Phần 2: PAK FA: Phân tích kỹ thuật "> Vietnamdefence

Vietnamdefence.com

 

PAK FA. Những quan sát đầu tiên

VietnamDefence - Tổng quan về máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 của Sukhoi (Nga) - Phần 1. Ngày 29.1.2010, máy bay PAK FA (hệ thống máy bay chiến thuật tương lai) ở dạng mẫu trình diễn công nghệ, hay mẫu chế thử đầu tiên của Т-50 tương lai hoặc mẫu trung gian giữa 2 dạng này đã lần đầu tiên cất cánh từ đường băng căn cứ không quân Dzemgi (Không quân Nga và hãng KnAAPO cùng sử dụng) ở Viễn Đông Nga.


Cuối cùng thì một trong những bước cơ bản nhằm thực hiện câu trả lời được chờ đợi lâu nay của người Nga đối với máy bay tiêm kích giành ưu thế trên không F-22 Raptor của Mỹ cũng đã hoàn thành.

PAK FA T-50 trong chuyến bay đầu tiên

Phi công thử nghiệm của KB Sukhoi Sergei Bogdan đã bay trong 47 phút để kiểm tra khả năng điều khiển của mẫu chế thử, tính năng của động cơ và các hệ thống trên khoang chủ yếu, kể cả việc thả và thu càng. "Máy bay đã thực hiện tốt đẹp tất cả các thao tác, nó rất dễ dàng trong điều khiển và tiện lợi đối với phi công", phi công thử nghiệm nói.

Theo lời TGĐ Sukhoi Mikhail Pogosyan, đây là "thành công lớn của trường phái khoa học và thiết kế Nga. Thành tựu này dựa trên sự hợp tác giữa hơn 100 nhà cung cấp và đối tác chiến lược của chúng tôi. PAK FA sẽ đưa công nghiệp hàng không Nga lên một trình độ công nghệ hoàn toàn mới. Các máy bay này cùng với các máy bay tiêm kích thế hệ 4 hiện đại hoá sẽ quyết định diện mạo của Không quân Nga trong những thập kỷ tới".

PAK FA T-50 trong chuyến bay đầu tiên

Ông cũng tuyên bố rằng, "Sukhoi sẽ tiếp tục phát triển chương trình Sukhoi với sự tham gia của các đối tác Ấn Độ". "Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, dự án chung của chúng tôi về hiệu quả chi phí sẽ vượt trội các đối thủ phương Tây và sẽ cho phép củng cố không chỉ sức mạnh chiến đấu của Không quân Nga và Ấn Độ mà còn giành được thị phần đáng kể trên thị trường thế giới".

Một số nguồn tin Nga cho rằng, Т-50 sẽ được nhận vào trang bị năm 2015, song đây mới chỉ là những mong muốn tốt lành. Sukhoi nói rằng, họ sẽ chế tạo 5 mẫu để thử nghiệm. Việc chế tạo các máy bay này dự kiến hoàn thành vào năm 2011-2012, đến trước năm 2015 dự kiến chế tạo xong lô kiểm nghiệm đầu tiên để sử dụng thử. Như vậy, thời điểm Т-50 sẽ đạt trạng thái sẵn sàng hoạt động ban đầu đáng tin hơn là vào cuối thập kỷ này, tức là khoảng 12-15 năm sau F-22. Có những tin đồn dai dẳng nói rằng, chương trình PAK FA chủ yếu do Sukhoi tài trợ trực tiếp (khoảng 75%, còn 25% còn lại do Ấn Độ đảm nhiệm), và dù sao chăng nữa thì rõ ràng là chương trình này sẽ tiến triển tuỳ thuộc vào nguồn thu nhập từ xuất khẩu Su-27/30.

Người ta đã viết nhiều về máy bay tiêm kích thế hệ 5, nhưng gần như chẳng biết được điều gì. Mấy bức ảnh và đoạn video chuyến bay đầu tiên là tất cả những gì tiếp cận được để đánh giá ban đầu về máy bay này.

Một số xem xét từ khía cạnh triển khai sử dụng

PAK FA T-50 trong chuyến bay đầu tiên

Đúng như trông đợi, loại PAK FA 2 động cơ có kích thước và trọng lượng cũng gần như họ máy bay tiêm kích Su-27/30 mà nó sẽ thay thế. Cấu tạo chung của máy bay được tối ưu hoá chủ yếu để làm nhiệm vụ giành ưu thế trên không mặc dù trong tuơng lai, Т-50 chắc chắn sẽ đi theo con đường giống như Su-27 và sẽ biến thành một máy bay tiêm kích-bom rất hiệu quả. Việc nhấn mạnh nhiệm vụ tác chiến không-đối-không là do một là Không quân Nga quan niệm nhiệm vụ chính của mình hoàn toàn khác Không quân Mỹ, và hai là các yêu cầu về khả năng tấn công sâu mục tiêu mặt đất của Không quân Nga đang được Su-34 tính năng cao đang được chuyển giao thoả mãn rất tốt tuy Su-34 không phải là máy bay tàng hình.

Mặc dù một ý nghĩ tự động nảy ra là PAK FA Т-50 được chế tạo để đối đầu trực tiếp với F-22 nên hoàn toàn có khả năng đây thực sự là mục tiêu ban đầu khi chương trình chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 5 lần đầu tiên được khởi động vào cuối thập niên 1980. Nhưng trong kịch bản chiến lược toàn cầu hiện nay thì có lẽ nhiều khả năng hơn là người Nga quan tâm trước hết đến việc duy trì ưu thế đối với các máy bay tiêm kích hiện có J-11/Su-27SK/Su-30MKK và J-12 tương lai của TQ. Ngoài ra, việc triển khai quy mô lớn được trông đợi trong tương lai của các máy bay tiến công F-35 có độ bộc lộ radar thấp sẽ đòi hỏi phải có những máy bay đánh chặn có khả năng đối phó với mối đe doạ này.

Cũng có thể có những đánh giá khác về vai trò tương lai của T-50 trong biên chế Không quân Nga và qua đó đánh giá tổng thể các chương trình sản xuất máy bay chiến đấu ở Nga. Khi thông tin ban đầu về PAK FA mới chỉ vừa xuất hiện, người ta đã thông tin rộng rãi rằng, các máy bay này dùng để thay thế Su-27 và MiG-29, nghĩa là sẽ dẫn tới một lực lượng máy bay tiêm kích chỉ gồm một chủng loại giống như Không quân Pháp với máy bay Rafale. Thật khó xác định đây là tin hoả mù hay đây quả thực là ý đồ của người Nga. Vấn đề là ở chỗ, xét tới kích thước và tính phức tạp của avionics, T-50 sẽ là một máy bay đắt tiền kể cả trong mua sắm và sử dụng, nên thật khó tưởng tượng Không quân Nga có khả năng mua số lượng lớn các máy bay này, chưa nói đến việc bất chấp những dự đoán màu hồng của Pogosyan, Т-50 sẽ chỉ có tiềm năng xuất khẩu rất hạn chế.

Tuy ước tính không chính thức của phương Tây và Nga cho rằng, có thể sẽ sản xuất 250 chiếc cho Không quân Nga, song con số này có vẻ cũng vẫn là quá lạc quan. Sự kết hợp giữa Т-50 và các máy bay tiêm kích thế hệ 4 hiện đại hoá như ông Pogosyan đề nghị hiển nhiên là có ý nghĩa, song điều đáng nghi ngờ là liệu điều đó có thực sự kéo dài "nhiều thập kỷ" khác với Su-35. Ngoài ra, hiện nay Không quân Nga không dự định hiện đại hoá các máy bay tiêm kích MiG-29.

Do đó, Nga cần phải chế tạo 2 loại máy bay tiêm kích thế hệ 5 khác nhau thuộc hạng nặng và hạng nhẹ, đắt và rẻ tiền. Nếu không thực hiện được điều đó, Không quân Nga sẽ lâm vào tình trạng nguy cấp về số lượng máy bay tiêm kích và trên thị trường xuất khẩu thế giới, các mẫu máy bay "vừa túi tiền" của phương Tây và TQ sẽ chiếm lĩnh.

  • Nguồn: Sukhoi PAK FA: First Observations (Part 1) / Sergio Coniglio // defpro.com, 10.2.2010

Print Print E-mail Print