Kỷ niệm 37 năm Điện Biên Phủ trên không: Con người vẫn là yếu tố quyết định trong chiến tranh, nếu có quyết tâm và sự thông minh, mưu trí, sáng tạo, vẫn có thể đánh thắng kẻ thù vượt trội về vũ khí và công nghệ kể cả bằng vũ khí lạc hậu. Điều lý thú là chiến công của phòng không Nam Tư mang đậm dấu ấn kinh nghiệm của phòng không Việt Nam.  "> Vietnamdefence

Vietnamdefence.com

 

Kinh nghiệm đánh máy bay tàng hình F-117A của Nam Tư

VietnamDefence - Kỷ niệm 37 năm Điện Biên Phủ trên không: Con người vẫn là yếu tố quyết định trong chiến tranh, nếu có quyết tâm và sự thông minh, mưu trí, sáng tạo, vẫn có thể đánh thắng kẻ thù vượt trội về vũ khí và công nghệ kể cả bằng vũ khí lạc hậu. Điều lý thú là chiến công của phòng không Nam Tư mang đậm dấu ấn kinh nghiệm của phòng không Việt Nam. 

Bắn hạ B-52 và F-117A: Hai chiến công, một niềm tự hào

37 năm trước, bộ đội phòng không-không quân Việt Nam đã lập nên một chiến công lịch sử, một Điện Biên Phủ trên không, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược Linebacker 2 của đế quốc Mỹ nhằm vào Hà Nội và Hải Phòng (18-30.12.1972), quật ngã hàng chục pháo đài bay B-52 Stratofortress, biểu tượng sức mạnh không lực Hoa Kỳ. 27 năm sau chiến công của phòng không Việt Nam, bộ đội phòng không Nam Tư cũng đã giành một thắng lợi chấn động khi lần đầu tiên bắn hạ máy bay tàng hình F-117A Nighthawk của không quân Mỹ trong 78 ngày đêm chiến đấu chống lại không quân Mỹ và NATO (27.3-10.6.1999).

Hai chiến công ấy khẳng định một chân lý: con người vẫn là yếu tố quyết định trong chiến tranh, nếu có quyết tâm và sự thông minh, mưu trí, sáng tạo, vẫn có thể đánh thắng kẻ thù vượt trội về vũ khí và công nghệ kể cả bằng vũ khí lạc hậu.

Điều lý thú là chiến công của phòng không Nam Tư mang đậm dấu ấn kinh nghiệm của phòng không Việt Nam.

Xác B52 bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội


 

Xác F-117A bị bắn rơi ở ngoại ô Belgrade. Ảnh: serbnews.com


Đánh trả chiến dịch Sức mạnh đồng minh (Operation Allied Force)

Ngày 24.3.1999, không quân NATO bắt đầu chiến dịch không kích dài 78 ngày chống Nam Tư, cuộc chiến tranh lớn đầu tiên ở châu Âu sau Thế chiến II và một cuộc chiến tranh công nghệ cao điển hình. Ngày 10.6.1999, chiến sự chấm dứt. Quân đội Nam Tư phải rút khỏi Kosovo nhường chỗ cho lực lượng KFOR của NATO và Serbia mất quyền kiểm soát đối với khu vực Kosovo. 

TLPK S-125 Neva của Lữ đoàn TLPK 250, Serbia - Ảnh: http://www.vs.rs/


 
Trong cuộc chiến này, trước ưu thế gần như tuyệt đối của không quân đối phương, quân đội Nam Tư nói chung, phòng không nói riêng đã chiến đấu kiên cường và lập công xuất sắc. Thành công nhất là họ đã cơ bản bảo toàn được lực lượng. Bất chấp, những cuộc đánh phá ác liệt của kẻ thù, các tên lửa phòng không (TLPK) Serbia vẫn là mối đe dọa lớn trong suốt cuộc chiến, buộc máy bay NATO phải bay ở độ cao trên 4500 m.

Theo NATO, trong thời gian không kích, tại Kosovo họ đã tiêu diệt: gần 60% pháo binh và gần 40% xe tăng Nam Tư và ở sân bay Slatina tại thủ phủ Pristina của Kosovo chỉ còn 4 MiG-21 của phía Nam Tư. Vì thế, lực lượng NATO kinh ngạc khi đếm được 60000 quân Serbia rút khỏi Kosovo chứ không phải 40000 quân như họ từng nghĩ, gần 250 xe tăng, ít nhất 450 xe bọc thép chở quân, gần 600 khẩu pháo các loại, các bệ phóng tên lửa. Họ cũng sửng sốt chứng kiến 11 chiếc MiG-29 và 21(29) chiếc MiG-21 lần lượt bay khỏi sân bay Slatina ở Pristina về phía Bắc, tới Belgrade ngày 12.6.1999. Vào đầu chiến tranh, ngày 25.3, không quân Nam Tư chỉ có 16 MiG-29, trong đó có 2 chiếc ở tình trạng không sử dụng được. Nghĩa là trong 78 ngày ném bom tàn bạo, NATO chỉ tiêu diệt được 3 MiG-29. Một số nhà bình luận nói, thực sự là tàng hình không phải là F-117A, mà là máy bay MiG của Serbia. Cuộc đột kích kỳ lạ và chớp nhoáng của 200 lính dù Nga xuống sân bay Slatina đã ngăn không để các máy bay MiG của Nam Tư lọt vào tay NATO.

Theo số liệu của Nam Tư, quân đội Nam Tư đã bắn rơi tổng cộng 128 máy bay, 14 trực thăng, 60 máy bay không người lái, 454 tên lửa hành trình. Theo thông tin của NATO, trong số hơn 1000 máy bay tham chiến, chỉ còn lại hơn 80%.
Vài lời về F-117A Nighthawk (Chim ưng đêm)

F-117A là máy bay chiến đấu tàng hình sản xuất loạt đầu tiên trên thế giới, do hãng Lockheed (Mỹ) phát triển theo chương trình bí mật Aurora năm 1974, thực hiện chuyến bay đầu ngày 18.6.1981, đưa vào trang bị cho Không quân Mỹ ngày 15.10.1983 và loại khỏi trang bị ngày 22.4.1988. Tổng cộng đến năm 1990, đã chế tạo 64 máy bay loại này - 5 mẫu chế thử YF-117A và 59 chiếc sản xuất loạt F-117A. Trong 25 năm, Nighthawk đã tham gia 5 chiến dịch: xâm lược Panama năm 1989, chống Iraq năm 1991 và 2003, không kích Nam Tư năm 1999, xâm lược Afghanistan năm 2001. 

F-117A Nighthawk - Ảnh: wikipedia.org


 
Trong cuộc chiến chống Iraq năm 1991, F-117A đã trở thành ngôi sao sáng chói, thể hiện hiệu quả chiến đấu rất cao. Trong cuộc chiến, F-117A đã thực hiện 1271 phi vụ dài 7000 giờ và thả 2087 quả bom dẫn bằng laser GBU-10 và GBU-27 tổng trọng lượng gần 2000 tấn, tức là gần 1% tổng số phi vụ của không lực liên quân (và dưới 4% tổng số phi vụ chiến đấu). Hiệu quả (số lượng phi vụ/số mục tiêu chỉ định bị diệt) là 80-95%, đánh trúng 1669 lần, chỉ đánh trượt 418 lần. Chiếm chỉ 2,5% số máy bay tại vùng Vịnh, F-117A tiêu diệt gần 40% số mục tiêu mặt đất ưu tiên mà không bị tổn thất nào.

Tại Quốc hội Mỹ, trung tướng Charles Horner, tư lệnh không quân liên quân tuyên bố các máy bay tàng hình như F-117A và В-2 sẽ là không thể thay thế trong các cuộc xung đột tương lai như chiến tranh ở vùng Vịnh.

Trong cuộc chiến 78 ngày chống Nam Tư, 24 chiếc F-117A được triển khai đến châu Âu F-117 và đã thực hiện gần 850 phi vụ. Tuy nhiên, khác với Iraq, phòng không Nam Tư đã kiên cường đánh trả bắn rơi tại chỗ 1 F-117 ở gần làng Budanovci, ngoại ô Belgrade ngày 27.3.1999 và 1 chiếc khác bị bắn bị thuơng ngày 30.4.1999 nhưng vẫn cố bay tới được căn cứ Aviano ở Italia và hạ cánh an toàn.

Một điều thú vị nữa là chính Lý thuyết tán xạ của P.Ya. Ufimtsev, nhà vật lý và nhà toán học Liên Xô, đã giúp các kỹ sư của Lockheed (Mỹ) trong thập niên 1970 xây dựng khái niệm máy bay có độ bộc lộ radar thấp và chế tạo F-117A (công nghệ tàng hình thế hệ 1), đặc biệt là phát triển máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit (công nghệ tàng hình thế hệ 2) của hãng Northrop. Bởi vậy, Ufimtsev được coi là cha đẻ của công nghệ máy bay tàng hình hiện đại.

Cuộc săn lùng quái điểu F-117A của đại tá Zoltán Dani

Phù hiệu của Lữ đoàn TLPK 250 của Serbia - Ảnh: http://www.vs.rs/

20h42, ngày 27.3, giờ Belgrade, cách phía Tây thành phố 30 km, những mảnh vụn của một chiếc máy bay F-117A mà một phút trước đó được coi là tàng hình rơi xuống đất. Một quả tên lửa S-125 cũ kỹ của thập kỷ 1960 đã kết liễu kỳ quan kỹ thuật mà Mỹ mất hàng tỷ đô la để chế tạo.
 
Việc tên lửa phòng không (TLPK) Nam Tư bắn rơi F-117A, loại máy bay tưởng chừng bất khả xâm phạm, đã làm cho Mỹ lo lắng và giới quân sự trên thế giới có nhiều giả thiết khác nhau về cách thức người Serbia làm được việc đó.

Năm 2005, sau khi về hưu, đại tá Zoltán Dani, sĩ quan phòng không Serbia đã nổi tiếng thế giới vì đã bắn rơi máy bay tàng hình tối tân F-117A bằng 1 quả tên lửa cũ kỹ 40 năm tuổi của Liên Xô, đã tiết lộ bí quyết bắn rơi F-117A. Theo đó, bí quyết này không chỉ gồm các biện pháp kỹ thuật mà còn nằm ở khâu chuẩn bị chiến dịch. 

Năm 1999, Zoltán là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3, lữ đoàn TLPK 250 bảo vệ thủ đô Belgrade. Tiểu đoàn 3 có hơn 200 người, được trang bị các radar sục sạo và điều khiển, 4 bệ phóng TLPK S-125 Neva (SA-3 Goa), mỗi bệ lắp 4 tên lửa. Ngoài chiến tích vang dội nhất là tiêu diệt F-117, đơn vị của Zoltán còn bắn rơi 1 chiếc F-16 của Mỹ và nhiều lần chiến đấu xuất sắc trong cuộc chiến tranh này, bẻ gãy nhiều cuộc tập kích của máy bay NATO. Không quân NATO không tiêu diệt nổi một radar hay bệ phóng nào của tiểu đoàn 3. 

Mảnh kính buồng lái F-117 bị bắn rơi ở Serbia. Ảnh: serbnews.com


 
Bí quyết hạ quái điểu F-117A của Zoltán:

  • Chú trọng huấn luyện bộ đội sử dụng vũ khí, khí tài. Zoltán biết rõ từng người lính dưới quyền và hoàn toàn tin tưởng họ. Một thời gian dài trước khi NATO bắt đầu không kích, ông thường xuyên cho binh sĩ luyện tập sử dụng thành thục vũ khí, khí tài trong biên chế.
  • Bảo mật thông tin liên lạc. Zoltán tổ chức hệ thống liên lạc qua cáp hữu tuyến (không dùng vô tuyến điện và điện thoại di động) và dùng giao liên chạy bộ hay đi ô tô để liên lạc nhằm tránh trinh sát điện tử của NATO nghe lén nội dung điện đàm. Vì thế, NATO không thể xác định được vị trí của tiểu đoàn 3 để sử dụng tên lửa chống radar HARM và bom thông minh chế áp.
  • Cơ động liên tục. Các radar và bệ phóng của đơn vị liên tục thay đổi trận địa. Zoltán sử dụng một bộ phận quân số thường xuyên đi tìm kiếm các trận địa mới để triển khai đơn vị, thực hành triển khai, thu hồi và di chuyển vũ khí, khí tài. Trong 78 ngày không kích, đơn vị đã di chuyển hơn 100000 km. Mỗi lần rút đi, đơn vị để lại các bộ tạo giả radar và các mô hình làm bằng vật liệu sẵn có để nhử máy bay NATO đến đánh phá. Zoltán không công khai đối đầu với máy bay ném bom để tránh bộc lộ vị trí các radar và tên lửa của đơn vị mà nằm im phục kích đón lõng để chờ cơ hội bắn rơi F-117.
  • Tổ chức hoạt động tình báo và trinh sát. Nam Tư đã cho tình báo giám sát căn cứ không quân Aviano (Italia), nơi xuất phát của đa số máy bay ném bom NATO. Khi máy bay ném bom cất cánh, các điệp viên ở gần căn cứ liền gọi điện thoại về Belgrade thông báo chủng loại, số lượng máy bay cất cánh. Tại Serbia, mạng lưới đài quan sát được triển khai để theo dõi và thông báo máy bay NATO xâm nhập và đường bay của chúng. Nhờ vậy, Zoltán không cần bật liên tục các radar mà chỉ bật trong thời gian ngắn vào thời điểm cần thiết để tránh bị các máy bay AWACS của NATO phát hiện và điều máy bay tiêm kích tới đánh phá. Không một đài radar nào đơn vị bị tên lửa HARM tiêu diệt. Phía Nam Tư cũng chặn thu và nghe lén được phi công NATO trao đổi với các máy bay AWACS nên biết được đường bay và kế hoạch ném bom của chúng.
  • Tổ chức nghiên cứu sớm về F-117A. Khoảng 10 năm trước khi NATO bắt đầu ném bom, Zoltán đã cố gắng thu thập và nghiên cứu tất cả những thông tin trên báo chí và dư luận về công nghệ tàng hình của Mỹ, F-117, chiến tranh vùng Vịnh 1991. Trên cơ sở đó, ông bố trí và sử dụng các radar để có thể phát hiện máy bay tàng hình. Zoltán cho biết: "Từ lâu trước cuộc chiến tranh năm 1999, tôi đã rất quan tâm đến máy bay tiêm kích tàng hình và làm cách nào phát hiện ra nó. Và tôi kết luận rằng, không có máy bay nào là vô hình cả mà chỉ khó phát hiện hơn thôi". Trước khi chiến tranh nổ ra, Nam Tư đã tổ chức các đoàn quân sự sang Iraq học hỏi kinh nghiệm đối phó với máy bay Mỹ và liên quân.
  • Xác định mục tiêu và phóng tên lửa vào thời điểm cuối cùng khi F-117 đã bay gần tới trận địa làm cho đối phương bất ngờ, không còn cơ hội cơ động tránh đạn tên lửa. Tuy có phẩm chất tàng hình, F-117 lại bay chậm, không thể cơ động đột ngột để tránh đạn TLPK phóng từ tầm gần. Khi bị bắn rơi, F-117 chỉ trận địa phóng 13 km.
  • Phòng không Serbia đã có một số cải tiến đối với hệ dẫn tên lửa giúp tên lửa tự dẫn tốt hơn tới máy bay tàng hình. Zoltán không tiết lộ cụ thể những cải tiến này vì đây vẫn là bí mật quốc gia mà chỉ nói chúng có liên quan đến “sóng điện từ”. Ngoài ra, cũng thông tin nói rằng, đơn vị Zoltán còn được trang bị thiết bị bám quang-điện tử truyền hình hoặc ảnh nhiệt.
  • Khai thác sai lầm chiến thuật của NATO. F-117 xuất kích không có yểm hộ và không thay đổi đường bay. Chiếc F-117 bị bắn rơi đã bay theo cùng một đường bay lần thứ tư liên tục, nhờ vậy bộ đội phòng không Nam Tư đã có cơ hội chuẩn bị kỹ càng cho cuộc đi săn.
  • Hệ thống TLPK S-125 tuy cũ, song lại có ưu điểm khi đối phó với máy bay tàng hình. Các tín hiệu sóng ngắn của các radar hiện đại tần số cao bị tán xạ bởi hình dáng góc cạnh của F-117 nên không thể phát hiện máy bay. Trong khi đó, các radar bước sóng dài (tần số thấp) của hệ thống S-125 tuy không thật chính xác, song lại “nhìn thấy” bất kỳ một vật thể lớn nào trên không. Hơn nữa, F-117 có sức cơ động kém và tốc độ thấp nên là mục tiêu lý tưởng cho các hệ thống TLPK cũ trang bị radar tần số thấp.

Ngay sau khi chiếc F-117 bị bắn rơi, NATO đã áp dụng ngay các biện pháp đối phó. F-117 luôn được các máy bay tiêm kích trang bị tên lửa chống radar cao tốc HARM hộ tống và thay đổi đường bay nên phòng không Serbia đã không thể “phục kích” chúng nữa... Zoltán không thể bắn hạ thêm chiếc máy bay tàng hình nào nữa, nhưng ông đã đi vào lịch sử với tư cách người đầu tiên bắn rơi máy bay tàng hình.

Vụ bắn rơi F-117A ngày 27.3.1999 làm bùng lên sự nghi ngờ không chỉ đối với F-117 mà cả toàn bộ khái niệm công nghệ tàng hình vốn là cơ sở cho thế hệ máy bay chiến đấu tối tân nhất của không quân Mỹ. Khả năng bí mật công nghệ tàng hình của F-117A đã lọt vào tay Nga có lẽ là một trong những nguyên nhân để không quân Mỹ loại bỏ các máy bay này khỏi trang bị năm 2008.

Ông chủ lò bánh mỳ
 

Zoltán Dani, tháng 6.2003. Ảnh: wikipedia

Dani Zoltán là sĩ quan phòng không người Serbia, gốc Hung, tốt nghiệp trường tên lửa phòng không Minsk. Sau khi về hưu với cấp đại tá, ông là chủ một lò bánh mì nhỏ ở làng Skorenovac yên tĩnh ngay phía Bắc Belgrade.

Ngay sau khi bắn rơi F-117A, Nga đã cứ một viên tướng và công trình sư tên lửa S-125 trực tiếp đến hiện trường bắn rơi F-117A và thăm đơn vị của Dani Zoltán. Vị công trình sư Nga đã cởi đồng hồ đeo tay của mình tặng Zoltán. Dani và các đồng đội của ông đã được tặng thưởng huân chương. Dani còn được nước Nga tặng thưởng.

Kể từ năm 1999, Dani và các đồng đội của ông hằng năm thường gặp lại nhau vào ngày 27.3 tại một nhà hàng khách sạn ở Belgrade để ôn lại chiến công năm xưa. Đúng 20h42 giờ Belgrade, đèn tắt hết, một chiếc máy bay F-117 làm bằng sô cô la được mang vào thết đãi những người có mặt. 

Print Print E-mail Print