Vietnamdefence.com

 

Máy bay không người lái và mối đe dọa khủng bố

VietnamDefence - UAV có nhiều đặc tính khiến chúng trở thành phương tiện lý tưởng để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố. Chúng được điều khiển ẩn danh và từ xa, đồng thời lại không gây rủi ro cho người điều khiển, rẻ tiền và dễ điều khiển, chúng có thể được sử dụng đơn chiếc hay cả tốp để đạt được hiệu quả mong muốn.


Đầu thế kỷ XXI được đánh dấu bởi việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) ở hầu hết các nước công nghiệp phát triển trên thế giới.

Nhờ vào ứng dụng nhiều công nghệ thông tin, UAV đã trở thành phương tiện hiệu quả để thực hiện nhiều nhiệm vụ quân sự, có thể chia thành hai loại chính:

• Trinh sát, tìm kiếm, quan sát các mục tiêu và vùng lãnh thổ trong khu vực tác chiến, cũng như các khu vực nguy hiểm đối với cơ thể con người;

• Thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong các khu vực được bảo vệ tốt bằng các phương tiện phòng không, nơi có xác suất cao về tổn thất về phi công và binh khí kỹ thuật đắt tiền.

Ngoài ra, việc không có tổ lái (phi công) trên khoang cho phép chế tạo nhỏ gọn, rẻ hơn, còn khả năng tiếp nhiên liệu trên không cho phép máy bay có thể bay trên không hầu như không giới hạn về thời gian, điều mà máy bay có người lái không thể làm được. Chất lượng thứ hai cung cấp cho UAV các chức năng và tính năng của vũ khí tầm chiến lược, hoàn toàn phù hợp với học thuyết của Hoa Kỳ về chiếu quân toàn cầu.Yếu tố thời gian bay dài giúp UAV có được những chức năng và đặc tính của vũ khí tầm hoạt động chiến lược, điều rất phù hợp với học thuyết tung sức mạnh quân sự toàn cầu của Mỹ.

Đồng thời, tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực này cũng có mặt trái của nó. Điều đó liên quan đến việc UAV bị lợi dụng vào mục đích khủng bố. UAV có nhiều đặc tính khiến chúng trở thành phương tiện lý tưởng để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố. Chúng được điều khiển ẩn danh và từ xa, đồng thời lại không gây rủi ro cho người điều khiển, rẻ tiền và dễ điều khiển, chúng có thể được sử dụng đơn chiếc hay cả tốp để đạt được hiệu quả mong muốn.

Trong những năm 1990, tên lửa hành trình chống hạm và máy bay có người lái đã được xem xét sử dụng làm phương tiện thực hiện các cuộc tấn công khủng bố [1]. Hồi đó, các nghiên cứu liên quan đến các mối đe dọa xuất phát từ các nước của cái gọi là “trục của cái ác”, chứ không phải là các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các chuyên gia đã bắt đầu xem xét phổ sử dụng rộng hơn UAV vào các mục đích khủng bố [2].

Phân tích cho thấy, theo quan điểm của bọn khủng bố, UAV có các đặc điểm hấp dẫn sau đây để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố:

• Khả năng tấn công mục tiêu diện nhằm sát thương một lượng người lớn bằng cách sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học, cũng như phóng rải vật liệu phóng xạ;

• Tính bí mật khi chuẩn bị hành động khủng bố và có nhiều khả năng lựa chọn địa điểm xuất phát cho UAV;

• Các cuộc tấn công có thể đạt được tầm và độ chính xác chấp nhận được bằng cách sử dụng các giải pháp kỹ thuật rẻ tiền và dễ tiếp cận;

• Các hệ thống phòng không hiện có có hiệu quả thấp khi đối phó với các UAV cỡ nhỏ, bay thấp;

• Hiệu quả kinh tế cao của việc sử dụng UAV so với tên lửa và máy bay có người lái;

• Khả năng tạo ra hiệu ứng tâm lý mạnh, tâm lý hoảng loạn trong dân chúng và áp lực lớn đối với chính khách.

Mặc dù chưa có các tiền lệ sử dụng UAV trong các vụ tấn công khủng bố, nhưng có tin bọn khủng bố đã nghiên cứu khả năng này [3].

Các sự kiện ngày 11/9/2001 cho thấy, cần phải sẵn sàng để đẩy lùi bất kỳ mối đe dọa nào, kể cả các mối đe dọa công nghệ cao. Vấn đề không phổ biến tên lửa hành trình và UAV, cũng như đối phó với chúng, sau những sự kiện đã xảy ra, đã trở thành chủ đề của sự chú ý của Quốc hội, Bộ Quốc phòng và các cơ quan nhà nước khác của Mỹ [4]. Năm 2009, hãng tình báo tư nhân RAND lưu ý rằng, “bọn khủng bố đang xem xét sử dụng UAV như là một trong những cách thức tấn công có thể cùng với các phương án khác”.

Mối đe dọa khủng bố sử dụng UAV cũng là một nguy cơ thực tế đối với Nga. Phân tích cho thấy, các UAV có trọng lượng tới 100 kg có khả năng mang tải trọng chiến đấu từ một vài đến vài chục ki-lô-gam trong tay bọn khủng bố là một mối đe dọa tiềm ẩn [5].

Cần liệt vào lớp UAV này trước hết là các UAV dân dụng sản xuất loạt. Tuy nhiên, xác suất sử dụng chúng là thấp vì số lượng các UAV này là không đáng kể, còn việc sử dụng không mang tính thường xuyên. Song điều này không loại bỏ vấn đề khỏi chương trình nghị sự bởi vì trong tương lai gần, chúng sẽ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Chính sách của Nga

Một nhiệm vụ quan trọng mà các cơ quan nhà nước Nga phải đối mặt là lấp đầy khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực ứng dụng UAV trong nền kinh tế quốc dân. Nga hiện vẫn chưa có cơ quan quản lý việc mua sắm và cấp giấy phép sử dụng UAV dân dụng. Các tổ chức như Liên đoàn Những người yêu thích máy bay, Liên đoàn Máy bay siêu nhẹ và Liên đoàn Giao thông hàng không không giải quyết những vấn đề này.

Tư lệnh Không quân-vũ trụ Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev nói: “Ở Nga, các máy bay cánh quạt lật và UAV hạng nặng đang được chế tạo cho quân đội. Trong tương lai, UAV sẽ có thể được tích hợp vào một hệ thống điều chiển chung duy nhất và hoạt động thành “bầy”. Bước đi này sẽ cho phép đào tạo các nhân viên điều khiển UAV trở nên rẻ hơn”.

Rõ ràng là việc cảnh báo nguy cơ khủng bố sử dụng UAV dân dụng sẽ không hiệu quả trừ khi các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực này được giải quyết. Hiện nay, việc bán UAV dân dụng không bị hạn chế, còn với một lượng UAV nhỏ thì việc theo dõi những người bán và những người mua UAV không phải là khó. Nếu trong tương lai khối lượng bán tăng lên, sẽ nảy sinh vấn đề kiểm soát việc kinh doanh, sử dụng UAV từ phía nhà nước. Có thể sẽ phải áp dụng các hạn chế về các tính năng kỹ thuật của UAV được bán trên thị trường Nga và xác định các loại người dùng các thiết bị này; các loại người dùng này sẽ chịu sự kiểm soát ở các cấp độ khác nhau và quy định phạm vi sử dụng UAV. 

Liên quan đến việc cải hoán máy bay có người lái thông thường thành huyển đổi trong UAV có khả năng mang tải trọng tải chở hàng trăm ki-lô-gam đi xa đến 1.000 km, cần lưu ý là ở đây bọn khủng bố có không gian hành động rộng. 

Trên thị trường Nga, có thể mua dễ dàng không hạn chế một số loại máy bay có giá 10.000-100.000 USD. Những máy bay đó được trang bị các hệ thống dẫn đường và máy lái tự động. Nhiều nhà sản xuất máy bay đang chào bán các hệ thống điều khiển bay tự động với giá đến 35.000 USD [6].

Rõ ràng là máy bay thông thường có thể trở thành phương tiện để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố như đã xảy ra ở Mỹ vào ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, việc cải hoán máy bay thông thường thành UAV sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực và thực hiện việc đó một cách bí mật tại sân bay trú đóng là không thể. Vì thế, ít có khả năng tiến hành việc chế tạo các UAV như vậy. 

UAV tự tạo và chủ nghĩa khủng bố

Gây ra nhiều lo ngại nhất là tình hình trong lĩnh vực máy bay mô hình nghiệp dư, trong đó, nhờ những tiến bộ về thiết bị điện tử, mà đã đạt được những chất lượng mới và trở nên dễ tiếp cận đối với người dùng đại chúng. Trước hết, những thành tựu này liên quan đến khả năng sử dụng thông tin của các hệ thống vệ tinh định vị GPS và GLONASS.

Ví dụ về việc chế tạo UAV mô hình TAM-5 có trọng lượng chỉ gần 5 kg, xuất phát từ Canada đã thực bay qua Đại Tây Dương ở chế độ tự hoạt, vượt qua quãng đường gần 3.000 km trong 39 h và hạ cánh tại Ireland cho thấy việc dễ dàng chế tạo các UAV mô hình có tính năng bay cao [7]. 

Cần lưu ý rằng, ở Nga vẫn bảo tồn được truyền thống phong phú về máy bay mô hình có từ thời Liên Xô. Nhưng trong bối cảnh không có sự hỗ trợ của nhà nước, bộ môn máy bay mô hình thể thao đã trở thành niềm say mê cho những người đam mê. Các câu lạc bộ máy bay mô hình ở các thành phố lớn quy tụ được hàng chục ngàn thành viên. Ví dụ, câu lạc bộ máy bay mô hình ở Moskva có sự tham gia của 45 nhóm ở các khu vực trong thành phố thu hút 1.300 trẻ em vào năm 2003 [8].

Nếu so với thời Liên Xô, những người chơi máy bay mô hình hiện nay không chỉ có các linh kiện sản xuất loạt như: động cơ, thiết bị điều khiển vô tuyến, động cơ servo, hệ thống tự động ổn định bay, thiết bị thu thông tin của hệ thống vệ tinh định vị mà họ còn được chào bán một số lượng lớn các máy bay mô hình thành phẩm. Hơn nữa, họ không chỉ có thể mua các mô hình đòi hỏi nhiều kinh nghiệm điều khiển mà còn cả các mẫu dễ điều khiển và ổn định trong khi bay dành cho người mới chơi có giá dưới 1.000 USD. Tính đến năm 2003, doanh thu hàng năm của riêng thị trường máy bay mô hình Moskva đã lên tới khoảng 1 triệu USD [9].

Phân tích cho thấy rằng, để sử dụng các máy bay mô hình vào một cuộc tấn công khủng bố thì chỉ cần có một yêu cầu: chở được một tải trọng nhất định theo một đường bay đã định đến mục tiêu. Đồng thời, có thể giả định là không thể ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố cả ở giai đoạn phóng, lẫn trong quá trình bay  bởi vì các hành động như vậy không gây nghi ngờ đối với những người xung quanh. Một máy bay mô hình như vậy sẽ không chịu quá tải lớn đặc trưng cho các máy bay mô hình thể thao phải thực hiện các bài bay cao cấp. Vì vậy, có thể sử dụng các máy bay mô hình thiết kế tương đối đơn giản và bay ổn định làm phương tiện mang tải trọng chiến đấu (vũ khí) và một người chơi nghiệp dư thừa sức điều khiển một máy bay như vậy. Ngoài ra, việc chuẩn bị máy bay cho cuộc tấn công khủng bố, kể cả bay thử, có thể được thực hiện hoàn toàn hợp pháp vì hoạt động này không bị hạn chế và kiểm soát. 

Ở dạng tháo rời, một UAV như vậy để vừa trong ngăn hành lý của ô tô, còn quá trình lắp ráp và chuẩn bị cho cất cánh chỉ mất từ vài phút đến một giờ. Các thiết bị bay này cũng không kén chọn điều kiện phóng. Các máy bay mô hình có trọng lượng đến 4 kg có thể phóng từ tay. Để phóng các UAV lớn hơn, có thể sử dụng mặt đường nhựa, sân bãi, các máy phóng thô sơ hoặc ngăn hành lý của ô tô [10]. 

Mối đe dọa tấn công khủng bố bằng việc sử dụng UAV càng trầm trọng thêm bởi trên thế giới chưa có hệ thống bảo vệ có hiệu quả chống lại mối đe dọa này. Hệ thống hiện đại. Các hệ thống phòng không hiện đại đã được phát triển để đẩy lùi cuộc tập kích lớn của máy bay có người lái. Theo các chuyên gia, ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao, phòng không Liên Xô cũng chỉ có khả năng hạn chế trong bảo vệ các trung tâm hành chính, chính trị và công nghiệp trước các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình [15].

Sau khi Liên Xô sụp đổ, tiềm lực của hệ thống phòng không Nga đã sụt giảm xuống dưới mức nguy cấp. Được biết, do bị cắt giảm mà không còn lấy một trung đoàn phòng không sẵn sàng chiến đấu thường xuyên trong hệ thống phòng không của thủ đô Moskva (S-50). Moskva và Khu vực công nghiệp trung tâ, không được bảo vệ không chỉ trước các vũ khí tiến công đường không tương lai mà cả các vũ khí hiện có trong kho vũ khí của các nước phát triển. Hệ thống S-50 bằng các trung đoàn giảm quân của mình chỉ có khả năng đánh chặn 12-15 trong 100 tên lửa hành trình, và chỉ sau khi các trung đoàn này được bổ sung đủ quân thì khả năng đánh chặn của hệ thống mới có thể tăng lên đến 28 trong 100 tên lửa hành trình [16].

Đồng thời, cũng không được quên các phương tiện phát hiện mục tiêu bay. Theo cựu Tư lệnh Bộ đội radar phòng không, Trung tướng G.K. Dubov, tính đến năm 2000, khu vực kiểm soát ở độ cao 10 km là 55% và ở độ cao nhỏ (đến 1.000 m) là 23%. Trường radar trực chiến hồi đó thậm chí còn không có ngay cả trên bầu trời Moskva [17] .

Trong những điều kiện đó, nếu bọn khủng bố phóng UAV từ khoảng cách vài chục ki-lô-met so với các mục tiêu tấn công và thời gian bay đến mục tiêu sẽ chỉ mất 15-30 phút với anh ta, thì hệ thống phòng không này bó tay không thể làm gì. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là các radar giám sát không phận thực hiện lục mục tiêu theo tốc độ tối thiểu tối thiểu của chúng để loại ra các mục tiêu giả vốn có thể là những con chim có tốc độ bay gần với tốc độ của một UAV mini. Một UAV như vậy bay ở độ cao khoảng 100 m ở tốc độ 100 km/h nếu xét về các đặc tính của tín hiệu phản xạ sẽ giống chim hơn là bằng vũ khí tiến công đường không. Hơn nữa, radar không thể phát hiện UAV bay trong thành phố ở độ cao nhỏ bên trên các tòa nhà do các tín hiệu vô tuyến thăm dò bị phản xạ vô số lần từ các mái nhà có bề mặt tán xạ lớn hơn nhiều so với một UAV cỡ nhỏ.

Những điều nêu trên dẫn đến kết luận rằng, chỉ có thể phòng vệ chống lại UAV mini của bọn khủng bố bằng cách tổ chức tuần tra bằng trực thăng trên các mục tiêu cần bảo vệ và ở khu vực có thể phóng UAV. 

Kết luận

1. Phân tích tính năng của các lớp UAV khác nhau cho thấy, từ góc độ kỹ thuật và tổ chức, bọn khủng bố đủ khả năng sử dụng chúng. Tiến bộ kỹ thuật và việc tiếp tục phổ biến UAV trong các lĩnh vực quân sự và dân sự sẽ góp phần làm gia tăng mối đe dọa này.

2. Nguy hiểm nhất là việc khủng bố sử dụng UAV để mang phóng vũ khí hủy diệt lớn. Nhưng kể cả mang vũ khí thông thường, chúng vẫn có thể gây ra thiệt hại đáng kể về vật chất và tâm lý, và gây ra rất nhiều thương vong cho con người. 

3. Trong trường hợp của Nga, nguy hiểm nhất là các UAV mini nghiệp dư vì những kiến thức, kỹ năng và thiết bị cần thiết để chế tạo ra các thiết bị này có thể có được mà không bị kiểm soát. Vì vậy, lĩnh vực máy bay mô hình nghiệp dư phải là khu vực được nhà nước ưu tiên chú ý.

4. Nhiệm vụ chủ yếu mà các cơ quan nhà nước Nga phải giải quyết là lấp đầy khoảng trống pháp lý hiện có trong lĩnh vực ứng dụng UAV vào các mục đích kinh tế quốc dân. Đồng thời, điều quan trọng là các hạn chế và các quy tắc áp dụng cho việc mua sắm và sử dụng các thiết bị này không trở thành sự cản trở cho việc áp dụng rộng rãi các thiết bị này ở những lĩnh vực xác đáng về mặt kinh tế.

5. Hệ thống phòng không hiện có của Liên bang Nga không có hiệu quả trong việc đối phó với UAV mini của bọn khủng bố vì hệ thống được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ khác. Vì thế, hướng chính đối phó với UAV mini của khủng bố mini cần được thực hiện qua việc tiến hành kiểm soát không phận bên trên các mục tiêu cần bảo vệ trong các thời điểm đặc biệt (Các thế vận hội, giải vô địch, hội nghị, hội nghị thượng đỉnh,…). Ngoài ra, nhiệm vụ này còn có thể được giải quyết bằng nỗ lực chung của các cơ quan đặc vụ và công chúng nhận thức được mối đe dọa và có tinh thần cảnh giác trong vấn đề này.

Tài liệu tham khảo

[1] Dennis M. Gormley. Hedging Against the Cruise Missile Threat. Survival. International Institute for Strategic Studies, Spring, 1998, P. 92-111.
[2] Dennis M. Gormley. New Developments in Unmanned Air Vehicles and Land Attack Cruise Missiles. SIPRI Yearbook 2002: Armaments, Disarmament and International Security, 2003.
[3] Michael Gips. A Remote Threat Security Management Online, October 2002.
[4] Nonproliferation: Improvements Needed to Better Control Technology Exports for Cruise Missiles and Unmanned Arial Vehicles. Report to the Chairman, Subcommittee on National Security, Emerging Threats and International Relations, Committee on Government Reform, House of Representatives, GAO-04-175, January 2004.
[5] Мясников Е. Угроза терроризма с использованием беспилотных летательных аппаратов: технические аспекты проблемы. Центр по изучению проблем разоружения, энергетики и экологии при МФТИ, Долгопрудный, 2007. С. 7.
[6] Dennis M. Gormley. UAVs and Cruise Missiles as Possible Terrorist Weapons. New Challenges in Missile Proliferation, Missile Defences and Space Security. Ed. By James Clay Moltz, Occasional Paper №12, Center for Nonproliferation Studies, Mauntbatten Centre for International Studies, July 2003.
[7] http://www.interestingprojects.com/cruisemissile/
[8, 9] Ручная авиация. «Коммерсант - Деньги». 25 августа 2003.
[10] Таким образом осуществляется взлет БПЛА «Поиск-2» НИИПФМ ХАИ, http://www.khai.edu/niipfm/russian/sapsan-ru.html/
[11] При составлении таблицы использовались материалы, опубликованные на официальных сайтах разработчиков БПЛА: http://www.dpla,ru, http://www.khai.edu/niipfm/index.htm, а также работа А. Смолякова: Первым делом самолеты без пилота // Авиация общего назначения, №7, август 1995.
[12] Максимальная дальность полета ограничивается не столько количеством топлива на борту, сколько дальностью связи БПЛА с наземным пунктом управления, которая определяется мощностью наземного радиопередатчика.
[13] Мини-БПЛА «Фазан» предназначен для тренировки расчетов ПВО.
[14] Масса системы управления «Отшельник» составляет 0,3 кг, http://www.dpla.ru/otshelnik/otshelnik.pdf
[15] John W.R. Lepingwell. Soviet Strategic Air Defense and the Stealth Challenge. International Security, Fall 1989, Vol. 14, № 2. Р. 64-100.
[16] Ходаренок М., Тихомиров Ю. Программа перевооружения по бизнес-плану // Независимое военное обозрение, 22 августа 2003; Гапотченко О.О. В ожидании нового Руста // Военно-промышленный курьер, 24 декабря 2003.
[17] Дубов Г.К. России грозит слепота // Независимое военное обозрение. 28 апреля 2000.

Nguồn: Vladimir Karyakin, PTS KHQS, Đại tá về hưu, giảng viên Đại học Quân sự, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga // NOZ, №5 (47), 8.2017.

Print Print E-mail Print