Vietnamdefence.com

 

Sử dụng tên lửa hành trình phóng từ biển và từ trên không trong chiến tranh hiện đại

VietnamDefence - Qua mỗi cuộc xung đột mới, phạm vi nhiệm vụ giao cho tên lửa hành trình (TLHT) phóng từ trên không (ALCM) và từ biển (SLCM) đảm nhiệm lại mở rộng đáng kể, từ những cuộc tấn công đơn lẻ có ý nghĩa thứ yếu nhằm vào các mục tiêu xa đơn lẻ đến sử dụng đầu tiên ồ ạt nhằm vào các mục tiêu quan trọng hơn, được bảo vệ vững chắc hơn, mới được phát hiện trong điều kiện hạ tầng đô thị.

TLHT được sử dụng rộng rãi do một loạt nguyên nhân sau đây:

  1. Sử dụng TLHT cho phép giảm rất nhiều tổn thất của không quân (cả về phương tiện bay có người lái đắt tiền và người lái);
  2. Bề mặt tán xạ hiệu dụng nhỏ của TLHT so với máy bay và độ cao bay tới mục tiêu nhỏ làm giảm mạnh xác suất và cự ly phát hiện TLHT bằng các đài radar, điều đó dẫn đến khả năng bị đối phương bắn chặn và tiêu diệt là thấp;
  3. Ưu điểm của TLHT là khả năng sử dụng trong mọi thời tiết, khả năng bắn trúng mục tiêu không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và thời gian trong ngày đêm.

KQ và HQ Mỹ đã nhiều lần thực hiện các đòn tấn công phủ đầu mạnh mẽ bằng ALCM SLCM. Được phát triển để mang phóng đầu đạn hạt nhân, các tên lửa này hiện được trang bị đầu đạn thông thường và được coi là vũ khí chính xác cao. Trong các cuộc xung đột gần đây, tỷ trọng TLHT trong tổng lượng vũ khí được sử dụng đang ngày càng gia tăng


Do đó, TLHT có thể được sử dụng làm thê đội đi đầu của cuộc tấn công đường không để trấn áp phòng không (PK) của đối phương. Qua mỗi cuộc xung đột mới, phạm vi nhiệm vụ giao cho TLHT phóng từ trên không và từ biển đảm nhiệm lại mở rộng đáng kể, từ những cuộc tấn công đơn lẻ có ý nghĩa thứ yếu nhằm vào các mục tiêu xa đơn lẻ đến sử dụng đầu tiên ồ ạt nhằm vào các mục tiêu quan trọng hơn, được bảo vệ vững chắc hơn, mới được phát hiện trong điều kiện hạ tầng đô thị.

TLHT AGM-86B phóng từ máy bay B-52. Ảnh: airwar.ru

Với sự gia tăng của mục tiêu cho TLHT, số lượng TLHT được sử dụng cũng tăng lên, tỷ trọng TLHT trong tổng lượng vũ khí được sử dụng cũng gia tăng.

Cường độ sử dụng TLHT cũng liên tục gia tăng theo mức độ bộc lộ của những ưu điểm của  loại vũ khí này so với các loại vũ khí khác.

Chẳng hạn, nếu trong 4 ngày đầu tiên của chiến dịch Bão táp Sa mạc (Operation Desert Storm), TLHT chỉ chiếm 16% đòn tấn công thì 2 tháng sau đã là 55%.

Trong chiến dịch Cáo Sa mạc (Desert Fox), TLHT đã thực hiện gần 72% toàn bộ các cuộc tấn công đường không (hơn 370 TLHT các loại).

Và nếu như trong chiến dịch Desert Storm, trong 43 ngày không kích đã có 282 TLHT Tomahawk được phóng vào các mục tiêu đối phương thì trong chiến dịch Tự do cho Iraq (Operation for Iraqi Freedom), trong 15 ngày đêm đầu tiên đã phóng gần 700 quả TLHT.

Hiệu dụng của TLHT đối với các loại mục tiêu khác nhau cũng đã được đánh giá cao và trong chiến dịch Sức mạnh Cương quyết (Operation Determined Force) chống Nam Tư. Tại đây, liên quân NATO đã sử dụng gần 700 TLHT phóng từ trên không và từ biển: 70% trong số đó là nhằm tiêu diệt các mục tiêu tĩnh tại, có mức độ bảo vệ cao và hệ thống PK mạnh, 30% - nhằm vào các mục tiêu hành chính nhà nước và công nghiệp lưỡng dụng.

TLHT Tomahawk Block IV. Ảnh: dic.academic.ru

Các nguyên tắc sử dụng TLHT đã được nghiên cứu và kiểm nghiệm đã tiếp tục được phát triển trong chiến dịch Tự do cho Iraq (Operation Iraqi Freedom).

Chiến dịch mở màn năm 2003 với việc tên lửa Tomahawk phóng từ biển cùng với các loại vũ khí đường không chính xác cao tấn công ồ ạt vào các mục tiêu quân sự và nhà nước ở Baghdad.

Tổng cộng cho đến ngày 15/4/2003, trong khoảng 1.700 cuộc không kích của Mỹ và đồng minh, gần 700 cuộc do TLHT phóng từ trên không và từ biển thực hiện (950 TLHT được sử dụng).

Những cuộc tiến công bằng tên lửa của các tàu ngầm, tàu nổi được hiệp đồng về thời gian với hoạt động của không quân đã bảo đảm tiêu diệt được các mục tiêu xác định trước trên lãnh thổ Iraq (trước hết là các mục tiêu chiến lược).

Các mục tiêu trước tiên của TLHT là các toà nhà của Bộ Quốc phòng và Bộ tổng tham mưu quân đội Iraq  ở khu trung tâm Baghdad, các toà nhà chính phủ và các dinh thự (cung điện) của Saddam Hussein  ngoại ô phía Nam Baghdad, các căn cứ KQ và PK ở Đông Nam Baghdad, các sở chỉ huy quân sự và lãnh đạo hành chính.

TLHT được sử dụng với cường độ cao nhất trong 4 ngày đầu tiên sau khi chiến sự bắt đồng đồng thời từ 3 hướng: Bắc, Tây và Nam. Tiếp đó, TLHT phóng từ trên không và từ biển đã được sử dụng với số lượng ít hơn đáng kể và nhằm vào các mục tiêu quan trọng hơn.


TLHT AGM-86C. Ảnh: Boeing

TLHT phóng từ trên không AGM-86C/D được trang bị cho các máy bay ném bom chiến lược В-52Н huy động chủ yếu ở giai đoạn đầu của phần không kích của chiến dịch.

Các máy bay đã thực hành phóng TLHT ở cự ly 400-600 km so với mục tiêu ấn định (không phận phía trên Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, các vùng phía Đông của Jordanie, vùng biển Tây Bắc Vịnh Persique hay phía trên miền Bắc, Đông Nam hay Tây Nam Iraq). Tổng cộng đã thực hiện gần 150 lần phóng TLHT phóng từ trên không.

Để thực hiện nhiệm vụ sử dụng TLHT phóng từ biển trong chiến dịch Tự do cho Iraq, ở giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, bộ chỉ huy HQ Mỹ và Anh đã kịp thời thiết lập một cụm gồm khoảng 40 tàu mang TLHT phóng từ biển có tổng dự trữ 1000-1200 quả Tomahawk. Tính chất sử dụng các TLHT này trong các giai đoạn của chiến dịch là như sau:

+ 20-28/3/ 2003: Sử dụng ồ ạt, kết hợp đồng thời với các cuộc tấn công bằng TLHT phóng từ trên không (chiếm khoảng 55% trong tổng số TLHT phóng từ biển được phóng đi);

+ 28-30/3/2003: Sử dụng một cách có hệ thống, cả kết hợp với không quân ném bom của KQ Mỹ, lẫn sử dụng độc lập (chiếm gần 30% tổng số TLHT phóng từ biển được phóng đi);

+ 31/3-9/4/2003: Sử dụng đơn lẻ nhằm vào các mục tiêu mới phát hiện nhờ công tác trinh sát bổ sung, sau khi đánh giá mức độ thiệt hại của các mục tiêu tấn công được ấn định trước đó (chiếm khoảng 15% tổng số TLHT phóng từ biển được phóng đi).

Tuần dương hạm tên lửa USS Gettysburg CG 64 của HQ Mỹ ở Bắc biển Arập. Các chiến hạm Mỹ trang bị TLHT phóng từ biển Tomahawk có khả năng tấn công mạnh mẽ đối với các mục tiêu của đối phương trên bộ. Ảnh: HQ Mỹ

Tổng cộng, trong toàn chiến dịch, các tàu nổi và tàu ngầm của HQ Mỹ và HQ Anh đã phóng gần 800 TLHT phóng từ biển Tomahawk thuộc các biến thể BGM-109C Bloc 2, 3 và BGM-109D Bloc 2, 3 (các tên lửa thuộc những biến thể đầu chiếm phần lớn).

Các loại vũ khí được sử dụng rộng rãi có ứng dụng hệ thống đạo hàng vệ tinh Navstar cho phép vũ khí có độ chính xác cao hơn.

Tất cả những điều đó một lần nữa cho thấy, đối với quân đội Mỹ, bất cứ cuộc xung đột quân sự nào cũng là trường thử để thử nghiệm các chủng loại vũ khí trang bị mới và để bắn bỏ những  mẫu vũ khí đã cũ.

Hệ thống điều khiển của TLHT Tomahawk được phát triển trong quá trình tìm kiếm và lựa chọn một hệ thống hiệu chỉnh nhằm nâng cao độ chính xác dẫn tên lửa tới mục tiêu ở giai đoạn bay cuối của tên lửa.

TLHT phóng từ biển Tomahawk BGM-109А Bloc 1 được phát triển để tiêu diệt ở cự ly tối đa các mục tiêu hạ tầng quân sự và công nghiệp quan trọng. Máy móc trên khoang của tên lửa bao gồm: hệ điều khiển quán tính có hiệu chỉnh quỹ đạo bay theo bề mặt địa hình, máy đo cao vô tuyến, máy tính số trên khoang và bộ khuếch đại công suất.

Sai số tích luỹ của hệ thống điều khiển quán tính khi phóng tầm xa dẫn tới việc sai số xác suất của tên lửa vượt quá phạm vi khu vực sát thương của phần chiến đấu của TLHT phóng từ biển. Vì thế mà xuất hiện nhu cầu hiệu chỉnh hệ điều khiển quán tính bằng hệ thống so sánh cực trị TERCOM theo bề mặt địa hình nhờ máy đo cao vô tuyến.

Tuần dương hạm San Jacinto CG 56 của HQ Mỹ. Kíp chiến đấu tại Trung tâm Thông tin chiến đấu đang luyện tập phóng tên lửa Tomahawk Land Attack Missile (TLAM)

Nhiệm vụ tác chiến của tên lửa được nạp vào máy tính số trên khoang và bao gồm: các bản đồ địa hình có xác định sẵn một số khu vực hiệu chỉnh có xét đến hướng vào tấn công mục tiêu, sự hiện diện của các phương tiện PK của đối phương và bề mặt địa hình, các toạ độ mục tiêu và các tham số đường bay của tên lửa. Tên lửa do hãng McDonell Douglas phát triển và được đưa vào trang bị cho HQ Mỹ từ năm 1984. Các TLHT phóng từ biển này bị ngừng sản xuất vào năm 1989.

TLHT phóng từ biển Tomahawk BGM-109C Bloc 2 dùng để tiêu diệt các loại mục tiêu tĩnh trên mặt đất. Vấn đề chính gặp phải trong việc sử dụng Tomahawk BGM-109А Bloc 1 biến thể thông thường là sai số xác suất lớn (trong khoảng 400-500 m).

Để tăng độ chính xác bắn, người ta đã bổ sung hệ thống hiệu chỉnh đường bay quang-điện tử DGSMAC theo bản đồ địa hình số (ngoài hệ thống điều khiển quán tính có hiệu chỉnh đường bay theo số liệu của hệ thống so sánh cực trị TERCOM) vào hệ thống máy móc trên khoang.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống DGSMAC cũng giống như của hệ thống so sánh cực trị TERCOM, nhưng khác ở chỗ nó sử dụng các bản đồ địa hình số nằm trong khối dữ liệu nhiệm vụ tác chiến và được lưu trong bộ nhớ của máy tính số trên khoang.

Thiết bị quang-điện tử này hoạt động  dải sóng nhìn thấy. Máy khuếch đại cho phép nhận được hình ảnh ổn định về ban đêm và trong điều khiện không thuận lợi. Để nâng cao độ chiếu sáng, người ta sử dụng đèn chớp Xenon. Nhờ sử dụng hệ thống DGSMAC, độ chính xác bắn đạt mức độ vài chục mét.Việc sử dụng hệ thống quang-điện tử đã cho phép sử dụng hiệu quả tên lửa thông thường có trọng lượng tới 450 kg.

Các hệ thống quang-điện tử ở dải sóng nhìn thấy cũng có những nhược điểm:

- không thể tiến hành hiệu chỉnh trong sương mù, trong mây, trong điều kiện thời tiết phức tạp;

- không thể tiến hành hiệu chỉnh khi bay trên sa mạc, mặt nước, mặt băng;

- bị gây nhiễu nhân tạo dưới dạng sương mù, khói;

- tham số hiệu chỉnh thấp vào ban đêm và lúc nhá nhem;

- không được phóng tên lửa quá tầm 500 km vì khó đi vào khu vực hiệu chỉnh lần đầu bằng máy đo cao vô tuyến nên làm cho máy bay mang tên lửa khó cơ động và buộc nó phải bay gần bờ biển.

Để nâng cao độ tin cậy cho việc thực hiện hiệu chỉnh trong mọi điều kiện thời tiết và mọi thời gian ngày đêm và tiến hành phóng ở tầm trên 500 km, người ta đã đề xuất lắp các hệ thống đạo hàng vệ tinh trên khoang tên lửa Tomahawk. 

TLHT phóng từ biển Tomahawk BGM-109C Bloc 3 dùng để tiêu diệt các loại mục tiêu tĩnh trên mặt đất có mức độ bảo vệ trung bình. Tên lửa này khác với các mẫu trước ở chỗ, ngoài hệ điều khiển quán tính và so sánh cực trị TERCOM, nó còn được trang bị máy thu hệ thống đạo hàng vệ tinh NAVSTAR và hệ thống hiệu chỉnh đường bay theo bản đồ địa hình số cải tiến DGSMAC-2А, nhờ đó độ chính xác khi bắn tầm tối đa đã đạt mức vài mét. Thiết bị đạo hàng NAVSTAR bảo đảm hiệu chỉnh hệ điều khiển quán tính trên suốt hành trình bay cho đến khi tên lửa tiến vào khu vực mục tiêu.

Máy thu hệ thống NAVSTAR có thể làm việc cùng với h thống TERCOM hoặc độc lập khi tên lửa bay trên địa hình đồng bằng, mặt nước, mặt băng, sa mạc..., nơi mà TERCOM không thể hoạt động hay hoạt động không hiệu quả.

Việc sử dụng thiết bị đạo hàng vô tuyến vũ trụ cho phép phóng TLHT phóng từ biển không bị hạn chế về cự ly khu vực phóng so với đường bờ biển, khi cần có thể lập các tuyến đường bay cho tên lửa một cách linh hoạt mà không bị bó buộc cứng nhắc vào các khu vực hiệu chỉnh của hệ thống so sánh cực trị TERCOM và có tính tới bề mặt địa hình.

Tên lửa có thể lắp 2 loại phần chiến đấu: xuyên phá-mảnh lắp trong vỏ titan hay cassette (chùm) lắp các đạn con tự dẫn. Người ta đang dự kiến cải thiện khả năng xuyên của phần chiến đấu dạng xuyên và tăng cường uy lực phá-mảnh chống các mục tiêu có mức bảo vệ trung bình nhờ sử dụng thuốc nổ mạnh uy lực hơn.

Biến thể TLHT phóng từ biển Tomahawk BGM-109C Bloc 3 là bước tiếp theo nhằm nâng cao độ tin cậy tiếp cận mục tiêu nhờ sử dụng hệ thống đạo hàng vệ tinh, nhờ đó cho phép giải quyết một loạt các nhiệm vụ mà hệ thống hiệu chỉnh quang-điện tử không thể thực hiện như hiệu chỉnh trong sương mù, trong điều kiện thời tiết phức tạp, khi bay trên địa hình sa mạc, trong băng và trên biển.

Để nâng cao khả năng chống nhiễu cho hệ thống vệ tinh, đã đề xuất sử dụng thiết bị NAVSTAR có khả năng chống nhiễu lắp anten lưới thích ứng, hệ thống dẫn quang-điện tử giai đoạn cuối mới DGSMAC-2А với thiết bị nhìn đêm quang-điện tử mới, nên cho phép thực hành dẫn tới mục tiêu trong đêm.

Mặc dù chế tạo được những hệ thống mới cho phép cải thiện độ tin cậy và độ chính xác tiếp cận mục tiêu, mẫu vũ khí này vẫn có những nhược điểm nhất định. Điều đó tất yếu đòi hỏi việc cải tiến.

Trong số những nhược điểm được phát hiện có:

- thời gian chuẩn bị nhiệm vụ tác chiến (bay) còn dài;

- độ chính xác tiếp cận mục tiêu chưa đủ cao (15-20 m);

- không có khả năng tiêu diệt mục tiêu động;

- không có khả năng chuyển ngắm bắn các mục tiêu khác được phát hiện trong quá trình tên lửa đang bay.

Các nhược điểm này đã được khắc phục phần lớn ở biến thể TLHT phóng từ biển Bloc 4. Bước phát triển tiếp theo của loại vũ khí này là biến thể Bloc 5.

TLHT phóng từ biển BGM-109E Bloc 5 dùng để tiêu diệt các mục tiêu hạ tầng quân sự và công nghiệp quan trọng nhất, các mục tiêu tĩnh và cơ động.

Xuất phát từ những đánh giá khả năng chiến đấu và những tham số hiệu quả bắn thu được của TLHT phóng từ biển Bloc 2, 3, 4 trong các cuộc xung đột quân sự, đã đưa ra những yêu cầu cơ bản đối với tên lửa này: thời gian làm việc của hệ thống điều khiển trên tàu khi nhận được dữ liệu chỉ thị mục tiêu phải rất ngắn, khả năng tạo nhiều phương án khi lập kế hoạch bay và lên nhiệm vụ bắn; khả năng tấn công các mục tiêu mới phát hiện; khả năng chuyển ngắm bắn cho tên lửa khi bay trên không; nhận thông tin về địch và mức độ thiệt hại trong thời gian thực; độ chính xác bắn cao hơn.

Người ta sử dụng cho tên lửa này hệ thống tự động hoá lập kế hoạch các khu vực bay tuần hành LARIAТ, bao gồm thiết bị hiển thị tình huống chiến thuật cho phép lên các đường bay cho TLHT phóng từ biển ở các khu vực lựa chọn, đánh giá hiệu quả các nhiệm vụ được lập kế hoạch và hiển thị hình ảnh tình huống chiến thuật.

Một trong những khó khăn chính khi lập kế hoạch và phân công tấn công là việc không có hay chỉ có thông tin cũ về tình trạng các mục tiêu cần tấn công và về sự thay đổi tình hình trong khu vực tác chiến. Để giải quyết nhiệm vụ này, trong phần đầu tên lửa dự kiến lắp một camera video.

Để mở rộng khả năng tiêu diệt mục tiêu động, TLHT phóng từ biển có khả năng bay tuần hành trong vòng 2 giờ tại một khu vực đã định và sử dụng kênh truyền dữ liệu để phản ứng linh hoạt với sự thay đổi của tình huống chiến dịch-chiến thuật và của thông tin về mục tiêu. Thời gian chuyển ngắm sang mục tiêu khác sẽ chỉ mất vài phút.

Nhằm nâng cao độ chính xác bắn của TLHT phóng từ biển, dự định lắp hệ tự dẫn truyền hình, cho phép nhận dạng mục tiêu định trước bằng cách so sánh nó với hình ảnh thật của mục tiêu. Người ta cũng dự định lắp hệ dẫn laser giai đoạn cuối, cho phép nâng độ chính xác dẫn lên đến 1 mét.

Các bộ phận chính của thiết bị này là một bộ điều phối quang-điện tử với phân hệ tạo và điều khiển tia laser, máy phát bức xạ và máy phân tích hình ảnh. Bằng cách phối hợp các mô hình 3 chiều của hình ảnh thực tế và hình ảnh mẫu, máy phân tích sẽ có thể nhận dạng mục tiêu và lựa chọn điểm ngắm tối ưu (Máy tính số trên khoang TLHT phóng từ biển Tomahawk có khả năng lưu giữ tới 100 mục tiêu trong bộ nhớ).

TLHT phóng từ biển Tomahawk Bloc 5 sẽ nâng cao đáng kể khả năng công kích các mục tiêu hạ tầng quân sự và công nghiệp, cũng như các mục tiêu tĩnh và động mới phát hiện trong thời gian thực.

Ngoài độ chính xác dẫn cao hơn, tên lửa này còn có đặc điểm là khả năng tự lập lên nhiệm vụ bay; khả năng đa phương án khi lên nhiệm vụ bắn và lên đường bay; thực hiện các đòn tấn công "theo yêu cầu" có tính đến các toạ độ được chính xác hoá hay tấn công các mục tiêu mới phát hiện; thời gian phản ứng ngắn và quãng thời gian ngắn giữa các lần phóng tên lửa; khả năng chuyển ngắm tên lửa khi bay; tiêu diệt được nhiều loại mục tiêu; khả năng tương thích với các hệ thống điều khiển chiến đấu hải quân khác nên cho phép điều phối các cuộc tấn công bằng tên lửa.Không thể không lưu ý đến việc các TLHT này cũng có những nhược điểm cố hữu (trước hết là ở các biến thể đầu).

Một trong những nhược điểm chính là thời gian cần để chuẩn bị chiến đấu, lập và thực hiện nhiệm vụ bay cho TLHT phóng từ biển là dài. Chẳng hạn, trong chiến dịch Desert Storm, đã phải mất 80 giờ để đưa mỗi quả Tomahawk tới mục tiêu, đến mùa xuân năm thì chỉ còn mất một ngày đêm cho việc này.

Các chuyên gia cũng lưu ý tới việc đường bay của TLHT bị phụ thuộc cứng nhắc vào đặc điểm chia cắt nhất định của bề mặt địa hình. Vì thế, người ta buộc phải phóng một số lượng lớn TLHT bay theo cùng một đường bay hay một số đường bay nằm gần nhau. Do đó, nếu dự báo được đường bay của TLHT sẽ dễ dàng thiết lập hệ thống PK nhiều tầng cho mục tiêu cần bảo vệ.

Để xác định các đường bay cho TLHT, cần phải sử dụng các tổ hợp tạo mô hình cho phép đánh giá các hướng nguy hiểm và phân phối hiệu quả các lực lượng và phương tiện PK.

Khi đó, các nhiệm vụ chính của việc xây dựng hệ thống PK là:

- Xác định các đường bay có thể của TLHT;

- Xây dựng hệ thống cảnh giới, báo động TLHT khép kín, nhiều tầng, có chiều sâu;

- Sử dụng các máy bay radar báo động sớm;

- Thiết lập hệ thống PK nhiều tầng, có chiều sâu, bao gồm KQ tiêm kích, các tổ hợp TLPK tầm trung và ngắn, pháo PK;

- Điều khiển liên tục hệ thống PK với độ tin cậy và khả năng chống nhiễu cao;

- Sử dụng các hoạt động hỗ trợ bảo đảm - gây nhiễu đối với các vệ tinh đạo hàng, dùng khói ở cự ly cách mục tiêu bị tấn công 25-30 km và sử dụng các vật cản hồng ngoại để làm trục trặc các hệ dẫn quang-điện tử và truyền hình giai đoạn cuối, sử dụng các khí cầu có điều khiển. Người ta cũng ghi nhận hiệu quả tác chiến thấp của TLHT khi tấn công các mục tiêu cần tiêu diệt ngay về thời gian hay mục tiêu di chuyển.

Với nhịp độ hiện đại hoá và cải tiến TLHT hiện nay, phạm vi nhiệm vụ mà TLHT có thể đảm nhiệm sẽ còn mở rộng hơn nữa. Đồng thời, việc liên tục nghiêm cứu, bám nắm những khả năng của các hệ dẫn giai đoạn cuối hiện đại hoá của TLHT sẽ cho phép đối phó hiệu quả với loại vũ khí này.

  • Nguồn: Đại tá, PTS KHQS Piotr Maloi - VKO.N2(39) 2008

Print Print E-mail Print