàu sân bay chiến đấu của Mỹ [10]. Vấn đề cuối là điều khiến Mỹ cực kỳ lo ngại vì TQ tiếp tục phát triển và triển khai các hệ thống tên lửa đường đạn và hành trình mới, trong khi các nước láng giềng của TQ đang chạy đua vũ trang nhằm trang bị cho lực lượng của họ các hệ thống vũ khí tiến công và phòng thủ để đối phó với sự gia tăng vũ khí chiến lược của TQ.
Tài liệu tham khảo:
1. ‘Zhongguo C602 xinxing yuancheng fanchuan daodan,’ (C602 new type long distance anti-ship
Missile), Bingqi Zhishi, (Ordnance Knowledge), 12A/2008, Number 286, p. 2.
2. ‘“Zhenmi zhishuai” zai puguang - Cong Guoqing 60 zhuonian Dayuebing kan jiefang dier paobing budui’, Tanke Zhuangjia Cheliang, 2009 Niandi, 11 Qi, Zhongdi 295 Qi,pp. 22-25.
3. ‘Lingshou bian guojia “youlu zhongliang” - haiwai pojie Zhongguo CJ-10 luji xunhang daodan,’ Tanke Zhuangjia Cheliang, 2009 Niandi,12 Qi, Zhongdi 297 Qi, pp. 15-18.
4. Ibid.
5. Ibid.
6. Rosenaeu, William. Special Operations Forces and Elusive Enemy Ground Targets: Lessons from Vietnam and the Persian Gulf War, RAND, Santa Monica, 2002, pp. 4 0 - 43.
7. NATO reporting names for the S-300 PMU-1 is SA-10d Grumble; the S-300PMU-1 is SA-20 Gargoyle; the S-400 is SA-21 Growler; and the S-300VM is SA-23 Giant/Gladiator. Performance figures for the S-300 series are from taken from ‘S300VM (Antey-2500)’, S-300PMU-1 Air Defense Systems and Favorite Long Range Air Defense System’ in ‘Air Defense Systems’, Rosobornexport Catalogue, Rosobornexport, Moscow, 2003, pp, 10-13.
8. ‘“Zhongguo Weishi” xilie yuan chengduo guohuojian wuqi xitong’, (“Chinese protect soldiers” series long range rocket weapon system Bingqi Zhishi, 2009 Niandi, 1A Qi, Zhongdi 260, pp. 30-32.
9. Wang Hui, ZTZ-98 zhuzhantanke zhuangjia, (ZTZ-98 Armored Main Battle Tank), Inner Mongolia Cultural Publishing Company, 2002, p. 74.
10. China’s OTHR system interferes with HAM radio operators who discuss it on their QRZ Internet forum. ‘Ever hear of the “Chinese Dragon”?’ (over the horizon radar? Annoying!, QRZ Forums -http://forums.qrz.com/showthread.php?.s=856c90d1e521d5685c8eff9084c65fe&t=1730188page=2, accessed February 22, 2009.
Nguồn: China’s Conventional Cruise and Ballistic Missile Force Modernization
and Deployment / Martin Andrew // China Brief Volume: 10 Issue: 1 -
January 7, 2010.