Vietnamdefence.com

 

Thêm một con hổ giấy

VietnamDefence - Chuyên gia quân sự uy tín Mikhail Barabanov, Tổng biên tập tạp chí Moscow Defense Brief thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ TsAST (Nga) bình luận về J-20.

Sự xuất hiện vào đầu năm nay của mẫu chế thử tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc tạo ra khá nhiều ầm ĩ. Một bộ phận đáng kể các nhà bình luận Nga và phương Tây cắm đầu lao vào vòng xoáy mới của những nhận định về các thành tựu hiện đại hóa kỹ thuật quân sự của Trung Quốc, sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc và Trung Quốc đang nhanh chóng biến thành một siêu cường quân sự. Những tuyên bố đó nhìn chung là có đầy đủ căn cứ, nhưng khi xem xét kỹ thành tựu của Trung Quốc khiến người ta nghi ngờ về tính đúng đắn trong trường hợp cụ thể này.

Không còn tranh cãi gì nữa, chuyến bay đầu tiên của J-20 ở Thành Đô diễn ra chỉ 1 năm sau chuyến bay đầu của mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 Т-50 của Nga đã đánh dấu một thành tựu lớn của công nghiệp hàng không Trung Quốc. Ý nghĩa chủ yếu của thành tựu này là ở chỗ lần đầu tiên Trung Quốc đã chế tạo được một cái gì đó giống với một máy bay tiêm kích hoàn toàn do họ phát triển. Tất cả các tiêm kích trước đó của Trung Quốc đều hoặc là các bản sao chép có sửa đổi ít nhiều hay các biến thể của các mẫu máy bay Liên Xô (J-6 là MiG-19 sản xuất theo giấy phép, J-7 là biến thể của MiG-21), hoặc được chế tạo như các kiểu được phát triển tiếp của chúng (J-8, Q-5, FC-1), còn tiêm kích chủ lực J-10 của Trung Quốc thì được chế tạo dựa trên các tài liệu về tiêm kích Lavi nhận được từ Israel. Trò sao chép, làm nhái vẫn được Trung Quốc duy trì cho đến nay mà một ví dụ rõ ràng là loại máy bay sao chép trái phép Su-27 có tên J-11B và J-15.

Hiện nay, chúng ta đã lần đầu tiên nhìn thấy một cái gì đó cho thấy một hoạt động tự lực của trường phái thiết kế Trung Quốc. Và cái gì đó này đang để lại ấn tượng hết sức trái ngược.

Về kết cấu, J-20 trông như một thứ sản phẩm lai ghép các giải pháp thiết kế học mót từ các mẫu máy bay thế hệ 5 của Mỹ và Nga là F-22A của Lockheed Martin, mẫu chế thử Т-50 của hãng Sukhoi và mẫu trình diễn công nghệ kém may mắn 1.44 do RSK MiG chế tạo vào cuối thập niên 1990, - và đó là giải pháp rất Trung Quốc. Hơn nữa, chính MiG 1.44 có vẻ là nguồn cổ vũ chính cho người Trung Quốc. Khung thân J-20 có sơ đồ kiểu ‘vịt’ - đó là máy bay cánh đơn với cánh tam giác diện tích lớn, đặt cao và cánh ngang phía trước xoay toàn phần. Phần đuôi không có cánh ngang và có một cặp cánh đứng lớn dưới thân và 2 động cơ lắp gần nhau xem ra sao chép trực tiếp từ MiG 1.44. Sự đam mê thái quá đối với mẫu chế thử máy bay bị loại bỏ của Nga có vẻ hơi lạ, nhất là khi nhiều giải pháp khí động của MiG 1.44 được lặp lại ở J-20 (cánh ngang phía trước, các cánh đứng đuôi dưới thân) mâu thuẫn rõ ràng với các yêu cầu về độ bộc lộ thấp (tàng hình).

Kích thước của máy bay Trung Quốc còn gây kinh ngạc hơn nữa. J-20 rõ ràng là to hơn 2 tiêm kích thế hệ 5 tương đương của Mỹ và Nga - nó có chiều dài ước khoảng 22 m, sải cánh đến 15 m. F-22A của Mỹ dài 18,9 m và sải cánh 13,56 m, còn Т-50 của Nga dài 20 m và sải cánh 14 m. Hơn nữa, J-20 còn có thân dày và đồ sộ khác thường so với các mẫu chế thử, diện tích cánh lớn và cộng thêm là cánh ngang phía trước. Trọng lượng cất cánh tối đa của nó ước đến 40 tấn. Tóm lại, máy bay Trung Quốc có vẻ rõ ràng là quá mập và nặng nề.

Điều đó đặc biệt tương phản với một vấn đề nhãn tiền của Trung Quốc là không có các động cơ thích hợp cho máy bay thế hệ 5. Đến nay, Trung Quốc vẫn phải mua động cơ AL-31F của Nga (lắp trên Su-27) để lắp cho tiêm kích J-10 của họ. Việc hoàn thiện động cơ nội địa tương đương WS10 Taihang (thực tế cũng chế tạo dựa trên một phần AL-31F) có lực đẩy khi tăng lực đến 13 tấn đang vấp phải những khó khăn nghiêm trọng, nên người ta rất nghi ngờ khả năng hoạt động của động cơ này. Nhưng điều chính yếu là ngay cả động cơ WS10 cũng rõ ràng là không đủ để bảo đảm các tham số mà tiêm kích thế hệ 5 đòi hỏi: đó là khả năng siêu cơ động và tốc độ siêu âm.
Các động cơ WS10 hay AL-31F không đủ công suất kể cả cho máy bay nhẹ và gọn gàng hơn là Т-50 của Nga.

Không phải ngẫu nhiên mà sự thiếu vắng loại động cơ thế hệ 5 công suất mạnh (tương tự động cơ Pratt & Whittney F119 của Mỹ với lực đẩy 18 tấn khi tăng lực và 12 tấn ở chế độ hành trình lắp trên F-22A) đã trở thành tử huyệt của chương trình tiêm kích thế hệ 5 PAK FA của Nga. Nga hiện buộc phải sử dụng trên Т-50 động cơ giai đoạn 1 là 117 của NPO Saturn, có lực đẩy khi tăng lực 14,6 tấn và sau này có thể nâng lên 15,5-16,0 tấn.

Chúng ta một mặt thấy một máy bay Trung Quốc rõ ràng quá cỡ và quá nặng với sự hiện diện may lắm là của động cơ WS10 với tính năng kém cỏi đối với một động cơ thế hệ 5. Bởi vậy, J-20 ở dạng như hiện nay về nguyên tắc rõ ràng là không thể đạt các tính năng bay cần thiết cho một tiêm kích thế hệ 5, còn khả năng nó đạt được tốc độ bay hành trình siêu âm chỉ có thể khiến người ta tức cười. Mặc dù trên mạng internet Trung Quốc phổ biến những thông tin đầy tự hào dân tộc về việc phát triển động cơ WS15 có lực đẩy khi tăng lực là 18 tấn, nhưng trình độ chế tạo động cơ hiện nay của Trung Quốc khiến người ta nghi ngờ khả năng ra đời một động cơ như vậy trong tương lai gần. Không phải ngẫu nhiên mà phía Trung Quốc trong năm 2010 đã ráo riết đàm phán với Nga về việc mua các lô động cơ 117S và đã được sự nhất trí sơ bộ.

Cũng gây ra những nghi ngờ lớn như thế là khả năng của Trung Quốc trong tương lai gần tự lực chế tạo được các thiết bị điện tử hàng không thực sự có khả năng cạnh tranh của tiêm kích thế hệ 5 - trước hết là hệ thống radar mạng pha chủ động. Cũng có thể nói như thế về vũ khí hiện đại của máy bay tiêm kích - điều chẳng phải là bí mật là loại tên lửa không-đối-không tầm trung hiện đại nhất của Trung Quốc PL-12 (SFMO) lắp đầu tự dẫn radar chủ động thực tế là được thiết kế ở Nga và sản xuất bằng nhiều linh kiện chủ chốt do Nga cung cấp.

Bởi vậy mà J-20 phô diễn ở Trung Quốc không phải là mẫu chế thử của một tiêm kích thế hệ 5 thật sự và cũng khó lòng trở thành một máy bay như vậy. Ngay cả khi bỏ qua các vấn đề với động cơ và thiết bị điện tử trên khoang, J-20 cũng cần phải thiết kế lại đáng kể nếu không nói là toàn bộ. Ở dạng hiện tại, J-20 là một thứ “mẫu trình diễn công nghệ”, mà về triển vọng thì không thua mẫu MiG 1.44 bất hạnh, loại máy bay mà chính J-20 sao chép một phần, là mấy. Chính ở đây là khác biệt rõ ràng so với Т-50 là máy bay được trau chuốt và rõ ràng đã là mẫu chế thử, mà ngay từ đầu đã khiến những người quan sát không nghi ngờ mà nghĩ ngay đây là máy bay chiến đấu tương lai thật sự.

Bản thân bề ngoài của J-20 cũng cho thấy rằng, công nghiệp hàng không và các công trình sư máy bay Trung Quốc đang ở giai đoạn dờ dẫm đi tìm phong cách cho riêng mình vẫn cóp nhặt nhiều giải pháp của nước ngoài - tuy nay thì không phải là sao chép toàn bộ nữa (tuy không nên quên chuyện sao chép Su-27), mà từng phần nhỏ. Đó là phong cách đặc thù hiện nay của Trung Quốc. Tuy nhiên không rõ cách lai ghép như thế và tạo ra đủ thứ sản phẩm lai tạp như vậy có phải là hướng đi thật sự hiệu quả và có khả năng hoạt động không trong một lĩnh vực phức tạp như chế tạo máy bay chiến đấu.

Dẫu sao, việc nó đến “cú đột phá Trung Hoa” trong lĩnh vực máy bay chiến đấu là quá sớm và J-20 đúng ra cho thấy Trung Quốc không có khả năng thực hiện cú đột phá đó ở giai đoạn phát triển hiện nay của công nghiệp hàng không Trung Quốc. Điều gì sẽ xảy ra sau 10 hay 15 năm nữa thì hiện giờ khó nói trước. Nhưng rõ ràng là hiện tại Т-50 của Nga và các nhà thiết kế ra nó có đủ cơ sở để Nga trở thành nước thứ hai trên thế giới đưa vào trang bị tiêm kích thế hệ 5 hai động cơ thật sự.

  • Nguồn: Mikhail Barabanov // Odnako, 7.2.2011.

Print Print E-mail Print