Vietnamdefence.com

 
Tags: PAK FA , T-50 , F-35

PAK FA làm mất chức một thiếu tướng Mỹ và giết chết F-35

VietnamDefence - Máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA vừa bay thử đã gây ra nhiều tai ương: 250 máy bay F-15, F-16 của Không quân Mỹ sẽ bị loại bỏ, 1 thiếu tướng phụ trách chương trình JSF F-35 bị sa thải và theo một số chuyên gia phương Tây, nó sẽ giết chết chương trình F-35 của Mỹ, buộc Mỹ thay đổi chương trình phát triển không quân chiến thuật.

Việc đăng tải các bức ảnh và video các cuộc thử nghiệm máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA của  Nga đã cho phép các chuyên gia phương Tây có được và phân tích những thông tin mới về PAK FA. Vị thế dẫn đầu về công nghệ hàng không của Mỹ bị đe doạ nghiêm trọng.

Mỹ hiện là quốc gia duy nhất sở hữu tiêm kích thế hệ 5 F-22A Raptor. Đây là máy bay tiên tiến nhất hiện nay, bảo đảm cho không quân Mỹ vị thế thống trị trên không một khi xảy ra xung đột quân sự quy mô lớn. Nhưng các bức ảnh và video clip bay thử của PAK FA cũng làm các nhà phân tích của không quân Mỹ lo lắng.

Thế hệ 5 đắt tiền

F-22A Raptor không chỉ là máy bay tiêm kích hoàn thiện nhất hiện có trong trang bị mà còn là máy bay đắt tiền nhất. Đơn giá 1 máy bay là đến 140 triệu USD. Thấy kinh phí phải chi để tái trang bị không quân bằng F-22 là quá lớn, Mỹ liền phát triển chương trình rẻ tiền hơn F-35 Lightning II.

Công ty Lockheed Martin đặt nhiều hy vọng vào các biến thể của F-35 như một mặt hàng xuất khẩu mà Mỹ dự định bán cho các đồng minh. Đơn giá F-35 tuy rẻ hơn F-22, nhưng cũng vẫn khá cao, theo các đánh giá là đến 110 triệu USD.
Dự án F-22 bị nguy cơ bị cắt tài trợ nên, người ta cam kết trang bị một số lượng lớn F-35 cho Không quân, Thuỷ quân lục chiến và Hải quân Mỹ. Tổng cộng, kể cả xuất khẩu, đến năm 2027 dự kiến chế tạo đến 4500 chiếc F-35 các kiểu.

Scandal xung quanh F-35

Ban đầu, F-22 không dành để xuất khẩu. Kể cả với những đồng minh thân thiết nhất, Mỹ cũng từ chối bán F-22 vì sợ thất thoát công nghệ. Theo các chuyên gia, F-35 chỉ có khả năng thực hiện tốt các nhiệm vụ chiến thuật trong điều kiện nắm giữ ưu thế trên không nhờ sử dụng F-22. Trong khi đó, Lockheed Martin mời chào các khách hàng nước ngoài F-35 như một tiêm kích thế hệ 5 hiện đại đúng nghĩa.

Tháng 8.2008, tại căn cứ không quân Mỹ Hickam ở quần đảo Hawaii đã tiến hành cuộc diễn tập Pacific Vision-2008, có mời đại diện bộ quốc phòng các nước có khả năng mua F-35 tham dự. Cuộc tập trận đã cho thấy trong không chiến, F-35 không thể đối đầu được với Su-35, mặc dù có sự khác biệt hình thức về thế hệ tiêm kích. Khả năng của F-35 đối phó với các hệ thống tên lửa phòng không Nga cũng bị nghi ngờ.

Thông tin về những nhược điểm của F-35 không thể lan truyền qua bộ quốc phòng Australia vốn bị ràng buộc với Mỹ bởi các hiệp định không tiết lộ bí mật. Nhưng các đại diện của trung tâm phân tích độc lập Air Power Australia đã đăng một báo cáo khá chi tiết về kết quả diễn tập, trong đó nói rằng, F-35 chỉ giống F-22 về giá và 2 thiết kế này khác nhau như xe tay ga (scooter) nhỏ với động cơ 50 phân khối với một siêu mô tô.

Thiếu tướng Charles Davis, lãnh đạo chương trình F-35 (7.2006-5.2009), đã lên tiếng kịch liệt bác bỏ thông tin chỉ trích này, nhưng rõ ràng là các đồng minh của Mỹ không muốn mua F-35 với giá gần như F-22.

Nhưng dường như chuyến bay thử thành công của PAK FA T-50 của Nga, đã góp phần cùng các lý do chậm tiến độ, trội chi và kết quả yếu kém đã làm cho người đứng đầu Lầu Năm góc mất hết kiên nhẫn. Ngày 1.2.2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã ra một quyết định bất ngờ là sa thải Thiếu tướng David R. Heinz, giám đốc điều hành chương trình JSF F-35, đồng thời nhà thầu dự án là Lockheed Martin sẽ bị phạt mất 614 triệu USD tiền thưởng do chậm tiến độ đưa F-35 vào sản xuất loạt.

Robert Gates chưa nêu tên viên sĩ quan mới phụ trách chương trình, chỉ biết rằng ông ta sẽ là viên tướng không dưới "3 sao" căn cứ vào tầm quan trọng của dự án. Gates đã bày tỏ sự bực tức đối với việc điều hành "không hiệu quả" dự án và tuyên bố những người đóng thuế không phải chịu "gánh nặng" như thế. "Không thể trả thêm chi phí cho chương trình này, đồng ý với sự chậm trễ mà trong khi đó lại không hỏi han gì những người phải chịu trách nhiệm. Tại sao công việc tiến triển tồi tệ, người ta cần phải báo cáo về chuyện đó", - Gates tuyên bố.

PAK FA giết chết chương trình F-35

Khác với những người chỉ trích PAK FA ở Nga nói đến việc máy bay chưa có động cơ mới, những khó khăn có thể có về tài chính và những nhược điểm của các giải pháp hệ thống để có thể sử dụng máy bay như một thành tố của hệ thống tác chiến công nghệ cao liên kết không gian thông tin của các đơn vị hải, lục, không quân, thì các nhà phân tích phương Tây lại có thái độ rất nghiêm túc đối với dự án của Nga.

Khi phân tích các hình ảnh có được của PAK FA, các chuyên gia lưu ý khả năng cơ động của nó có thể vượt trội so với F-22 nhờ có cơ cấu cánh tốt hơn  và các cánh lái hướng và độ cao xoay toàn phần.

Họ cũng nhận thấy máy bay có tính tàng hình tốt nhờ biên dạng thấp hơn, kết cấu hình học hiệu quả của các mặt phẳng từ giác độ phản xạ sóng vô tuyến, cũng như khả năng mang vũ khí trong thân.

Khi có được các thông tin về động cơ mới của NPO Saturn phát triển cho tiêm kích thế hệ 5 đang được thử nghiệm, các nhà phân tích phương Tây dự đoán máy bay Nga có mức trang bị sức kéo khá cao. Việc phân tích hình dáng của bộ càng và diện tích cánh nâng cho thấy ngay từ đầu máy bay đã được thiết kế cho khả năng sử dụng trên tàu sân bay, điều này làm tăng tiềm năng xuất khẩu PAK FA.

Trong khi những người Nga chỉ trích thì lớn tiếng chê bai chất lượng vũ khí Nga thì các chuyên gia phương Tây ngợi ca về hơn 50 năm kinh nghiệm chế tạo máy bay tiêm kích phản lực và khâm phục trình độ cao của trường phái chế tạo động cơ máy bay của Nga.

Không chỉ có ưu thế trên không của không quân Mỹ mà cả vị thế dẫn đầu của Mỹ trên thị trường máy bay tiên tiến đang bị đe doạ. Trong khi F-22 không được bán ra nước ngoài vì sợ rò rỉ công nghệ, PAK FA ngay từ đầu được định vị như một máy bay xuất khẩu. Kể cả các đồng minh thân cận của Mỹ như Australia cũng tỏ ra bất mãn với chính sách của Mỹ trên thị trường vũ khí.

Vài chuyến bay của PAK FA đã không chỉ giáng đòn mạnh vào chương trình F-35 vì tạo ra sự nghi ngờ về việc có nên tiếp tục chương trình này nữa hay không. Rõ ràng là chỗ dựa của người Mỹ để trang bị cho không quân của mình cũng như xuất khẩu bây giờ phải là F-22. Nhưng nếu như việc cho phép xuất khẩu công nghệ bí mật là vấn đề chính trị và khi muốn có thể giải quyết nhanh thì việc tài trợ cho việc sản xuất máy bay "bằng vàng" F-22 sẽ ngày càng khó.

Trong một bài tổng quan mới đây, trung tâm nghiên cứu độc lập Air Power Australia hết sức ca ngợi, coi PAK FA hơn hẳn F-35 cả cái đầu và gần tiếp cận với loại F-22 hùng mạnh nhất chỉ dành cho quân đội Mỹ. Trường phái chế tạo máy bay Nga cũng được khen ngợi vì thiên hướng của các nhà thiết kế Nga đối với việc phát triển từng bước, một cách tiệm tiến các máy bay của mình cho phép chúng có độ tin cậy vô song khác với các máy bay tương tự của Mỹ.

Người Mỹ ngay từ đầu phát triển F-35 như một máy bay tương đối rẻ để xuất khẩu và các nhu cầu không ưu tiên. Nhưng trong các cuộc không chiến diễn tập với Su-35 tiến hành năm 2008, F-35 tỏ ra kém xa Su-35. Do tiến độ chậm trễ nên F-35 cũng không hề rẻ (khoảng 110 triệu USD). Vì thế, nếu Nga cuối cùng cùng đưa được PAK FA vào sản xuất loạt thì F-35 sẽ là đồ chơi đắt tiền mà thị trường không cần đến.

Máy bay tiêm kích tiến công đa năng Joint Strike Fighter trong những năm tới sẽ là một trong những loại vũ khí then chốt của quân đội Mỹ. Dự án JSF là dự án đắt tiền nhất trong lịch sử hiện đại của Lầu Năm góc. Tổng cộng, kể cả sản xuất số lượng máy bay cần thiết, dự án cần khoản tiền mà theo các chuyên gia là gần 300 tỷ USD. Người ta hy vọng trước năm 2012, F-35 sẽ được đưa vào trang bị. Nhưng việc thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn và Robert Gates trước đó đã công khai chỉ trích kết quả thực hiện.

Mới đây, có tin Không quân Mỹ cũng đã quyết định loại khỏi biên chế chiến đấu 250 máy bay tiêm kích thế hệ 4 F-15 và F-16 - một quyết định được cho là một phần do sự xuất hiện của PAK FA T-50.

Mẫu máy bay tiêm kích thế hệ 5 bay thử PAK FA T-50 của Nga bắt đầu thử nghiệm ngày 23.12.2009 (máy bay lăn ra đường băng sân bay). Tháng 1.2010, 2 mẫu chế thử thực hiện một số lần lăn thử, ngày 29.1.2010, T-50-1 bay thử lần đầu trong 47 phút. Chuyến bay thứ hai diễn ra ngày 12.2.2010 và chuyến bay thứ ba vào ngày 15.2.2010. Sau đó, máy bay chuẩn bị để chuyển Zhukovsky để thử tiếp.

Print Print E-mail Print