Vietnamdefence.com

 

Mỹ ngán sợ sức mạnh của siêu tăng Armata

VietnamDefence - Armata - vũ khí bí mật của quân đội Nga.

Tạp chí The National Interest ngày 21.1.2014 vừa đăng bài “The Russian Army's Secret Weapon: Enter the Armata Program” của Dave Majumdar bày tỏ sự lo ngại của Mỹ đối với chương trình xe tăng Armata của Nga trong bối cảnh lực lượng xe tăng-thiết giáp Mỹ ngày một già cỗi.

Trong khi các xe tăng Mỹ đang ngày càng lạc hậu và cạn kiệt khả năng nâng cấp, các nỗ lực mới nhất của Nga nhằm hiện đại hóa xe tăng-thiết giáp của họ khiến Mỹ lo lắng không ít.

Năm tới, Lục quân Nga sẽ đưa vào trang bị họ xe bọc thép chiến đấu mới gọi chung là Armata để thay thế các cỗ máy chiến tranh thiết giáp hiện có, báo chí nhà nước Nga đưa tin. Dự kiến, việc sản xuất các xe thiết giáp mới sẽ bắt đầu vào tháng 1/2015 và vài chục xe mới dự kiến sẽ tham gia cuộc duyệt binh Chiến thắng ở Moskva vào năm tới. Trong khi đó, nước Mỹ đang vật lộn với tương lai các xe chiến đấu thiết giáp của chính mình.

“Lô đầu tiên sẽ ra đời trong năm tới. Các bạn sẽ thấy chúng trên Hồng Trường vào ngày 9/5”, Phó Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Nga Oleg Bochkaryov tiết lộ hôm 18/11/2014.

Armata đang được Uralvagonzavod (UVZ) ở thành phố Nizhny Tagil xa xôi trong dãy núi Ural phát triển với nhiều biến thể, trong đó có xe tăng chủ lực, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân hạng nặng, pháo tự hành và 2 biến thể xe yểm trợ. Lục quâ Nga dự kiến sẽ giới thiệu vài chục xe tại cuộc duyệt binh: 12 xe tăng và 12 xe chiến đấu bộ binh.

Cuối cùng, Armata sẽ thay thế các xe tăng thời chiến tranh lạnh T-64, T-72, T-80 và các xe tăng tương đối mới T-90 vào những năm 2030 với điều kiện chính phủ Nga có tiền trả cho chúng. Họ Armata cũng sẽ thay thế các xe chiến đấu bộ binh BMP và nhiều loại xe khác; quy mô sản xuất có thể lên tới hàng chục ngàn xe nếu Nga có khả năng thay thế các xe tăng-thiết giáp hiện có với tỷ lệ 1 đổi 1.

Theo ITAR-TASS, tăng chủ lực Armata sẽ được trang bị pháo 125 mm vốn đã là tiêu chuẩn của xe tăng chủ lực Liên Xô chế tạo trong những năm 1960, nhưng pháo sẽ được lắp trên tháp không người ngồi. Kíp xe sẽ ngồi trong khoang bọc thép riêng biệt. Đây là cấu trúc độc đáo, chưa từng có ở một tăng chủ lực hiện đại nào.

Một số báo chí Nga viết rằng, vỏ giáp của Armata được cải tiến đặc biệt để hoạt động ở Bắc Cực, một khu vực đang ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế đang gặp khó khăn của Nga.

Ngoài ra, khác với truyền thống Liên Xô, chương trình Armata xem ra đặt khả năng sống còn của kíp xe ở mức ưu tiên hơn nhiều so với bất kỳ xe tăng Liên Xô và Nga trước đó nào. Đó có thể là vì Nga đang cố gắng chuyển đổi từ một quân đội biên chế lính nghĩa vụ thời Liên Xô sang một quân đội nhà nghề với những binh sĩ không còn bị coi là vật tư tiêu hao được nữa.

Bởi vậy, các xe họ Armata đang được thiết kế với cấu trúc vỏ giáp hoàn toàn mới và sẽ có khả năng bảo vệ mọi góc độ, Phó Tổng giám đốc UVZ, ông Vyacheslav Khalitov cho hay. Theo ông, kíp xe sẽ được cách ly khỏi nhiên liệu và đạn dược trong xe. Vì thế, hoàn toàn có thể là các xe tăng mới của Nga sẽ có nhiều nét giống với các xe tăng phương tây như M1A2 Abrams hay German Leopard 2A7+ hơn các xe tăng cũ hơn của Liên Xô.

Ngoài ra, người ta hầu như không biết gì về dự án Armata, ngoại trừ việc nó đang được phát triển ít nhiều theo đúng tiến độ nếu như có thể tin những tin tức từ Nga. “Tất cả đang diễn ra theo đúng theo hợp đồng. Công việc đang vượt tiến độ. Chúng tôi đang vượt mọi tiến độ”, ông Oleg Siyenko, Tổng giám đốc UVZ cho biết vào tháng 9/2014. Ngoài ra, ông Siyenko còn cho hay, dự án Armata đang đáp ứng mọi yêu cầu của quân đội Nga.

Tuy nhiên, Armata có thể sẽ đắt đỏ hơn điều chính phủ Nga trông đợi. Ông Bochkaryov cho hay, giá của Armata hiện là quá đắt. Song chính phủ Nga hy vọng sẽ ký được hợp đồng 3 năm sản xuất Armata với giá cố định. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với họ vì chúng tôi không đồng ý với cái giá cao của Uralvagonzavod”, ông Bochkaryov nói. Các quan chức UVZ đã hứa giảm giá đối với Armata.

Trong khi đó, Lục quân Mỹ lại có mấy nỗ lực bất thành nhằm thay thế xe chiến đấu bộ binh và tăng chủ lực M1 Abrams vốn đã sử dụng từ lâu. Đầu những năm 2000, Lục quân Mỹ đã phát động chương trình Future Combat Systems (FCS) chế tạo họ xe hạng nhẹ thay thế cho các xe tăng mang giáp nặng, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành và các loại xe khác

Khung gầm tương lai Future Combat Systems của Mỹ

Ý tưởng là phát triển nhiều loại xe trên một khung gầm hạng nhẹ chung 20 tấn, nhưng có khả năng sống còn như tăng Abrams, như vậy, cả một lữ đoàn có thể được triển khai chỉ trong 18 giờ đến bất cứ đâu trên trái đất. Nhưng vật lý đã can thiệp. Người ta nhanh chóng hiểu ra là một xe 20 tấn sẽ không bao giờ hy vọng sánh được về khả năng bảo vệ với một xe tăng 70 tấn nếu như không có sự đột phá cách mạng thần kỳ nào đó.

Năm 2009, Lục quân Mỹ từ bỏ chương trình FCS và phát động chương trình mới GCV (Ground Combat Vehicle) chỉ để thay thế Bradley, nhưng nỗ lực này cũng bị từ bỏ vào tháng 2/2014 sau khi chiếc xe bắt đầu biến thành cự vật nặng nề và đắt đỏ. Nỗ lực hiện nay gọi là chương trình Future Fighting Vehicle thì còn quá sớm để nói sẽ dẫn đến đâu.

Tuy nhiên, lại không hề có chương trình thay thế tăng chủ lực Abrams. Lục quân Mỹ hy vọng cuối cùng chế tạo được (đúng hơn là tái sản xuất) một biến thể mới của tăng này gọi là M1A3 đâu đó vào năm 2018.



Một phương án thiết kế có thể của tăng M1A3 Abrams

Nhưng theo một sĩ quan thiết giáp cao cấp của Lục quân Mỹ, về dài hạn, cần phải thay thế Abrams. Thiết kế thời những năm 1970 đã cạn kiệt khả năng nâng cấp. Xe tăng này hầu như không còn tiềm năng cải tiến về mặt không gian, trọng lượng và công suất. Theo các kế hoạch hiện nay, Abrams sẽ còn được sử dụng đến những năm 2050 và có thể lâu hơn. Khi đó, thiết kế này sẽ có tuổi hơn 70. Trong khi, thế giới còn lại đang tiếp tục hiệnđại hó lực lượng tăng-thiết giáp của họ.

Print Print E-mail Print