VietnamDefence -
Kế hoạch bay thử nghiệm J-15 trong năm nay đang bị đe dọa bởi vấn đề với động cơ và hệ thống điều khiển bay.
 |
J-15 đang bay thử?
|
Tạp chí Kanwa Asian Defence số tháng 5.2010 đăng bài báo viết về thành tựu phát triển tiêm kích trên hạm J-15 của Tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương (Shenyang Aircraft Corporation - SAC, Trung Quốc).
Nhiều nhà quan sát ngạc nhiên với tiến bộ nhanh chóng này, bất ngờ cả với nền công nghiệp rất mạnh và phát triển nhanh như Trung Quốc.
Nhưng cũng có những khó khăn như Trung Quốc không có phi công tàu sân bay, những người có thể tiến hành thử nghiệm tiêm kích mới, hàng loạt vấn đề với hệ thống điều khiển, còn động cơ tự chế tạo WS10A Taihang vẫn cần phải hoàn thiện.
Dự đoán, những khó khăn này không phải quá nguy cấp bởi vì tiến độ chế tạo J-15 cần phải tương ứng với tiến độ đóng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.
Một nguồn tin của Kanwa trong ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc cho biết, công ty SAC vào tháng 11.2009 đã hoàn thành lắp ráp mẫu chế thử đầu tiên của tiêm kích trên hạm J-15.
Nhiều nguồn thạo tin cũng nói rằng, từ tháng 11.2009, Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm loại máy bay làm nhái tiêm kích trên hạm Т10К của Liên Xô lắp cánh gập tại SAC. Đến tháng 1.2010, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy máy bay đã được thử nghiệm trên không.
J-15 dùng cánh gập rất giống với Su-33 và các tùy viên quân sự phương Tây ở Bắc Kinh đã tưởng nhầm nó là mẫu chế thử thứ ba của Т10К mà Trung Quốc mua trước đó của Ukraine. Nhưng Kanwa xác nhận J-15 sơn màu vàng đã chính thức mang ký hiệu J-15 và do SAC tự lực sản xuất.
Dự đoán, Trung Quốc bắt tay vào thử nghiệm J-15 từ năm 2010. Lý do để Trung Quốc có thể sản xuất bản nhái Su-33 nhanh đến thế là Trung Quốc đã mua được mẫu chế thử Su-33 tại Trung tâm nghiên cứu NITKA của Ukraine. Nguồn tin của Kanwa nói rằng: “căn cứ vào các cuộc thử nghiệm được tiến hành, vấn đề với cánh gập đã được giải quyết”.
Hiện nay, vấn đề then chốt là bay thử. Có những vấn đề hệ thống nghiêm trọng trong lĩnh vực này. Kanwa khẳng định rằng, theo thực tiễn ở Trung Quốc, các vụ bay thử phải tiến hành tại nhà máy chế tạo máy bay, tất cả các phi công thử nghiệm đều xuất thân từ không quân Trung Quốc. Hiện không có các phi công thử nghiệm đến từ không quân hải quân. Sau đó, máy bay phải được đưa đến trung tâm thử nghiệm không quân Yanliang để thử tiếp.
Do đó, hải quân Trung Quốc phải thành lập trung tâm thử nghiệm riêng, nơi sẽ đào tạo phi công thử nghiệm hải quân. Đến nay, trung tâm này vừa mới đang được xây dựng. Hiện chưa rõ J-15 sẽ được thử nghiệm thế nào.
Kanwa dự báo, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ được trang bị biến thể Su-33 do Trung Quốc chế tạo mà kết cấu hoàn toàn tương tự J-15.
Bốn năm trước, hải quân Trung Quốc đã lựa chọn chủng loại máy bay trên hạm. Công ty chế tạo máy bay Thành Đô (Chengdu Aircraft Company - CAC) đã đề xuất cải tiến tiêm kích J- 10 của họ thành máy bay 2 chỗ ngồi để triển khai trên tàu sân bay của Trung Quốc, nhưng bị bác bỏ. Lý do chính là SAC cần phải sản xuất các máy bay mới để còn thể sống sót.
Kanwa cũng khẳng định, động cơ Taihang (WS10A) vẫn ở trong giai đoạn thiết kế và chưa được nhận vào trang bị của không quân và hải quân Trung Quốc. Những nhược điểm của WS10A đã mang tính kinh niên, chủ yếu là vật liệu sử dụng và độ tin cậy.
Các vật liệu composite do Trung Quốc chế tạo không đạt trình độ của Nga hay Mỹ kể cả về cấu trúc và chất lượng.
Nhờ có những kết quả nghiên cứu này mà tốc độ nghiên cứu chế tạo J-15 sẽ đáp ứng tiến độ đóng tàu sân bay của Trung Quốc. Bởi vậy, Trung Quốc không còn cần mua Su-33 của Nga nữa.
Sau khi qua các thử nghiệm trên giá thử mặt đất, động cơ Taihang có dự trữ làm việc 500 giờ cho đến lần kiểm tra đầu tiên. Nhưng một khi động cơ này ở trên không trung, lập tức xuất hiện trục trặc kỹ thuật thường xuyên. Chính vì thế mà Trung Quốc chẳng dám lắp động cơ Taihang cho các loại siêu phẩm tiêm kích hàng nhái của mình là J-10B (theo thiết kế Lavi của Israel) và J-11B (copy Su-27 của Nga).
Một nguồn tin của Kanwa trong Không quân Pakistan cho biết, nếu Pakistan mua J-10A, máy bay này sẽ không được trang bị động cơ Taihang và điều đó chắc chắn có nghĩa là Pakistan sẽ lựa chọn động cơ của phương tây hoặc Nga cho tiêm kích FC20 (biến thể J-10A dành cho Pakistan), do đó làm tăng giá của tiêm kích này.
Vấn đề thứ hai và quan trọng hơn là hệ thống điều khiển bay của J-15 được chế tạo dựa trên hệ thống dùng cho J-11B vốn đã gặp vô số khó khăn khi sản xuất. Hệ thống này sẽ phải thiết kế lại. Nếu vậy, các vụ bay thử J-15 trong năm nay có thể sẽ gặp phải những khó khăn nhất định.