Vietnamdefence.com

 

Siêu vũ khí của Không quân Nga: Coi chừng PAK FA T-50

VietnamDefence - Phương Tây có nên lo lắng về máy bay tiêm kích thế hệ mới của Nga? Người Mỹ đánh giá mạnh, yếu của PAK FA T-50.

Chuyên gia Mỹ: PAK FA T-50 chỉ là máy bay thế hệ 4,5

Tiêm kích tàng hình PAK FA T-50 của hãng Sukhoi, Nga có thể là một đối thủ đáng gờm đối với các máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Mỹ như F-22 Raptor và F-35 Joint Strike Fighter của hãng Lockheed Martin. Thật vậy, ở một số khía cạnh, máy bay chiến đấu mới của Nga sẽ vượt trội cả hai loại tiêm kích tàng hình Mỹ, nhưng PAK FA là không phải không có những điểm yếu.

“Bản phân tích về PAK FA mà tôi đã xem cho thấy, đây là một thiết kế khá tinh vi, ít nhất là tương đương, và một số đã nói là thậm chí vượt trội so với máy bay thế hệ 5 của Mỹ”, cựu Cục trưởng Cục Tình báo Không quân Mỹ, Trung tướng Dave Deptula trao đổi với The National Interest. “Nó chắc chắn có sự linh hoạt hơn với sự kết hợp của động cơ thay đổi vectơ lực đẩy, các tấm lái ở đuôi chuyển động toàn phần, và thiết kế khí động học tuyệt vời hơn F-35”.

Quả thực, PAK FA dường như được tối ưu hóa cho vai trò tác chiến giành ưu thế trên không giống như F-22 hơn là F-35 đa năng, tối ưu hóa cho nhiệm vụ tấn công. Giống như Raptor, PAK FA được thiết kế để bay cao và nhanh nhằm tạo năng lượng phóng tối đa cho kho tên lửa không-đối-không tầm xa, điều đó sẽ giúp tăng mạnh tầm bắn của các tên lửa này.

“Về tính năng, chắc chắn máy bay này hướng đến đối địch với Raptor”, một quan chức quân sự cấp cao am hiểu về các tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ cho biết.

Giống như F-22, máy Nga dự kiến có thể bay hành trình siêu âm trong thời gian dài của thời gian, có thể là cao hơn 1,5M. Tốc độ tối đa của máy bay sẽ lớn hơn 2M với giả thiết lớp vỏ tàng hình của nó có thể chịu được tải đó.

Tuy nhiên, khác với máy bay 5 của Mỹ, PAK FA nhấn mạnh ít hơn vào khả năng tàng hình và nhấn mạnh nhiều hơn vào khả năng cơ động. Về tính năng động học đơn thuần, PAK FA có thể cạnh tranh với Raptor, nhưng lại vượt xa F-35. Và lợi thế đó còn có thể tăng lên.

Máy bay Nga hiện đang sử dụng biến thể cải tiến của động cơ Su-30 Flanker có tên là Izdeliye 117 hoặc AL-41F1, có lực đẩy khoảng 33.000 bảng. Động cơ này có công suất mạnh hơn nhiều so với mẫu cơ sở AL-31, nhưng chưa chứng tỏ được độ tin cậy như kỳ vọng ban đầu. Nhưng động cơ hiện nay chỉ là tạm thời. Sau này, các biến thể sản xuất loạt của PAK FA dự kiến sẽ được trang bị động cơ mới là Izdeliye 30 sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2020.

Máy bay phản lực của Nga cũng được trang bị một hệ thống thiết bị điện tử hàng không mạnh mẽ, vốn là sự tiến hóa của hệ thống avionics của Sukhoi trên dòng máy bay Flanker. “Có những dấu hiệu cho thấy, hệ thống avionics (của T-50) có nguồn gốc từ Su-35S và có bổ sung một radar mạng pha chủ động băng X, đa chế độ công suất rất cao”, ông Deptula nói.

Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu cho thấy, PAK FA cũng được trang bị các radar băng L, có khả năng phát hiện máy bay tàng hình dạng tiêm kích. Tuy radar băng L không cho phép PAK FA ngắm bắn máy bay tàng hình, nhưng nó sẽ cho phép phi công tập trung các sensor khác của máy bay vào một khu vực cụ thể trên bầu trời.

Ngoài các radar và các biện pháp hỗ trợ điện tử, PAK FA còn được trang bị các khí tài sục sạo và bám hồng ngoại.

Tuy người Nga đã có những tiến bộ lớn trong lĩnh vực sensor, các máy bay chiến đấu Mỹ vẫn giữ được lợi thế về mặt sensor và hợp nhất dữ liệu, vốn rất thiết yếu đối với chiến tranh hiện đại. “Câu hỏi thực sự là người Nga có thể đạt được cùng một trình độ hợp nhất dữ liệu và khả năng kết nối mạng như F-22A và F-35 không - ngay lúc này, tôi muốn đặt tiền của tôi vào Mỹ và các đồng minh trong vấn đề này”, Tướng Deptula nói.

Một quan chức cấp cao của công nghiệp Mỹ đã nhất trí với đánh giá của ông Deptula. Về mặt trang thiết bị điện tử, PAK FA chỉ gần với một F/A-18E/F Super Hornet của Boeing hay F-16E/F Block 60 hơn là F-22 hay F-35. “Một số người có thể khẳng định rằng, PAK FA là một tiêm kích thế hệ 5, nhưng nó đúng hơn là tiêm kích thế hệ 4,5 xét theo tiêu chuẩn Mỹ”, vị quan chức này cho biết.

Trong thực tế, việc PAK FA thiếu khả năng hợp nhất sensor và các kênh liên kết dữ liệu toàn diện thực sự khi so với các đối thủ Mỹ có thể cho thấy, đây là gót chân Achilles của nó. Các chiến lược gia Mỹ đang đi tới một cách tiếp cận, nơi mà mỗi máy bay hoặc tàu mặt nước đều có thể hoạt động như một sensor cho bất kỳ máy bay, hạm tàu, xe cộ nào mang vũ khí. Máy bay mang phóng vũ khí thậm chí có thể không phải dẫn các vũ khí đó một khi đã phóng đi. Hải quân Mỹ hiện đã triển khai áp dụng một cấu trúc gọi là NIFC-CA (Naval Integrated Fire Control-Counter Air) có khả năng làm việc đó. Không quân Mỹ cũng đang nghiên cứu một hệ thống tương tự.

Vị quan chức quân sự cấp cao cũng đồng ý với đánh giá của Tướng Deptula, nhưng nói thêm rằng, PAK FA còn có một điểm dễ bị tổn thương khác. Người Nga thường không đặt ra yêu cầu tác chiến bên trong một hệ thống phòng không dày đặc, tích hợp tiên tiến (IADS) như một máy bay phản lực Mỹ phải đáp ứng. Do đó, tuy PAK FA có khả năng tàng hình, nhưng ít nhấn mạnh vào công nghệ tàng hình hơn so với F-22 hay F-35”. “Việc PAK FA không ưu tiên tính năng tàng hình và hợp nhất sensor làm cho nó dễ bị tổn thương trước cả hai loại tiêm kích tàng hình của phương Tây, nhất là F-22”, quan chức này nói. “Khi bạn nhìn vào khái niệm mà Không quân Mỹ áp dụng với F-22/F-35, PAK FA sẽ đối mặt những thách thức lớn”.

Người Trung Quốc, tuy nhiên, lại là một câu chuyện khác. “Kịch bản đó, vì thế, chính là lý do tại sao người Trung Quốc nhìn thấy giá trị trong việc kết hợp J-20 và J-31”, quan chức cấp cao cho biết.

Dẫu sao, khi Nga có thể phát triển một tiêm kích thế hệ 5 có tính năng rất cao, thì cũng có những câu hỏi về việc liệu nước này có thể sản xuất một máy như vậy hay không. Cơ sở công nghiệp của Liên Xô đã luôn luôn tối ưu hóa để sản xuất số lượng lớn với cơ chế kiểm soát chất lượng khá lỏng lẻo. Tuy nhiên, công nghệ tàng hình đòi hỏi một trình độ sản xuất chính xác mà nước Nga chưa từng thể hiện trước đó, đặc biệt là sau sự sụp đổ của cơ sở công nghiệp Nga trong những năm tiếp sau sự sụp đổ của Liên Xô. “Máy bay này còn phải đi một chặng đường dài đi trước khi đạt được khả năng hoạt động ban đầu”, vị quan chức công nghiệp cấp cao cho biết. “Cả người Nga và Trung Quốc đều chưa từng sản xuất số lượng lớn một loại tiêm kích thế hệ mới nào của họ. Người Nga phải trước hết phục hồi năng lực công nghiệp hàng không vũ trụ của họ.... và họ không có công nghệ tàng hình, kinh nghiệm sản xuất và vận hành như Mỹ”.

Việc đánh giá toàn diện PAK FA trước khi nó được đưa vào trang bị là điều khó khăn ngay cả đối với những người có quyền tiếp cận tin tình báo quân sự. “Thật khó nói trước khi PAK FA được đi vào sản xuất”, một quan chức cấp cao khác của Không quân Mỹ cho biết. “Tôi nghi ngờ khả năng chúng (T-50) sẽ sánh ngang được với các tiêm kích thế hệ 5 của chúng tôi, nhưng chúng tôi không có nhiều và chúng có lẽ sẽ có vượt trội hơn bất kỳ tiêm kích thế hệ 4 nào [ví dụ như F-15, F-16 hay F/A-18”.

Tuy nhiên, Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu định hình các yêu cầu cho các máy bay thế hệ mới kế thừa F-22 và F-35 theo các chương trình tiêm kích giành ưu thế trên không F-X và tiêm kích tiến công thế hệ mới F/A-XX của Hải quân Mỹ. Nhưng ngay cả trước lúc đó, Lầu Năm Góc có thể có những bước đi nhằm giảm thiểu mối đe dọa từ các tiêm kích tàng hình của Nga và Trung Quốc.

“Máy bay thế hệ 5 và công nghệ thông tin cho phép hiện thực hóa những khái niệm tác chiến mới mà chúng ta vẫn chưa khai thác triệt để. Tôi muốn đề xuất đó là nơi chúng ta cần đưa năng lượng của chúng ta vào trước khi tốn nhiều thời gian và tiền bạc để chế tạo một máy bay tiêm kích tiến hóa khác”, Tướng Deptula nói. “Máy bay ném bom tiến công tầm xa LRS-B [Long Range Strike-Bomber], nếu được thiết kế đúng đắn cho sự phát triển, sẽ là thành phần quan trọng tiếp theo của khái niệm này hơn là FX và F/A-XX”.

Ông Deptula nói rằng, việc tích hợp đầy đủ các loại vũ khí khác nhau của Lầu Năm Góc để chúng hoạt động như một chỉnh thể tổng hợp sẽ đem lại những khả năng vượt quá những gì một máy bay mới có thể mang lại. “Các phát triển tương lai trong việc chia xẻ dữ liệu hứa hẹn mở rộng mạnh mẽ tới cách thức mà các hiệu ứng tác chiến đấu đạt được với tư cách là các phương tiện hàng không vũ trụ riêng lẻ được tích hợp đầy đủ với các hệ thống trên biển, mặt đất, không gian và các hệ thống mạng để tạo thành một phức hợp phòng thủ bao trùm khắp nơi”, ông nói. “Các hệ thống cá nhân kết nối với nhau để tạo ra “đám mây chiến đấu” tự hình thành/tự sửa chữa và khả năng tận dụng các thế mạnh tương ứng của chúng, đồng thời khắc phục các điểm yếu và lỗ hổng hệ thống cụ thể là nơi mà chúng ta phải hướng đến. Đây cũng có thể là cơ sở cho “chiến lược bù đắp” tiếp theo mà [Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ] và vị phó của ông đang tranh đấu”.

Nguồn: The Russian Air Force's Super Weapon: Beware the PAK FA Stealth Fighter / Dave Majumdar // The National Interest, 26.11.2014.

Print Print E-mail Print