Vietnamdefence.com

 

Máy bay cũ dọa khiếp sư tử già

VietnamDefence - Su-24 vào tay Argentina khiến Sư tử Anh run rẩy. Nhưng các máy bay ném bom cũ kỹ từ nước Nga này sẽ không dẫn đến cuộc chiến Falklands lần thứ hai.

Su-24 vào tay Argentina - Sư tử Anh run rẩy

Báo chí phương Tây mới đăng một bài báo mới cho thấy một nước Nga “hiếu chiến” - đó là bài báo về khả năng Nga chuyển giao máy bay ném bom chiến thuật Su-24 cho Argentina. Theo tờ Daily Express (Anh), các máy bay này sẽ được cho thuê để đổi lấy lương thực. Tất cả những thông tin này được thêm mắm dặm muối bằng các kết luận hoảng loạn về sự bất lực của quần đảo Falklands (Malvinas) trước một cuộc xâm lược giả định của Argentina một khi thương vụ này được thực hiện.

Nhưng mọi chuyện có đơn giản như thế không? Liệu thương vụ đó có thực sự nguy hiểm như thế không? Nước Anh theo đuổi những ý đồ gì khi đăng tải những tin tức đó? Để bắt đầu, hãy giả định một cuộc xung đột có thể xảy ra - đánh giá tương quan lực lượng của hai bên đối địch và khả năng của họ trên chiến trường dự kiến.

Quần đảo Falklands (Argentina gọi là Malvinas) nằm cách nước Anh gần 13.000 km, còn cách bờ biển Argentina chỉ có 500 km. Đúng là quân đội Anh có khả năng sử dụng căn cứ không quân trên đảo Ascension ở Đại Tây Dương, nhưng mà khoảng cách từ căn cứ này đến khu vực xung đột dự kiến cũng vẫn rất xa, đến 6.000 km.

Với tương quan đó, việc so sánh trực tiếp quân đội Argentina và Anh không có ý nghĩa, bởi lẽ chẳng hạn không có một máy bay chiến đấu nào của Không quân Anh (Eurofighter Typhoon và Tornado) có được bán kính chiến đấu dù cho là gần gần với 6.000 km vì cả 2 loại máy bay này chỉ có bán kính chiến đấu chưa đến 1.500 km. Ngoài ra, hiện tại Hải quân Hoàng gia Anh không còn lấy 1 tàu sân bay, trong khi chính không quân hải quân đã đóng vai trò then chốt trog chiến thắng của quân Anh trong cuộc chiến tranh Falklands năm 1982. Do đó, chỉ nên so sánh quân đội Argentina (xét tổng thể thua kém nhiều quân đội Anh về tất cả các tiêu chí có thể) với Hải quân và các đơn vị của Không quân và Lục quân Anh đang đồn trú trên quần đào Falklands.

Theo thông tin của niên giám The Military Balance, các lực lượng quân đội Anh tại đây chỉ có 420 lính bộ binh và khoảng 1.000 lính thuộc Không quân và Hải quân Anh. Không quân Anh chỉ có 4 tiêm kích-bom Typhoon, 1 phi đội trực thăng vận tải Sea King. Hải quân Anh chỉ bố trí thường xuyên tại đây 1 tàu hộ vệ, tuy nhiên có tin đồn là luông có 1 tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm lớp Astute hay Trafalgar trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa chống hạm Harpoon tuần tra ở gần đó. Sau một khoảng thời gian, người Anh sẽ có thể huy động đến khu vực xung đột mấy frigate lớp Type 23 (tổng cộng có 13 chiếc) trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, mấy tàu ngầm nữa (tổng cộng có 6 chiếc trong biên chế) và đến 6 tàu khu trục phòng không lớp Type  45, trang bị hệ thống phòng không PAAMS cho phép tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 120 km.

Trong số các phương tiện phòng không, Anh sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Rapier với tầm bắn tối đa 8 km. Argentina có thể tung ra chống người Anh 72 máy bay chiến đấu thuộc các kiểu loại tiêm kích lạc hậu Mirage, các cường kích А-4 Skyhawk, vài chục cường kích hạng nhẹ nội địa IA-58 Pucara. Hầu như toàn bộ số máy bay này đã là “nhân chứng” của cuộc chiến tranh Falklands đầu tiên. Cũng cần lưu ý đến các cường kích Pháp Dassault-Breguet Super Étendard mang tên lửa chống hạm Exocet MМ.38 từng lập công đánh đắm 2 tàu Anh vào năm 1982. Trong số các tàu trong biên chế Hải quân Argentina cần lưu ý các tàu khu trục lớp Almirante Brown (4 chiếc) được trang bị tên lửa chống hạm Exocet MМ.40 có tầm bắn tối đa 70 km, cũng như các frigate lớp Espora (6 chiếc), trang bị tên lửa chống hạm Exocet MМ.38 có tầm bắn 40 km. Các tên lửa chống hạm này cũng được bố trí trên một số tàu tên lửa. Ngoài số máy bay, tàu chiến, tên lửa nói trên, ta sẽ bổ sung thêm 12 máy bay ném bom chiến thuật Su-24М mà Nga có thể cung cấp cho Argentina.

Kịch bản xung đột

Argentina có lẽ sẽ cố tìm cách thực hiện cuộc tấn công bất ngờ và mạnh mẽ để nhanh chóng tiêu diệt lực lượng đồn trú khá nhỏ của Anh trên quần đảo Falklands. Xét đến ưu thế tuyệt đối trên không và trên biển trong một khoảng thời gian nào đó (trong khi chủ lực của hạm đội Anh chưa kéo đến) thì Argentina hoàn toàn có thể làm việc này.

Phòng không trên Falklands có thể sẽ kiềm chế được Không quân Argentina trong một thời gian, nhưng một khi Nga chuyển giao Su-24, phòng không Anh sẽ nhanh chóng bị chế áp bằng các tên lửa chống radar Kh-25MPU hay Kh-58. Ở giai đoạn đầu, chỉ có 1 tàu ngầm Anh lớp Trafalgar là có thể làm Argentina “đổ máu”, nhưng nếu nó can thiệp quá tích cực thì tàu ngầm sẽ có nguy cơ lớn bị phát hiện và tiêu diệt. Giai đoạn đầu chắc chắn sẽ kết thúc bằng việc các đơn vị lục quân Argentina trụ vững trên quần đảo.

Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu khi chủ lực hạm đội Anh tiến đến gần quần đảo. Và lúc đó những khó khăn nghiêm trọng sẽ bắt đầu với Argentina. Mặc dù có ưu thế trên không, nhưng làm gì đó với các tàu chiến tiên tiến của Anh trang bị các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa cực mạnh sẽ cực kỳ khó. Có thể có hiệu quả chống quân Anh là các tên lửa chống hạm Kh-59MK với tầm bắn tối đa 285 km, cho phép Su-24 phóng chúng đi mà không bay vào vùng sát thương của phòng không Anh. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin nào về việc Nga bán Kh-59MK cho Argentina.

Kịch bản có khả năng nhất sẽ là hạm đội Anh tiến hành phong tỏa quần đảo và cuối cùng là đồn binh Argentina thất thủ giống như lần trước. Có điều cái giá phải trả đối với người Anh sẽ đắt hơn nhiều so với năm 1982.

Kết luận

1. Việc Nga cung cấp 12 Su-24 cho Argentina không thể làm thay đổi cán cân sức mạnh đến mức Argentina dám khai chiến, chứ chưa nói đến việc tin chắc là họ sẽ chiến thắng. Việc chuyển giao Su-24 chỉ nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của Argentina.

2. Để đối phó thành công với Hải quân Anh, quân đội Argentina cần mua sắm 2-3 phi đội tiêm kích đa nhiệm hiện đại Su-30/35 hay máy bay ném bom chiến thuật Su-34 và trang bị cho chúng các tên lửa chống hạm hiện đại.

3. Quân đội Argentina cần mua sắm 2-3 tiểu đoàn tên lửa bờ biển tiên tiến như Bal hay Bastion. Việc triển khai các hệ thống này trên quần đảo Falklands sau giai đoạn đầu sẽ biến quần đảo thành pháo đài bất khả xâm phạm.

4. Giọng điệu gào rú của báo chí Anh là nhằm một số mục tiêu: (1) Không để tâm lý bài Nga nguội đi vì cuộc xung đột ở Ukraine đang dần lắng đi; (2) “Dán” cho Argentina cái mác kẻ xâm lược vào lúc nước này đang trong tình trạng kinh tế cực kỳ khó khăn để qua đó làm tình hình tồi tệ thêm. Phương Tây không cần một nước Argentina độc lập, họ muốn biến nước này thành chư hầu sau cái chết chính trị hay thể xác của bà Tổng thống Christina Kischner (bà đã bị bệnh ung thư mấy năm nay).

Nguồn: regnum, 30.12.2014.

Print Print E-mail Print